Triển lãm tranh “Sự sống”

Y.N| 09/11/2011 09:20

Với bộ sựu tập tranh “Sự sống”, được triển lãm tại phòng tranh Ý Ngọc (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q1), từ nay đến hết ngày 31/11, Văn Thạnh lại mang đến cho người xem những ấn tượng mới.

Triển lãm tranh “Sự sống”

Sau một thời gian dài theo đuổi nghiệp hội họa, tháng 11/2010, họa sĩ trẻ Văn Thạnh đã làm cho giới hội học chú ý sau cuộc triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của anh với chủ đề “Ngàn năm Thăng Long và sơn mài hiện đại”, đặc biệt 20 bức tranh trong số 57 bức trưng bày tại triển lãm được dát vàng một cách công phu với những đường nét gồ ghề, những vết rạn nứt khá mới lạ.

Sau thành công này, Văn Thạnh tiếp tục sáng tạo và mở những cuộc triển lãm chủ đề khác nhau, và lần này với bộ sựu tập tranh “Sự sống”, được triển lãm tại phòng tranh Ý Ngọc (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q1), từ nay đến hết ngày 31/11, Văn Thạnh lại mang đến cho người xem những ấn tượng mới.

40 bức tranh triển lãm lần này của Văn Thanh được tuyển chọn từ hàng trăm bức tranh mà họa sĩ đã vẽ trong hơn một năm qua. Toàn bộ các tác phẩm đã được thể hiện trên chất liệu actilic và sơn mài, kết hợp với việc sử dụng kỹ thuật và hiệu ứng của 6 loại hóa chất (chất phụ gia trong hội học) tạo nên những bức tranh giàu tính nghệ thuật, mang lại cho người xem những cảm nhận gần gũi, sinh động về thiên nhiên, cuộc sống, con người vùng sông nước miền Tây Nam bộ, nơi Văn Thạnh sinh ra và lớn lên.

Đỉnh cao trong bộ sưu tập lần này là tác phẩm "Nguồn cội của sự sống" gồm 3 bức tranh ghép lại, thể hiện ý niệm triết lý về cái gốc của sự sống con người với sự vật. Bức tranh như một bản giao hưởng của màu sắc với nhiều nét chấm phá mạnh bạo. Hay như tác phẩm “Ngày hội quê tôi" nói về tập tục văn hóa của miền Tây Nam bộ với những con người yêu thiên nhiên, yêu lao động, yêu cuộc sống. Tranh sử dụng gam màu lạnh, điểm nóng, tạo ra sự chuyển động, giao hưởng của các vật trong tranh.

Nhận xét về bộ sưu tập, nhà phê bình Phạm Quốc Hùng đánh giá: “Tranh của Văn Thạnh chuyển tải được hơi thở cuộc sống và sử dụng nhiều chất liệu cùng một lúc. Ở Việt Nam, những họa sĩ sử dụng chất liệu tốt như Văn Thạnh không nhiều. 40 bức tranh vẽ phong cảnh, bến nước, con thuyền, hoa cỏ với màu sắc bút pháp lạ. Hiệu ứng của sơn tương tác với những hóa chất kèm theo làm cho tranh có những “mache” không trùng lắp với bất cứ họa sĩ nào.

Đặc biệt, khi thể hiện những bức tranh của mình, Văn Thạnh đã chủ tâm thể hiện theo một lối riêng và hiệu ứng có tính toán trong tranh đã tạo ra nét đẹp vô tình mà không phải họa sĩ nào cũng đạt được. Những ngôi nhà, hàng cây nghiêng đổ trong tranh của Văn Thạnh đã đạt được hiệu ứng màu sắc cho ra những hình ảnh đẹp ngoài ý muốn”

Nhà lý luận phê bình Trương Phi Đức, Hiệu phó Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cũng đánh giá: “Ở Việt Nam chỉ có khoảng bảy, tám họa sĩ tranh sơn mài đương đại và Thạnh là một trong số ít đó. Thạnh chủ yếu tự mày mò và nghiên cứu để vẽ và tạo ra những nét gồ ghề, rạn nứt trong tranh. Sự khác biệt trong tranh Văn Thạnh chính là sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Văn Thạnh đã nghiên cứu ra một trường phái mới, bút pháp mới hoàn toàn độc lập được kết hợp giữa lối trang trí và lập thể.

Thầy Xuân Đông- Hội Mỹ thuật TP.HCM cũng nhận xét: “Cái hồn, cái thần trong tranh của Văn Thạnh rất rõ, cộng với cái duyên, cái mộc mạc đã để lại trong tranh của anh những cảm xúc nhẹ nhàng cho người thưởng thức tranh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển lãm tranh “Sự sống”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO