Bí quyết ứng dụng hiệu quả Khung Mô hình kinh doanh

BÍCH TRÂM| 12/07/2016 03:59

Khung Mô hình kinh doanh (Business Model Canvas) được giới kinh doanh thế giới công nhận là một công cụ thiết thực giúp tạo nên một mô hình kinh doanh bằng hình ảnh.

Bí quyết ứng dụng hiệu quả Khung Mô hình kinh doanh

Khung Mô hình kinh doanh (Business Model Canvas) được 2 tác giả Alexander Osterwalder và Yves Pigneur cùng 470 cố vấn, doanh nhân từ 45 quốc gia khởi xướng trong cuốn Business Model Generation (tựa tiếng Việt: Tạo lập Mô hình Kinh doanh) và đã được giới kinh doanh thế giới công nhận là một công cụ thiết thực giúp tạo nên một mô hình kinh doanh bằng hình ảnh.

Mô hình kinh doanh này được xem như điểm khởi đầu, thể hiện cách tạo dựng doanh nghiệp như thế nào cũng như cách nó sẽ mang lại giá trị cho khách hàng ra sao, tạo tiền đề cho doanh nhân tiến tới bước tiếp theo là xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Khung Mô hình kinh doanh bao gồm 9 thành tố cơ bản, cho thấy tính logic trong cách một công ty theo đuổi mục tiêu gặt hái lợi nhuận:

1. CS (Customer Segment - Phân khúc khách hàng): Xác định những tập hợp cá nhân hay tổ chức khác nhau mà doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ

2. VP (Value Propositions - Giải pháp giá trị): Mô tả gói sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị cho một phân khúc khách hàng cụ thể

3. CH (Channels - Các kênh kinh doanh): Diễn tả cách thức một công ty giao thiệp và tiếp cận các phân khúc khách hàng của mình nhằm chuyển đển họ một giải pháp giá trị

4. CR (Customer Relationships - Quan hệ khách hàng): Diễn tả các hình thức quan hệ mà một công ty thiết lập với các phân khúc khách hàng cụ thể

5. RS (Revenue Streams - Dòng doanh thu): Phản ánh lượng tiền mặt mà một công ty thu được từ mỗi phân khúc khách hàng (các chi phí phải được khấu trừ khỏi doanh thu để tạo ra thu nhập)

6. KR (Key Resources - Nguồn lực chủ chốt): Mô tả những tài sản quan trọng nhất cần có để vận hành một mô hình kinh doanh

7. KA (Key Activities - Hoạt động trọng yếu): Mô tả những việc quan trọng nhất mà một công ty phải làm để vận hành mô hình kinh doanh của mình

8. KP (Key Partnerships - Các đối tác chính): Mô tả mạng lưới bao gồm các nhà cung cấp và đối tác mà nhờ đó mô hình kinh doanh có thể vận hành

9. CS (Cost Structure - Cơ cấu chi phí): Mô tả mọi chi phí phát sinh để vận hành một mô hình kinh doanh

Khung Mô hình kinh doanh được hiển thị dưới dạng hình ảnh trực quan. Nguồn: Trategyzer

Theo GS. Bùi Xuân Tùng – Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh cao cấp Việt Nam của Trường Kinh doanh Shidler, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC của Đại học Tổng hợp Hawaii (Hoa Kỳ), đồng thời là bạn thân với tác giả Alexander Osterwalder, Khung Mô hình kinh doanh này là một công cụ giúp doanh nhân biến những ý tưởng còn mơ hồ thành một bức tranh rõ ràng, dễ hiểu.

"Việc sử dụng Khung Mô hình đòi hỏi phải có sự linh hoạt thay đổi cho phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động cũng như nhu cầu, văn hóa của doanh nghiệp. Chẳng hạn, một công ty sản xuất dược phẩm với đặc thù xem trọng bí quyết nghề nghiệp, khi tạo ra một giải pháp mang tính đột phá, họ phải bảo mật thông tin tối đa với bên ngoài, do đó, thành tố Đối tác trở nên không quan trọng. Ngược lại, đối với mô hình kinh doanh như Uber, đối tác - các tài xế, người có xe ô tô – lại mang ý nghĩa sống còn với họ", GS. Tùng cho biết.

Chia sẻ về cách tiếp cận hiệu quả Khung Mô hình kinh doanh, ông Nguyễn Bá Ngọc – Chủ tịch Công ty CP Truyền thông NBN Media cho rằng, để hiểu rõ hơn về Khung Mô hình kinh doanh, chúng ta có thể thử áp dụng trước với một thương hiệu bất kỳ đang dẫn đầu thị trường. Bằng cách điền tất cả thông tin về 9 thành tố cơ bản trong Khung Mô hình kinh doanh, chúng ta sẽ phần nào biết được lý do vì sao họ thành công.

Ứng dụng Khung Mô hình kinh doanh vào Công ty CP Nghiên cứu thị trường GCOMM

Từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến nay đã 5 năm nhưng ông Trần Hùng Thiện - CEO Công ty CP Nghiên cứu thị trường GCOMM - cho biết chỉ vừa mới hoàn thành xong mô hình kinh doanh hoàn chỉnh cho Công ty nhờ ứng dụng Khung Mô hình kinh doanh, vì thao tác này tưởng như đơn giản nhưng tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Ông Thiện chia sẻ: “Khi mới kinh doanh, gần như tôi không có thời gian để đầu tư cho việc xác định rõ ràng những thành tố cơ bản trong Khung Mô hình kinh doanh, thay vào đó, tôi chỉ tập trung cho chuyện “cơm áo gạo tiền” là chính. Cho đến lúc này, nhờ nhận được nhiều sự tư vấn, tôi mới có thể thực hiện xong một Business Model Canvas hoàn chỉnh cho GCOMM. Mô hình này giống như một tài sản vô giá của Công ty vậy".

>5 sai lầm khiến kế hoạch kinh doanh thất bại

>NĐT Hajime Hotta: Startup Việt hãy lập ít nhất 20 bản kế hoạch kinh doanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bí quyết ứng dụng hiệu quả Khung Mô hình kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO