3 người đàn ông và tư duy toàn cầu

19/05/2012 09:58

Trong lúc nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lung túng trước viễn cảnh khó khăn trong kinh doanh thì những người đến từ bên ngoài lại nhìn thấy một tương lai hứa hẹn.

3 người đàn ông và tư duy toàn cầu

Trong lúc nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lung túng trước viễn cảnh khó khăn trong kinh doanh thì những người đến từ bên ngoài lại nhìn thấy một tương lai hứa hẹn.

Ông Arthur Dontje - Chủ tịch tập đoàn Dobla

Tháng 4/2012, một doanh nhân đến từ Hà Lan đã bắt tay với một Việt kiều Bỉ xây dựng Học viện Bánh ngọt Dobla tại Vũng Tàu. Số tiền đầu tư là 66 triệu USD. Học viện có diện tích 5.000m2, được xây dựng tại KCN Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều đáng nói là khi khai trương học viện này, nhà đầu tư Hà Lan đã không ngần ngại mời một đoàn khách gần 50 người là các khách hàng, đối tác từ châu Âu tới Việt Nam.

Chương trình vui chơi 3 ngày dành cho đoàn khách VIP này được lên kế hoạch chu đáo từ A-Z. Khách được nghỉ tại những khách sạn 5 sao, đi tham quan những điểm du lịch có chọn lọc.

Đáng nói hơn, trong chương trình tham quan, doanh nhân Hà Lan này dành hẳn một buổi đưa các khách quý đi tham quan vườn trồng cây cacao, một thành phần chính để làm chocolate.

Ít ai biết rằng, để đưa khách đi tham quan vườn cây cacao chỉ vỏn vẹn có khoảng 45 phút, trước đó vị doanh nhân này đã phải chi tiền để ông chủ vườn cacao nâng cấp nhà vệ sinh thật sạch sẽ, bài trí hẳn một khu vực riêng trưng bày sản phẩm cũng như các thiết bị mô phỏng quy trình chế biến cacao thành bột…

Các quan khách đến từ châu Âu có người là khách hàng, có người làm việc trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng… đã được nhìn tận mắt, sờ tận tay, ngửi, nếm sản phẩm từ khâu đầu tiên cho đến thành phẩm (những thỏi chocolate, những thành phẩm trang trí trên bánh…).

Trái cacao của Việt Nam chỉ là một phần rất nhỏ trong chuỗi cung ứng bánh ngọt toàn cầu mà từ đây với thương hiệu Dobla, hàng triệu sản phẩm trang trí trên bánh sẽ được quay vòng khắp thế giới mà người quyết định mua sản phẩm này không ai khác chính là những vị khách được mời đến tham quan, hay những đầu bếp khắp thế giới được Viện Dobla đào tạo.

Ông chủ Dobla cho biết, tất cả các sản phẩm từ nhà máy ở Vũng Tàu sẽ xuất khẩu ra nước ngoài. Còn thị trường Việt Nam, hiện tại vẫn là quá nhỏ để Dobla nghĩ đến.

Ông Micheal Huyng, nhà sản xuất phao chống lũ theo công nghệ Hà Lan

Là một Việt kiều Hà Lan, một kỹ sư và nhà đầu tư, ông Micheal Huyng rất tự tin vào triển vọng đầu tư vào Việt Nam. Công nghệ làm phao ngăn lũ được một người Hà Lan phát minh và đã được đăng ký độc quyền tại 130 quốc gia.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống này khá đơn giản: khi lũ đến, nước sẽ tràn vào thùng chứa và đẩy phao nổi lên, ngăn nước không tràn vào. Nhà máy mà ông xây dựng ở Bình Dương hiện nay đang sản xuất và bán hàng đi khắp thế giới.

Ông không cần phải tiếp thị, chào hàng, bởi phát minh và sáng chế này đã được công nhận về giá trị vượt trội. Khách hàng chỉ mua hàng mà không cần biết nó được sản xuất từ đâu. Lợi nhuận từ việc bán phao ngăn lũ được chia ra sòng phẳng: người phát minh, nhà sản xuất, nhà phân phối (độc quyền)… Ông Micheal Huyng chỉ là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của sản phẩm này.

Ông Sonny Vũ, CEO của Misfit Wearables

Cuối tháng 4/2012, ông Sonny Vũ, CEO và là người sáng lập công ty Misfit Wearables (một công ty chuyên sáng tạo và phát triển các sản phẩm cảm ứng phục vụ cho sức khỏe và ứng dụng y tế có trụ sở tại Mỹ) cùng với nhà quản trị John Sculley - cựu CEO Pepsico, đã đến TP.HCM.

Ông Sonny Vũ nói rằng, ông đến Việt Nam ngoài lý do là quê hương của ông thì tại đây ông có thể tìm thấy những con người "đẳng cấp quốc tế, những người dám dấn thân, chấp nhận mạo hiểm để tìm cách thay đổi tương lai, chứ không phải đi tìm chỗ ẩn nấp an toàn".

Trong thời gian ở Việt Nam, Sonny Vũ đã tập hợp được một đội ngũ ưng ý, một nhóm nghiên cứu khoảng 30-35 người. Cùng với nhóm sáng tạo tại Mỹ, Sonny Vũ nói rằng, ông tin những người Việt trẻ, đam mê công nghệ sẽ nhanh chóng tìm thấy môi trường làm việc, sáng tạo mới.

Trong chuyến trở lại Mỹ, ông Vũ đã mang theo 6 nhân viên mới để hợp cùng nhóm sáng tạo của Misfit ở Mỹ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra sản phẩm mới ra thị trường.

Cả ba người đàn ông này, dù mang quốc tịch nước ngoài hay có một phần dòng máu Việt Nam, họ đều có chung một tư duy toàn cầu: nhìn thấy những lợi thế chất xám, lao động, địa lý, khả năng đáp ứng của Việt Nam… trong chuỗi kinh doanh toàn cầu để phát huy, khai thác thành lợi thế kinh doanh trên thị trường quốc tế.

Nhìn họ, có thể nghiệm ra, hơn bao giờ hết tầm nhìn toàn cầu đang trở thành thách thức lớn cho doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam để tiến nhanh trên con đường kinh doanh và hội nhập toàn cầu!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 người đàn ông và tư duy toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO