Doanh nghiệp điêu đứng vì kiểm toán hải quan

MINH ANH| 25/11/2017 00:00

Các doanh nghiệp điêu đứng khi đối mặt với các khoản truy thu thuế hàng chục tỉ đồng khi cơ quan hải quan lật lại hồ sơ nhập khẩu và phạt nặng các lỗi sơ sót hành chính trong kê khai.

Doanh nghiệp điêu đứng vì kiểm toán hải quan

Chủ đề về thuế và hải quan tiếp tục là điểm nóng được thảo luận tại buổi tọa đàm “Thị trường đồ uống năm 2017 và dự báo xu hướng 2018” diễn ra vào ngày 22/11/2017 tại khách sạn Rex, Quận 1, TP.HCM do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức.

Đại diện VBA, VCCI, các chuyên gia trong ngành đồ uống, luật sư cùng các doanh nghiệp thành viên VBA đã chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp khi hải quan lật lại hồ sơ nhập khẩu các năm trước để kiểm toán và truy thu thuế với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng áp cho những lỗi hành chính vốn không làm ảnh hưởng đến giá trị nhập khẩu và số thuế phải đóng kê khai qua từng năm.  

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty SBLaw, phát biểu: “Tôi nghĩ Chính phủ đang lắng nghe, vì thế các doanh nghiệp và Hiệp hội cần có ý kiến mạnh mẽ hơn nữa khi nhận thấy có chính sách thuế hay cách thực thi của hải quan chưa phù hợp, cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế, làm xói mòn niềm tin của cộng đồng quốc tế”.

Theo luật sư Hà, chủ trương kiểm toán hải quan là đúng đắn để không bỏ sót những DN kê khai thuế gian lận, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Nhưng với các DN nước ngoài mà cơ quan hải quan không chứng minh được rằng họ có dấu hiệu trốn thuế bằng cách khai báo giá nhập khẩu giảm dần qua các năm hay chuyển giá qua quan hệ mẹ - con, hải quan nên áp các mức phạt hành chính theo quy định của luật hiện hành để đảm bảo sự công bằng trong thực thi, bỏ đi định kiến rằng cơ quan hải quan đang "tận thu" để đạt được mục tiêu thu ngân sách được giao, bất chấp những khó khăn gây ra cho DN làm ăn chân chính và môi trường đầu tư của quốc gia.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Vũ Xuân Hưng - Phó phòng Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) cũng đã trình bày về phản hồi doanh nghiệp đối với các thủ tục hành chính của nhà nước. Ông cho biết theo Khảo sát năm 2016 của VCCI, có 41% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế. Trong đó, các doanh nghiệp FDI vẫn là nhóm có tỷ lệ gặp phiền hà cao nhất, 53%, kế đến là các doanh nghiệp dân doanh, với tỷ lệ 41%. Đối với các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tỷ lệ này là 30%.

Ông cho biết hơn 60% doanh nghiệp kiến nghị rằng cần tăng cường công khai minh bạch các chính sách thuế và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến thuế. “Con đường xa nhất của Việt Nam không phải từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến hành động”, ông Hưng trích dẫn lời phát biểu của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc để nhấn mạnh.

Trước đó, tại hội thảo về những thay đổi trong quy định thuế và hải quan diễn ra ở Hà Nội (ngày 16/5/2017), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết, doanh nghiệp châu Âu vẫn rất quan ngại về những quy định hành chính trong kê khai thuế và hải quan. Theo EuroCham, các quy định về thuế và hải quan đã có những thay đổi liên tục trong thời gian qua. Song, việc đặt ra các điều luật để tận thu thuế và phạt nặng các lỗi hành chính sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư vốn nhiều thách thức của Việt Nam.

Khi lỗi hành chính bị phạt hàng chục tỉ đồng

Ông Shivam Misra, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đã chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn những quan ngại của giới doanh nghiệp về vấn đề kiểm toán hải quan.

Ông Shivam Misra - đại diện EuroCham, trả lời báo, đài về việc lật lại hồ sơ để kiểm toán hải quan gây nhiều khó khăn cho các DN. Ảnh: Minh Đức

* Vì sao việc kiểm toán này gây ra quan ngại cho doanh nghiệp?

- Kiểm toán hồ sơ hải quan là công việc thường xuyên của cơ quan hải quan. Đây là công việc nên làm để hạn chế những gian lận thương mại và phần nào đó bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp rắc rối với các đợt lật lại hồ sơ hải quan. Các doanh nghiệp đang rất quan ngại đến phương thức thi hành các điều luật quy định cũng như khung pháp lý ở Việt Nam.

Những lỗi nhỏ trong hành chính lại được xem là vấn đề lớn. Cụ thể, những lỗi này thực sự không ảnh hưởng đến phương pháp xác định giá trị và giá cả hàng hóa nhưng lại bị phạt . Điều này làm các doanh nghiệp rất quan ngại.

* Vậy đã có doanh nghiệp nào thuộc EuroCham đã gặp rắc rối với việc lật lại hồ sơ này, thưa ông?

- Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã tiến hành kiểm toán lại hồ sơ khai báo nhập khẩu và ra quyết định phạt nhiều doanh nghiệp. Chẳng hạn, Diageo Việt Nam, một thành viên của EuroCham, đang có nguy cơ bị phạt đến vài triệu đô la Mỹ, vì lỗi kê khai sai về thủ tục hành chính. Số tiền phạt này được cộng dồn suốt 2 năm qua.

Điều đáng nói là, việc khai sai không làm giảm mức thuế nhập khẩu mà Diageo Việt Nam phải đóng, tức là lỗi khai sai chỉ mang tính hành chính, không phải doanh nghiệp cố tình khai giá thấp để giảm số thuế phải nộp.

* Theo ông, nếu việc lật lại hồ sơ kiểm toán hải quan này tiếp tục được thực thi sẽ gây khó khăn gì cho doanh nghiệp?

- Nếu các cách thức này được thực thi, nó sẽ tạo ra một vấn đề lớn cho doanh nghiệp vì không ai có thể biết chi phí thực sự mà họ phải trả cho một món hàng sẽ bán, vì chi phí thực có thể sẽ tăng gấp nhiều lần khi vài năm sau Chính phủ lại đặt ra vấn đề lật lại hồ sơ và truy thu thuế. Xét về môi trường đầu tư, điều này sẽ làm lung lay niềm tin của các doanh nghiệp tại Việt Nam đối với những tiến bộ tuyệt vời mà Chính phủ đang kiến tạo

* Cảm ơn ông!

MINH ANH thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp điêu đứng vì kiểm toán hải quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO