Tỷ phú giàu muộn

18/08/2010 06:48

Một số người có được gia tài kếch sù từ khi còn trẻ, nhưng với nhiều doanh nhân, sự giàu có chỉ đến khi họ bước sang tuổi xế chiều.

Một số người có được gia tài kếch sù từ khi còn trẻ, nhưng với nhiều doanh nhân, sự giàu có chỉ đến khi họ bước sang tuổi xế chiều.

David Duffield

Từng là nhà quản lý của công ty lừng danh IBM, David Duffield sáng lập PeopleSoft ở tuổi 47 mà không hề nghĩ rằng công ty này sẽ đưa ông vào danh sách các tỷ phú của Forbes. Ở lần thứ tư khởi động sự nghiệp, ông cầm cố ngôi nhà để lập công ty.

“Đôi khi bạn biết chắc khi nào cơ hội đến”, ông nói.

Chẳng bao lâu sau PeopleSoft trở thành công ty cung cấp phần mềm lớn thứ hai thế giới trước khi được Oracle mua vào năm 2005. Sau thương vụ đó Duffield đã “nhảy tót” vào danh sách 400 người giàu nhất của Forbes, với tài sản ước tính 1,2 tỷ USD trong năm nay.

Duffield nói: "Thành công đến cùng thời gian, dù tôi đã mắc nhiều sai lầm trên con đường sự nghiệp".

John Sperling

John Sperling đã có một ý tưởng liều lĩnh khi đã ở tuổi ngũ tuần, song chính nó khiến ông trở nên giàu có. Là giáo sư ngành nhân văn tại Đại học tổng hợp San Jose, Mỹ, cuộc đời ông thay đổi vào năm 1972 khi ông được chỉ định điều hành một hệ thống các lớp học do liên bang thành lập. Các lớp học này giúp cảnh sát và các giáo viên làm việc với những tội phạm vị thành niên. Sperling ngạc nhiên khi thấy những người lớn tuổi trong chương trình muốn học thêm nữa, bởi họ có rất ít cơ hội tham gia những chương trình như vậy.

Năm 1976 khi ở tuổi 53, ông rời Đại học San Jose và sáng lập một trường mang tên Đại học Phoenix. Với sự kiện này, ông là một trong những người tiên phong trong phong trào giáo dục vì lợi nhuận ở Mỹ. Sau đó ông lập công ty dịch vụ giáo dục Apollo Group và cổ phiếu của công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán khi ông bước sang tuổi 73.

Trong một cuốn tự truyện mang tên “Nổi loạn vì một sứ mệnh”, Sperling tâm sự: “Cho dù đã kiếm được nhiều tiền bạc, tôi vẫn là một nhà doanh nghiệp ngẫu nhiên và một giám đốc điều hành tình cờ”.

Cựu giáo sư này cho rằng trải nghiệm rủi ro là điều sống còn đối với doanh nhân. Ông phát biểu: “Chúng tôi đã xâm nhập nhiều điều bất khả xâm phạm trong lĩnh vực học thuật".

Dietrich Mateschitz

Có lẽ Dietrich Mateschitz là tỷ phú duy nhất trên thế giới học đại học tới 10 năm. Dù học ngành tiếp thị, trong thời gian học ông chạy từ trường này sang trường khác để kiếm sống bằng nghề huấn luyện viên trượt tuyết.

“Cuộc sống sinh viên thật thú vị", tỷ phú người Áo phát biểu trên Forbes năm 2005.

Sau khi tốt nghiệp Mateschitz chuyển sang nghề tiếp thị. Chu du tại châu Á trong khi làm cho công ty mỹ phẩm Blendax tại Đức, Mateschitz ngạc nhiên trước sự phổ biến của những loại đồ uống xi-rô bổ dưỡng. Người tiêu dùng mua chúng vì cho rằng chúng giúp phục hồi sức khỏe.

Tình cờ, người hưởng quyền kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu của hãng Blendax tại Thái Lan, ông Chaleo Yoovidhya, cũng có một công ty nước uống dinh dưỡng. Bằng cách tạo lập quan hệ đối tác với Yoovidhya, năm 1987, khi ở tuổi 48, Mateschitz bắt đầu bán một phiên bản được cải tiến của loại đồ uống này tại phương Tây. Ông đặt tên cho nó là Red Bull.

Là một người mê thể thao, Mateschitz xây dựng một hình ảnh đầy năng lượng cho Red Bull bằng việc tài trợ cho các đoàn vận động viên và các cuộc thi đấu thể thao đỉnh cao như giải trượt tuyết ván hay đua xe đạp BMX.

Thành công trong việc quảng bá sản phẩm Red Bull biến Mateschitz thành một tỷ phú vào năm 1998 khi ông bước sang tuổi 59. Chỉ làm việc từ thứ hai đến thứ tư, ông hiện sở hữu một hòn đảo ở tận cùng bờ biển Fiji, một đội đua xe hơi công thức một và hai đội bóng đá mang tên Red Bull Salzburg và New York Red Bulls.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tỷ phú giàu muộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO