Văn hóa đọc ở Việt Nam: Bắt đầu từ đâu?

NGUYỄN LỆ CHI (Giám đốc Công ty Sách Chibooks)| 22/10/2010 04:32

Văn hóa đọc ở Việt Nam còn chưa được quan tâm đúng mức, thế mà cứ hô hào phải nâng cao văn hóa đọc trong người dân. Cần phải hiểu, trước khi muốn nâng cao thì phải xây dựng nền móng cho văn hóa đọc và việc xây dựng này không chỉ là trách nhiệm của những người làm trong ngành xuất bản.

Văn hóa đọc ở Việt Nam: Bắt đầu từ đâu?

Văn hóa đọc ở Việt Nam còn chưa được quan tâm đúng mức, thế mà cứ hô hào phải nâng cao văn hóa đọc trong người dân. Cần phải hiểu, trước khi muốn nâng cao thì phải xây dựng nền móng cho văn hóa đọc và việc xây dựng này không chỉ là trách nhiệm của những người làm trong ngành xuất bản.

Thực trạng mù mờ

Có lẽ chưa hề có một cuộc nghiên cứu chính thức nào về thực trạng văn hóa đọc để định vị và xác định những tác động cùng tầm ảnh hưởng của nó đối với xã hội.

Cũng không có số liệu xuất bản hằng năm được công bố, như: số lượng các đầu sách, số lượng của từng thể loại sách đã xuất bản, tỷ lệ phần trăm tăng hay giảm của từng thể loại sách xuất bản so với cùng kỳ năm trước; hoặc thống kê số lượng độc giả mua sách theo thể loại vì yêu thích hay vì nhu cầu... để so sánh, phân tích và giúp các đơn vị xuất bản dựa vào đó để hoạch định chiến lược xuất bản trong năm tới, hoặc rút kinh nghiệm về sự thành công hay thất bại.

Tuy nhiên, điểm đáng mừng và đáng ghi nhận là sự phát triển của ngành xuất bản với rất nhiều đầu sách và thể loại sách mới ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả.

Trong số đó có thể thấy ngày càng nhiều tác phẩm mới của nước ngoài được các đơn vị xuất bản trong nước mua bản quyền và dịch sang tiếng Việt. Cùng với đó là sách của các tác giả Việt Nam cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng và được tiêu thụ khá nhiều ở nước ngoài.

Thế nhưng, rất khó đánh giá và đưa ra những nhận xét đúng đắn về thực trạng của ngành xuất bản hiện nay, bởi không có công cụ đo lường thị hiếu và nhu cầu của độc giả ở những lứa tuổi khác nhau, không được cung cấp số liệu phát hành chính xác để biết nên mừng hay lo về các con số tiêu thụ sách trên thị trường.

Không thể phủ nhận thị trường sách ngày càng đa dạng và phong phú. Cùng với điều kiện kinh tế ngày một khá hơn, người Việt Nam cũng dần có thói quen đọc sách. Song, văn hóa đọc ở nước ta chưa cao, thậm chí còn ở mức độ thấp, nếu xét về mặt bằng chung trong xã hội.

Rất nhiều đầu sách bán chạy thường chỉ mang tính chất giải trí thông thường, ít có giá trị tinh thần hoặc cung cấp cho người đọc kiến thức.

Các sách có giá trị, đạt giải thưởng quốc tế lại thường bị xếp xó, tồn kho và phải bán giảm giá để thanh lý, khiến không ít đơn vị làm sách lao đao và dần dà phải chấp nhận chạy theo dòng sách giải trí phục vụ nhu cầu của đa số độc giả nhằm đảm bảo độ an toàn trong kinh doanh.

Điều này về lâu dài dễ tạo nên một nền văn hóa đọc giải trí và bình dân.

Giải pháp phải từ gốc rễ

Trước khi nâng cao phải xây dựng hạ tầng cơ sở cho văn hóa đọc và việc này không chỉ là trách nhiệm của những người làm ở ngành xuất bản. Không phải cứ in ra nhiều sách là nâng cao được văn hóa đọc. Những người làm sách chỉ cung cấp cho người đọc công cụ để tiếp cận và nâng cao văn hóa đọc của mình.

Hãy nhìn nhận một cách công bằng rằng, việc xây dựng văn hóa đọc phải là ý thức chung của toàn xã hội. Một khi việc đọc sách được phổ cập rộng rãi từ nhỏ tới lớn, hình thành và phát triển theo cả một chặng đường dài và cả quãng thời gian sống, con người mới phát triển và định hình được văn hóa đọc cho cá nhân mình.

Từ đó, mỗi người sẽ tự phân hóa, chọn lọc dòng sách mình cần và thấy phù hợp với bản thân qua từng giai đoạn cuộc sống. Lúc đó tự bản thân mỗi người sẽ thấy việc đọc cần thiết như ăn cơm, uống nước hằng ngày.

Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho văn hóa đọc, chúng ta cũng cần phải xây dựng môi trường trong sạch và lành mạnh cho văn hóa đọc phát triển.

Trong đó, các nhà quản lý chuyên ngành cấp quốc gia phải nhanh chóng lập ra một lộ trình cho việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cả nước theo những chặng đường dài 10 - 20 - 30 năm/lần, tuyệt đối không để phát triển tự phát hoặc theo những kế hoạch ngắn hạn một vài năm, thực thi theo kiểu đối phó và hài lòng với những con số nhỏ lẻ tuy cũng cho thấy có tăng trưởng so với năm trước.

Để từ đó, các ban, ngành mới thống nhất đường hướng phát triển, vạch ra những phương án tối ưu để nâng cao chất lượng sách làm ra. Làm sao để sách đa dạng hơn, phong phú hơn, luôn cập nhật được những kiến thức mới nhất của nhân loại trên toàn thế giới?

Làm sao để các đơn vị xuất bản tự tin sống đàng hoàng bằng nghề, chỉ chuyên tâm làm sách, không phải lo đối phó với nạn sách lậu, sách giả, sách không bản quyền, không phải đau xót hoặc phẫn nộ khi thấy sản phẩm của mình bị đánh cắp trắng trợn?

Chính phủ cần đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn nữa trong việc xử lý những sai phạm ở lĩnh vực phát hành dẫn đến hậu quả gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đơn vị xuất bản, như: cương quyết tịch thu và tiêu hủy sách giả; phạt nặng gấp 200% giá trị lô hàng lậu, hàng giả bị phát hiện; cương quyết tịch thu giấy phép kinh doanh của các đơn vị phát hành, các cửa hàng sách sau khi thu thập được chứng cứ kinh doanh hàng giả, hàng lậu từ lần phát hiện thứ hai; mạnh tay dẹp các chiếu sách vỉa hè vừa gây mất mỹ quan đường phố, làm hạ giá trị sách, vừa là nơi tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu...

Đồng thời, phải tích cực tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ sách thật, sách có bản quyền, giúp họ phân biệt được sách giả và sách thật, khuyến khích họ coi sách như một sản phẩm có đầy đủ giá trị như các sản phẩm tiêu dùng khác...

Văn hóa đọc chỉ phát triển khi có môi trường phù hợp và môi trường đó chỉ có khi con người có ý thức xây dựng nên và học cách bảo vệ nó dài lâu. Hãy xây dựng và bảo vệ văn hóa đọc từ bây giờ, đó chính là tương lai của cả một thế hệ con cháu chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa đọc ở Việt Nam: Bắt đầu từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO