Vì sao cổ phiếu ngân hàng luôn “dẫn sóng”?

P.V| 18/06/2018 09:00

Trải qua nhiều con sóng từ đầu năm 2017 đến nay, rất nhiều nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán đã chia sẻ quan điểm chung về sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng.

Vì sao cổ phiếu ngân hàng luôn “dẫn sóng”?

Đây là nhóm ngành nhà đầu tư được khuyến nghị theo dõi chặt chẽ và lọc được cổ phiếu tốt để đầu tư, cả lướt sóng lẫn nắm giữ trung hạn.

Những chuyển động tích cực 

Thống kê cho thấy, trong 5 phiên giao dịch của tuần trước, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá, với mức độ từ 5% đến xấp xỉ 13%. Sức hút của cổ phiếu vua nằm ở độ rộng về biến động giá với các mức độ tăng giảm mạnh, nhà đầu tư chọn đúng sóng thường có lợi nhuận rất cao.  Chẳng hạn, tuần qua, VCB có mức tăng trên 10%, ACB 5%,  tân binh TCB trong 3 phiên cuối tuần tăng giá tới 17.000 đồng/CP, tương ứng mức tăng xấp xỉ 15%.

Xét trên triển vọng kinh tế vĩ mô và triển vọng ngành, cổ phiếu ngân hàng có khá nhiều thông tin hỗ trợ. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như WB, Oxford Economics, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển vững chắc, thu hút sự chú ý của bạn bè quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,38% trong quý I/2018. Con số này là khá cao kể cả khi đặt trong các tiêu chuẩn thị trường mới.

Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, 13% trong số 95 triệu công dân Việt Nam được xếp vào tầng lớp trung lưu. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên nữa, đạt 26% vào năm 2026.

Thu nhập cũng tăng mạnh, một phần lớn nhờ vào số lượng dân số trẻ dưới 35 tuổi chiếm đến 70%. Thu nhập đầu người hiện nay là 2.200 USD, tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, con số này là 5.000 USD.

Với riêng ngành ngân hàng, các số liệu bán niên được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy bức tranh khá tích cực khi tính đến 31/5/2018, tín dụng đạt trên 6,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,16% so với cuối năm 2017.

Trong đó, dư nợ tín dụng đã tập trung cho các ngành sản xuất, kinh doanh tạo động lực tăng trưởng của cả nền kinh tế như công nghiệp và xây dựng; ngành thương mại và dịch vụ… Ngoài thu từ lãi tín dụng, báo cáo tài chính của các ngân hàng đã chỉ ra sự chuyển động tích cực trong cơ cấu lợi nhuận khi thu dịch vụ tăng mạnh. Chẳng hạn, ở TCB, nguồn thu từ dịch vụ đã chiếm 23,3% tổng thu nhập hoạt động năm 2017.

Lựa chọn của nhà đầu tư

Các nhà đầu tư nên làm gì trước những chuyển động mạnh mẽ này?

Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư cho rằng, bỏ vốn vào cổ phiếu ngân hàng vẫn dễ chịu hơn các nhóm cổ phiếu khác. Đặc biệt là mua cổ phần tại các ngân hàng tập trung mạnh vào việc phục vụ nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang lên, giúp họ có thể mua hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu khi thu nhập của họ tăng lên.

Với những người giàu có và tài chính ổn định hơn, họ bắt đầu muốn mua nhà và xe riêng, muốn có thẻ tín dụng để mua sắm thoải mái. Với sự phát triển theo hướng tích cực này, các ngân hàng sẽ là người thu được lợi nhuận nhanh nhất.

Dư địa về doanh thu của những lĩnh vực này vô cùng lớn. Đơn cử, số liệu của WB cho thấy, mức thế chấp tại Việt Nam hiện mới đạt 4,7%, trong khi ở nước láng giềng Thái Lan lên tới 16%.

Theo dữ liệu của Tập đoàn bất động sản lớn nhất ở Việt Nam là Vingroup, ngân hàng cung cấp khoản thế chấp cho người mua lần đầu là Techcombank (TCB). Một báo cáo của Frost & Sullivan tính toán, TCB có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực này, đạt mức 16%.

Trong một nghiên cứu gần đây, Viet Capital Securities cũng nhận xét rằng, "TCB là một doanh nghiệp có thế chấp tốt hơn so với các ngân hàng tư nhân khác với các khoản thế chấp chiếm 69% của khoản vay bán lẻ so với 35% ở nhóm ngang hàng vào cuối năm 2017”.

Morgan Stanley cũng dự báo TCB sẽ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu này. Ngân hàng đầu tư Mỹ dự đoán cho vay thế chấp của TCB sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm rất cao (38%) cho đến năm 2020.

Sự bứt phá về nguồn thu của các ngân hàng còn đến từ việc tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ. Chỉ tính riêng ở mảng thẻ tín dụng, hiện mới chỉ có 1,9% dân số Việt Nam sử dụng dịch vụ này, thấp hơn nhiều các nước láng giềng như Thái Lan (5,5%).

Frost & Sullivan dẫn số liệu khảo sát thị trường cho thấy, TCB có khối lượng giao dịch tăng trưởng CAGR 39% từ năm 2013 đến năm 2017 và hiện đạt thị phần cao nhất trong lĩnh vực thẻ Visa.

Hay trong lĩnh vực hợp tác khai thác bảo hiểm, những thỏa thuận độc quyền như Manulife với TCB, đem lại nguồn thu dịch vụ đột phá và hứa hẹn giúp ngân hàng triển khai dịch vụ hiệu quả hơn nhiều đối thủ khác. Điều này thể hiện ngay ở số liệu được hai bên công bố gần đây, thị phần bằng tiền lãi của TCB về bảo hiểm ngân hàng tăng từ 23,7% trong năm 2016 lên 26,2% trong nửa đầu năm 2017.

Chiến lược tập trung phát triển các sản phẩm tạo phí (quản lý tài sản, sản phẩm thẻ và bảo hiểm ngân hàng) để cung cấp các nguồn thu nhập linh hoạt, thay vì phụ thuộc nhiều vào việc cho vay đang khiến các cổ đông của ngân hàng an tâm và khích lệ họ yên tâm bỏ vốn vào lĩnh vực này.

Một nhà đầu tư có quy mô vốn gần 500 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán cho biết, 2 năm nay ông đã gia tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục và nhóm cổ phiếu này đã giúp ông chiến thắng thị trường một cách ngoạn mục.

Sau đợt điều chỉnh của thị trường hồi tháng 5, mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng đã trở về mức khá hấp dẫn. Ví dụ, tân binh TCB hiện có thị giá 105.000 đồng/CP, với thu nhập trên mỗi cổ phần đạt xấp xỉ 7.000 đồng (tính theo kế hoạch lợi nhuận 2018), cổ phiếu TCB hiện giao dịch với PE khoảng 14x, tức là thấp hơn định giá chung của VN-Index là 18 lần. Chưa kể, TCB đã công bố kế hoạch chia cổ phiếu thưởng ở tỉ lệ 1:2, khiến mức giá sẽ được điều chỉnh về khoảng dưới ngưỡng 50.000 đồng/cổ phiếu, một mức rất hấp dẫn với giới đầu tư.

Công ty chứng khoán FPTS, một trong những đơn vị đưa ra khuyến nghị rất sát thị trường gần đây cho rằng, các bluechips đang luân phiên giữ nhịp, tạo tác động tích cực tới thị trường chung. Trong đó, nhóm bất động sản và ngân hàng đang là các nhóm ngành có tín hiệu xu hướng tương đồng rõ nét nhất với trạng thái của thị trường. Nhà đầu tư lướt sóng nên theo sát biến động của các cổ phiếu ngân hàng  để có thể ra quyết định kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao cổ phiếu ngân hàng luôn “dẫn sóng”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO