Giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh: Cách nào?

QUẾ DƯƠNG| 08/04/2009 00:09

Rủi ro trong kinh doanh là điều không thể tránh. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ doanh nghiệp phải có khả năng dự báo, có giải pháp quản lý nhằm giảm thiểu những rủi ro ấy...

Giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh: Cách nào?

Rủi ro trong kinh doanh là điều không thể tránh. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ doanh nghiệp phải có khả năng dự báo, có giải pháp quản lý nhằm giảm thiểu những rủi ro ấy...

Quản lý rủi ro trong kinh doanh ngày nay được xem là một phần không thể thiếu của mọi chiến lược phát triển doanh nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều dạng rủi ro khác nhau bao gồm: rủi ro về tỷ giá, rủi ro về thị trường, rủi ro về lãi suất, rủi ro về pháp luật, rủi ro về tài chính, rủi ro về sản xuất...

Quản lý rủi ro thực chất là một quy trình được thiết lập trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp, nhằm xác định những sự vụ có nguy cơ dẫn đến những hệ quả xấu cho doanh nghiệp để từ đó chủ động đưa ra những giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

Giải pháp để quản lý rủi ro ngày nay không đơn thuần chỉ là mua bảo hiểm nữa mà đã được triển khai thành một hệ thống đồng bộ và được các doanh nghiệp xếp ngang hàng với những nhiệm vụ quan trọng khác như quản trị tài chính, quản trị nhân sự...

Việc xây dựng quy trình quản lý rủi ro không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu được rủi ro trong kinh doanh mà còn tối ưu hóa hiệu quả hoạt động... - Ảnh: MT

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày nay, mọi rủi ro đều có thể xảy ra với bất kỳ doanh nghiệp nào. Đó là sự xáo trộn nguồn nhân lực, là thái độ bất hợp tác của nhân viên dẫn đến đình công, là những vụ kiện chống bán phá giá với các doanh nghiệp xuất khẩu giày da - thủy sản...

Để xảy ra những hậu quả không mong muốn này, đa phần là do các doanh nghiệp chưa quan tâm thỏa đáng đến việc xây dựng hệ thống quản lý rủi ro. Người xưa có câu mất bò mới lo làm chuồng. Doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy, trong rất nhiều trường hợp, ý thức phòng ngừa rủi ro chỉ có được sau khi doanh nghiệp đã gặp phải sự cố với những hậu quả nặng nề.

Việc xác định được các rủi ro có thể xảy ra và tìm cách quản lý, hạn chế nó về một khía cạnh nào đó cũng giống như việc uống vắc-xin để ngừa bệnh vậy. Một số chuyên gia quản trị cho rằng, quản lý rủi ro luôn góp phần thiết thực trong việc gia tăng giá trị cho doanh nghiệp.

Trong quá trình xây dựng hệ thống này, người lãnh đạo cao nhất phải là người chịu trách nhiệm định hướng, phân công bộ phận chuyên trách và giám sát việc thực thi. Về cơ bản, quy trình quản lý rủi ro thường bao gồm những công đoạn như: xác định rủi ro, mô tả rủi ro, lượng hóa rủi ro, phân tích rủi ro, xếp hạng rủi ro, đánh giá rủi ro, lập báo cáo về rủi ro, xử lý rủi ro, theo dõi và rà soát quy trình quản lý rủi ro. Và điều quan trọng hơn cả là việc định kỳ phân tích, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn để chuẩn bị giải pháp ứng phó một cách chủ động.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp Việt Nam từng phải trả giá đắt do không lường trước được những rủi ro trong kinh doanh. Có thể kể đến một số trường hợp điển hình như vụ thua kiện của Công ty Vinafood II, của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, của Công ty Centrimex... Sự thua kiện của các doanh nghiệp này chính là những bài học cảnh tỉnh đối với doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với nước ngoài.

Nguyên nhân dẫn đến các rủi ro thường là do lãnh đạo doanh nghiệp hiểu chưa thấu đáo về hệ thống pháp luật của nước ngoài cũng như các thông lệ quốc tế, chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý để thẩm định chính xác tư cách pháp lý cũng như tiềm lực tài chính của đối tác nước ngoài...

Mặt khác, rủi ro tài chính cũng chính là một trong những rủi ro mà các doanh nghiệp Việt Nam thường phải đối mặt. Rủi ro này thường tác động dây chuyền và cộng hưởng nên doanh nghiệp phải chủ động xây dựng cho mình quy trình đánh giá và quản lý rủi ro tài chính phù hợp để có thể tự bảo vệ mình trước biến động khôn lường của thị trường.

Theo một chuyên gia tài chính, rủi ro trong lĩnh vực này thường phát sinh từ ba nguồn: sự thay đổi bên ngoài, hoạt động - giao dịch với đối tác bên trong và từ chính nội bộ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những rủi ro này cũng thường liên quan trực tiếp đến tài chính như mua bán, đầu tư, vay nợ...

Do thị trường “không đứng yên” nên việc quản lý rủi ro tài chính cũng phải linh hoạt dựa trên dự báo về mức độ biến động của giá cả, môi trường kinh doanh, điều kiện chính trị - kinh tế trong nước và quốc tế.

Việc xây dựng hệ thống quản lý rủi ro không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu được rủi ro trong kinh doanh mà còn góp phần phân bổ và sử dụng hiệu quả những nguồn lực bên trong, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động cũng như tăng cường tài sản - hình ảnh cho doanh nghiệp.

Nguy cơ về những biến động lớn trên thị trường do hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong giai đoạn sắp tới vẫn còn đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải ý thức hơn nữa trong việc xây dựng quy trình quản lý rủi ro, nếu muốn bảo vệ tài sản của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh: Cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO