Bài 1: Đua số lượng, giành quy mô

HỒNG NGA| 13/05/2010 00:03

Những khó khăn về kinh tế không làm các nhà đầu tư chùn chân trong cuộc đua mở rộng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam...

Bài 1: Đua số lượng, giành quy mô

Sau một năm rưỡi mở của hoàn toàn cho nhà đâu tư (NĐT) nước ngoài, bản đồ thị trường bán lẻ Việt Nam đã hình thành rõ nét hơn, không chỉ rõ về mảng, miếng, phân khúc, mà các NĐT trong và ngoài nước cũng đã cho thấy rõ chiến lược đầu tư tổng thể trong thời gian tới. Khi các bên đã ngã ngũ thì cuộc đua trong thị trường này càng quyết liệt hơn, cả về quy mô lẫn số lượng

Những khó khăn về kinh tế không làm các NĐT chùn chân trong cuộc đua mở rộng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. Các trung tâm thương mại, siêu thị ồ ạt xuất hiện với quy mô ngày một lớn. Thị trường sức mua lớn, tiềm năng cao nên vấn đề không phải là chờ cơ hội mà là đầu tư bao nhiêu để vượt đối thủ.

Chậm chân dễ mất phần

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song năm vừa qua thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn xuất hiện nhiều thương hiệu quốc tế mới như Naf Naf, Morgan de Toi, Mexx, Aldo, Hard Rock Café, Debenhams. Xu hướng này cho thấy, cơ hội tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất lớn và tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2010, mở ra nhiều cơ hội cho các NĐT trong và ngoài nước.

Trong tháng Tư vừa qua, có đến 6 siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) đi vào hoạt động. Trong đó, chỉ riêng Saigon Co.op đã có đến hai siêu thị được khai trương tại TP.HCM và Hà Nội. Siêu thị đầu tiên của Saigon Co.op ra mắt người dân Hà Nội có diện tích đến 7.500m2 với tổng vốn đầu tư lên đến 74 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Tranh, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Sài Gòn Co.op (SCID), cho biết, dự kiến vào trung tuần tháng 6/2010, Saigon Co.op sẽ khai trương siêu thị Co.opmart Gò Vấp. Nằm trong kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị Co.opmart lên 100 siêu thị trong cả nước đến năm 2015, năm 2010 này Saigon Co.op dự kiến phát triển thêm từ 10 - 12 siêu thị Co.opMart.

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống Co.opMart đã có 44 siêu thị, trong đó 20 siêu thị tại TP.HCM và 24 siêu thị tại các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và Hà Nội. Hiện tại, SCID đang tiếp tục tìm kiếm mặt bằng, ký kết với các công ty xây dựng để khai thác hiệu quả các dự án kinh doanh siêu thị và TTTM trên toàn quốc.

Theo Bộ Công Thương, sau một năm tiếp tục lộ trình mở cửa, thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt qua suy thoái với con số ấn tượng. Doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt gần 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008. Trên đà khởi sắc của thị trường tiêu dùng nội địa, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ được nhận định sẽ còn tiếp tục tăng trên 20% trong năm 2010, ước đạt 1.440 nghìn tỷ đồng. Dựa vào triển vọng này, Công ty Nghiên cứu thị trường Toàn Cầu RNCOS (Mỹ) cũng dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt doanh số 85 tỷ USD vào năm 2012.

Một nữ doanh nhân đang sở hữu chuỗi bán lẻ lớn tiết lộ, dù gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng bà cũng mạnh dạn “tung hết” vốn liếng trong dịp này để mở rộng chuỗi siêu thị hiện tại. Bởi vì, theo nhận định chung, các thương hiệu bán lẻ lớn của nước ngoài cũng đang rốt ráo đầu tư vào thị trường Việt Nam. Nếu không nhanh chân đầu tư mở rộng, chắc chắn các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước sẽ không còn lợi thế.

Cũng trong tháng Tư, Maximark đã khai trương TTTM rộng 20.000m2 trên đường 3 Tháng 2 (nền siêu thị cũ trước đây) tại Q.10, TP.HCM. Citimart thì mua lại quyền kinh doanh của hệ thống siêu thị Family Mart (Malaysia) trong các TTTM Parkson. Còn Công ty Dịch vụ Thương mại Địa ốc Ánh Linh thì mở TTTM Ánh Linh tại số 20 đường 3 Tháng 2.

Tất nhiên, ấn tượng nhất là sự xuất hiện của Vincom Center Shopping Mall (thuộc Tập đoàn Vincom). Đây là TTTM có quy mô lớn nhất Việt Nam, được xây dựng để trở thành “thiên đường mua sắm” gồm các dịch vụ tiện ích trọn gói: các cửa hàng thời trang, siêu thị, ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí... với tổng diện tích gần 58.000m2 và ba tầng hầm khoảng 40.000m2 dành cho bãi đậu xe.

Theo ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vincom, riêng chi phí đất và đền bù giải phóng mặt bằng của dự án này sau khi được phê duyệt chính thức đã lên đến 1.900 tỷ đồng. Mức đầu tư khổng lồ này cho thấy sự quyết liệt trong nỗ lực giành các “vị trí vàng” trong thị trường bán lẻ Việt Nam.

Không chỉ có các DN trong nước đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, các tập đoàn nước ngoài cũng đang ráo riết mở rộng hệ thống kinh doanh tại Việt Nam. Điển hình là Parkson với việc khai trương TTTM Parkson Flemington - trung tâm mua sắm thứ sáu của DN này tại Việt Nam.

Trước đó, giữa tháng 12, trung tâm mua sắm Kumho Asiana Plaza với diện tích gần 7.000m2 do Công ty Colliers International quản lý cũng đã khai trương. Metro thì khánh thành và đưa vào hoạt động trung tâm bán sỉ tự phục vụ tại Biên Hòa (Đồng Nai).

Cửa đã mở nhưng nhà còn trống

Trao đổi với Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Steven H L Gol, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Singapore, kiêm Giám đốc Công ty Retail Asia Publishing, đã từng cho rằng: “Thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất sơ khai vì còn quá nhiều tiệm tạp hóa. Nếu coi các đơn vị kinh doanh theo mô hình hiện đại (cửa hàng tự chọn, siêu thị, TTTM) là những đơn vị có tổ chức và các tiệm tạp hóa là mô hình kinh doanh không có tổ chức thì tỷ lệ kinh doanh có tổ chức và không tổ chức tại Việt Nam là 20% và 80%”.

Trong khi đó, tại các thị trường phát triển như Seoul, Hồng Kông và Đài Loan, tỷ lệ này là 80% và 20%. Ở Nhật Bản, mô hình bán lẻ hiện đại chiếm đến 90% (10% cho cửa hàng tạp hóa), ở Trung Quốc tỷ lệ này là 60% hiện đại, 40% theo truyền thống. Bên cạnh đó, các yếu tố như dân số trẻ, đông và thu nhập đang tăng cũng góp phần giúp ngành thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển.

Cùng quan điểm trên, ông Darin Williams, Giám đốc Điều hành Công ty Nielsen Vietnam, cho rằng, trước sự phục hồi của nền kinh tế sau khủng hoảng, kênh bán hàng hiện đại vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Thống kê của Nielsen Vietnam cho thấy, thị trường bán lẻ đã tăng trưởng 16% về số lượng cửa hàng và tiếp tục chứng minh là kênh tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng.

Mặc dù kênh bán hàng hiện đại tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực. Đây chính là tiềm năng lớn cho các NĐT. Trên thực tế, Việt Nam đã "mở cửa hoàn toàn" cho các DN 100% vốn nước ngoài được tham gia thị trường bán lẻ kể từ ngày 1/1/2009. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau hơn một năm mở cửa, thị trường Việt Nam vẫn thiếu vắng những tên tuổi bán lẻ lớn như Wal Mart (Mỹ), Dairy Farm (Singapore), Carrefour (Pháp)...

Ai thâu tóm thị trường?

Thị trường càng phát triển thì môi trường cạnh tranh càng khốc liệt hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Việt Nam, hiện nay, Co.opMart vẫn là chuỗi siêu thị mạnh nhất, nhưng vị trí này đang bị đuổi bám quyết liệt, đặc biệt là từ áp lực của NĐT nước ngoài. Số chưa có mặt thì nhăm nhe “đổ bộ” vào, còn số đã đầu tư tại Việt Nam thì công bố tiếp tục mở rộng mạng lưới. Trong đó, Lotte Mart sẽ khai trương trung tâm thứ hai trên đường Lê Đại Hành (Q.11, TP.HCM)) trong tháng Năm này.

Không chỉ thế, NĐT này còn cho biết sẽ mở thêm 28 TTTM khắp các thành phố lớn của Việt Nam từ nay đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD. Parkson hiện cũng đang tìm kiếm mặt bằng để hoàn tất kế hoạch 10 TTTM tại Việt Nam cho đến năm 2015. Ông Randy Guttery, Tổng giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam cho biết, mặc dù đã có 9 trung tâm bán sỉ tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai và hai trạm trung chuyển phân phối tại Bình Dương và Lâm Đồng nhưng Metro vẫn tiếp tục khởi công thêm ba trung tâm bán sỉ tại An Giang, Bình Dương, Bình Định. Trong đó, trung tâm thứ 11 được khởi công tại Bình Định vào ngày 7/5 vừa qua.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, đây là cuộc cạnh tranh không cân sức. Bởi vì, các nhà bán lẻ nước ngoài đều là những nhà bán lẻ lớn, họ có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này và quan trọng hơn là tiềm lực về kinh tế cũng như tài chính của họ rất mạnh. “Họ có thể trả giá cao cho những vị trí trung tâm, hay chấp nhận kinh doanh lỗ 7 - 10 năm chỉ để có mặt trên thị trường. Trong khi các DN Việt Nam chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, tiềm lực kinh tế, tài chính còn yếu nên khó có thể cạnh tranh nổi với các DN nước ngoài”, bà Loan nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cũng thừa nhận: “So với các NĐT nước ngoài, DN Việt Nam không chỉ thua về tài chính mà thua cả về quản lý, đặc biệt là trong kinh doanh TTTM”. Chính vì vậy, hiện nay các TTTM hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hầu hết đều thuộc NĐT nước ngoài. Chẳng hạn, tại TP.HCM, ba “thương hiệu lớn” trong lĩnh vực này đều là thuộc các công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài như Diamond Plaza (có vốn của Hàn Quốc), Parkson Plaza (của Malaysia), Zen Plaza (Nhật Bản)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: Đua số lượng, giành quy mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO