Thành công đến từ khổ luyện

VÂN THẢO - BÍCH TRÂM - Ảnh: VY KHÁNH| 30/03/2017 09:00

Thành công là kết quả của sự khổ luyện, không phải do may mắn mà có, và càng không đến từ những con đường tắt”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - CEO Saigon Books chia sẻ tại buổi giao lưu giao lưu Doanh nhân - Sinh viên.

Thành công đến từ khổ luyện

Chuỗi giao lưu Doanh nhân - Sinh viên - một hoạt động trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 - được khởi động hôm 21/3 tại Trường Đại học (ĐH) Mở TP.HCM và buổi giao lưu thứ hai cũng diễn ra ngày hôm sau tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech).

Đọc E-paper

Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người lao động nhưng cũng tạo không ít áp lực tâm lý cho giới trẻ - những người đang ngấp nghé hoặc "chân ướt chân ráo" gia nhập thị trường lao động.

Trong khi không ít sinh viên đang băn khoăn sau khi tốt nghiệp nên đi làm thuê hay làm chủ thì rất nhiều bạn trẻ đã có kế hoạch rõ ràng cho đường lập nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Học cách nắm bắt cơ hội

Tại các buổi giao lưu với sinh viên trong chương trình GTTNLVC, các doanh nhân thành công đã không ít lần bày tỏ sự thán phục dành cho thế hệ trẻ ngày nay. Họ nhìn thấy những người trẻ tuổi tràn đầy năng lượng, ham học hỏi, và đặc biệt nhạy bén nắm bắt cái mới trong thời đại bùng nổ thông tin.

Một trong những điểm mạnh của sinh viên ngày nay là tinh thần chịu khó học tập, theo nhận định của ông Phan Công Chính - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp doanh nghiệp Toàn Cầu (GESO). Nhưng cũng vì xu hướng chuộng bằng cấp, quen tiếp thu kiến thức theo cách thụ động mà giới trẻ ít chú trọng đến việc trau dồi kỹ năng mềm, thiếu khả năng tư duy độc lập cũng như kỹ năng vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề.

Ông Nguyễn Tân Kỷ chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp với sinh viên, đồng thời nhấn mạnh việc cải thiện kỹ năng giao tiếp và trau dồi kỹ năng sống

Từng có thời gian dài học tập và làm việc tại Nga, ông Nguyễn Tân Kỷ - Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa thấu hiểu sự thiếu hụt ở học sinh, sinh viên Việt Nam. Ông cho biết, ở các nước thuộc khu vực Tây Âu, sinh viên được chú trọng phát huy năng lực ở các môn như hội họa, ca nhạc, viết lách... "Đó mới là nền tảng giúp một đứa trẻ thành công trong công việc sau này thay vì đạt điểm cao hay học tốt những môn thiếu tính ứng dụng vào thực tiễn", ông Kỷ nói.

Để bù đắp sự thiếu hụt ấy, ông khuyên giới trẻ nên cố gắng trau dồi thêm kỹ năng sống, bổ sung kiến thức văn hóa bên cạnh việc nắm vững kiến thức chuyên môn. Từ đó, sinh viên Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh với bạn bè quốc tế trên thị trường lao động. Bên cạnh đó, việc thiếu sự trải nghiệm cũng là một "thiệt thòi" rất lớn khi bạn đi làm hay mở công ty riêng. Theo các doanh nhân, có rất nhiều cách để bù đắp sự thiếu hụt này, một trong số đó là chấp nhận dấn thân.

Sinh viên ĐH Mở TP.HCM chia sẻ băn khoăn về các kỹ năng cần thiết khi lập nghiệp, khởi nghiệp

Ông Huỳnh Công Thắng - Giám đốc điều hành VICGO, huấn luyện viên tại iStartX - hệ sinh thái Internet tập trung vào hoạt động của Khu Công nghệ Phần mềm (ITP) ĐH Quốc gia TP.HCM kể, công ty của ông có một số thực tập sinh nước ngoài có tuổi đời còn rất trẻ. Họ chấp nhận bảo lưu 2 năm học để đến quốc gia khác thực tập lấy kinh nghiệm sau đó quay về hoàn tất chương trình học. Đó là một trong những cách để họ có được kinh nghiệm trong khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.

Việc học hỏi từ những người đi trước và tiếp thu những góp ý chân thành của họ cũng là một cách giúp người trẻ có được kinh nghiệm mà không "cần" phải mắc sai lầm. Tuy nhiên, "Nếu muốn thành công trong thời đại ngày nay, các bạn phải làm khác, nghĩ khác, chứ đừng bắt chước những người của thế hệ trước", ông Trần Duy Khiêm - Phó phòng Giải pháp kinh doanh Công ty Gemadept Logistics nói.

Để vươn tới thành công thì theo đuổi đam mê thôi chưa đủ, bà Đặng Thị Phương Ninh khuyên sinh viên nên biết cách hợp tác với những người xung quanh

Thực tế, có rất nhiều sinh viên do được đào tạo bài bản nên có phần ảo tưởng về bản thân, cho rằng chỉ với những kiến thức tích lũy được trong nhà trường là đủ để tìm được một "chỗ đứng" tốt, vì vậy đã từ chối những công việc "thấp". Nhưng, nói như ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - CEO Saigon Books thì "nếu không làm tốt những việc nhỏ, không ai dám giao cho bạn những phần việc lớn hơn".

Việc bắt đầu từ những công việc đơn giản trong quy trình làm việc sẽ giúp bạn thu được những kinh nghiệm quý giá cần thiết khi đảm nhận vai trò lãnh đạo sau này. "Người trẻ cần kiên trì, nhẫn nại và đừng nề hà những việc tưởng chừng như đơn giản nhất", bà Đặng Thị Phương Ninh - Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) khuyên các bạn trẻ.

Không có lối tắt để thành công

"Thành công là kết quả của sự khổ luyện, không phải do may mắn mà có, và càng không đến từ những con đường tắt", bằng trải nghiệm của bạn thân, ông Quỳnh khẳng định. Đó là chưa kể ngay đến những doanh nhân đã vươn tới đỉnh thành công vẫn không ngừng học hỏi mỗi ngày.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ những trải nghiệm của bản thân như một lời khuyên dành cho các sinh viên

Đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà khởi nghiệp trẻ, CEO Saigon Books nhận định, để khởi nghiệp, người trẻ cần hội tụ đủ các yếu tố: có bản lĩnh, kỹ năng sống, trải nghiệm, có năng lực quản lý, hiểu biết về quản trị doanh nghiệp và có mạng lưới quan hệ cần thiết.

Tuy nhiên, có một thực tế là gần như không một sinh viên nào vừa tốt nghiệp đã tích lũy đầy đủ các yếu tố đó. Đó là lý do vì sao ông Quỳnh khuyên những bạn trẻ có ý định khởi nghiệp nên đi làm thuê trước.

Sinh viên ĐH Hutech lắng nghe chia sẻ của các doanh nhân - diễn giả

"Thẳng thắn mà nói, khi đi làm thuê, sếp sẽ là người trả học phí cho những sai lầm của bạn. Nhưng cần nhớ, dù làm việc gì và ở cương vị nào, bạn cũng nên nỗ lực hết mình để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực đó", vị CEO này chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc GESO Phan Công Chính tự nhận mình là một tấm gương điển hình cho sự nỗ lực đó. Ông kể, trong những ngày đầu làm việc, ông bị mọi người đánh giá là “toàn làm việc bao đồng” khi đảm nhận những công việc ngoài chuyên môn. "Nhưng nhờ vậy, tôi có cơ hội thử thách bản thân, học được những kỹ năng bổ ích, ví dụ như biết cách kêu gọi mọi người đồng lòng hoàn thành nhiệm vụ chung, mặc dù mình không phải sếp của họ", ông Chính tự hào nhìn lại quãng thời gian vất vả đã qua.

Các doanh nhân - diễn giả tại buổi giao lưu sáng 21/3 tại ĐH Mở TP.HCM. Từ trái sang: ông Trần Khánh Tùng, ông Nguyễn Tân Kỷ, bà Đinh Hà Duy Trinh, ông Huỳnh Công Thắng

Thực tế, đằng sau mỗi thách thức luôn chứa đầy những trải nghiệm đáng giá mà chỉ khi thực sự bước chân vào bạn mới khám phá được. Ông Trần Khánh Tùng - Giảng viên tại Kent College khuyên các sinh viên đừng vội tìm đến sự trợ giúp của mọi người, trước tiên hãy cho bản thân có cơ hội giải quyết khó khăn. Chỉ đến khi hết cách, bạn mới nên tìm đến sự giúp đỡ. "Và điều quan trọng là hãy luôn nhìn mọi thứ bằng tư duy tích cực", ông Tùng nói.

Tư duy tích cực cũng là tiêu chí hàng đầu được các nhà quản lý dùng để đánh giá nhân viên - bà Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT nhấn mạnh. Với hơn 20 năm gắn bó với nghề, bà chia sẻ điểm chung mà bà nhìn thấy ở hầu hết những nhân viên thành công là thái độ làm việc tích cực, có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó, ngại khổ. Và điều này đúng trong mọi môi trường.

Qua nhiều năm làm giám khảo của cuộc thi GTTNLVC và hướng dẫn các thí sinh làm đề án khởi nghiệp, bà Trinh cho biết không khó để nhận ra những thí sinh tâm huyết với ý tưởng kinh doanh ngay từ đầu. Chúng được thể hiện thông qua thái độ nghiêm túc, tích cực của thí sinh khi xây dựng ý tưởng, phát triển và thuyết trình đề án trước các doanh nhân.

Ông Ngô Vi Đồng nhắn nhủ sinh viên cần nỗ lực hết mình trong công việc dù làm chủ hay đi làm thuê

Qua nhiều năm làm giám khảo của cuộc thi GTTNLVC và hướng dẫn các thí sinh làm đề án khởi nghiệp, bà Trinh cho biết không khó để nhận ra những thí sinh tâm huyết với ý tưởng kinh doanh ngay từ đầu. Chúng được thể hiện thông qua thái độ nghiêm túc, tích cực của thí sinh khi xây dựng ý tưởng, phát triển và thuyết trình đề án trước các doanh nhân.

Năm nay, Ban tổ chức cuộc thi cũng đã "cố ý" thiết kế dạng đề mở ngay từ vòng thi đầu tiên (thay vì hình thức thi trắc nghiệm như mọi năm) tạo cơ hội giúp các giám khảo có cái nhìn sâu hơn về ý định dự thi của thí sinh, cũng là để bạn trẻ sớm định hình chặng đường dài sắp tới nếu đang nuôi ý định khởi nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Thị Kim Dung - Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Trưởng Ban tổ chức GTTNLVC 2017 (bìa phải) tặng hoa cảm ơn các diễn giả và đại diện Trường Hutech

Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ – Tin học HPT, Phó trưởng Ban tổ chức GTTNLVC 2017 cũng bộc bạch:
"Chúng tôi - các doanh nhân - đến với các bạn trẻ với tâm niệm muốn giúp các bạn hiểu hơn về những kiến thức không có trên giảng đường, mong bạn bớt bỡ ngỡ trên đường đời và quan trọng là biết cách làm sao để trưởng thành, cống hiến cho tổ chức, cho xã hội. Dù làm việc ở bất kỳ vị trí nào, nhân viên hay sếp, bạn vẫn cần hết mình trong công việc. Không phải cứ mở công ty mới là làm chủ, kể cả khi đi làm thuê thì hãy cứ nghĩ bạn đang làm cho chính bản thân mình, bạn sẽ là người nhận được thành quả của tư duy này".

Nhà báo Nguyễn Thị Kim Dung (bìa trái) và ông Ngô Vi Đồng, Phó trưởng BTC (bìa phải) tặng hoa cảm ơn các diễn giả và đại diện Trường ĐH Mở TP.HCM

Nguyễn Thị Diễm Thúy - Sinh viên năm 3, Trường ĐH Mở TP.HCM:

Buổi giao lưu doanh nhân - sinh viên thực sự là một chương trình rất bổ ích. Những chia sẻ của các anh chị doanh nhân đã truyền cảm hứng rất lớn cho sinh viên chúng em. Chương trình không chỉ giúp các bạn có ý định khởi nghiệp gieo mầm ý tưởng kinh doanh mà còn giúp chúng em hiểu hơn về môi trường làm việc sau này. Diễn giả mà em thích nhất là doanh nhân Nguyễn Tân Kỷ. Em ấn tượng với vốn kiến thức và tầm hiểu biết sâu rộng cũng như phong thái trình bày vô cùng tự tin của anh. Ngoài ra, cách anh phân tích vấn đề cũng rất dễ hiểu và lôi cuốn người khác.

Võ Văn Tân - Sinh viên năm 3, Trường ĐH Mở TP.HCM:

Em biết đến GTTNLVC từ năm 2014 trong một dịp tình cờ tham dự đêm chung kết GTTNLVC và bị ấn tượng trước dự án đoạt giải Nhất. Đó là ý tưởng sản xuất bông tắm từ nguyên liệu xơ mướp thiên nhiên Loofah Việt Nam. Dù không còn nhớ chi tiết về ý tưởng nhưng nhờ ngày hôm đó mà niềm đam mê kinh doanh trong em được hình thành. Sau này, trong quá trình học hỏi kiến thức kinh doanh, em gặp phải một số khó khăn nhất định và đã từng có ý định từ bỏ. Nhưng giải Nhất 100 triệu đồng cùng sự giúp đỡ của các doanh nhân trong quá trình xây dựng đề án là nguồn động lực lớn cổ vũ em tham gia cuộc thi năm nay.

>>Người trẻ lập nghiệp: Hãy thích điều mình làm!

>>Kỹ năng lập nghiệp: Sinh viên cần chuẩn bị những gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thành công đến từ khổ luyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO