Học để phát triển con người

NAM KHUÊ| 12/02/2013 06:50

Những kiến thức tích lũy nơi xứ người đã giúp Võ Thị Hoàng Yến xây dựng được một mô hình phát triển kỹ năng ở thành phần đặc biệt của xã hội: những người khuyết tật. Thế nhưng, chính những ứng dụng khéo léo và hiệu quả vào thực tế lại hình thành nên hành trình "du học ngược", nghĩa là khiến những chuyên gia ở các nước tiên tiến phải đến Việt Nam học tập.

Học để phát triển con người

Những kiến thức tích lũy nơi xứ người đã giúp Võ Thị Hoàng Yến xây dựng được một mô hình phát triển kỹ năng ở thành phần đặc biệt của xã hội: những người khuyết tật. Thế nhưng, chính những ứng dụng khéo léo và hiệu quả vào thực tế lại hình thành nên hành trình "du học ngược", nghĩa là khiến những chuyên gia ở các nước tiên tiến phải đến Việt Nam học tập.

Đọc E-paper

Rất nhiều người tỏ ra thán phục sự nghiệp học hành của chị Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (Disability Research and Capacity Development - DRD).

Sở hữu hai bằng đại học trong nước, một chuyên ngành kinh tế, một ngoại ngữ, nhưng khi du học, chị lại chọn một ngành rất lạ: Phát triển con người để lĩnh hội.

Không phải vì chỉ ngành này mới có học bổng hay do không đủ năng lực để có một lựa chọn khác, mà vì chị tin đây chính là con đường giúp mình thực hiện ước mơ.

"Ban đầu tôi chọn ngành phát triển cộng đồng với ước mơ khi trở về sẽ có thể góp phần giúp đất nước phát triển, nhưng đến khi tiếp xúc với các giáo sư, tôi quyết định chọn ngành phát triển con người. Bởi theo các thầy, cá nhân phát triển tốt thì sẽ có cộng đồng tốt", chị Yến nói về sự lựa chọn của mình.

Học giỏi, tốt nghiệp loại ưu, nhưng gõ cửa khắp nơi chị cũng không xin được việc. Có nơi chịu nhận, nhưng khi đến nhận việc thì chị lại bị từ chối. Đơn giản chỉ vì đôi chân bại liệt của chị.

Càng hiểu được sự e dè của cộng đồng bao nhiêu, chị càng thấm thía nỗi mặc cảm của những người khuyết tật tham gia vào những công việc xã hội bấy nhiêu. Đây chính là nguyên nhân để Võ Thị Hoàng Yến quyết tâm ra đi, tìm hiểu cách xây dựng và phát triển con người nơi đất khách.

Học tập ở Mỹ, Hoàng Yến ấn tượng nhất là mối quan hệ thầy trò ở nơi này. Giáo sư và sinh viên gần như bình đẳng trong các buổi tranh luận. Sinh viên có thể thẳng thắn phê bình những nghiên cứu khoa học của thầy cô, còn thầy cô thì rất nhiệt tình hướng dẫn và luôn đồng hành cùng các nghiên cứu của thế hệ sau.

Nhờ vậy chị mới có thể nhanh chóng hòa nhập được với môi trường mới. Hoàng Yến kể, lớp học có khoảng 13 học viên nhưng trình độ của mỗi người lại khác nhau, người sắp bảo vệ luận văn thạc sĩ, người chuẩn bị làm tiến sĩ... Vì chọn học thạc sĩ một ngành hoàn toàn mới, không có kiến thức nền tảng nên chị rất "hoảng".

Trao đổi với giáo sư chuyên nghiên cứu về khoa học hành vi Don Betr, chị nhận được những hướng dẫn cụ thể, biết tìm sách nào để đọc và tìm hiểu...

"Giáo sư cho tôi danh mục 13 cuốn sách và tôi mất một tháng để đọc cuốn đầu tiên. Giáo trình quá khó nhưng khi đã hiểu được cuốn sách này thì những cuốn còn lại dễ "tiêu hóa" hơn hẳn", chị chia sẻ.

Tốt nghiệp Đại học Kansas, Hoa Kỳ với khóa luận xuất sắc cùng hàng loạt điểm A cho các học phần, chỉ "vướng" 2 điểm B vì phải học vượt, giáo sư của trường đã khuyên Hoàng Yến ở lại Mỹ với một lá thư giới thiệu và học bổng nghiên cứu tiến sĩ toàn phần.

Nhưng lời đề nghị hấp dẫn này cũng không giữ chân được chị. Hoàng Yến cho biết, học xong chị muốn trở về ngay để có thể triển khai những dự định mình hằng ấp ủ trong suốt những năm vừa qua.

Về nước, Võ Thị Hoàng Yến bắt tay vào làm bản kế hoạch về một trung tâm ứng dụng công tác xã hội để hỗ trợ người khuyết tật phát triển con người.

Đây không phải là nơi kêu gọi tài trợ để giúp người khuyết tật mưu sinh, mà là nơi giúp họ đổi mới cuộc sống, đồng thời tác động đến cộng đồng trong việc tạo môi trường cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

"Thực tế là xã hội không đủ môi trường cho người khuyết tật hòa nhập, đơn giản như việc những nơi công cộng thường thiếu nhà vệ sinh cho người khuyết tật, hay xe buýt không chịu đón họ. Những điều này hạn chế khả năng hòa nhập và phát triển của người khuyết tật rất nhiều", Hoàng Yến chia sẻ.

Sau chuỗi ngày chạy vạy khắp nơi tìm tài trợ để DRD có thể hoạt động, chị đã nhận được sự giúp sức của Quỹ Ford. Có kinh phí, DRD bắt tay ngay vào các hoạt động xây dựng năng lực cho các cá nhân và các nhóm, tổ chức của người khuyết tật để phát triển chuyên ngành công tác xã hội với người khuyết tật.

Vừa điều hành DRD, Hoàng Yến vừa đảm nhận vai trò giảng viên của Đại học Mở và đến các hội thảo để chia sẻ... Những cố gắng đã giúp chị đoạt giải Kazuo Itoga Memorial - giải thưởng tôn vinh những cá nhân ở châu Á - Thái Bình Dương có đóng góp nổi bật cho cuộc sống của người khuyết tật.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là mô hình phát triển người khuyết tật của chị đã trở thành điển hình để các trường trên thế giới cử sinh viên đến học tập.

Hoàng Yến dự định, DRD sẽ hoạt động trong khoảng 2 - 3 năm, sau khi làm tròn vai trò của mình chị sẽ tiếp tục con đường học tập. Ấy vậy mà đã hơn 5 năm trôi qua, chị liên tục bỏ các suất học bổng tiến sĩ vì những mong đợi của người khuyết tật còn nhiều.

"Ước mơ của tôi là sẽ xây được một nhà văn hóa cho người khuyết tật từ chính những đóng góp của cộng đồng", chị thổ lộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học để phát triển con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO