Gác mộng tiến sĩ, làm giàu như... nghệ sĩ!

ĐẶNG QUÝ YÊN| 24/09/2010 01:16

Phạm Việt Anh Khoa, Tổng giám đốc StarMedia Group, khởi nghiệp như người ta vẽ tranh hay sáng tác nhạc. Bởi vì, việc anh làm đầy ngẫu hứng và bất ngờ đến mức gia đình, người thân nghe đến cũng giật mình.

Gác mộng tiến sĩ, làm giàu như... nghệ sĩ!

Phạm Việt Anh Khoa, Tổng giám đốc StarMedia Group, khởi nghiệp như người ta vẽ tranh hay sáng tác nhạc. Bởi vì, việc anh làm đầy ngẫu hứng và bất ngờ đến mức gia đình, người thân nghe đến cũng giật mình.

Tiến sĩ hụt

Đó là buổi chiều một ngày đầu năm 2008, khi đang dong xe cùng bạn bè bát phố và ngắm những quán cà phê mọc lên san sát ở những trục đường trung tâm, Khoa bỗng giật mình tự hỏi: “Những nơi tập trung người đông đúc như quán cà phê sao chẳng ai biết tận dụng để làm quảng cáo?”.

Rồi anh cũng tự trả lời: “Không ai làm, mình làm thử xem sao”. Khi ấy, Khoa đang là một nghiên cứu sinh, đang dồn sức cho luận văn tiến sĩ nghiên cứu về đề tài giao dịch chợ điện tử bằng điện thoại di động cho thị trường nông nghiệp Úc.

Bắt tay vào làm, nghĩa là Khoa phải gác lại việc học. “Mỗi người phải lựa chọn một con đường, không thể vừa nghiên cứu khoa học, vừa làm Bill Gates được. Giáo sư hướng dẫn làm luận văn của tôi đã nói thế khi tôi thổ lộ những dự định của mình”, Khoa kể. Đắn đo giữa hai con đường, cuối cùng Khoa quyết định gác lại việc học, bỏ cả công ty thiết kế web để về Việt Nam lập nghiệp.

Chia sẻ ý tưởng với Nguyễn Quang Hải, người bạn thân từ thuở còn học chung trên đất Úc, Hải đã đồng ý cùng Khoa thành lập Công ty StarMedia. Lấy nhà làm văn phòng và bắt đầu mang tivi đến xin treo tại các quán cà phê, rồi phát quảng cáo. Nghe đơn giản nhưng việc triển khai chẳng dễ dàng chút nào.

Khoa cùng Hải sang tận Trung Quốc để mua thiết bị. Khác với những chiếc tivi thông thường, tivi dùng quảng cáo nơi công cộng hoạt động nhờ thẻ nhớ, chứa những video clip cài sẵn.

Chưa có kinh nghiệm, giao dịch đầu tiên của Khoa rốt cuộc là một cú lừa, khiến anh mất cả chục nghìn đô la vốn liếng. Cũng may, sau cú bị lừa ấy, Khoa liên hệ được với nhà sản xuất LG và một nhà cung cấp công nghệ tại Mỹ và mua được sản phẩm mình cần.

Làm sang cho quảng cáo

Có được thiết bị, cái khó mà Khoa phải đối mặt là việc thương lượng với chủ quán cà phê cũng như thuyết trình với đối tác để có được hợp đồng phát sóng các clip giới thiệu sản phẩm. Khoa cho biết: “Nhận lấy ít tiền mà lại để người khác khoan, đục, lắp đặt tivi để phát quảng cáo trong chỗ kinh doanh của mình, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận”.

Sáu tháng kiên trì thuyết phục, cuối cùng Khoa cũng được phép lắp thiết bị ở bảy quán cà phê tại TP.HCM. Cũng nhờ kiên trì mà một thương hiệu lớn đã hiểu được dự án của Khoa, chấp nhận ký hợp đồng trong ba tháng. Mang hợp đồng trị giá hơn 200 triệu đồng về nhà, lúc này bố mẹ Khoa mới hiểu việc Khoa đang làm.

Không chỉ bố mẹ Khoa, sau khi chương trình quảng bá tại các quán cà phê đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp cũng nhận ra tính tương tác của nó đối với người dùng. Nhờ vậy, Khoa dần có được khách hàng, dù anh không có chút kiến thức chuyên môn về truyền thông.

“Tôi được đào tạo thành kỹ sư phần mềm, rồi học lên ở chuyên ngành thương mại điện tử, cứ ngỡ mình sẽ là một trong những người tiên phong xây dựng thương mại điện tử cho Việt Nam”, Khoa tâm sự.

Một trong những công trình mà Khoa tự hào với chuyên môn của mình là hệ thống tự học và thi trực tuyến để lấy chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư do anh viết theo đơn đặt hàng của Hiệp hội Kiến trúc sư Úc châu. Hệ thống thì vẫn còn đang sử dụng, nhưng người viết nó thì đã rẽõ sang một hướng hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, cũng nhờ ứng dụng công nghệ vào truyền thông mà Khoa tạo được lợi thế cho mình. Từ mô hình của hơn 50 quán cà phê, Khoa phát triển hệ thống đến chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, các điểm giải trí công cộng...

Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, lúc này, Khoa phát triển, cung cấp thêm dịch vụ truyền thông nội bộ cho các thương hiệu.

Kết nối với những người làm trong lĩnh vực điện ảnh, không chỉ phát hình ảnh, StarMedia còn đảm nhận thực hiện luôn các video clip cho khách hàng. Khép kín được quy trình, Khoa dễ dàng lấy lòng khách hàng hơn cũng như có thêm kinh phí hoạt động.

Quen với việc đối mặt với những khúc quanh bất ngờ, Phạm Việt Anh Khoa có thái độ khá điềm tĩnh trước những diễn biến xung quanh, điều không phải người trẻ nào cũng có được.

Anh bảo, đối mặt với khó khăn, lúc nào anh cũng được mọi người trong công ty ủng hộ. Có được sự đồng thuận này là vì Khoa luôn công khai mọi kế hoạch, tài chính cũng như tầm nhìn của công ty cho nhân viên. “Nhân viên sẽ hết lòng với lãnh đạo khi họ biết họ đang làm vì điều gì”, Khoa tiết lộ.

Và mỗi lần vượt qua được một khúc quanh khó, Khoa lại càng vững vàng hơn với những lựa chọn của mình. Thế nhưng, mỗi khi nghe mọi người nói về sự nghiệp, anh tiến sĩ “hụt” này luôn bảo, sẽ không bao giờ anh thoát được khó khăn, thử thách.

Bởi vì, thói quen của Khoa vẫn luôn là hoàn tất dự án này, anh lại “moi” ra dự án khác để làm tiếp! Như Saiga Films, một công ty mới, trực thuộc StarMedia Group, mà Khoa vừa bắt tay vào điều hành. Bước đầu, Saiga Films đã sản xuất và công chiếu thành công bộ phim Giao lộ định mệnh do đạo diễn việt kiều Victor Vũ làm đạo diễn. Điện ảnh liệu có dễ dàng tặng Khoa những thành công mới?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gác mộng tiến sĩ, làm giàu như... nghệ sĩ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO