Kế nghiệp gia đình: Trẻ khát khao, già thấp thỏm

ĐẶNG QUÝ YÊN| 03/12/2010 09:13

Sáng tạo là cách duy nhất để những người kế nghiệp có thể tạo dấu ấn của mình trên nền tảng gia nghiệp. Điều gây khó cho những người trẻ chính là đòi hỏi và kỳ vọng quá cao từ phía gia đình.

Kế nghiệp gia đình: Trẻ khát khao, già thấp thỏm

Sáng tạo là cách duy nhất để những người kế nghiệp có thể tạo dấu ấn của mình trên nền tảng gia nghiệp. Điều gây khó cho những người trẻ chính là đòi hỏi và kỳ vọng quá cao từ phía gia đình.

Áp lực giỏi hơn

Tại Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung, kế nghiệp gia đình đã trở thành truyền thống. Những nhân vật như ông Lâm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Nệm mousse Liên Á, người đưa cơ sở sản xuất nệm cao su thông thường của cha trở thành một công ty lớn như hiện nay; hay ông Võ Quốc Thắng bắt tay khôi phục lại thương hiệu gạch Đồng Tâm khi mới 19 tuổi... không hiếm trên thương trường.

Chị Liu Thị Phụng và em trai tiếp thị sản phẩm tại Campuchia

Vậy nên có thể nói, nền tảng gia đình đã góp phần không nhỏ vào thành công của những người trẻ. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hội nhập, kế nghiệp đang là vấn đề khiến nhiều chủ doanh nghiệp đau đầu.

Khảo sát của Quỹ Doanh nghiệp và việc làm dành cho thanh niên Trung Quốc, cái nôi của quan niệm “cha truyền con nối”, cho thấy, hơn 30% bạn trẻ muốn lập công ty của riêng mình.

Tương tự, tại Việt Nam, tỷ lệ thanh niên muốn xây dựng sự nghiệp riêng để khẳng định bản thân cũng ngày một cao.

“Có sẵn điều kiện cơ sở vật chất, thừa hưởng thương hiệu..., chuyện kế nghiệp kinh doanh của gia đình rất thuận lợi, nhưng điều đáng sợ nhất là mình không được tự quyết, chuyện gì cũng phải được các “bô lão” thông qua”, anh N.Đ.B., giám đốc một công ty xây dựng, cho biết.

Không tương đồng về quan điểm, môi trường kinh doanh lại thay đổi, chuyện hai thế hệ không tìm được tiếng nói chung là điều tất yếu.

Không chỉ khó về mặt điều hành, kỳ vọng của phụ huynh cũng là áp lực mà người kế nghiệp phải gánh chịu. Điển hình là trường hợp của chị Phan Thị Bình, Giám đốc Công ty Dược phẩm Bagiaco, người duy nhất thừa hưởng bài thuốc gia truyền, phát triển thương hiệu Phong thấp Bà Giằng.

Chị chia sẻ với các thành viên của Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội rằng, ngày trước, gia đình chị chỉ sản xuất và bán thuốc tại nhà. Tuy khách hàng đến mua rất đông và cơ sở liên tục phát triển, nhưng bố mẹ chị lại không ai nghĩ đến việc quảng bá thương hiệu.

Thế là sau khi tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, chị bắt đầu đầu tư sản xuất, đăng ký nhãn hiệu, bắt tay vào hoạt động tiếp thị...

Ngẫm lại hành trình mình đã đi qua, chị Bình không sao quên được những ngày đầu chính thức kế nghiệp gia đình, bởi làm gì cũng gặp khó khăn nhưng khó nhất vẫn là tâm lý phải thành công để không phụ lòng cha mẹ.

“Thế hệ sau phải giỏi hơn thế hệ trước thì mới kế tục được truyền thống gia đình”, chị Bình khẳng định. Đây cũng là yêu cầu mà chị đang đặt ra cho các con của mình.

Khẳng định thế mạnh

Đối mặt với áp lực, cách duy nhất là phải vượt ra khỏi nếp cũ, tìm ý tưởng mới cho việc kinh doanh của gia đình.

Rong ruổi từ TP.HCM về các tỉnh, sang tận Campuchia để tìm nguồn tiêu thụ cho sản phẩm của mình, chị Liu Thị Phụng, Công ty Thuận Hương, thương hiệu sản xuất và xuất khẩu trái cây khô đóng gói, là một trong những người kế nghiệp gia đình tiêu biểu nhất mà ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, thường nhắc đến.

Sự nghiệp của cha mẹ bước vào giai đoạn khó khăn khi bản thân vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, vậy mà chị Phụng vẫn liều mình gác việc học, đưa vai gánh vác. Cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ trái cây, củ quả sấy khô hiện nay khá gay gắt, nên chị phải không ngừng giao thiệp, mở rộng thị trường.

Chị cho biết, so với “ông lớn” là Vinamit, các thương hiệu cùng ngành khác đều gặp khó vì thành phẩm lúc nào cũng có một số ít bị chai. Vì lý do này mà khi đảm nhận công ty, chị phải đầu tư cho bộ phận nghiên cứu để tìm ra giải pháp.

“Tiếp nhận sự nghiệp của gia đình, mình buộc phải tìm ra đường đi mới. So với việc điều hành doanh nghiệp của riêng mình, kế nghiệp chẳng nhẹ nhàng chút nào”, chị Phụng chia sẻ. Tuy nhiên, chị cũng cho biết thêm, chỉ cần đạt được thành công bước đầu, gia đình sẽ hoàn toàn tin tưởng và để mình tự chủ.

“Con cái lớn lên cùng sự nghiệp của gia đình, thế nên không ai kế nghiệp tốt hơn chúng”, anh Lâm Thanh Đức, chủ trại gà Thanh Đức, khẳng định. Và muốn vậy, theo anh Đức, cách tốt nhất là phải biết làm cho con yêu thích công việc của gia đình.

Dẫn cô con gái tuổi thiếu niên theo mình trong các dịp giao thương, hỏi ý kiến con rồi tập cho con chào hàng, tự quyết vài thương vụ là cách anh gầy dựng sự yêu thích ấy. Và khi con đã “lỡ yêu” rồi, đã quyết định gắn bó với sự nghiệp của gia đình, thì niềm tin chính là món quà quý giá đối với con.

“Tốt nhất là theo sát để tư vấn nhưng không can thiệp. Có như vậy người trẻ mới phát huy được khả năng”, anh Đức góp ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kế nghiệp gia đình: Trẻ khát khao, già thấp thỏm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO