Doanh nhân khởi nghiệp: Thành công nhờ khác biệt

LÊ LOAN| 02/01/2017 04:17

Nhà điều hành DN khởi nghiệp (KN) nên chọn hướng khai thác điểm yếu của đối thủ để phát triển.

Doanh nhân khởi nghiệp: Thành công nhờ khác biệt

Thay vì cứ mãi chạy đua, hoặc ước ao trở thành cái bóng của những doanh nghiệp (DN) lớn, nhà điều hành DN khởi nghiệp (KN) nên chọn hướng khai thác điểm yếu của đối thủ để phát triển.

Đọc E-paper

Đó là chia sẻ từ các doanh nhân đi trước, những người góp phần không nhỏ vào sự phát triển của các ngành hàng tại Việt Nam như: ngành hàng bán lẻ, trang sức, lĩnh vực công nghệ cao... tại Hội thảo Thất bại để thành công do Hội Doanh nghiệp Trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức.

Từ câu chuyện kinh doanh của mình, Bùi Tuấn Minh - CEO Galle Watch, hệ thống phân phối đồng hồ chính hãng có tiếng tại Việt Nam cho hay, sau gần 13 năm phát triển, từ một cửa hàng nằm trên phố Tuệ Tĩnh (Hà Nội), đến nay Galle Watch đã sở hữu hệ thống gồm hơn 30 cửa hàng trên toàn quốc, tập trung nhiều ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Biên Hòa.

Phụ trách phân phối hơn 20 thương hiệu đồng hồ từ phân khúc trung cấp đến cao cấp như: Longines, Rado, Frederique, Constant, Perrelet, Century, Chronoswiss, Zenith, Breitling..., thế nhưng vấn đề khó khăn mà CEO Galle Watch đang phải đối mặt là quản trị nhân sự. “Vì tăng trưởng quá nhanh, từ 2 lên đến 200 nhân viên trong thời gian ngắn khiến chúng tôi bối rối”, Bùi Tuấn Minh chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) cho hay: “Trong thời gian đầu KN, TGDĐ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Để tiến đến giai đoạn một người lãnh đạo có thể thuyết phục được 25.000 người đồng ý làm theo chúng tôi phải mất từ 2 - 4 năm”.

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), DN nào cũng vậy, từ khi còn nhỏ đến lúc phát triển lớn hơn đều có những khó khăn khác nhau, nhưng văn hóa luôn là vốn quý nhất của một DN. Việc gia tăng nhân sự khiến DN gặp khó trong cách quản trị dự báo nguy cơ tụt dốc của DN. Để khắc phục, cải thiện, Galle Watch phải chỉnh đốn lại những giá trị văn hóa trong DN, cái nào đã lỗi thời thì cần phải đổi mới, cái nào hay thì gìn giữ và tiếp tục phát huy, bởi vì đó là yếu tố sống còn của DN.

Trong khi Galle Watch được giúp định hướng cách quản trị nhân sự thì vntrip.vn, dự án KN về du lịch, cũng nhận được những đóng góp thẳng thắn của những người đi trước về chiến lược kinh doanh. Vntrip vừa công bố hoàn tất vòng gọi vốn đầu tiên với tổng số tiền lên đến 3 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại, dẫn đầu là hai quỹ Fenghe Group và Hancock Revocable Trust; đồng thời vừa ký kết hợp tác chiến lược với booking.com (thuộc Tập đoàn Priceline, Mỹ) vào tháng 4/2016 và hệ thống đã kết nối trực tuyến tới hơn 6 ngàn khách sạn Việt Nam và gần 900 ngàn khách sạn quốc tế.

Lê Đắc Lâm - nhà sáng lập kiêm CEO vntrip.vn cho biết, một trong những yếu tố giúp vntrip chinh phục khách hàng là dịch vụ tốt, nhưng điều làm Lâm lo lắng và không biết xử lý thế nào cho tốt là vntrip bị quá tải đơn hàng đặt phòng khách sạn sau khi chia sẻ với báo giới về sự minh bạch trong kinh doanh. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Tài, đối với khách hàng, điều họ quan tâm nhất là uy tín, nên lời nói của DN phải đi đôi với việc làm, đã hứa là phải thực hiện. Thất hứa là điều tối kỵ khi tham gia kinh doanh online.

Về việc vntrip.vn nhắm đến Agoda (thương hiệu đứng đầu về đặt phòng của nước ngoài tại Việt Nam), ông Nguyễn Đức Tài khuyên, vntrip.vn cần xác định thế mạnh của mình và phải có những điểm khác biệt. “Khi một DN hướng đến việc phát triển quá lớn thì vấn đề của họ là sẽ khai thác không đủ sâu. Do đó, thay vì tìm cách chạy theo, công kích, các DN KN cần phải khai thác những điểm yếu của đối tác để phát triển, hoặc quan tâm những phân khúc mà các DN lớn chưa đụng tới. Chẳng hạn, vntrip.vn có thể khai thác những khách sạn địa phương ở phân khúc thấp. Những địa điểm lưu trú này đến nay vẫn chưa được chú ý nhiều, do vậy trở thành mục tiêu cho các nhà khai thác trong nước”, ông Tài định hướng.

Đồng tình với ông Tài, bà Dung cho rằng, các DN nhỏ đừng “dại dột” đối đầu với các DN đầu ngành. Bởi những khoản chi phí đổ vào các chiến dịch truyền thông hay một sự kiện nào đó có thể không đáng kể đối với các DN lớn nhưng đôi khi là cả một gánh nặng tài chính đối với DN KN.

Do đó, thay vì đối đầu, các DN KN nên tìm kiếm phân khúc riêng cho mình. Với lĩnh vực du lịch, sự trải nghiệm trong một chuyến du lịch là rất quan trọng, vì vậy, vntrip.vn càng cần tập trung để đem đến cho khách hàng Việt Nam hay nước ngoài những trải nghiệm tốt nhất tại thị trường Việt Nam. Đó mới chính là cách lấy điểm khiến DN sớm thành công. “Đây cũng là cách đưa PNJ đến thành công khi luôn cam kết mẫu mã sản phẩm đối với từng thị trường nội địa hay xuất khẩu, và phân khúc bán lẻ hay bán buôn”, bà Dung chia sẻ.

>>Mô hình kinh doanh của H&M, Zara và Uniqlo có gì khác biệt?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân khởi nghiệp: Thành công nhờ khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO