Cuộc chơi mới của cựu thủ lĩnh FPT Play

HUY VŨ| 20/03/2015 06:55

Từ bỏ vị trí nhân sự cao cấp của FPT, Nguyễn Hữu Bình dấn thân vào sân chơi mới...

Cuộc chơi mới của cựu thủ lĩnh FPT Play

Từ bỏ vị trí nhân sự cao cấp của FPT, Nguyễn Hữu Bình dấn thân vào sân chơi mới: xây dựng nền tảng kết nối các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu phát triển ứng dụng di động với các lập trình viên trong nước. Chỉ trong vòng 6 tháng, anh đã kêu gọi được đối tác chiến lược, xây dựng hạ tầng công nghệ hỗ trợ việc kết nối và tìm được những khách hàng đầu tiên.

Đọc E-paper

Từ FPT Play...

Trên thực tế, cái tên Nguyễn Hữu Bình không phải quá xa lạ với giới công nghệ thông tin, anh là quán quân giải thưởng "Sáng tạo giải pháp công nghệ Việt 2007" và đứng thứ ba cuộc thi "Nhân tài đất Việt 2008". Tuy nhiên, anh còn được biết đến với vai trò là một trong những người bén duyên với làn sóng ứng dụng di động từ khá sớm.

Năm 2008, Bình đầu quân về Công ty Vega Corp. và giữ vai trò trưởng văn phòng đại diện khi DN này thực hiện những dự án quan trọng liên quan đến lĩnh vực di động cho Viettel, VinaPhone, MobiFone... Vào thời điểm đó, các nhà mạng đang đầu tư cho các dự án chạy trên nền tảng công nghệ 3G như MobileTV (Viettel), Mobile Camera (VinaPhone), ringring.vn.

Rời Vega Corp., anh tiếp tục hoạt động trong mảng di động khi giữ vị trí chủ chốt của bộ phận di động ở Công ty VC Corp. từ năm 2011 - 2012. Tuy nhiên, đến khi về FPT, Bình mới tạo dấu ấn riêng trong lĩnh vực ứng dụng di động, bởi anh là người đặt những viên gạch đầu tiên cho FPT, về dự án FPT Play, một ứng dụng để xem video.

Để tạo sự khác biệt trên thị trường, anh xác định FPT Play chỉ phát các chương trình dành riêng cho bóng đá. Chiến lược đó đã nhanh chóng phát huy tác dụng, lượng người sử dụng FPT Play tăng trưởng với tốc độ 100% mỗi tháng.

Chỉ trong vòng một năm, FPT Play đã có hơn 1 triệu người sử dụng. Quan trọng hơn, mức độ tăng trưởng hấp dẫn đã giúp FPT mua được bản quyền của giải bóng đá Premier League.

... Đến Applancer

Trong suốt quá trình làm việc, Bình nhận thấy sự phổ biến của smartphone mà cụ thể là làn sóng ứng dụng di động khiến việc kết nối và tìm thông tin của người sử dụng đang thay đổi từng ngày và các DN đang phải tìm cách thích nghi với điều đó, nhất là các DN không có sẵn bộ phận công nghệ thông tin.

"Nhiều DN có nhu cầu thuê ngoài làm ứng dụng di động để phục vụ mục đích kinh doanh, nhưng họ không có nhiều chọn lựa vì thiếu thông tin về thị trường, giá cả cũng như khả năng của đối tác", Bình nhận định.

Theo anh, thị trường cần một nơi có thể kết nối các DN có nhu cầu làm ứng dụng di động với các nhóm hoặc cá nhân là những lập trình viên tự do. Quan trọng hơn, nơi đó phải có khả năng tạo sự tin tưởng cho đôi bên là DN và những lập trình viên tự do.

Nghĩ là làm, đầu năm 2014, Bình rời khỏi FPT và bắt tay thực hiện Applancer. Đây là nền tảng kết nối và tạo niềm tin cho người bán và người mua bằng cách kiểm tra trình độ lập trình viên cho DN, đồng thời đảm bảo DN sẽ trả tiền cho các lập trình viên thông qua hình thức thu tiền theo từng giai đoạn (các dự án gia công ứng dụng di động thường được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau). Applancer sẽ thu phí trung bình 10% trên mỗi dự án.

Với kinh nghiệm từ 4 lần khởi nghiệp thất bại, Bình biết Applancer là cuộc chơi dài hơi, cần một đối tác chiến lược đồng hành, và Appota là đơn vị đầu tiên anh kêu gọi hợp tác. Ngay lập tức, Applancer đã được Giám đốc Điều hành Appota là ông Đỗ Tuấn Anh chú ý.

Ông Tuấn Anh cho biết, Appota được định nghĩa là nền tảng phân phối nội dung số trên thiết bị di động, chính vì thế, Applancer là đối tác phù hợp với hệ sinh thái của Công ty. Dự án này đem lại lợi ích cho cộng đồng khi tạo điều kiện cho các lập trình viên trong nước nâng cao tay nghề và thu nhập.

Sau khi được đầu tư, trong vòng 6 tháng, hạ tầng công nghệ hỗ trợ kết nối của Applancer được hình thành và Công ty đã có những khách hàng đầu tiên là Báo Tuổi Trẻ, tạp chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Tổ chức tiệc cưới, hội nghị White Palace...

Câu hỏi đặt ra là Applancer sẽ thu hút được thêm bao nhiêu khách hàng? Bình cho biết, "room" dành cho Applancer còn rất lớn, theo số lượng từ Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2014, cả nước có khoảng 400.000 DN đang hoạt động, con số này chưa bao gồm các DN đã đăng ký nhưng chưa đi vào hoạt động.

Chỉ cần 1% DN có nhu cầu thì Applancer đã có 4.000 khách hàng. Nói thì dễ, nhưng để đạt được lượng khách hàng như vậy, Bình hiểu rõ vẫn còn nhiều thứ cần hoàn thiện, mà quan trọng nhất là đưa nền tảng Applancer đến với DN và cộng đồng lập trình viên cả nước.

Xa hơn, ông chủ của Applancer còn có tham vọng ghi tên Việt Nam vào bản đồ gia công ứng dụng di động trên thế giới trong thời gian sớm nhất, vì thị trường nước ngoài là nơi có mức doanh thu cực kỳ hấp dẫn.

Hiện nay trên thế giới có 4 mô hình hoạt động tương tự như Applancer nhưng đa dạng dự án hơn (như thiết kế, làm web, ứng dụng di động...), đó là Elance, oDesk, Freelancer và 99 design.

Trong đó, Elance và oDesk là hai DN chiếm phần lớn thị trường với doanh thu trong năm 2014, theo website biz30timedoctor.com, lần lượt là 920 triệu USD và 739 triệu USD. Chỉ tính riêng mảng dự án ứng dụng di động, Elance và oDesk đạt doanh thu gần 20 triệu USD trong năm 2014, tăng trưởng 49% so với cùng kỳ 2013.

Theo Bình tính toán, hiện Elance và oDesk chiếm gần 70% thị trường gia công ứng dụng di động, ước tính toàn thị trường có giá trị hơn 40 triệu USD trong năm 2014. "Con số này chắc chắn sẽ tăng trong các năm tới. Applancer kỳ vọng chiếm hơn 10% thị phần trong 5 năm nữa và chúng tôi đang cố gắng để không bị lỡ nhịp", Bình lạc quan cho biết.

>Bản Beta hoàn hảo
>Quản lý người Việt đầu tiên ở Google Châu Á
>
Nguyễn Hà Đông: Làm tốt từ cái nhỏ nhất
>Internet: Tưởng dễ mà khó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc chơi mới của cựu thủ lĩnh FPT Play
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO