Bao giờ không phải là “lộc trời”?

LÊ LOAN| 24/08/2011 02:51

Không rầm rộ như những lĩnh vực đầu tư khác nhưng nghề nuôi chim yến tại gia (còn gọi là yến nhà) cũng đang trở thành cơn sốt tại nhiều địa phương.

Bao giờ không phải là “lộc trời”?

Không rầm rộ như những lĩnh vực đầu tư khác nhưng nghề nuôi chim yến tại gia (còn gọi là yến nhà) cũng đang trở thành cơn sốt tại nhiều địa phương.

Diễn giả tham dự hội thảo - Ảnh: Quý Hòa

Nuôi chim yến vừa hướng tới cơ hội trở thành một ngành công nghiệp mới mẻ, vừa đặt ra nhiều vấn đề về quản lý và đầu tư. Hội thảo với chủ đề “Chim yến: nguồn lợi không tự nhiên mà có!” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) và Ban Chỉ đạo Nông nghiệp-Nông thôn TP.HCM tổ chức, có thêm nhiều câu trả lời cho các nhà đầu tư nuôi chim yến.

Một vốn bốn lời

Điển hình, dự án nhà nuôi yến thí điểm (gồm 3 căn liên kế) của Công ty TNHH Yến Đất Việt (Yến Đất Việt) tại ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, xây dựng cách đây vài năm, với mức chi phí (bao gồm xây dựng và lắp đặt hệ thống máy phun sương, đo nhiệt độ, âm thanh...) khoảng từ 1,5 tỷ đồng/mỗi căn với ý định “nuôi thử”.

Song, đến nay, thành công đã vượt ra ngoài sự mong đợi, nhà yến cho khoảng 45kg tổ yến/mỗi tháng, với giá bán trung bình từ 37 - 45 triệu đồng/kg.

Như vậy, chỉ cần thu hoạch 4 tháng, Yến Đất Việt đã có thể lấy lại vốn đầu tư. Theo đó, đến nay, sau hơn mấy năm triển khai dự án này, trị giá của việc “làm chơi, ăn thiệt” của Yến Đất Việt đã đạt đến con số trên 100 tỷ đồng.

Ông Phạm Trọng Đức, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, TP.HCM, cho biết, trong phạm vi đề án nuôi thí điểm chim yến tại huyện Cần Giờ cho thấy tỷ lệ thành công rất cao.

Riêng năm 2010, huyện Cần Giờ thu được 400kg/101 căn. Giá thị trường khoảng 35 triệu đồng/kg yến thô, mang đến tổng trị giá tổ yến của Cần Giờ đạt khoảng 14 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có đầy đủ tiềm năng để phát triển ngành nuôi yến mang lại lợi nhuận cao, giá trị xuất khẩu lớn và hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Tuy đầu tư lớn nhưng đầu ra cũng rất khả quan, nhu cầu về các sản phẩm từ tổ yến trên thị trường thế giới ngày càng lớn, giá mặt hàng này cũng rất cao.

Hiện nay, một kg yến thông thường có giá trung bình khoảng 40 triệu đồng, yến huyết có giá từ 60-90 triệu đồng. So với các nước đang đứng nhất nhì thế giới về nguồn tổ yến như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia, thì trị giá của tổ yến Việt Nam lại cao hơn bởi có độ thơm tự nhiên từ tinh chất của yến.

Đi tìm mô hình bền vững

Không chỉ tại Cần Giờ, nhiều nhà đầu tư đã triển khai dự án nhà nuôi chim yến ở khắp các tỉnh khu vực Đông Nam bộ như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quy Nhơn (Bình Định), Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, (Cần Giờ) TP HCM, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang...Mặc dù vậy, cũng có không ít nhà đầu tư buộc “bỏ của chạy lấy người” vì không có kết quả.

TS. Lê Võ Định Tường, Viện Công nghệ Hóa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết đến nay, nghề nuôi chim yến không còn dựa vào yếu tố may rủi mà phụ thuộc phần lớn vào kỹ thuật nên xu hướng thành công là khá cao nếu biết tận dụng.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Tất Hữu, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Viễn thông Trọng Nhân, hiện đang sở hữu 5 nhà nuôi yến trên địa bàn tỉnh Bình Định và Huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết, yếu tố kỹ thuật khá quan trọng, quyết định sự thành công của nuôi chim yến và điều kiện tiên quyết là vùng có chim yến cư ngụ.

Tuy nhiên, hoạt động nuôi yến nhà tại Việt Nam còn mang tính tự phát, chưa được định hướng phát triển cụ thể khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn vì thiếu thông tin, chính sách và hỗ trợ kỹ thuật. Cụ thể như: giấy phép xây dựng nhà nuôi yến, phương thức đánh thuế, quy hoạch khu vực nuôi, vệ sinh môi trường...

Ngay tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà đầu tư cũng đồng loạt kiến nghị với các Sở, ban, ngành có liên quan sớm có những hỗ trợ, định hướng để ngành nuôi chim yến phát triển.

Theo đó, các đại biểu cũng đưa ra đề nghị thành lập hiệp hội của nghề nuôi chim yến, tạo đầu mối hỗ trợ kỹ thuật, thông tin cũng như vốn cho những doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Trong việc quy hoạch vùng nuôi, yếu tố cân bằng sinh học và bảo vệ môi trường sống cần phải được chú trọng.

“Lời khuyên của tôi là chúng ta không nên phát triển nghề nuôi chim yến tại nội thành mà nên nuôi chim yến ở những khu ngoại thành, như Cần Giờ chẳng han. Ở đó có những điều kiện tốt như có sông ngòi, cây cối... Đó là việc làm cần thiết để chúng ta bảo vệ môi trường sống”, PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bao giờ không phải là “lộc trời”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO