Đánh giá đúng giá trị - động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững

THẢO MINH| 15/05/2018 04:00

Việc đánh giá hiệu quả công việc, cũng như đóng góp của nhân viên một cách công bằng sẽ gúp doanh nghiệp giữ chân được nguồn nhân lực, đồng thời giúp phát triển bền vững.

Đánh giá đúng giá trị - động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Làm thế nào để đóng góp của một DN với cộng đồng, xã hội cũng được đánh giá công bằng để từ đó tạo động lực, khuyến khích DN phát triển? Tại hội thảo “Phát triển nguồn vốn nhân lực trong cuộc chiến nhân tài”, GS. Karling Lee (hệ thống Đại học Quốc tế Laureate) cho rằng, việc sử dụng công cụ chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện công việc (KPIs) là cách để đo lường tài năng và sự đóng góp của nhân viên. Thực tế cho thấy, khi ứng dụng hệ thống KPIs vào đánh giá kết quả, nhiều DN đã có tốc độ phát triển vượt bậc và ổn định, đặc biệt là giữ được chân nhân viên giỏi. Thế nhưng“công cụ” này vẫn chưa được áp dụng trong đánh giá hiệu quả, đóng góp của DN trong thực tiễn. Cũng chính vì thực tế này, nhiều DN đã phải rời thị trường, đặc biệt là các startup mất đi điểm tựa làm động lực phát triển.

Thông thường khi sản phẩm, dịch vụ mới đi tiên phong, bao giờ cũng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Để vượt qua, DN cần sự ủng hộ, khích lệ của người tiêu dùng và xã hội, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính sách và các đơn vị quản lý. Thế nhưng, trong một nền kinh tế cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, cộng với xu hướng cập nhật nhanh của báo chí trực tuyến và tốc độ lan truyền chóng mặt, nhưng mù mờ về độ xác thực của thông tin từ mạng xã hội cũng góp phần làm uy tín và danh tiếng của các DN khởi nghiệp bị đặt trong sự rủi ro cao.

Link bài viết

Đã có nhiều ví dụ cho thấy, với sự tác động của truyền thông, tốc độ tăng trưởng của nhiều DN đã bị suy giảm nặng nề hoặc tệ hơn là rơi vào khủng hoảng. Chia sẻ quan điểm về tầm nhìn khởi nghiệp, ông Phạm Phú Ngọc Trai - nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) cho rằng: “Thiếu đi sự hậu thuẫn to lớn của xã hội và cộng đồng, một khi khó khăn ập đến dồn dập, chắc chắn bất cứ công ty nào cũng sẽ khó lòng chống đỡ”.

Uber và Grab là ví dụ. Khi dịch vụ gọi xe công nghệ của các hãng này ra đời, không ít người dùng Việt đã thừa nhận mặt tích cực của chúng trong việc mang lại sự tiện lợi, an toàn, minh bạch về giá cả, cơ hội việc làm và gia tăng đóng góp phát triển cộng đồng. Tuy nhiên,cũng có nhiều ý kiến chỉ trích thiếu công bằng, toàn diện về những nỗ lực và nhiều cái được mà Grab và Uber đã nỗ lực mang lại cho thị trường suốt mấy năm qua. Chính vì phải đối mặt với nhiều áp lực cả về khách quan lẫn chủ quan, trong đó có cả áp lực, trở ngại về khung pháp lý nên Uber đã phải “bán mình” cho Grab.

Và sau câu chuyện thất bại của Uber, bị thiệt đầu tiên vẫn là người tiêu dùng khi thị trường không còn nhiều phương tiện và dịch vụ tương tự để cạnh tranh. Giả sử, nếu Grab cũng vì quá nhiều áp lực, nhất là thiếu sự hậu thuẫn lớn từ xã hội và cộng đồng, không đủ động lực để chống đỡ, rốt cuộc phải đi theo vết xe “đóng cửa” thị trường của Uber thì người dùng sẽ ra sao? Rồi còn hàng trăm tài xế đang có cơ hội mưu sinh trên nền tảng ứng dụng xe công nghệ cũng phải đối mặt với nguy cơ mất việc.

Nhìn lại 4 năm trước, mỗi khi di chuyển bằng xe ôm, khách hàng lại phải mặc cả vì lo bị "chặt chém", lo về khả năng lái xe an toàn của tài xế vì đây là dịch vụ tự phát, muốn phàn nàn về chất lượng dịch vụ cũng không thể khiếu nại. Đó là lý do khi UberMOTO và GrabBike xuất hiện, nhu cầu di chuyển bằng xe ôm của người dân tăng lên nhiều. Bên cạnh đó, khi các phương tiện giao thông công cộng chưa giải quyết được nhu cầu đi lại của đại đa số người dân, cộng với tình trạng kẹt xe thì Uber, Grab cũng đã góp phần giảm gánh nặng cho vận tải hành khách.

Chỉ tính riêng Grab, trong vòng 4 năm đã thay đổi được thói quen di chuyển của một bộ phận hành khách với 95 triệu lượt tải ứng dụng Grab tại khu vực Đông Nam Á, mang lại công ăn việc làm cho 135.000 đối tác tại Việt Nam, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp cho các đối tượng là trung niên sau nghỉ hưu, tạo cơ hội kiếm thu nhập cho giới sinh viên, người nhàn rỗi và công nhân viên muốn làm thêm để tăng thu nhập, xây dựng được đội ngũ tài xế Grabike có hình ảnh thân thiện, cung cách phục vụ lịch sự, văn minh.

Thực tế cho thấy, từ “cú hích” của Grab và Uber, một số hãng taxi truyền thống lớn như Mai Linh, Vinasun, Thành Công… cũng đã phải “thức tỉnh” để bắt tay vào đổi mới dịch vụ, tự xây dựng ứng dụng gọi xe và thêm tương tác với khách hàng. Trên báo An Ninh Thủ Đô ngày 11/5/2018, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Nếu không có Grab hay Uber thì sẽ có các hãng khác xuất hiện, vì là xu thế công nghệ. Chúng ta không thể ngăn cấm, thay vào đó là tiếp nhận và thay đổi để cùng phát triển”.

Song, để cùng phát triển thì việc ghi nhận đúng những đóng góp của các nền tảng ứng dụng đặt xe công nghệ hay việc định danh Grab, Uber là công ty taxi hay công nghệ cần được đánh giá công tâm và đúng bản chất. Hy vọng Nhà nước sẽ có cách tiếp cận cởi mở và toàn diện khi hoạch định chính sách quản lý các nền tảng công nghệ số mới, để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc đua toàn cầu hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đánh giá đúng giá trị - động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO