Máy bán nước tự động thương hiệu Việt

24/10/2014 06:41

Tôi “chạy” khỏi TP. Hồ Chí Minh vì không đủ kiên nhẫn với các thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp mà tôi đã gặp phải trong khi đi xin giấy phép đặt máy bán hàng tự động”.

Máy bán nước tự động thương hiệu Việt

Người dân tại Đà Nẵng gọi Đinh Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Máy bán hàng tự động Minh Lâm là “cha đẻ” của máy bán nước tự động (MBNTĐ) “made in Việt Nam”, dù thực tế không hẳn là như vậy.

Bởi vì, anh chọn mua từng bộ phận của một chiếc máy ở nhiều nước khác nhau: thân máy ở Mỹ, bộ phận xử lý tiền xu từ Đức, bộ xử lý tiền giấy và tiền polyme từ Canada và Đài Loan… để lắp ráp thành một chiếc MBNTĐ, có thể thanh toán bằng tiền xu, tiền giấy, tiền polyme, ngoài ra còn có thể thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ trả trước, hoặc có thể phát miễn phí và dễ dàng trả lại đủ tiền thừa cho khách. Các “cửa hàng nước” của anh đang được chính quyền và người dân Đà Nẵng rất hoan nghênh.

Rào cản thủ tục

Anh Đinh Quang Minh cho biết: “Tôi rời khỏi TP. Hồ Chí Minh vì không đủ kiên nhẫn với các thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp mà tôi đã gặp phải trong khi đi xin giấy phép đặt máy bán hàng tự động”.

Trong những năm đầu phát triển hệ thống MBNTĐ tại TP. Hồ Chí Minh, anh đã liên hệ rất nhiều nơi để thuê vị trí đặt máy tại địa điểm công cộng như: sân bay Tân Sơn Nhất, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Thảo cầm viên, các trường đại học… nhưng đều thất bại. Anh nộp hồ sơ lên UBND thành phố bốn lần trong chín tháng cũng không nhận được kết quả khả quan.

Trường Đại học Hoa Sen là địa điểm hiếm hoi anh thuê được chỗ đặt máy, giúp mang lại nguồn thu đều đặn hằng tháng và giúp anh cũng có thêm quyết tâm theo đuổi ngành này.

Anh Quang Minh nói: “Để phát triển ngành bán hàng tự động tại Việt Nam, hiện nay các loại thiết bị nhập khẩu này đang được nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp với mức thuế là 0%. Tuy nhiên, nếu các ban, ngành không tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa máy ra thị trường và cho phép đặt ở những nơi công cộng thì chính sách hỗ trợ thuế của nhà nước sẽ không có tác dụng”.

Hơn một năm sau, anh quyết định gửi công văn cho UBND TP. Đà Nẵng. Thật bất ngờ, chỉ ba ngày sau khi công văn được gởi đi, anh đã được đại diện của UBND TP. Đà Nẵng mời ra để tiến hành khảo sát và lên kế hoạch chi tiết về việc thử nghiệm máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng nhưng cũng phải mất đến sáu tháng sau thì hai MBNTĐ đầu tiên mới triển khai được.

Đến nay, các MBNTĐ của Công ty Minh Lâm đang hoạt động rất tốt ở chợ Hàn và công viên biển Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng). Hiện anh đang xin giấy phép được tiếp tục triển khai lắp máy tại ga Đà Nẵng, sân bay quốc tế Đà Nẵng, khu vực sân chơi đuôi cầu Rồng, bãi xe trung tâm hành chính thành phố, sảnh tiếp dân trung tâm hành chính thành phố, bảo tàng nghệ thuật Chăm…

Trước đây, có một vài đơn vị đưa máy bán hàng tự động về Việt Nam nhưng hoạt động không hiệu quả. Chẳng hạn như các đơn vị có thương hiệu như Savico-R và Wonderfarm chỉ chú trọng quảng bá hình ảnh và sản phẩm là chính, còn mục tiêu quan trọng nhất là bán sản phẩm tốt cho khách hàng lại không quan tâm đúng mức, cách thanh toán lại thiếu linh hoạt, bộ phận xử lý tiền thừa trả lại hoạt động thiếu chính xác.

Nhóm công ty khác đưa MBNTĐ sử dụng số điện thoại kích hoạt tài khoản Pay gate tại Công ty VTC và thẻ trả trước hoặc dùng một tài khoản ảo để mua nước uống. Mỗi lần nạp tiền vào thẻ thì luôn nhiều hơn số tiền cần dùng để mua nước uống (nạp 50.000 đồng chỉ để mua chai nước 10.000 đồng). Điều này khiến khách hàng bị chiếm dụng vốn và cảm thấy phiền hà khi sử dụng. Một số MBNTĐ trước đây thường được đặt trong khuôn viên bệnh viện, khuôn viên ký túc xá…, người đi đường muốn mua rất khó khăn.

Công ty Minh Lâm luôn chọn địa điểm đặt máy là ngay trên hè phố, bên hông chợ để mọi người dễ dàng mua nước. Loại máy anh chọn tuy khá cồng kềnh nhưng lại bền, chịu mưa nắng tốt và có sự chuẩn bị rủi ro để máy khó bị đập phá. Qua quá trình cải tiến, chiếc máy của anh đã có thể bán nước uống trực tiếp bằng tiền xu đủ các loại mệnh giá, tiền giấy, tiền polyme, ngoài ra còn có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng, bằng thẻ trả trước…

Xu hướng toàn cầu

Anh Đinh Quang Minh cho biết: “Việc kinh doanh ở Đà Nẵng đang trên đà phát triển tốt. Theo như khảo sát của tôi thì 85% người mua hàng tại máy bán hàng tự động là người địa phương, 10% là khách du lịch người Việt còn lại 5% là khách du lịch quốc tế”. Chiếc máy đặt tại Trường Đại học Hoa Sen (TP. Hồ Chí Minh) cũng hoạt động khá hiệu quả.

Người được anh Minh thuê quản lý đang muốn mua lại máy vì cho rằng kinh doanh loại hình này rất có tiềm năng tại TP. Hồ Chí Minh. Khó khăn hiện nay là nhiều người vẫn còn chưa quen với cách mua bán với máy và sở hữu tiền xu trong túi. Nhưng việc dùng tiền xu cho các dịch vụ tự động như mua sách báo, kẹo bánh, postcard, mua vé tàu điện ngầm… là xu hướng toàn cầu, Việt Nam rồi cũng sẽ phải đi theo con đường này.

Theo anh Quang Minh, phát triển hệ thống máy bán hàng tự động ở những địa điểm công cộng giúp cho du khách có thể thoải mái lựa chọn sản phẩm thiết yếu (như nước uống, bánh kẹo, snack…) khi có nhu cầu. Như vậy, hàng rong sẽ không còn cơ hội chèo kéo, chặt chém khách du lịch và sẽ không còn có nạn bán “phá giá” trên tàu lửa, sân bay như hiện nay.

Nếu nhà nước không đủ kinh phí để phát triển hệ thống máy thì nên để cho tư nhân tham gia vào các khâu: nhập khẩu máy, kinh doanh các sản phẩm qua máy, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, chăm sóc khách hàng. Nếu ở Việt Nam xu hướng dùng máy bán hàng tự động trở nên thông dụng thì tiền xu sẽ không còn bị “kỳ thị” như hiện nay.

Theo số liệu từ năm 2012, Nhật có đến 5,5 triệu máy bán hàng tự động phục vụ cho 100 triệu dân. Ở Việt Nam có đến 90 triệu dân mà chỉ mới có lác đác vài chục máy.

Như vậy, triển vọng phát triển của hệ thống MBNTĐ tại nước ta là rất lớn. “Khó khăn của tôi hiện giờ không phải là vốn, cũng không phải nguồn hàng. Đến nay rất nhiều bạn bè của tôi cũng muốn góp vốn tham gia cùng tôi vào dự án này. Tôi cũng đã có nhiều đối tác tin cậy sẵn sàng cung cấp đầy đủ hàng khi tôi có nhu cầu. Khó khăn của tôi bây giờ vẫn là thủ tục hành chính, thủ tục thuê mặt bằng để đặt máy ở những địa điểm công cộng, ở sân bay, ở nhà ga, ở bến xe, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, trường đại học… ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”, anh Minh chia sẻ.

Theo Đinh Quang Minh, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển hệ thống tàu điện ngầm hoặc tàu điện trên cao. Tại các nhà ga của hệ thống tàu điện này hẳn sẽ có nhu cầu rất lớn về MBNTĐ, để có thể vừa tiết kiệm diện tích, vừa không tốn nhiều chi phí cho nhân viên, quản lý, giống như cách làm của nước ngoài

. “Mong muốn của tôi trong tương lai sẽ có thật nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này để mọi người có thể hỗ trợ giúp nhau cùng phát triển. Khi mọi người đã quen với việc sử dụng tiền xu và các máy bán hàng tự động thì chúng ta có thể phát triển hệ thống bán hàng tự động cho nhiều sản phẩm như: vé xe buýt, vé tàu cao tốc, sách báo, tạp chí, băng đĩa, cà phê…”, Quang Minh kết luận.

>Đầu tư mạo hiểm kiểu Nhật
>Gọng Vó "kéo vó"
>
Nếu thử, mình sẽ có một nửa cơ hội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Máy bán nước tự động thương hiệu Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO