CEO Techcombank: Không tập trung tăng dư nợ, mà tăng trưởng bảng tài sản bền vững

P.V| 07/02/2018 08:30

Năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đạt lợi nhuận trước thuế gấp đôi năm liền trước – với mức 8.036 tỷ đồng.

CEO Techcombank: Không tập trung tăng dư nợ, mà tăng trưởng bảng tài sản bền vững

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lên tới 30,7%, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,69%, cao nhất toàn ngành. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank lý giải về kết quả trên.

* Thưa ông, năm vừa qua Techcombank đạt kỷ lục lợi nhuận với 8.036 tỷ đồng trước thuế. Trong khi đó, tín dụng của Techcombank chỉ tăng 15,9%, thấp hơn nhiều so với bình quân ngành (18,17%); tỷ lệ cho vay trên huy động cũng chỉ ở mức 76,6%. Vì sao tăng trưởng tín dụng của Techcombank khá thấp như vậy?

- Mong muốn của Hội đồng Quản trị Techcombank cũng như cá nhân tôi là xây dựng một ngân hàng có hệ thống vững mạnh trong mọi tình huống biến chuyển trên thị trường. Để làm được điều đó thì ngân hàng không tập trung tăng mạnh dư nợ, mà tăng trưởng bảng tài sản ở mức độ bền vững.

Hình thức có vẻ giống nhau nhưng bản chất là khác. Như năm 2017 vừa qua, Techcombank đạt được doanh thu lớn, nhưng ngược lại mức độ tăng trưởng của bảng cân đối không lớn. Đó là do chúng tôi đã chuyển hướng sang những khách hàng vay vốn có hiệu quả cao và rủi ro thấp, từ đó doanh thu và lợi nhuận cùng tăng đều lên.

Hơn thế nữa, khi làm việc nhiều với khách hàng có quy mô trung và vừa, chúng tôi nhận thấy vấn đề của họ không chỉ là vốn vay hay lãi suất cao, mà phần nhiều là chi phí tài chính cao – những chi phí bảo lãnh, thư cam kết, chuyển đổi ngoại tệ… Thành thử, nếu ngân hàng chỉ tập trung vào giảm lãi suất, cho vay, thì không giải quyết được toàn diện các vấn đề của doanh nghiệp.

Định hướng của Techcombank là không tăng trưởng tín dụng nhiều, mà tập trung vào giải quyết, xử lý các vấn đề tài chính của doanh nghiệp nhằm giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp, và từ đó họ giao dịch qua Ngân hàng nhiều hơn dẫn đến doanh thu tăng lên.

* Như vậy có thể hiểu là mảng dịch vụ đã đem đến phần đáng kể doanh thu và lợi nhuận cho Techcombank trong năm vừa qua?

- Đúng vậy. Năm 2017, chúng tôi tiếp tục chiến lược đa dạng nguồn doanh thu và tăng dịch vụ khách hàng. Thu nhập ngoài lãi tăng mạnh, tỷ trọng trên tổng thu nhập tăng từ 31,7% lên 45%.

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, các chỉ số ROE và ROA cao cũng có từ việc duy trì được tỷ lệ biên thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức cao, mặc dù Techcombank không tham gia cho vay tiêu dùng lãi suất cao. Thay vào đó, ngân hàng tập trung quản lý tốt chi phí huy động thông qua tăng tỷ lệ tiền gửi thanh toán liên tục  trong những năm qua. Ngoài ra, tỷ lệ thu nhập phí thuần năm qua cũng tăng lên, trong đó nguồn thu phí dịch vụ bảo hiểm tăng đều trong 2017.

Và như mọi người đã biết, Techcombank đã tất toán xong nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cũng như kiểm soát tốt nợ xấu ở 1,6% để hạn chế ảnh hưởng đến lợi nhuận.

* Theo báo cáo thì chốt quý 3/2017 tín dụng của Techcombank giảm, nhưng kết năm vẫn tăng 15,9%, ông có thể giải thích điều này? Liệu có sự “thần kỳ” nào đó trong quý 4 không?

- Theo thông lệ, các báo cáo được lập vào thời điểm cuối kỳ như cuối tháng 3, cuối tháng 6… Nhưng những con số báo cáo trong các thời điểm này không phản ánh được toàn bộ dòng tiền chảy.

Ngân hàng chúng tôi tập trung nhiều về cho vay ngắn hạn, nên thường vào cuối kỳ là đến nhịp đáo hạn của doanh nghiệp. Đến cuối năm, các khoản vay ngắn hạn thường được giữ lại qua Tết. Vì vậy, nếu nhìn về dòng tiền thì không giảm, nhưng nếu cắt theo từng thời điểm, dĩ nhiên có những lúc không giống nhau, phụ thuộc vào chu kỳ đáo hạn của khách hàng.

* Theo báo cáo, Techcombank có tỷ trọng cho vay mua nhà khá lớn năm qua. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước đang chủ trương kiểm soát chặt cho vay bất động sản, vậy thì ảnh hưởng liên quan thế nào, thưa ông?

- Tôi muốn giải thích rõ hơn hai khái niệm này. Định hướng kiểm soát chặt chẽ cho vay đầu tư bất động sản khác với việc cho vay mua nhà.

Tại Techcombank, chúng tôi không tập trung cho vay mua nhà để bán lại hoặc cho thuê lại, mà hầu hết cho vay mua để ở. Khách hàng vay mua nhà của chúng tôi có nguồn trả nợ chứng minh cụ thể mà không dựa trên nguồn thu kinh doanh bất động sản.

Với khách hàng doanh nghiệp, chúng tôi không lựa chọn phân khúc chiến lược là các chủ đầu tư, mà đẩy mạnh cung cấp cho các dịch vụ đấu thầu, cung cấp đầu vào, các công ty xây dựng, thi công để phục vụ cho tiến độ dự án nhanh hơn.

Về quy định quản trị rủi ro, cho vay đầu tư bất động sản thì hệ số rủi ro áp 200%, còn những khoản vay mua nhà để ở chỉ 50% thôi. Như đề cập ở trên, chúng tôi không đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đối với những nhà đầu tư BĐS, cũng như tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) chỉ khoảng 76%, là định hướng chiến lược để đảm bảo an toàn.

* Trở lại với kết quả lợi nhuận, quy mô lên tới hơn 8.000 tỷ đồng đạt được trong 2017 theo ông liệu có tạo một tham chiếu quá lớn cho áp lực tăng trưởng năm 2018 không?

- Tôi khẳng định là không. Khi nhìn báo cáo tài chính sẽ thấy doanh thu mỗi năm chúng tôi tăng đều, khoảng 20% mỗi năm. Lợi nhuận có vẻ tăng nhanh hơn.

Nhưng để làm rõ hơn, xem lại năm 2017 chúng tôi tất toán được hết tất cả các khoản nợ xấu tồn đọng từ năm 2008 đến 2012; ngay cả phần nợ xấu đã bán cho VAMC chúng tôi cũng đã mua lại hết, đưa ra khỏi bảng cân đối.

Một khi nợ xấu đã được xử lý nhiều, ảnh hưởng của nó đối với lợi nhuận ngày càng ít đi, và khoảng cách giữa lợi nhuận với doanh thu theo đó ngày càng gần hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CEO Techcombank: Không tập trung tăng dư nợ, mà tăng trưởng bảng tài sản bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO