Hiện thực hóa "giấc mơ xanh" trong sản xuất

ĐẶNG QUÝ YÊN| 31/08/2011 04:34

Giảm thiểu năng lượng, sử dụng các vật liệu mới... đã mang lại thành công bước đầu cho nhiều doanh nghiệp, vừa giúp họ vượt qua khó khăn hiện tại, vừa tạo đà cho những giải pháp căn cơ hơn cho tương lai.

Hiện thực hóa

Giảm thiểu năng lượng, sử dụng các vật liệu mới... đã mang lại thành công bước đầu cho nhiều doanh nghiệp (DN), vừa giúp họ vượt qua khó khăn hiện tại, vừa tạo đà cho những giải pháp căn cơ hơn cho tương lai.

Cơn khát màu xanh

Nhiều DN gốm sứ đã áp dụng mô hình sản xuất sạch - Ảnh: Văn Hưởng

Ngày 18/8, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường lập biên bản về hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM.

Việc một thương hiệu có uy tín trên thị trường hơn 10 năm qua lại gây hại trực tiếp đến kênh Tham Lương khiến nhiều người thất vọng. Nhưng về phía DN, đây cũng là một trường hợp điển hình về nỗi trăn trở mà họ đang mang.

Đồng hành với DN xanh

Giải quyết vấn đề tài chính cho việc đổi mới quy trình sản xuất theo hướng xanh hóa, cùng với những hỗ trợ từ dự án SPIN, Quỹ khai thác ứng dụng xanh (GCTF) cũng có thể giúp DN tiếp tục thực hiện ước mơ xanh hóa của mình. Đây là Quỹ do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ thành lập, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển đổi mới công nghệ sản xuất, hạn chế công nghiệp sản xuất lạc hậu, gây hại môi trường…

Bà Nguyễn Lê Hằng, điều phối viên GCTF, cho biết, Quỹ hỗ trợ DN trong vòng từ 2 - 5 năm, bằng cách đứng ra bảo lãnh 50% giá trị vay ở ngân hàng cho DN. Đối tượng được hỗ trợ là các DN nhỏ và vừa, có vốn dưới 5 triệu USD, nhân viên dưới 1.000 người. DN phải thuộc sở hữu vốn Việt Nam ít nhất là 51%. DN đang hoạt động trong sản xuất, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, tòa nhà văn phòng, cơ sở giặt ủi… Trong kế hoạch xanh hóa của DN, thiết bị thay thế phải thân thiện với môi trường. kết quả sau đổi mới sản xuất phải giảm tác động đến môi trường giảm ít nhất là 30%. Điều quan trọng là sau khi triển khai thành công dự án, DN sẽ được thưởng 25% tổng giá trị khoản vay.

Chia sẻ tại Hội thảo “Giới thiệu Quỹ Ủy thác tín dụng xanh và đổi mới công nghệ và sản phẩm bền vững” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức vào sáng ngày 25/8 tại TP.HCM, ông Tô Hưng Thuận, Giám đốc Công ty Sản xuất tủ sắt Hưng Thuận, Biên Hòa, cho biết:

“Đặc thù điều kiện sản xuất ngày trước ảnh hưởng đến bây giờ. Chúng tôi rất muốn cải tiến để tôn trọng, bảo vệ môi trường... nhưng không tìm ra giải pháp nào”.

Theo ông Thuận, Hưng Thuận trung bình mỗi tháng sản xuất khoảng 2.000 tủ sắt, cung ứng cho thị trường địa phương và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của ông nằm trong khu dân cư, bụi sơn ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng, nhưng giải pháp mà ông có thể đưa ra chỉ là dời xưởng sản xuất sang khu công nghiệp.

“Bụi sơn vẫn cứ thải ra môi trường. Tôi biết đó là gây hại nhưng không biết phải làm thế nào”, ông Thuận thổ lộ.

Nỗi trăn trở của ông Thuận cũng là điều khiến rất nhiều DN Việt Nam đang loay hoay tìm giải pháp.

Bà Nguyễn Thị Kim Hạnh, Giám đốc Sản xuất Công ty CP Thực phẩm Kim và Kim, cho biết, quy trình chiên đậu hũ của công ty dùng điện năng rất lớn, dầu chiên xong cũng không biết xử lý như thế nào để có lợi nhất.

Bà Hạnh nhấn mạnh: “Chúng tôi thiết tha đổi mới sản xuất để ngoài thực phẩm an toàn, chúng tôi còn có thể tự hào vì mình ứng dụng sản xuất xanh”.

Xanh để bền vững

DN tham dự hội thảo

Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, tình hình kinh tế khó khăn khiến DN điêu đứng, những công tác ngoài sản xuất như đổi mới sản xuất, làm thương hiệu... đều gặp khó.

Nhưng rất mừng là trong bối cảnh như thế, vẫn có rất nhiều DN nỗ lực tìm hướng mới. Tuy vẫn chưa vượt trội nhưng nỗ lực của các DN là rất đáng ghi nhận.

Đối chiếu khó khăn hiện nay của các DN với giai đoạn khủng hoảng kinh tế đầu những năm 1990, ông Nguyễn Hồng Long, Trưởng phòng Phát triển dự án và dịch vụ, điều phối viên khu vực dự án SPIN, cho rằng, ở giai đoạn khó khăn, DN đã thay đổi chính sách để tồn tại và điều này đã thành công.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khó khăn mà các DN gặp phải còn cao hơn do lạm phát tăng; chỉ số phát triển con người không tương xứng với chỉ số phát triển kinh tế; bất ổn về xã hội, thu nhập của người nghèo đang đi xuống.

Quan trọng hơn cả là những tác động xấu nhất về môi trường mà cụ thể là nguy cơ mất 38% diện tích đất tại Việt Nam. “Việc tiết kiệm năng lượng, giảm thải để nâng cao sản xuất sẽ là lối thoát cho DN bởi nó giúp DN theo kịp sức ép cạnh tranh, nâng cao năng suất, vừa giúp DN tiết kiệm chi phí, vừa là tiêu chí đánh giá, lựa chọn của tiêu dùng hiện nay”, ông Long nhận định.

SPIN (Sustainable Product Innovation) là Dự án Đổi mới Sản phẩm theo hướng bền vững, được triển khai tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia do Chương trình SWITCH ASIA - Liên minh Châu Âu tài trợ. Dự án do Trường Đại học Kỹ thuật Delft, Hà Lan chủ trì với sự tham gia của Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam… phối hợp thực hiện. Dự án dự kiến quy tụ 500 DN Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong đó, Việt Nam có 340 DN. Tính đến nay, đã có 100 DN Việt Nam tham gia. SPIN hiện có 5 gói hỗ trợ dành cho DN như hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật giảm thiểu năng lượng lên đến 100%, hỗ trợ thiết kế... DN tham gia dự án sẽ được dán nhãn SPIN - chứng nhận “xanh” cho sản phẩm. Các chuyên gia SPIN sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho DN có kế hoạch cải tiến sản xuất, xanh hóa…

Minh chứng cho nhận định của ông Long là sự thành công của Công ty Gốm sứ An Đô. Đây là một công ty khá nhỏ, nằm trong làng gốm Bát Tràng, Hà Nội.

Từ chỗ sản xuất nhỏ, thiết kế phải thuê ngoài... sau khi cải tiến quy trình sản xuất, cải tiến thiết kế, hiện An Đô có trên 500 sản phẩm mới, chinh phục được thị trường châu Âu.

Thành công này đến phần lớn cũng là nhờ An Đô tham gia vào SPIN - một dự án hỗ trợ DN đổi mới sản phẩm và công nghệ bền vững. An Đô đã được các chuyên gia SPIN hỗ trợ miễn phí, từ thiết kế 5 dòng sản phẩm đến việc tư vấn thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nhiên liệu.

Thành công của An Đô chứng tỏ DN Việt Nam vẫn có thể vừa giữ được văn hóa sản xuất truyền thống, vừa chăm sóc được cho môi trường nhưng quan trọng hơn cả là vẫn có thể làm giàu.

Không chỉ An Đô, việc ứng dụng công nghiệp khí hóa an toàn từ trấu và gỗ vụn, trong sản xuất trà San Tuyết ở Tây Bắc cũng đã giúp các hộ sản xuất, kinh doanh tại đây tiết kiệm chi phí nhiên liệu 4 lần so với gas và 10 lần so với than.

Việc biến rác thải thành tài nguyên trong sản xuất tại địa phương này được đánh giá khá cao. “Công nghệ hiện nay có thể giúp con người bẫy năng lượng mặt trời, dùng vào sản xuất như: hạ độ ẩm, bảo quản mây tre, sản phẩm gỗ hay xử lý tre bằng sinh khối tiết kiệm thời gian ngâm tre...

Lợi ích thiết thực và trước mắt như thế nhưng xanh hóa hiện vẫn là điều DN còn e dè. Theo ông Long, dù có sự hỗ trợ từ SPIN nhưng để một DN xanh hóa sản xuất, đòi hỏi lãnh đạo DN phải có năng lực, có tầm nhìn, đủ nhân lực cho dự án.

Hiện DN thường nghĩ sản xuất xanh là to lớn nhưng nó đơn giản chỉ là tận dụng những rác thải miễn phí hay năng lượng miễn phí thành tài nguyên cho mình. Việc làm này thường không mất nhiều chi phí đầu tư.

Ví dụ, một DN sản xuất đồ giả cổ có thể tiết kiệm nhiên liệu bằng cách tận dụng những mẩu gỗ nhỏ làm các chi tiết trong sản phẩm hay dùng các loại keo pha loãng polyester... là đã xanh hơn.

“Chỉ cần tri thức và sáng tạo để có thể triển khai hệ thống sản xuất xanh và tiết kiệm được thì sản xuất sẽ dễ dàng đến với người dùng, đang thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu hiện nay”, ông Long khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiện thực hóa "giấc mơ xanh" trong sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO