Chiến thắng trò chơi cuộc sống (phần 1)

PHÚC AN tóm tắt| 21/10/2013 06:17

19 chương của quyển sách sẽ từng bước hé lộ cho bạn những chiến lược hiệu quả mà tác giả Adam Khoo đã áp dụng thành công để thay đổi cuộc đời mình đi theo một chiều hướng tích cực hơn, hạnh phúc hơn và thành công hơn.

Chiến thắng trò chơi cuộc sống (phần 1)

19 chương của quyển sách sẽ từng bước hé lộ cho bạn những chiến lược hiệu quả mà tác giả Adam Khoo đã áp dụng thành công để thay đổi cuộc đời mình đi theo một chiều hướng tích cực hơn, hạnh phúc hơn và thành công hơn.

Nguyên bản: Wining The Game Of Life
Dịch giả: Uông Xuân Vy - Trần Đăng Khoa
Bản quyền tiếng Việt:TGM Books
NXB Phụ nữ phát hành

Về tác giả:

Adam Khoo là một trong 25 người giàu nhất dưới tuổi 40 của Singapore, là một doanh nhân thành đạt, là tác giả, diễn giả và là chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực phát triển tiềm năng con người. Với nỗ lực của bản thân, Adam Khoo đã trở thành triệu phú năm 26 tuổi, và đang sở hữu bốn công ty trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, quảng cáo và tổ chức sự kiện với tổng doanh thu hàng năm lên đến 30 triệu đô la.

Ngoài chức vụ Chủ tịch và chuyên gia đào tạo cao cấp của Tập đoàn giáo dục Adam Khoo Learning Technologies Group, Adam Khoo đã xuất bản 9 quyển sách bán chạy nhất tại Singapore và trong khu vực bao gồm “The Secret of Self-Made Millionaires” (Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú), “Secret of Building Multi-Million Dollar Business” (Bí Quyết Gầy Dựng Cơ Nghiệp Bạc Tỉ), “Secrets of Millionaire Investors”, “How to Multiply your Child’s Intelligence”, “Clueless in Starting a Business” và gần đây nhất là quyển và “Profit from the Panic”.

Đặc biệt ba quyển sách “I’m Gifted, So Are You!” (Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!), “Nurturing the Winner And Genious in Your Child” (Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi) và “Master Your Mind, Design Your Destiny” (Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh), đều cũng đã được dịch sang tiếng Việt và trở thành hiện tượng giáo dục và xuất bản tại Việt Nam với hơn 40.000 bản đã phát hành và liên tục nằm trong danh sách những quyển sách bán chạy nhất của hệ thống nhà sách FAHASA.

Nội dung chính:

Phần I - Thiết kế vận mệnh

Chương 1: Thành công là một cuộc hành trình

Thành công – niềm khát khao mà đa số chúng ta ai cũng nỗ lực tìm kiếm trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều nhắm đến một cuộc đời rạng rỡ ánh hào quang: xây dựng các mối quan hệ bền vững, thành danh trong sự nghiệp và nuôi dạy con cái nên người. Chính vì thế ta mới cố công học hành và làm việc chăm chỉ, bởi đó là điều ta tin sẽ mang lại niềm vui, ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Vậy thành công là gì? Làm sao bạn biết mình đã thành công hay chưa? Trước khi chúng ta giành chiến thắng trong trò chơi cuộc sống, hẳn ta phải biết luật chơi là gì, đúng không? Buồn cười là đa số những người tôi hỏi đều cảm thấy rất khó trả lời. Một số còn im lặng không biết nói gì.

Sự thật là không tồn tại một định nghĩa duy nhất về thành công. Thành công mang ý nghĩa khác nhau đối với từng người khác nhau. Một số cảm thấy mình thành công khi họ đạt được những mục tiêu to lớn, vĩ đại. “Tôi chỉ thành công khi tôi mở công ty riêng, trở thành triệu phú, cưới được người vợ trong mơ và cho con cái ăn học thành tài”, là một số điều họ chia sẻ. Những người này có những tiêu chí đánh giá bên trong. Họ tự xác định mức độ thành công của mình dựa trên những quy chuẩn cá nhân riêng biệt.

Một số khác, ngược lại, tin rằng họ thành công khi họ được xã hội và những người chung quanh công nhận. Họ nghĩ gì về mình không quan trọng, cái chính là người khác nghĩ về họ ra sao. Với những người dựa trên tiêu chí đánh giá bên ngoài này, họ chỉ thành công khi thắng giải, đánh bại người khác hoặc được mọi người tung hô.

Và một nhóm khác nữa, cảm thấy thành công miễn là họ đã nỗ lực hết sức, bất kể kết quả ra sao hoặc người khác nghĩ gì.

Định nghĩa thành công của bạn là gì? Quy luật của bạn trong trò chơi cuộc sống ra sao? Điều kiện tiên quyết để bạn cảm thấy mình thành công là như thế nào? Một lần nữa, không có câu trả lời đúng hay sai. Điều quan trọng nhất là liệu định nghĩa về thành công ấy có giúp bạn tận dụng tối đa tiềm năng bản thân, hay nó cản đường cản lối bạn.

Thành công không phải là đích đến, mà là cả một cuộc hành trình

Cho phép tôi chia sẻ với bạn một định nghĩa thành công chung của vài cá nhân tên tuổi, được nhiều người nể trọng. Họ là những người đã góp phần xây dựng nên thế giới này bằng chính những thành quả phi thường mà họ đạt được.

Tôi tin thành công không phải là đích cuối cùng mà bạn tìm đến. Thành công không đơn giản là đạt được mục tiêu phía trước.

Thay vào đó, thành công là một quá trình không ngừng nghỉ, từng bước tiến gần đến những mục tiêu của mình mỗi ngày.

Giả sử bạn đặt mục tiêu tạo dựng một doanh nghiệp máy tính thu về một triệu đô lợi nhuận. Năm đầu tiên, bạn nỗ lực hết sức nhưng cuối cùng bị lỗ 100.000 đô. Năm thứ hai, bạn rút kinh nghiệm, cải tiến mô hình hoạt động, năng động tìm kiếm khách hàng. Rốt cuộc cuối năm bạn vẫn chịu lỗ 50.000 đô. Trong ba năm tiếp theo, bạn cố gắng xoay sở chỉ để hòa vốn và vẫn không ngừng tôi luyện kỹ năng kinh doanh của mình, lúc nào cũng làm việc chăm chỉ và cương quyết không bỏ cuộc. Thế rồi, đến năm thứ sáu, bạn chinh phục được một loạt khách hàng tiềm năng. Doanh nghiệp của bạn chạm mức lợi nhuận 1 triệu đô. Chúc mừng, bạn đã đạt được mục tiêu!

Trong tình huống trên, bạn thật sự cảm thấy thành công vào thời điểm nào? Phải chăng đó là ngày lợi nhuận doanh nghiệp của bạn cán mức 1 triệu đô? Trong thực tế, đạt 1 triệu đô lợi nhuận không xảy ra ngày một ngày hai. Nó cũng không phải là kết quả của một quyết định, hay một hành động đơn lẻ nào đó.

Bạn đạt được mục tiêu vì bạn thành công trong việc đưa ra nhiều quyết định đúng đắn, học hỏi từ sai lầm, cải tiến và kiên trì hành động mỗi ngày, trong suốt sáu năm trời ròng rã. Bạn là người thành công trong từng bước tiến về phía mục tiêu đó.

Bạn có thể thành công ngay từ hôm nay!

Vậy bạn có tin rằng mình là người thành công không? Đa số những người tôi hỏi đều đáp “Không”. “Tôi chưa thành công cho đến khi nào tôi đạt được mục tiêu của mình. Ngày ấy còn xa lắm”, phần lớn đều nói vậy.

Tôi thì lại cho rằng: miễn là mỗi sáng thức dậy, bạn làm một điều gì đó và tiến gần hơn đến mục tiêu đã định, thì bạn đã là người thành công từ ngày hôm ấy. Miễn là bạn không ngừng học hỏi điều mới mẻ, hoàn thiện mình hơn ngày hôm qua, thì bạn đã thành công rồi.

“Nói thế thì chẳng phải thành công dễ dàng quá hay sao?”, rất nhiều người hỏi tôi như thế. “Chắc chắn là vậy!”, tôi đáp. Tôi nhận ra rằng thành công này kéo theo thành công khác. Khi bạn cảm nhận và tin rằng mình thành công, bạn sẽ có sự tự tin và động lực mạnh mẽ để không ngừng bước tới, ngày một thành công hơn. Hãy nhìn nhận mình là người thành công ngay từ bây giờ và bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ, hành động như một người thành công thật sự, thu hút thêm nhiều thành công khác vào cuộc đời mình.

Nếu bạn còn nghĩ mình chỉ đáng được xem là người thành công khi bạn đạt được điều mình muốn trong vài năm nữa, thì rất có thể bạn sẽ chẳng về đích được đâu. Có khi bạn không tìm được nguồn động lực và niềm tin vào bản thân để vượt qua mọi trở ngại trên chặng đường đi. Bạn chỉ hài lòng về mình và cuộc đời mình vào cuối cuộc hành trình, chứ không phải trong suốt cuộc hành trình, trong khi đó mới là phần quan trọng nhất.

Luật chơi của người thắng cuộc

Người chiến thắng là người dám đặt ra những mục tiêu to lớn và không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi đạt được nó. Họ thành công là vì thế. Ngược lại, rất nhiều người sợ đặt mục tiêu. Nếu có đặt đi nữa, họ lại không dám mơ xa vì sợ mình sẽ thất bại. Họ không đủ động lực và tự tin để làm những gì cần làm nhằm tạo bước đột phá.

Sao lại thế nhỉ? Sự khác biệt nằm ở cách người thắng cuộc và người bình thường định nghĩa về thành công. Họ tham gia cuộc chơi theo những luật lệ khác nhau.

Người thắng cuộc biết thành công là cả quá trình nỗ lực đạt đến mục tiêu, từng bước một. Lấy ví dụ, khi tôi viết quyển sách đầu tay của mình, “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”, tôi đặt mục tiêu táo bạo là bán được 1 triệu bản in trên 24 nước trong vòng một năm. Mục tiêu đầy khích lệ ấy là động lực khiến tôi lao vào làm việc hết mình. Tôi biết mình phải viết ra một quyển sách xứng đáng nằm vào danh mục bán chạy nhất thế giới.

Khi quyển sách được phát hành vào tháng sáu năm 1998, tôi làm mọi cách để quảng bá nó, thông qua những buổi giới thiệu sách và các kênh quảng cáo. Một năm trôi qua, một triệu bản là con số không tưởng. Thay vào đó, tôi chỉ bán được có 10.000 quyển. Vậy tôi xem đó là thất bại ư? Hay tôi thất vọng và nhục nhã? Hoàn toàn không.

Tất cả nằm ở cách tôi định nghĩa thành công. Miễn là tôi đang tiến dần đến mục tiêu của mình (từ chỗ không bán được quyển nào, tôi đã bán được 10.000 bản), vậy tôi đã thành công đấy chứ. Tôi không có gì tiếc nuối chuyện mình đặt ra mục tiêu cao như thế ngay từ đầu. Mặc dù còn xa lắm tôi mới đạt được, mục tiêu đó vẫn có tác dụng thúc đẩy tôi nỗ lực hơn hẳn bất kỳ tác giả nào tôi biết.

Nhà xuất bản lúc ấy báo cho tôi rằng một quyển sách trong nước có doanh số bán ra trung bình là 2.000 bản, và sách bán chạy nhất trong nước trung bình đạt mức 5.000 bản. Vậy tính ra con số 10.000 bản của tôi đã đạt kỷ lục và “đứa con tinh thần” của tôi đứng đầu danh sách những tác phẩm bán chạy nhất do Thời báo Singapore Straits Times bình chọn.

Thế nhưng tôi vẫn chưa chịu hài lòng. Bởi thành công là một cuộc hành trình không bao giờ kết thúc và nó càng không phải đích đến, vậy nên tôi tiếp tục dấn thân để đạt đến mốc một triệu bản, và càng làm việc chăm chỉ hơn nữa nhằm quảng bá quyển sách. Chỉ trong vòng vài năm tiếp theo, quyển sách được bán ra hơn 140.000 bản và được dịch sang sáu thứ tiếng. Một lần nữa, tôi biết mục tiêu vẫn còn xa vời nhưng dẫu sao, tôi vẫn thấy mình thành công.

Cảm giác là một tác giả nổi tiếng mang đến cho tôi niềm đam mê và sự tự tin để tiếp tục viết thêm mười quyển sách khác trong vòng mười năm tiếp theo. Năm trong số đó lọt vào danh sách những tác phẩm bán chạy do hai tạp chí Borders và Straits Times bình chọn. Tổng số sách bán ra trên toàn thế giới đã cán mốc một triệu bản (tính luôn cả bản dịch và sách điện tử). Mặc dù tôi không bán được một triệu bản của quyển sách đầu tay trong vòng một năm, tôi đã bán được một triệu bản của 11 quyển sách trong vòng 10 năm.

Thế mới biết, trong cuộc sống này không phải lúc nào ta cũng gặt hái được những thành quả theo đúng cách mình đã định. Tuy nhiên, nếu bạn xem như mình đã thành công mỗi khi bạn tiến gần hơn đến mục tiêu, thì bạn sẽ tiến rất sát đến mục tiêu ấy. Và chính cảm giác hăng say với công việc, cảm giác hài lòng và được đền bù xứng đáng sau những nỗ lực không mệt mỏi mới là đáng kể.

Mỗi thất bại là một bài học kinh nghiệm

Đã bao giờ bạn xác định mục tiêu, làm hết sức mình để đạt được nó nhưng lại thất bại ê chề? Dĩ nhiên là có rồi! Năm tôi 20 tuổi (khoảng 17 năm về trước), tôi hứng chí tham gia vào thị trường chứng khoán để cầu may. Chẳng có chút vốn kiến thức nào, hành trang chỉ là sự nhiệt tình tuổi trẻ, tôi đổ hết tiền bạc vào mua chứng khoán, tin rằng chẳng bao lâu nữa, số tiền này sẽ nhân ba.

Tôi đặt mục tiêu kiếm được 50.000 đô trong vòng một năm. Thế nhưng, thực tế phũ phàng là tôi mất phân nửa số tiền dành dụm. Vào thời điểm đó, rất nhiều người rút lui và không muốn liều lĩnh thêm một đồng nào nữa. Tôi thì không. Ngược lại, tôi càng quyết tâm nắm vững kỹ năng đầu tư để lấy lại những gì đã mất, và bắt số tiền đó phải sinh sôi.

Tôi nhận ra rằng khi tôi hành động để tiến gần đến mục tiêu đặt ra, tôi thấy mình “thành công”. Và khi không đạt kết quả như ý, tôi không xem đó là “thất bại”, mà là bài học kinh nghiệm. Nhờ những bài học này mà tôi biết cách làm nào không hiệu quả. Rồi tôi thu nhặt được nhiều kinh nghiệm hơn những ai không dám bước những bước đầu tiên.

Trong thâm tâm, tôi tin mình KHÔNG CÁCH GÌ thất bại được. Chỉ cần đặt ra mục tiêu và hành động, tôi chỉ có thể thành công, hoặc sẽ học hỏi được điều gì đó. Chính định nghĩa ấy đã thôi thúc tôi (và rất nhiều người thành công khác) theo đuổi ước mơ mà không sợ mình vấp ngã.

Chỉ có bạn mới cho phép mình thất bại!

Trong tư tưởng của người thắng cuộc, hoặc họ sẽ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU, hoặc họ sẽ RÚT RA bài học kinh nghiệm. Niềm tin ấy ban cho họ dũng khí để ước mơ và biến ước mơ đó thành hiện thực bất chấp mọi thử thách chông gai.

Trong tâm trí của người thành công, họ chỉ thất bại khi họ bỏ cuộc, hoặc không bắt tay vào hành động. Miễn là bạn nỗ lực hết mình và không chấp nhận khoanh tay đứng nhìn, thất bại không thể xảy ra.

Tại sao người khác sợ đặt mục tiêu và không dám mơ xa

Nhiều người không bao giờ nhận ra tiềm năng bản thân và cũng không đạt được gì trong cuộc sống, bởi họ không dám ước mơ và sống vì ước mơ ấy. Không phải vì họ thiếu dũng khí hoặc thiếu quyết tâm hơn những người thành công. Tất cả nằm ở cách họ định nghĩa thành công và thất bại. Họ tự hủy hoại mình bằng chính những “luật lệ” thành công do họ đặt ra.

Từ nhỏ, nhiều đứa trẻ đã được dạy rằng chúng CHỈ thành công khi đạt được mục tiêu và ngược lại nếu không đạt được thì xem như thất bại.

Bởi đa số người đời sợ mình trở thành kẻ thua cuộc, họ cố tránh không đặt ra mục tiêu. Trong tư tưởng, họ tin rằng nếu lỡ đặt ra mục tiêu mà không làm được thì chẳng khác nào tự đặt mình vào tình cảnh thất bại – một trong những trải nghiệm cay đắng nhất mà con người có thể nghĩ tới. Nếu họ không đặt ra mục tiêu cũng như không kỳ vọng gì ở bản thân, thì họ chẳng bao giờ thất bại. Chính lối tư duy thụ động này khiến họ mất đi sức mạnh của những ước mơ.

Mà nếu có mơ đi nữa, họ cũng không dám mơ xa. Họ thà đặt ra những mục tiêu be bé, con con mà họ tin mình có thể làm được và cảm thấy thành công. Đặt ra những mục tiêu vĩ đại để rồi không với tới được đồng nghĩa với việc thất bại đau đớn. Một lần nữa, niềm tin này cướp đi của họ nguồn sức mạnh của tư duy lớn, thành tựu lớn.

Thành công không tự nhiên đến, mà đó là một sự lựa chọn

Mong bạn hiểu rằng thành công không tự nhiên mà đến. Không có chuyện một ngày nọ bạn thức dậy và ngồi trên một núi tiền. Càng không có chuyện một buổi sáng đẹp trời, bạn thấy cơ thể mình tráng kiện, khỏe mạnh phi thường. Bạn cũng đừng hy vọng đột nhiên bạn đứng ở đỉnh cao sự nghiệp. Mọi thứ đâu dễ dàng đến thế. Vậy mà tôi biết bao nhiêu người đang phó mặc thành công cho may rủi và ngồi yên “hy vọng” nó sẽ đến một ngày không xa.

Đầu tiên, thành công là kết quả của việc bạn quyết định chính xác mình muốn gì. Nó là “trái ngọt” của quá trình đặt ra những mục tiêu cụ thể và hành động mỗi ngày để đạt được thành quả ao ước. Mỗi bước bạn tiến gần đến mục tiêu được tính là một “thành công”.

Tôi lấy ví dụ, nếu bạn muốn trở nên giàu có, bạn phải quyết định xem bạn định nghĩa giàu có như thế nào. Kết quả cụ thể bạn muốn đạt được là gì? Sở hữu khối tài sản khổng lồ trị giá 5 triệu đô sau 10 năm làm việc, hay không vướng nợ nần, hay có thu nhập thụ động 10.000 đô/tháng?

Giây phút bạn đặt ra mục tiêu và tìm cách đạt được nó chính là giây phút cuộc hành trình đi đến thành công của bạn bắt đầu. Để thật sự đạt được mục tiêu ở đích cuối cùng, trước tiên bạn phải thành công trong từng bước đi; tạo ra giá trị lớn hơn trong sự nghiệp, xây dựng những nguồn thu nhập mới, quản lý chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư đúng chỗ, quản lý các danh mục đầu tư, v.v…

Hoặc thành công trong hôn nhân…

Bằng cách nào mà một số người kết hôn và tận hưởng cuộc sống gia đình hạnh phúc, tình cảm vợ chồng vẫn nồng thắm, thậm chí sau 25 năm? Tại sao một số cặp, ngược lại, nguội lạnh với nhau chỉ sau 5 năm “góp gạo thổi cơm chung”? Ngọn lửa đam mê, tình yêu và lòng tin – chất keo siêu dính gắn kết hôn nhân của họ – cũng không tự nhiên mà có. Hoàn toàn không. Tôi phát hiện ra rằng những cặp vợ chồng gìn giữ được cuộc sống hôn nhân bền vững là nhờ họ luôn hỗ trợ nhau, giao tiếp với nhau, yêu thương nhau và dành cho nhau những bất ngờ thú vị.

Khi có hiểu lầm và tranh cãi xảy ra, họ nỗ lực tìm cách giải quyết và đi đến thống nhất. Đây là những việc mà họ thực hiện thành công mỗi ngày để nuôi dưỡng mối quan hệ trường tồn với thời gian.

Thành công chỉ đến khi bạn xác định được điều mình muốn

Nếu thành công được định nghĩa là một quá trình tiến đến mục tiêu mỗi ngày, thì ngay từ đầu bạn phải xác định rõ: những mục tiêu ấy là gì. Nếu bạn không xác định được mục tiêu, thì làm sao bạn biết được những việc mình làm hàng ngày có đi đúng hướng hay không? Không có mục tiêu thì thành công là chuyện mơ mộng hão huyền.

Giả sử bạn chơi đá banh mà không biết khung thành đối phương ở đâu để sút. Bạn không biết phải chạy hướng nào, cũng không rõ phải phát banh cho ai. Không có khung thành, bạn không thể ghi bàn cũng như không biết được mình đang thắng hay là thua.

Đá banh mà không biết khung thành nằm ở đâu, nghe thật ngớ ngẩn đúng không? Thế nhưng chẳng phải đây là cách đại đa số chúng ta tham gia trò chơi cuộc sống hay sao? Nhiều người không bao giờ biết mình muốn gì, hoặc xác định được mục tiêu của mình. Kết quả là họ hành động một cách ngẫu nhiên, rời rạc, theo khắp mọi hướng, để rồi cuối cùng không gặt hái được thành quả nào.

Bạn mong muốn những gì?

Hãy khởi đầu cuộc hành trình đi đến thành công của bạn bằng cách xác định rõ điều mình muốn. Dành ra vài phút viết xuống những mục tiêu bạn muốn đạt được trong những lĩnh vực chính của cuộc sống: sự nghiệp, hôn nhân/gia đình, tài chính và sức khỏe.

Để thật sự hiệu quả, mục tiêu của bạn phải cụ thể và đo lường được. Bạn càng hình dung trong đầu về kết quả rõ ràng bao nhiêu, bạn càng có khả năng đạt được nó bấy nhiêu. Ví dụ, đừng viết chung chung rằng mình muốn có thu nhập cao hơn. Hãy viết ra con số cụ thể khiến bạn hào hứng và tràn đầy động lực (300.000 đô một năm chẳng hạn). Hoặc miêu tả càng cụ thể càng tốt về cuộc sống hôn nhân của mình trong 5 đến 10 năm nữa. Và nhớ phải luôn đặt ra thời hạn cho những mục tiêu ấy.

Đa số mọi người tránh đặt ra những mục tiêu lớn và cụ thể bởi họ sợ mình không làm được. Chính thái độ thiếu quyết tâm này đã cướp đi sức mạnh bản thân họ. Hãy nhớ rằng ngày nào bạn còn nỗ lực vì mục tiêu thì ngày đó bạn vẫn thành công! Bạn sẽ chẳng bao giờ thất bại trừ khi bạn chấp nhận bỏ cuộc hoặc không bắt tay vào hành động. Vậy thì hãy mơ xa và làm mọi cách để có được nó bằng tất cả trái tim.

Bí quyết để đạt được mục tiêu

Đặt ra những mục tiêu rõ ràng chỉ là bước đầu tiên. Để đến được nơi mình muốn, bạn phải thường xuyên để tâm đến chúng và bền bỉ theo đuổi hướng đi mình đã định.

Hãy tập thói quen đọc to mục tiêu của bạn vào đầu ngày và ôn lại xem ngày hôm qua bạn đã tiến gần đến mục tiêu hơn chưa. Một phương pháp hữu hiệu mà tôi sử dụng là tạo ra một hình ảnh tượng trưng cho mục tiêu của mình, và đặt làm hình nền máy tính. Cách làm này buộc tôi tự động nhớ đến mục tiêu của mình mỗi khi tôi làm việc trên máy vi tính.

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao người ta hay đặt mục tiêu vào đầu năm mới không? Bạn có biết lý do tại sao những mục tiêu này vẫn mãi là mục tiêu không? Đó là vì người ta đặt ra những mục tiêu vào đầu năm mới và cảm thấy cực kỳ hào hứng vào thời điểm đó. Sau đó, họ gạt chúng sang một bên, rồi quên bẵng đi sự hiện diện của chúng trong suốt một năm dài. Năm mới nữa lại đến, họ nhìn lại, chợt nhận ra mình chỉ nói mà chẳng làm gì cả.

Mục tiêu không phải là thứ bạn nhìn một lần rồi thôi. Khi tâm trí bạn không tập trung vào một mục tiêu cụ thể rõ ràng mỗi ngày, nó sẽ bắt đầu bị xao lãng bởi hàng triệu thứ đáng chú ý khác và chiếm hết thời gian của bạn. Vậy nên nhiều người cảm thấy chuyện tập trung theo đuổi mục tiêu mình đặt ra sao mà khó quá!

Vì sao máy bay luôn đến được nơi cần đến

Ẩn đằng sau việc những chiếc máy bay luôn hạ cánh tại điểm đến đã định là cả một bài học đáng nhớ. Ngay từ thời điểm cất cánh, người phi công đã cài đặt hệ thống lái tự động.

Hệ thống lái tự động này sẽ ghi nhớ mục tiêu cần đến (ví dụ như Hawaii) và máy vi tính sẽ vạch ra lộ trình bay. Máy vi tính trên máy bay sẽ liên tục định vị điểm đến, hướng dẫn máy bay theo đúng lộ trình đã định.

Nhưng bạn có biết, không phải lúc nào máy bay cũng theo đúng lộ trình? Trong suốt chuyến đi, gió và áp suất không khí đẩy máy bay theo nhiều hướng khác nhau. Dẫu vậy, nó vẫn luôn đáp xuống đúng chỗ.

Đó là vì ngay khi máy bay vừa chệch khỏi lộ trình vạch sẵn, hệ thống lái tự động sẽ phát hiện sự chênh lệch giữa hướng máy bay đang bay và lộ trình ban đầu. Sau khi tính toán độ chênh lệch giữa hai hướng, hệ thống lái tự động gửi tín hiệu đến bộ điều khiển trung tâm để hướng máy bay quay lại lộ trình chính xác.

Vài phút sau, gió và áp suất không khí lại đẩy nó chệch ra khỏi lộ trình. Một lần nữa, hệ thống vi tính máy bay lập tức phát hiện ra điều này, thực hiện những thao tác điều chỉnh cần thiết và lái nó về hướng cũ. Quá trình này diễn ra liên tục trong suốt chặng bay. Bạn có biết tổng thời gian máy bay đi lệch khỏi lộ trình chiếm 70-80% thời gian bay? Dù sao đi nữa, cuối cùng nó vẫn đến được Hawaii.

Con đường chúng ta đi tới mục tiêu cũng tương tự vậy. Trong cuộc sống, chẳng có gì xảy ra theo đúng kế hoạch cả. Sự thật là khoảng 70%-80% kế hoạch tôi đặt ra trong công việc và cuộc sống cá nhân bị “phá sản”. Sẽ có rất nhiều sự cố và hoàn cảnh nằm ngoài dự kiến khiến bạn đi lệch hướng.

Dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể đạt được mục tiêu nếu biết tập trung và liên tục điều chỉnh chiến lược, kế hoạch và kéo bản thân quay lại con đường ta đã vạch sẵn. Nếu máy bay không xác định điểm đến ngay từ đầu, nó sẽ chẳng bao giờ đến được Hawaii. Tương tự, nếu ta không biết mình muốn gì, ta sẽ bị bao nhiêu thứ gây xao lãng làm ta lạc lối và rốt cuộc đáp xuống một nơi mình chẳng hề muốn đến… hoặc bị mắc kẹt mãi một chỗ, chẳng đi được tới đâu.

Tóm lại, bạn hãy xác định chính xác mục tiêu của mình và đừng bao giờ nản lòng nếu mọi thứ chẳng theo kế hoạch. Miễn là bạn liên tục hướng mình quay lại lộ trình ban đầu để đi về phía mục tiêu, bạn sẽ đến được nơi cần đến.

Điểm lại mọi thứ vào cuối ngày

Hãy nhớ, thành công phải được đo đạc LIÊN TỤC trong suốt cuộc hành trình, vào cuối ngày chứ không phải vào cuối đời, khi bạn đã già và tóc đã bạc…

Khó mà bước chân ra khỏi mộ phần hoặc nhấc mình ra khỏi xe lăn để đi đến nơi nào đó, đúng không?

Cho nên, mỗi tối trước khi lên giường ngủ, hãy tự hỏi “ngày hôm nay mình đã tiến gần đến mục tiêu được chút nào chưa?” và “ngày mai mình phải làm gì để thành công?”

Chương 2:Lần theo dấu vết của thành công

Bạn cần tập trung vào đều mình muốn và kiên trì hành động mỗi ngày để đạt được nó. Thử thách lớn lao là đảm bảo bạn đang làm những việc hiệu quả nhất để đạt mục tiêu mình khao khát.

Thành công để lại dấu vết

Chúng ta đang sống trong một thời đại của vô vàn cơ hội và thành tựu đáng kinh ngạc. Gần như mọi thứ bạn muốn làm đều đã có ai đó làm trước rồi, và gần như thành công nào bạn ao ước đều đã có người nắm lấy.

Tất cả đều đã có người hoàn tất trước bạn, và họ truyền lại những kinh nghiệm xương máu dưới nhiều hình thức khác nhau: sách vở, phim ảnh, bài viết, nhưng cuộc phỏng vấn, bài báo, những buổi chuyên đề và khóa học.

Những người sở hữu thành quả ấy không phải nhờ họ may mắn hay vì họ tài năng hơn người, mà bởi họ đã khám phá ra các phương cách cụ thể, những bước thực hiện hữu ích để đến được nơi cần đến.

Nếu bạn biết đứng trên vai những người khổng lồ, bạn sẽ gặt hái được hằng hà sa số điều tốt đẹp trong cuộc sống, sớm hơn và nhanh hơn rất nhiều.

Bí quyết của những học sinh ưu tú


Tôi trở nên lão luyện trong nhiều lĩnh vực bằng cách nào? Những người thành công nhất thế giới chính là bậc thầy mô phỏng.

Warren Buffett là nhà đầy tư tài ba nhất hành tinh và là một trong những người đàn ông giàu có nhất thế giới, bởi ông biết những nhà đầu tư thành công khác luôn để lại “chiêu thức” mà ông có thể học hỏi và noi theo. Ông mua cổ phiếu đầu tiên năm 11 tuổi và thu lời một khoản nho nhỏ. Ông biết nếu muốn phất lên nhanh chóng thì không thể cứ đâm đầu vào làm rồi phạm sai lầm mãi được. Ông phải theo chân những nhà đầu tư giỏi nhất.

Thế là Warren Buffett bắt đầu nghiên cứu chiến lược của Benjamin Graham, nhà đầu tư thành công nhất những năm 1930-1950. Ông tiếp tục “bái sư” một nhà đầu tư tài giỏi khác tên là Philip Fisher, một chuyên gia trong việc lựa chọn những cổ phiếu tăng trưởng mạnh.
Kết quả là trong hơn 50 năm, Buffett không ngừng dẫn đầu thị trường chứng khoán, biến khoản đầu tư trị giá 100.000 đô ban đầu thành khối tài sản đồ sộ 60 tỉ đô.

Ngay cả những quốc gia giàu mạnh cũng để lại nhiều bài học. Bằng cách sao chép và cải thiện mô hình hoạt động của các nước tiên tiến, Singapore đã tiến một bước dài, qua mặt các nước láng giềng để trở thành một nước phát triển chỉ trong vòng 30 năm, điều mà các nước khác mất đến 100 năm mới làm nổi.

Không cần là người tiên phong, mà phải là người giỏi nhất

Rất nhiều người cho rằng bạn phải là người đầu tiên làm được điều gì đó thì mới thành công. Đây là cách suy nghĩ vô cùng hạn hẹp. Thật ra, bạn không nên đi đầu trong bất cứ nghành nghề nào. Thay vào đó, bạn nên người khác phạm phải tất cả sai lầm và hưởng lợi từ việc học hỏi kinh nghiệm của họ.

Vậy nếu các doanh nghiệp, đất nước và những con người thành công trên thế giới biết học hỏi những người đi trước, thì tại sao bạn lại không?

Mô phỏng: Học hỏi và áp dụng những phương pháp hiệu quả

Chìa khóa thành công nằm ở chỗ bạn không thử bắt chước 100%, mà hãy chắt lọc ra những phần tuyệt vời nhất và bỏ đi những phần vớ vẩn. Nhờ vậy, Bạn sẽ sáng tạo ra phương pháp của riêng mình, còn ưu việt hơn cả phiên bản gốc.

Tư duy của một người chính là tổng hợp các niềm tin, giá trị và thái độ sống của cá nhân người đó. Tư duy hình thành nên thế giới quan, cách suy nghĩ và ra quyết định của họ. Bạn có thể hiểu được lối tư duy của một người bằng cách lắng nghe điều họ nói, quan sát cách họ phản ứng và đọc những gì họ viết. Ví dụ, nếu bạn muốn phỏng theo tư duy của những người giao tiếp giỏi nhất thế giới, bạn cần biết niềm tin của họ là: chúng ta có thể tạo ảnh hưởng đến bất kỳ ai bằng cách trước hết là thấu hiểu thế giới quan của người đó.

Điều thứ hai bạn cần mô phỏng là năng lực của những người thành công – kiến thức và kỹ năng. Hãy tự hỏi những kiến thức kỹ năng gì đã khiến họ thành công vượt bậc?

Trong một số trường hợp cụ thể, trạng thái cảm xúc tác động lớn đến hiệu quả làm việc của bạn. Yếu tố này đặc biệt quan trọng trong thi đấu thể thao, nói chuyện trước công chúng, bán hàng, thương thuyết và lãnh đạo.

Để thúc đẩy ai đó làm được điều gì, trước tiên bạn phải thể hiện mình là người tự tin, tràn đầy động lực và đam mê.

Hành vi (cách giao tiếp)

Khía cạnh tiếp theo chúng ta cần quan sát và mô phỏng chính là hành vi của những người thành công, đặc biệt là cấu trúc ngôn ngữ của họ. Họ dùng những từ ngữ gì? Cách họ xếp câu ra sao? Họ tiếp cận vấn đề bằng cách nào? Ánh mắt, các cử động đầu, cơ thể, tay chân và giọng nói của họ thế nào?

Môi trường:Thành tố cuối cùng mà bạn có thể mô phỏng chính là môi trường sống của cá nhân đó. Thành tố này không phải lúc nào bạn cũng thực hiện được. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể mang lại lợi thế cho bạn.

Nếu môi trường bạn đang sống không ủng hộ hoặc bồi dưỡng tài năng của bạn, hãy thay đổi môi trường khác. Đừng ngần ngại kết nối với những nhóm người bên trong hoặc bên ngoài sở làm của bạn.

Bắt đầu học hỏi bí quyết thành công ngay từ hôm nay

1.Mô phỏng những người thành công qua sách vở, các doạn video và các buổi chuyên đề của họ

2.Tìm những tấm gương sáng để noi theo

3.Xin vào làm trong doanh nghiệp của nguời bạn muốn học hỏi

4.Tìm một người thầy

Chương 3: Đặt ra tiêu chuẩn cao

Sự khác biệt to lớn giữa cái “Cần Có” và “Phải Có”

Đạt được mục tiêu đi đôi với ý chí mạnh mẽ để bật dậy sau những cú ngã đau. Do đó đối với những chuyện “nên làm”, ta thường ít khi cố gắng, và dễ dàng bỏ cuộc khi mọi thứ không như ý.

Nếu bạn muốn sống một cuộc đời tươi đẹp, hãy xem những mục tiêu đặt ra là việc phải làm, ngay từ ngày hôm nay, chứ không phải đợi đến lúc chuyện quá muộn màng, không còn cứu vãn được nữa.

Cuộc sống cho bạn những gì bạn chấp nhận. Rất nhiều người đặt ra mục tiêu nâng mức thu nhập của mình lên nhưng có vẻ họ chẳng bao giờ đòi hỏi mức lương tốt hơn. Chúng ta luôn có ngưỡng chấp nhận của mình.

Bạn muốn có thu nhập bao nhiêu? Vài tỉ, vài triệu, vài trăm ngàn, vài ngàn, vài trăm đô hay chỉ đừng rơi vào cảnh không một xu dính túi là được? Bạn có thể học tất cả những kỹ năng và chiến lược làm giàu, nhưng nếu bạn không nâng ngưỡng thu nhập chấp nhận “phải có” lên, tiềm lực tài chính của bạn sẽ chỉ quanh đi quẩn lại nhiêu đó mà thôi.

Quan điểm ở đây của tôi là: nếu bạn khao khát kiếm được ngần ấy tiền, hãy biến mục tiêu ấy thành điều “phải làm” chứ không chỉ “nên làm”.

Nâng tiêu chuẩn của bạn lên
Hãy cảm thấy bất mãn và không thoải mái
Hào hứng với những tiêu chuẩn mới

Năm bước để nâng cao tiêu chuẩn bản thân
Bước 1: Xác Định Những Tiêu Chuẩn Hiện Tại Và Đặt Ra Những Chuẩn Mực Mới
Bước 2: Liệt Kê Tất Cả Những Lý Do Tại Sao Bạn Không Còn Chấp Nhận Bất Kỳ Tiêu Chuẩn Nào Thấp Hơn
Bước 3: Viết Ra Lý Do Tại Sao Bạn Phải Có Những Chuẩn Mực Mới
Bước 4: Lập Trình Não Bộ Bằng Phương Pháp Tưởng Tượng
Bước 5: Rèn Luyện Khả Năng Để Đáp Ứng Những Tiêu Chuẩn Mới

PHẦN II- DẪN ĐẦU

Chương 4: Cái giá để trở nên tài năng là 10.000 giờ

Liệu có thứ họi là tài năng bẩm sinh?

Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đã từng tự hỏi điều gì khiến cho những con người này trở nên phi thường vậy. có phải học được sinh ra với cái tài năng bẩm sinh, hay đó đơn giản chỉ là kết quả của hàng giờ cần cù làm việc vất vả? Có vẻ như 10.000 giờ là cái giá phải trả cho một tài năng

Yếu tố cấu thành… sự vĩ đại

Michael Jordan nổi tiếng là vận động viên bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại. Ngay từ khi còn nhỏ, Michael đã say mê môn thể thao này nhưng không bao giờ giỏi bằng anh của mình – Larry Jordan – Người được đánh giá là vận động viên thực thụ của gia đình.

Để phát huy hết tài năng của mình, Jordan luyện tập 8-10 giờ mỗi ngày, ngày nào cũng như ngày ấy. Khi Michael gia nhập Chicago bulls ở tuổi 21 vào năm 1984 và trở thành ngôi sao bóng rổ, anh đã tích lũy tổng cộng hơn 23.000 giờ luyện tập, con số vượt xa ngưỡng thiên tài là 10.000 giờ.

Cỗ máy kiếm tiền giỏi nhất thế giới


Liệu quy luật này có linh ứng trong cả lĩnh vực kinh doanh tài chính không? Có chứ. Cứ nhìn Warren Buffett mà xem, Buffett được xem là một trong những nhà đầu tư khôn ngoan nhất thế giới và sỡ hữu khối tài sản lớn nhất hành tinh bằng cách biến 100.000 đô thành 60 tỷ đô chỉ nhờ vào đầu tư chứng khoán. Quy tắc 10.000 giờ này áp dụng cho tất cả mọi người, dù nổi tiếng hay không nổi tiếng, và trong mọi lĩnh vực.

Nhưng… còn những thần đồng nhí thì sao?

Nhiều người phản đối thuyết này, cho rằng làm gì có tài năng nào được hun đúc nên, rằng vẫn có những thần đồng nhí được trời phú cho một số tài năng nhất định và đã thể hiện những khả năng đáng kinh ngạc một cách hoàn toàn tự nhiên.Chẳng hạn Mozart nổi danh vì biết sáng tác nhạc vào năm 6 tuổi. Các nghiên cứu xa hơn cho thấy thật ra bố của Mozart đã bắt đầu dạy cậu chơi nhạc từ khi cậu mới lên 3.

Tôi tài giỏi? Cảm ơn lời khen tặng nhưng… nếu tôi không bắt đầu rèn luyện từ năm 3 tuổi thì có quá trễ không?

Nhiều người cảm thấy nhụt chí, nản lòng khi đọc tiểu sử hay xem những bộ phim tái hiện những nhân vật tài năng xuất chúng bắt đầu rèn luyện từ khi còn rất trẻ. “Năm nay tôi đã 35 tuổi rồi. Liệu tôi có còn phát triển tài năng được nữa không?”

Có thể bạn không trở thành nhạc sĩ ưu tú nhất thế giới, nhưng chắc chắn bạn sẽ nổi trội trong lĩnh vực của mình. Có thể bạn không phải là nhà đầu tư chứng khoán tài cán nhất, nhưng nhiều khả năng bạn sẽ trở thành triệu phú trong quá trình trui rèn kỹ năng đầu tư của mình.

10.000 giờ nỗ lực hết mình

Nếu bạn muốn thành thạo một kỹ năng chuyên môn nào đó, bạn phải tập trung rèn luyện kỹ năng đó liện tục mỗi ngày. Bạn càng dành nhiều thời gian thực hành kỹ năng đó bao nhiêu, bạn càng nắm vững nó bấy nhiêu. Khi bạn vượt qua cột mộc 10.000 giờ, bạn sẽ thấy mình có thể thực hiện việc đó một cách xuất sắc mà không cần tốn nhiều công sức.

Điều gì ngăn cản đa số người đời thành công


Vấn đề nằm ở chỗ nhiều người không đủ kiên nhẫn và lòng tin rằng nỗ lực của họ sẽ được đền đáp xứng đáng. Không chỉ rèn luyện.. mà phải rèn luyên có cân nhắc!
Yếu tố khiến con người ta trở nên vượt trội được gọi là “rèn luyện có cân nhắc.” Để rèn luyện có cân nhắc, bạn cần bốn yếu tố sau…

1.Thường xuyên và không ngừng cải thiện
2.Thông tin phản hồi và điều chỉnh lại cho phù hợp
3.Lặp đi lặp lại
4. Nới rộng vùng thoải mái

Lập kế hoạch rèn luyện có cân nhắc ngay hôm nay!

> Mời bạn xem tiếp phần 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến thắng trò chơi cuộc sống (phần 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO