Nhập thời trang, "bán" đám cưới

KIM THANH| 21/08/2010 00:38

Tên tiếng Anh của công ty là Bliss Vietnam, còn tên tiếng Việt là “Nguồn Hạnh Phúc”. Lê Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty đang từng bước thực hiện giấc mơ tổ chức những đám cưới độc đáo, biến dịch vụ này trở thành một dịch vụ cao cấp có thể “xuất khẩu”.

Nhập thời trang,

Tên tiếng Anh của công ty là Bliss Vietnam, còn tên tiếng Việt là “Nguồn Hạnh Phúc”. Lê Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty đang từng bước thực hiện giấc mơ tổ chức những đám cưới độc đáo, biến dịch vụ này trở thành một dịch vụ cao cấp có thể “xuất khẩu”.

Đám cưới vượt biên giới

Chiều tối một ngày giữa tháng 5/2010, tại cà phê villa FB trên đường Sương Nguyệt Ánh, quận 1 diễn ra một đám cưới khá đặc biệt. Đứng ở cổng chào đón khách là hai cô gái mặc đồ kimono truyền thống của người Nhật.

Đám cưới của đôi bạn trẻ Nhật Bản do Bliss tổ chức

Đa phần trong số hơn 30 khách đến dự tiệc là người Nhật, đó là người thân, bạn bè của cô dâu và chú rể bay từ Nhật Bản sang.

Villa FB vốn là quán cà phê sang trọng mà giới sành điệu thường lui tới, cũng là nơi thường diễn ra các buổi trình diễn thời trang, ca nhạc quy mô nhỏ. Nhưng tổ chức hôn lễ tại đây thì thật là một ý tưởng táo bạo.

Thu Trang, Giám đốc Bliss Vietnam, Công ty tổ chức “đám cưới Nhật” này, tiết lộ: “Đừng tưởng đây là cô dâu, chú rể Nhật sinh sống, làm việc tại Việt Nam nhé. Họ mới từ Nhật qua, và khách mời cũng theo chân họ tới đây. Đơn giản chỉ là hai bạn trẻ này muốn tổ chức đám cưới ở bên ngoài nước Nhật, và họ đã chọn Việt Nam”.

Trong lúc đôi tân lang, tân nương lâng lâng vì cảm xúc lạ lẫm, thì nhà tổ chức buổi tiệc trọng đại này cũng hồi hộp không kém. Bởi đây là lần đầu tiên Trang thực hiện một hợp đồng đám cưới đúng nghĩa, không giống như những đám cưới cô giúp bạn bè trước đây.

Cầm nhà để kinh doanh

Mới bước vào năm thứ hai đại học, có lẽ do có máu kinh doanh bẩm sinh nên Trang đã tập tành nhập hàng thời trang từ Hồng Kông, Hàn Quốc, Mỹ... về bán, và cô đã dám một mình bay sang Hồng Kông. Không quen biết ai, Trang tìm đến một nhà hàng Việt, nơi có nhiều đồng hương ghé ăn, với mục đích làm quen rồi hỏi họ thông tin về thị trường.

Nhưng trong suốt sáu tháng qua lại Hồng Kông, Trang cũng chỉ dám mua hàng xách tay đem về bán, để vừa thăm dò thị trường trong nước, vừa có tiền mua vé máy bay đi lại.

Trang cho biết, trước khi kinh doanh hàng thời trang cô đã giúp một người bạn thu mua đồ gỗ xuất khẩu sang Úc. Bởi với Trang, lĩnh vực nào cũng có nhiều cơ hội kinh doanh. Nhưng cũng không ít lần Trang bị... bầm dập vì quá hấp tấp nắm bắt cơ hội, thiếu cẩn trọng.

Chẳng hạn, quần áo nhập về bán thường đóng theo kiện, khi đặt hàng ở nước ngoài đã thỏa thuận về chất liệu vải cụ thể. Nhưng khi hàng về, mở ra thì mới thấy chất liệu vải không đúng. Muốn đòi bồi thường cũng không được vì không có hợp đồng.

Những lần như thế Trang đã phải cầm giấy tờ nhà của cha mẹ để có tiền xoay xở.

Trong những lần mày mò tìm thị trường, Trang biết ở TP.HCM có nhiều làng nghề chuyên làm hàng thời trang thủ công như túi xách, váy, áo... kết cườm. Nhân có cô bạn sống bên Singapore, sau khi tính toán, Trang quyết định bỏ ra 10.000USD lập công ty bên đó để bạn nhận hàng chuyển từ Việt Nam qua bán.

Mặt hàng này tiêu thụ khá tốt, chủ yếu phục vụ giới nhân viên văn phòng, hoặc dùng làm trang phục dự tiệc... Nhưng sau ba năm hoạt động, Trang quyết định đóng cửa công ty vào thời điểm kinh tế Singapore đi xuống và cũng là lúc cô bạn có em bé.

Mua Erosore để xây nguồn hạnh phúc

Ra trường năm 2001, bên cạnh công việc kinh doanh, Trang cùng với David Smail, một người Mỹ làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm và sau này là chồng Trang, thành lập Công ty Quảng cáo BBDO. Thời gian này, vốn là người hoạt bát, Trang thường được bạn bè nhờ giúp tổ chức đám cưới.

Các bạn cô đa phần kết hôn với người nước ngoài, do đó Trang cũng phải nghĩ cách tổ chức đám cưới sao cho đặc biệt. Ngoài chịu khó tìm và sưu tầm các dịch vụ, Trang thường nhờ các anh chàng người nước ngoài mặc áo dài khăn đóng truyền thống đi bưng quả, tạo ra nét rất riêng cho các đám cưới do mình tổ chức.

Chính từ những lần làm “nhà tổ chức” bất đắc dĩ đó, Trang nảy ra ý tưởng: sao mình không biến dịch vụ này thành cơ hội kinh doanh? Rồi Trang may mắn mua lại được Công ty Erosore chuyên tổ chức đám cưới.

Công ty này đã hoạt động được ba năm, có các nhà cung cấp dịch vụ uy tín, đồng thời người chủ trước cũng đã tạo được hình ảnh tốt bằng việc chăm chút đến từng chi tiết của đám cưới, từ sưu tầm các mẫu thiệp cưới ở khắp nơi đến đặt làm những mâm quả bằng sơn mài...

Trang đổi tên công ty thành Bliss Vietnam, bởi cô cho rằng “bliss” có nghĩa là hạnh phúc viên mãn, tất nhiên làm người ta liên tưởng tới hình ảnh của đám cưới.

Bliss Vietnam mới hoạt động được vài tháng, nhưng thật đáng ngạc nhiên là Trang đã nhận được gần 10 hợp đồng mới. Tất cả đều là đám cưới của người nước ngoài.

Trước đây, mỗi năm Erosore cũng chỉ tổ chức trung bình từ 10 - 15 đám cưới. Trang cho biết, sắp tới cô dự định tổ chức đám cưới ở ngoài trời và cả ở nước ngoài. Chính ở những địa điểm này, ý tưởng sáng tạo mới được phát triển tối đa.

Hiện Trang vẫn phải đảm nhận nhiệm vụ đàm phán với khách, đưa ra các ý tưởng kinh doanh mới. Những phần việc còn lại đã có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp phụ trách. Và cô đang thu xếp để sang New York học sáu tháng về chuyên ngành tổ chức các dạ tiệc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhập thời trang, "bán" đám cưới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO