Truyền lửa "handmade"

LẠC LÂM| 13/12/2012 09:52

Không chỉ tự mình tạo ra các sản phẩm "handmade" bắt mắt, thu được lợi nhuận, Nam còn tự đứng ra tổ chức các lớp học, quay clip để hướng dẫn và chia sẻ kỹ năng làm đồ "handmade" cho giới trẻ.

Truyền lửa

Nam "Handmade Artist" là biệt danh của Nguyễn Phương Nam, chàng sinh viên năm cuối Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt may Thời trang Hà Nội, nổi tiếng trên các diễn đàn của giới trẻ về các sản phẩm quà tặng thủ công (handmade).

Đọc E-paper

Không chỉ tự mình tạo ra các sản phẩm "handmade" bắt mắt, thu được lợi nhuận, Nam còn tự đứng ra tổ chức các lớp học, quay clip để hướng dẫn và chia sẻ kỹ năng làm đồ "handmade" cho giới trẻ.

Ngay từ khi còn học phổ thông Nam đã tỏ ra có năng khiếu làm đồ thủ công khi luôn làm rất tốt các bài tập thủ công ở trường. Từ những sợi len, vỏ trứng..., Nam khéo léo thiết kế thành con gà, con thỏ để treo trong nhà. Nam cũng có thể biến chúng thành các loại gấu bông để tặng bạn bè và bán.

Khi lên Hà Nội học, Nam có điều kiện tìm hiểu thêm các loại mẫu mã từ các cửa hàng, trên mạng internet... để làm phong phú thêm sản phẩm của mình. Với 500 ngàn đồng bố cho, Nam mua vật liệu, kéo cắt, máy dán keo... để làm các chi tiết trang trí cho móc chìa khóa, dây móc điện thoại...

Nam làm được nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, ban đầu chỉ bán với giá 10.000 đồng/món, sau tăng dần lên 30.000 - 60.000 đồng/món. Nam dùng Facebook để quảng bá rộng rãi sản phẩm và cái tên Nam "Handmade Artist" bắt đầu được cộng đồng mạng biết đến.

Anh chàng cũng mở được một cửa hàng bán đồ "handmade" với mẫu mã, chủng loại khá đa dạng. Những sản phẩm do Nam sáng tạo thường được giới học sinh, sinh viên tìm mua.

Sau một thời gian kinh doanh, Nam đóng cửa tiệm để chuyên tâm nghiên cứu mẫu mã mới, đồng thời bắt tay thực hiện các dự án chia sẻ, hướng dẫn kỹ năng cho giới trẻ làm đồ "handmade". Nam cho biết: "Làm đồ "handmade" không chỉ để thỏa óc sáng tạo mà còn có thể kiếm ra tiền.

Trung Quốc, Hàn Quốc có hẳn một thị trường rất rộng cho loại sản phẩm này, họ cũng đi đầu về sáng tạo các kiểu dáng. Tuy sản phẩm nhỏ gọn, chỉ dùng để trang trí, nhưng có thể mang lại lợi nhuận cho người làm nếu tạo được dấu ấn. Khi làm "handmade", quan trọng nhất là phải giúp người mua gửi gắm được tâm tư, tình cảm của họ đến người được tặng".

Với suy nghĩ đó, Nam sáng lập Câu lạc bộ Handmade Việt Nam và mở các lớp dạy làm đồ thủ công cho giới trẻ. Nam cũng hạn chế nhận đơn đặt hàng của các tiệm để chú tâm tìm tòi những chất liệu mới nhằm sáng tạo những sản phẩm có ý nghĩa với tiêu chí "chất lượng bù số lượng".

Những hoạt động của Nam và bạn bè trong dự án này đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng bạn trẻ yêu thích làm đồ thủ công từ các loại giấy, vải, carton, nylon..., tạo ra các sản phẩm trang trí bắt mắt và thu được lợi nhuận.

Câu lạc bộ Handmade Việt Nam đã được một số đài truyền hình mời tham gia hướng dẫn kỹ năng làm đồ thủ công cho những khán giả yêu thích loại hình này. Nam cho biết, trong thời gian tới, Câu lạc bộ sẽ mở rộng hoạt động với nhiều dự án mới khác biệt cả về quy mô lẫn số lượng, hướng đến một thị trường đồ "handmade" sinh động, phong phú và có thể cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Truyền lửa "handmade"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO