Startup du lịch Triip.me gọi vốn được 10 tỷ đồng

TĂNG KHÁNH| 18/02/2016 06:25

Startup mô hình du lịch địa phương triip.me vừa nhận được đầu tư 500.000 USD từ quỹ Gobi Partners ở Thượng Hải.

Startup du lịch Triip.me gọi vốn được 10 tỷ đồng

Hai vợ chồng Hồ Việt Hải và Lâm Hà sáng lập của nền tảng du lịch Triip.me - một startup Việt vừa nhận đầu tư 500.000 USD (tương đương 10 tỷ đồng) từ quỹ Gobi Partners.

Tờ Tech in Asia vừa có bài viết giới thiệu về startup này cùng hành trình khó khăn mà Triip.me đã vượt qua.

Thành lập vào năm 2013, đến năm 2014, nhà sáng lập Hải Hồ đã từng lao đao khi không đủ tiền để xây dựng một đội nhóm thực sự, thúc đẩy sự phát triển. “Sau khi khởi động trong hơn 1 năm, chúng tôi quyết định đánh liều “được ăn cả ngã về không”. Chúng tôi bán nhà – một quyết định khó khăn khi chúng tôi có hai đứa con”.

Ngày nay, anh Hải cho biết, Triip – một mô hình tương tự Airbnb áp dụng cho du lịch địa phương đã gọi được số vốn 500.000 USD trong vòng seed round từ quỹ Gobi Partners ở Thượng Hải. Danh mục đầu từ của quỹ này gồm 130 công ty tại Trung Quốc và Đông Nam Á.

Mô hình Crowdsourcing

Đây là mô hình sử dụng nguồn lực cộng đồng, tận dụng ưu thế đám đông như khai thác ý tưởng, trí tuệ giúp giảm chi phí và tăng giá trị công việc. Triip đã từng có giai đoạn phát triển rất chật vật vào những ngày đầu thành lập. 

Ý tưởng kinh doanh bắt đầu từ chị Hà sau khi chị tốt nghiệp đại học và làm hướng dẫn viên như một cách luyện tập tiếng Anh. Với vốn ngoại ngữ kha khá, chị Hà đã đưa các du khách đến những điểm tham quan nổi tiếng ở TP.HCM. Chị thực hiện công việc này trong 4 năm, dẫn những tour tham quan đạt chất lượng và được Tripadvisor đánh giá là hoạt động du lịch hàng đầu khi đến tham quan tại TP.HCM. 

Từ thành công này của vợ, anh Hải quyết định thành lập công ty vào năm 2013.

Triip ra đời với mô hình tương tự như Airbnb, nhằm tổng hợp nguồn lực cộng đồng để phát triển du lịch tại địa phương. Nền tảng này cho phép bất cứ ai cũng có thể thiết kế tour du lịch của riêng mình và bán cho du khách.

Không giống với các tour du lịch truyền thống, vốn chỉ có một số chương trình tham quan nhất định, đưa du khách đến với những địa điểm phổ biến, Triip cho phép những người dân ngay tại địa phương tự thiết kế hành trình, điểm đến mang dấu ấn cá nhân, thể hiện sự thấu hiểu địa phương của họ. Đây là những người được Triip gọi là “Triip creators”.

Bởi vì những tour của Triip được đóng góp bởi cộng đồng, bạn có thể chờ đợi được trải nghiệm những điều độc đáo ngay tại một địa phương tưởng chừng nhỏ bé và quá quen thuộc với mọi người. Bạn có thể chèo một chiếc thuyền nhỏ trên chợ nổi để khám phá đời sống người dân vùng sông nước Mekong. Bạn sẽ được ngồi cùng chiếc thuyền với một gia đình bản địa để cảm nhận rõ nhất cuộc sống tại địa phương như thế nào. Hoặc, bạn có thể thăm một đền cổ tại Hà Nội với hướng dẫn viên là một sinh viên.

Triip bắt đầu với những tour du lịch tại Việt Nam – một thị trường du lịch mới nổi, rồi nhanh chóng mở rộng phạm vi đến những thành phố khác trên thế giới. Hiện nay, qua Triip.me, bạn đã có thể đặt một tour riêng tại Harvard do một giáo sư làm hướng dẫn viên, hoặc yêu cầu một nhà làm phim đưa bạn đi xem bối cảnh quay một bộ phim mà bạn yêu thích.

Triip đã có mặt tại 86 nước với 5.000 chuyến trải nghiệm được thiết lập bởi mạng lưới 9.000 “Triip creators”. Con số này ở thời điểm tháng 12/2014 chỉ là 300 chuyến trải nghiệm ở 10 nước.

“Những trải nghiệm tại địa phương được cung cấp bởi Triip khá tốt khi những người dẫn tour của chúng tôi làm việc bằng sự đam mê chứ không vì lợi nhuận. Họ đều có những công việc tốt hàng ngày, vì thế họ không tìm đến Triip vì những khoản hoa hồng như những hướng dẫn viên truyền thống. Bằng cách này, chúng tôi tin tưởng du khách có thể có những trải nghiệm tại địa phương đích thực và thú vị hơn”, chị Hà nói với Tech in Asia.

Tầm nhìn toàn cầu

Như bất cứ công việc tận dụng nguồn lực cộng đồng nào, yếu tố an toàn là mối quan tâm lớn nhất ở Triip. Anh Hải đảm bảo rằng những tour du lịch được Triip “phân phối” là an toàn, bởi những hướng dẫn viên của Triip đều đã qua kiểm tra. Công ty đòi hỏi các hướng dẫn viên xuất trình giấy tờ tùy nhân như Passport hay Chứng minh nhân dân. Đồng thời, Triip cũng sẽ nắm bắt được lộ trình, vị trí của hướng dẫn viên trong quá trình dẫn tour thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.

Đối với du khách, công ty cũng cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Khi khách hàng chi trả cho Triip, số tiền sẽ được bảo lưu cho đến khi tour hoàn tất và khách hàng cảm thấy hài lòng. Sau khi tour đã đáp ứng yêu cầu của khách, hướng dẫn viên sẽ được nhận 90% chi phí, Triip nhận 10% hoa hồng.

Triip cũng tiếp nhận phản hồi 2 chiều để đưa ra đánh giá chính xác nhất đối với du khách hay hướng dẫn viên có hành vi chưa hợp lý.  Anh Hải cho biết, công ty đang trong quá trình chuẩn hóa các quy tắc cho hướng dẫn viên mang tính toàn cầu bằng nền tảng học trực tuyến.

Chị Hà Lâm và team Triip.me. Nguồn: Tech in Asia

Sẵn sàng mở rộng kinh doanh

Anh Hải cho biết, Triip có kế hoạch thuê thêm nhân viên để tiếp tục mở rộng kinh doanh đến các thị trường mới. Đó là mục tiêu trọng tâm của công ty sau khi nhận được vốn đầu tư từ Gobi Partners.

“Nguồn vốn đầu tư sẽ giúp chúng tôi phát triển đúng với tiềm lực của mình trong ít nhất 18 tháng”, anh Hải cho biết.

Tháng 6 năm ngoái, doanh thu của Triip vào khoảng 1.000 USD/tháng. Con số này đã nhanh chóng tăng trưởng, sẽ đạt khoảng 10.000 USD vào tháng 2/2016.

Hầu hết khách hàng biết đến Triip thông qua truyền miệng. “Chi phí của chúng tôi để có được một hướng dẫn viên và đảm bảo hoạt động tại các thành phố hầu như bằng không. Chúng tôi chỉ cần 2 người để duy trì hệ thống và phát triển. Trong khi các đối thủ của Triip chi tiền cho quảng cáo, chúng tôi tận dụng phương pháp truyền miệng và chiến lược growth-hacking”, anh Hải giải thích.

Nay, với nguồn vốn mới tiếp nhận, Triip sẽ có ngân sách để làm digital marketing và tiếp tục đẩy mạnh doanh số. Anh Hải cũng cho biết, ngoài tài trợ vốn, Gobi Partners còn đóng góp thêm giá trị cho công ty bởi kiến thức và kinh nghiệm của tổ chức này trong lĩnh vực trải nghiệm và không gian du lịch.

Trước Triip, Gobi Partners đã hỗ trợ các nhà cung cấp gói du lịch như Tuniu, Spottly của Trung Quốc, Tripvisto của Indonesia. Triip đánh dấu lần đầu tiên quỹ này tham gia vào thị trường Việt Nam.

>9 bí quyết giúp startup "sống sót" qua năm đầu tiên

>Startup cần biết “chi tiêu thông minh” sau khi gọi vốn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Startup du lịch Triip.me gọi vốn được 10 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO