Cách người phụ nữ xuất chúng lãnh đạo

PHƯƠNG THANH| 19/10/2014 05:38

Điều gì khiến bạn hạnh phúc? Nhiều phụ nữ phải chật vật lắm mới trả lời được câu hỏi đơn giản ấy. Chúng ta thậm chí không có thời gian mà nghĩ về việc đó – cuộc sống của ta quá bận rộn và rắc rối, còn bản thân ta vội vã đến mức không thể ngừng lại mà suy nghĩ.

Cách người phụ nữ xuất chúng lãnh đạo

Mỗi người phụ nữ lãnh đạo đều có cách riêng của mình để tìm ra ý nghĩa công việc vốn góp phần vào thành công ngày hôm nay của họ.

Về tác giả

Joanna Barsh gia nhập McKinsey & Company vào năm 1981 như một cộng sự dày dạn kinh nghiệm. Song song với công việc tư vấn, bà là người đi đầu trong Dự án Lãnh đạo cân bằng và tạo ra hơn 125 băng ghi hình các cuộc phỏng vấn đầy đủ chi tiết với những phụ nữ lãnh đạo trên toàn thế giới.

Joanna tâm huyết về rất nhiều thứ, nhưng việc đẩy mạnh tốc độ phát triển phụ nữ lãnh đạo là điều mà bà ưu tiên dồn công sức nhiều nhất. Bà còn là Ủy viên Hội đồng Phụ nữ tại thành phố New York.

Susie Cranston là cố vấn doanh nghiệp tại văn phòng McKinsey & Company đặt tại San Francisco. Là thành viên của Dự án Lãnh đạo cân bằng tại McKinsey, Susie dẫn dắt một nhóm nghiên cứu về mô hình lãnh đạo này.

Bà có bằng cử nhân và thạc sĩ kinh doanh của Đại học Standford.

Tác giả: Joanna Barsh và Susie Cranston
Dịch giả: Uông Xuân Vy và Vi Thảo Nguyên
NXB Phụ nữ
Bản quyền tiếng Việt: TGM Books

Download bản đọc

Nội dung chính

PHẦN MỘT: Ý NGHĨA

Mọi điều bạn làm đều cần có ý nghĩa

Ý nghĩa là nét đặc trưng mang tính quyết định nhất đối với các nhà lãnh đạo thành công. Khi được hỏi yếu tố nào quan trọng nhất khi chọn nghề nghiệp và gắn bó lâu dài với nó, những phụ nữ này đều khẳng định đó chính là ý nghĩa trong công việc. Tìm được ý nghĩa sẽ giúp bạn đặt ra những mục tiêu thử thách và sức mạnh để chinh phục nó.

Ai cũng dám mơ ước, ngay cả một bé gái lớn lên ở vùng nông thôn nghèo Nigeria. Đó chính là trường hợp của Amina. Cô là chị cả của một gia đình có bảy đứa con, mẹ cô là người vợ sau của cha cô. Cả nhà cô sống ở hai căn phòng trong một khu nhà, họ không giàu cũng chẳng nghèo. Khu nhà có một chiếc tivi và tuần nào cô bé Amina cũng chạy vội về để kịp xem chương trình Case File. Trong mỗi tập, các luật sư tranh nhau biện luận, cuối cùng thẩm phán sẽ ra phán quyết cho vụ kiện.

Amina nhận ra rằng một luật sư giỏi có thể giúp thân chủ vốn trong sạch tránh được cảnh tù tội, và kẻ phạm tội phải bị lãnh án thích đáng. Cô bé bị chương trình truyền hình này làm mê mẩn và thôi thúc, cô vẽ ra trong đầu hình ảnh tuyệt vời khi được đứng cãi trước tòa, giải quyết sự vụ. Dần dần, mong muốn ấy biến thành mục đích trong cuộc đời cô. Mục tiêu vĩ đại ấy to lớn đến mức cô phải nỗ lực làm việc vài chục năm mới đạt được nó. “Từ năm học cấp hai, tôi đã biết mình ao ước trở thành luật sư”, Amina nói, “Và tôi đeo đuổi nó tới cùng”.

Không phải lúc nào bạn cũng có thể nhận ra ý nghĩa cuộc sống ngay từ sớm và rõ ràng như Amina. Đôi khi nó chỉ xuất hiện như một ý tưởng nho nhỏ, và ngày càng hiện rõ hơn theo thời gian. Và thường thì những ý nghĩa ấy sẽ tự tìm đến bạn (ngược lại với những gì bạn nghĩ). Vì vậy, nếu bạn định dành ra hàng giờ để hoàn tất bảng mô tả sứ mệnh của mình, có thể bạn sẽ cảm thấy thất vọng. Đôi khi ý nghĩa nằm ngay trước mắt bạn, nhưng lại ẩn sau những gì đơn giản nhất. Với một số người, phải mất mấy năm mới tập trung nhìn ra được.

Bạn có thể làm một công việc nào đó suốt một thời gian dài, trước khi bạn nhận ra đó chính là điều mình yêu thích và bạn sẽ không bao giờ chấp nhận đánh đổi nó.

Dù bạn tìm được một công việc tràn đầy ý nghĩa hay công việc bạn làm cần thiết cho người khác, điều đó không quan trọng. Chỉ cần bạn nhận ra điều gì ý nghĩa với bạn, bạn có thể tận dụng mọi tài năng, khả năng của mình để đạt dược những thành quả to lớn, để có dược cảm giác vui vẻ hơn.

Hạnh phúc không đơn giản là một mục tiêu “nên đạt được”. Sở hữu một tâm lý và cảm xúc ổn định là điều cực kỳ cần thiết cho vai trò lãnh đạo, bởi bốn lý do hết sức thực tế sau:

• Cảm giác hạnh phúc là một dạng động lực. Con người sẽ nỗ lực hết mình khi công việc mang lại cho họ cảm giác hạnh phúc.

• Những đội nhóm hạnh phúc sẽ sáng tạo hơn. Họ tìm ra nhiều cách giải quyết vấn đề sáng tạo hơn và thường tìm được giải pháp hay hơn.

• Những nhà lãnh đạo thể hiện cảm giác hạnh phúc sẽ điều hành hiệu quả hơn. Nhà lãnh đạo nào tìm được niềm vui thật sự trong công việc và được niềm vui ấy thúc đẩy sẽ tạo ra sức ảnh hưởng tích cực hơn đối với những người chung quanh. Niềm đam mê, lòng nhiệt thành và năng lượng của họ sẽ lan tỏa đến người khác – có tác dụng gắn kết qua lại khi cả đội ngũ cùng cảm nhận được điều đó.

• Cảm giác hạnh phúc cải thiện sức khỏe thể chất, đồng thời tăng cường sự dẻo dai và khả năng hồi phục. Các nghiên cứu cho thấy nhân viên nào cảm thấy hạnh phúc có nồng độ hoóc-môn gây căng thẳng thấp hơn.

Để nuôi dưỡng ý nghĩa, bạn phải biết mục đích sống của mình. Giờ đây, hoặc có thể ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, bạn đi làm chỉ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nếu rơi vào tình trạng đó, bạn chỉ thấy thực sự thoải mái khi không phải đi làm và đủ tiền mua sắm những thứ mình cần. Nhưng có thể công việc đối với bạn không chỉ là công việc – nó là cả một sự nghiệp, là cơ hội để bạn rèn luyện kỹ năng, được tăng lương và thăng chức. Nếu vậy, bạn sẽ càng hài lòng hơn với những thành công mà mình gặt hái được trong sự nghiệp. Và tuyệt nhất là khi công việc trở thành nguồn lực trọng tâm trong cuộc sống của bạn.

Amina cho rằng ý nghĩa trong cô xuất phát từ trải nghiệm cá nhân: “Bạn có biết là khi bạn khao khát một điều gì thì sẽ thế nào không? Dĩ nhiên là có thử thách, có trở ngại. Chừng nào bạn chưa thể vượt qua thì nó vẫn sẽ sừng sững như một trái núi ngay trước mũi bạn. Hãy nói với chính mình, “Tôi làm được”. Và bạn sẽ thấy mình làm được điều đó.”

Mỗi người phụ nữ lãnh đạo đều có cách riêng của mình để tìm ra ý nghĩa công việc vốn góp phần vào thành công ngày hôm nay của họ. Không nhất thiết phải là một ý nghĩa lớn lao, có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu; mà chỉ cần mỗi ngày một chút thay đổi nho nhỏ - những hành động, việc làm ý nghĩa – là cũng đủ tốt lắm rồi.

Phương trình hạnh phúc của riêng bạn

Nhưng điều gì khiến bạn hạnh phúc? Nhiều phụ nữ phải chật vật lắm mới trả lời được câu hỏi đơn giản ấy. Chúng ta thậm chí không có thời gian mà nghĩ về việc đó – cuộc sống của ta quá bận rộn và rắc rối, còn bản thân ta vội vã đến mức không thể ngừng lại mà suy nghĩ. Và ngay cả khi có dừng lại suy nghĩ đi nữa, thì ta hoàn toàn có thể biết được người khác muốn mình làm gì, nhưng lại không còn nhận ra bản thân mình muốn gì nữa.

Nếu bạn muốn biết điều gì làm mình hạnh phúc, bạn phải mở khóa cánh cửa dẫn đến khả năng tiềm tàng của mình. Điều này rất đáng để bạn nỗ lực tìm kiếm.

Là con đầu lòng trong một gia đình người Mỹ gốc châu Á, Georgia từ bé đã biết rõ: “Ước mơ to lớn nhất của cha mẹ là muốn tôi trở thành dược sĩ. Vì thế tôi chăm chỉ học toán và khoa học tự nhiên”, cô kể lại, “Họ cũng khuyến khích tôi làm quen với nghệ thuật nhưng chưa bao giờ tôi muốn tôi theo nghiệp đó – chẳng qua để hồ sơ của tôi đáp ứng yêu cầu của các trường đại học danh tiếng”.

Trong quá trình học tại Harvard, Georgia được tiếp xúc với nghệ thuật làm phim. Cô say mê các tác phẩm và tìm hiểu về tất cả các đạo diễn nổi tiếng. Một đam mê nho nhỏ nhen nhóm trong lòng cô. Nhưng cô tạm gác ước mơ làm phim sang một bên để làm tốt vai trò đứa con ngoan. Georgia khiến cha mẹ hài lòng với tấm bằng cử nhân ngành sinh hóa, và tiếp tục làm họ sửng sốt khi trở thành nhân viên hãng tư vấn luật nổi tiếng McKinsey vì nó chẳng liên quan gì đến ngành nghiên cứu khoa học hay dược lý cả.

Đối với Georgia, công việc tư vấn thật sự rất tuyệt vời. Cô thích thú đương đầu với những thử thách trong chuyên môn cũng như cơ hội để tạo sức ảnh hưởng.

Georgia có những người cố vấn dạn dày kinh nghiệm, có một nhóm bạn tuyệt vời, có đủ tiền để mua những món hàng sang trọng tại cửa hiệu Barney và một con đường sáng sủa vươn đến tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Đại học Harvard cùng sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng. Nhưng ước mơ phim ảnh vẫn xâm chiếm tâm trí cô.

Sau một năm làm việc trong ngành tư vấn, Georgia bắt đầu thực hiện ước mơ cuộc đời mình.

Giống như một nhà phân tích kinh doanh mà cô từng mong muốn trở thành, Georgia thiết lập hẳn một công thức để cân nhắc những phương án mà cô nhắm đến – phương trình tính toán hạnh phúc của riêng cô – trước khi quyết định rời trường Harvard.
Những biến số chính trong bảng tính tượng trưng cho những gì quan trọng nhất để cô có được hạnh phúc – thời gian dành cho bạn bè và gia đình, duy trì sức khỏe tốt, tìm niềm vui trong công việc, nỗ lực học tập và phát triển.

“Tôi thích được là một nhà làm phim vớ vẩn hơn một CEO thành công. Đó là khi tôi nhận ra Trường Kinh doanh Harvard rất tuyệt, nhưng nó không dành cho tôi”.

Georgia chuyển đến Los Angeles và sống tạm với các bạn của mình trong quá trình viết kịch bản cho bộ phim đầu tay, Red Doors (Những Cánh Cửa Màu Đỏ).

Georgia đoạt giải thưởng ngay với bộ phim đầu tay, nhưng đó chỉ mới là bước đầu trong cuộc hành trình dài. Điều khiến chúng tôi ấn tượng hơn cả thành công của cô chính là lòng dũng cảm, khi cô dám bẻ lái sang một con đường mới, với những quy tắc rõ ràng và mục tiêu cụ thể để theo đuổi sự nghiệp đầy bấp bênh.

Bạn sẽ viết gì trong “bảng tính hạnh phúc” của chính mình? Trước tiên, hãy xem qua nguồn gốc hạnh phúc trong con mắt của Jonathan Haidt, giảng viêng trường Đại học Virginia đồng thời là tác giả quyển The Happiness Hypothesis (Giả Thuyết Về Hạnh Phúc). Phương trình hạnh phúc của ông là H = N + Đ + T. Trong đó:

• (H) là Hạnh phúc
• (N) là Ngưỡng hạnh phúc (thiên hướng bạn có được từ lúc mới sinh ra)
• (Đ) là Điều kiện sống (giới tính, tuổi tác, nơi sống, nghề nghiệp, các mối quan hệ)
• (T) là Các hoạt động tình nguyện bạn chọn tham gia (giúp bạn mạnh mẽ hơn, hài lòng hơn).

Làm thế nào định vị được đâu là điểm giao nhau giữa con đường dẫn bạn đến hạnh phúc và những cơ hội nghề nghiệp thực tiễn? Hãy bắt đầu bằng cách kết nối lại những điều bạn từng biết.

Một cách khác để bắt đầu là xác định những việc làm nào mang lại cho bạn cảm giác hài lòng mãn nguyện.

Chúng ta đang bàn về sự tồn tại cảm giác hạnh phúc, nó khác với niềm vui. Bạn có thể chiến đấu hàng năm dài chỉ mong được thăng chức, tăng lương, để rồi khi niềm vui qua đi, bạn nhận ra cảm xúc của mình cũng không còn (thậm chí tệ hơn cả khi bạn chưa đạt được mục tiêu ấy).

Lập bảng tính là một cách để bạn tìm ra phương trình hạnh phúc của riêng mình. Hoặc liệt kê danh sách những thứ bạn thích làm cũng được.

Vậy hãy nguệch ngoạc những gì bạn còn nhớ về niềm đam mê thời thơ ấu trên giấy. Chọn ra một ngày để làm bất cứ điều gì bạn yêu thích. Dành thời gian cho riêng mình sẽ giúp bạn tìm lại tiếng nói và những cảm xúc sâu lắng bên trong.

Khi đã hiểu rõ điều gì khiến mình hạnh phúc, bạn sẽ tìm ra nhiều con đường mới, nhiều mục tiêu mới cùng với lòng dũng cảm để đẩy lùi nỗi sợ hãi.

Bắt đầu bằng những thế mạnh

Cách chắc chắn nhất để lựa chọn những hoạt động đúng đắn chính là tập trung vào những điểm mạnh căn cơ trong bạn. Đa số chúng ta dành cả đời để khắc phục khuyết điểm. Hãy gạt chuyện tìm cách cải thiện bản thân sang một bên. Trước khi nghĩ đến chúng, bạn phải biết mình có những ưu điểm gì, và nó sẽ dẫn dắt bạn đến với những hoạt động giúp mang lại những thay đổi sâu sắc, khiến bạn sống ý nghĩa và mãn nguyện hơn.

Hãy lùi lại để nhìn bức tranh toàn cảnh, và nghĩ xem bạn thật sự phát huy hết tiềm năng trong lĩnh vực nào. Loại công việc nào có vẻ dễ dàng đối với bạn? Công việc nào khiến bạn thấy thời gian trôi qua vùn vụt – và công việc nào bạn thấy thời gian lê từng bước nặng nề?

“Hãy thành thật với chính mình về những gì bạn làm tốt và những gì bạn yêu thích”, đó là lời khuyên của Abby Joseph Cohen – chuyên gia hoạch định chiến lược đầu tư kiêm giám đốc điều hành của Goldman Sachs.

Hai nhà tâm lý học tích cực Martin Seligman và Chris Peterson đã chỉ ra 24 ưu điểm có ở bất kỳ ai trên thế giới:
• Trí tuệ: tò mò, ham học hỏi, biết phán xét, khéo léo, thông minh cảm xúc và biết cân nhắc.
• Dũng khí: dũng cảm, kiên trì và liêm chính.
• Tính nhân văn: tốt bụng và yêu thương.
• Tính công bằng: văn minh, không thiên vị và có tố chất lãnh đạo.
• Tính hòa nhã: biết tự kiềm chế, thận trọng và khiêm tốn.
• Điểm nổi trội: biết trân trọng vẻ đẹp lẫn tài năng, biết ơn người khác, biết hy vọng, biết tư duy, biết tha thứ, hài hước và say mê.

Nếu xếp thứ tự ưu tiên 24 tính cách tốt đẹp ấy sao cho phù hợp với mình, bạn sẽ biết những yếu tố nào cấu thành tính cách con người bạn. Ai cũng có 5 ưu điểm nổi trội nhất.

Một cách để bạn khám phá 5 điểm nổi bật nhất của mình là đi hỏi người hiểu bạn nhất. Con cái, vợ/chồng, hoặc những bạn bè có thể nhìn ra được tính cách của bạn còn rõ hơn cả chính bạn. Cấp trên của bạn sẽ nói gì? Khách hàng nói gì? Mẹ của bạn nói gì?

Nhưng bạn không cần phải đợi đến lúc thay đổi công việc mới bắt đầu tận dụng thế mạnh của mình. Nếu một trong 5 thế mạnh lớn nhất của bạn là tốt bụng, thì bạn hãy chọn bất kỳ việc tốt nào đó để thực hiện mỗi ngày. Nếu thế mạnh tập trung nhất của bạn là ham học hỏi, thì việc tìm kiếm những bất cập mới trong công việc hẳn có tác dụng thúc đẩy bạn.

Cuối cùng, hãy nhớ bài tập này bạn không chỉ làm một lần trong đời. Năm ưu điểm lớn nhất của bạn sẽ thay đổi cùng thời gian; nghĩa là bạn ngày càng trưởng thành hơn. Và với những thế mạnh mới, khả năng vươn lên hàng lãnh đạo của bạn sẽ càng cao.

Biết mình muốn gì

Một số phụ nữ hiểu rõ mục đích của mình là gì từ tuổi lên 10. Số khác phải mất nhiều năm làm việc này việc kia mới tìm ra được. Nhưng điều đó không quan trọng. Gerry Laybourne, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Oxygen Networks, đã tìm ra mục đích cuộc đời mình một cách tình cờ. Việc đó bắt đầu khi cô gặp được người đàn ông về sau cô lấy làm chồng. Cuối cùng, cô chuyển sang nghiên cứu trong ngành giáo dục trẻ em và phát hiện ra chuyên môn này chính là sứ mệnh cô hằng khao khát. Sau này cô trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển của Nickelodeon rồi đến Oxygen.

Khi đã có mục đích, việc đặt ra mục tiêu sẽ dễ dàng hơn. Bạn sẽ đủ can đảm đối mặt với những thử thách mới. Nhiều nữ lãnh đạo – giống như Gerry – nhận thấy việc đặt ra những mục tiêu khó đạt được đã thúc đẩy họ lên tầm cao mới. Thật vậy, nếu bạn giữ cái nhìn hạn hẹp – không dám thoát khỏi sự ổn định mình đang có – thường bạn chỉ đạt được những mục tiêu nhỏ và những thành công không đáng kể. Dám thực hiện những gì tưởng chừng như không thể sẽ tạo ra những chuyển biến thần kỳ.

Một ví dụ kinh điển là khả năng chinh phục quãng đường 1,6 km trong vòng 4 phút từng được các nhà vật lý học xem là ngưỡng giới hạn mà con người không thể nào vượt qua. Nhưng chỉ hai năm rưỡi sau khi Roger Bannister – người đầu tiên phá kỷ lục vào năm 1954 – có đến 8 vận động viên khác đạt kết quả tương tự. Không phải con người tiến hóa hơn, nhưng chính niềm tin vào những gì khả dĩ đã tạo ra bước tiến thần kỳ đó.

Nhưng sẽ ra sao nếu bạn không tìm được ước mơ của mình, hoặc đơn giản bởi bạn không phải người hay mơ ước? Vẫn còn nhiều cách khác, thực tế hơn để khám phá ra những điều ý nghĩa đối với bạn.

Nhà tâm lý học Tal Ben-Shahar gợi ý bạn hãy viết ra ba danh sách. Bắt đầu bằng những hoạt động bạn thích và những gì bạn có thể làm tốt. Tiếp theo hãy nghĩ về những gì quan trọng đối với bạn. Khi đối chiếu với nhau, bạn hãy tìm ra điểm chung giữa ba danh sách đã viết.
Tiếp theo, so sánh các đặc điểm đó với những gì bạn đang làm trong hiện tại. Hãy xem bạn có tìm ra cách cải thiện nào trong công việc sao cho phù hợp với mục đích của mình hay không. Hoặc thử nói chuyện với một người nào đó, đồng nghiệp chẳng hạn, về mục đích của riêng họ. Có thể bạn nhận ra động cơ thúc đẩy của bạn và của họ có một số điểm chung, vì vậy nó góp phần gắn kết các bạn lại với nhau.
Nhưng dù mục đích bạn đặt ra là gì thì cũng hãy nhớ rằng mục tiêu chưa phải là tất cả, mà còn cả quá trình đạt đến mục tiêu. Quá trình ấy sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc và ý nghĩa – hơn cả khi bạn thật sự đạt được mục tiêu. Cảm giác hứng khởi khi cán đích sẽ chóng phai trong khi những trải nghiệm trong suốt cuộc hành trình sẽ đọng lại suốt cuộc đời bạn.

Nếu biết mình muốn thực hiện điều gì trong vòng 10 năm tới, bạn sẽ không còn thấy khổ sở vì những quyết định vụn vặt hằng ngày.
Đừng lo lắng vì những bước khởi đầu không mấy to tát trong quá trình đi tìm mục đích cuộc đời. Cùng với thời gian, mục đích sống sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu bạn không ngừng tìm kiếm.

PHẦN HAI: ĐỊNH HƯỚNG

Tầm quan trọng của việc định hướng

Một công việc được hoàn thành tốt đẹp chính là điều mãn nguyện; công việc ý nghĩa khiến tâm trạng bạn thăng hoa – thứ hạnh phúc sâu lắng và bền bỉ hơn rất nhiều. Những định hướng tích cực, cũng giống như ý nghĩa công việc, chính là rường cột của nhà lãnh đạo, chúng hỗ trợ lẫn nhau.

Những nhà lãnh đạo biết định hướng tích cực sẽ nhìn mọi thứ dưới ánh sáng chân thực nhất. Họ không để cho những cảm xúc tiêu cực bóp méo cái nhìn của họ về thực tế cuộc sống – phóng đại những nguy cơ.

Đối với một số phụ nữ, định hướng tích cực diễn ra một cách tự nhiên. Nhưng với đa số chúng ta, việc đó đòi hỏi bạn phải gạt bỏ lối suy
nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức – bao gồm cả thói quen đánh giá đầy cảm tính ta áp đặt lên sự việc, người khác và chính bản thân mình. Khả năng định hướng thực tế một cách tích cực rất hiệu nghiệm và học được cách thực hiện nó chính là một phần của quá trình phát triển kỹ năng lãnh đạo của bạn. Và lợi ích mà nó mang lại không chỉ dừng ở công việc.

Làm thế nào để vẽ nên những gì mình thấy?

Hãy xem xét tình huống sau: Sếp gọi bạn vào họp bất ngờ. Khi bước vào phòng, bạn thấy có hai chuyên viên đang ở đó. Ngay lập tức, họ ngừng trao đổi và vội vàng gom mớ giấy tờ của mình. Họ tránh nhìn vào mắt bạn khi ra khỏi phòng. Sếp nhìn xuống đống tài liệu trên bàn rồi mới nhìn đến bạn, thậm chí không mời bạn ngồi.

Phản ứng của bạn là gì? Người bi quan ngay lập tức chĩa mũi dùi về phía mình: “Ôi, chắc tôi đã phạm lỗi gì ghê gớm lắm”. Người lạc quan lại tưởng tượng về một cuộc trò chuyện khác và sẵn sàng đón nhận cơ hội để phát triển bản thân: “Có lẽ họ mới bàn xong một chuyện khác. Tôi sẽ hỏi sếp xem chuyện gì đang xảy ra”.

Đối với người bi quan, lời chỉ trích của sếp giống như tấn công vào cá nhân họ; kết quả đánh giá công việc tồi tệ sẽ ảnh hưởng xấu đến mọi khía cạnh khác trong cuộc sống của họ trong tương lai. Họ tin rằng không cách gì cải thiện được kết quả, họ không buồn cố gắng nữa, và việc đó càng khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.

Trong khi, người lạc quan sẽ xem lời chỉ trích của sếp là một thử thách hữu ích; họ sẽ không để cho bản đánh giá công việc tiêu cực ám ảnh mình suốt đời, và họ nhanh chóng đứng dậy sau một thất bại không thể tránh khỏi.

Khi hiểu việc định hướng thực tế mang dấu ấn cá nhân như thế nào, bạn sẽ dễ dàng lựa chọn xem có nên tiếp tục là chính bản thân mình hay nên tiếp thu lối suy nghĩ mới.

Định hướng khởi nguồn bằng việc phá bỏ những thói quen vô thức gây hủy hoại bản thân – vòng xoáy tiêu cực đó thường để lại hậu quả về lâu dài.

Nhiều người không có khả năng đối phó một cách nhanh chóng khi nhận một tràng chửi rủa thô lỗ từ phía khách hàng. Đáng buồn là một số phụ nữ còn thấy tổn thương trong những tình huống như thế. Họ bắt đầu dằn vặt chính mình, ám ảnh về những gì đã xảy ra và tự hỏi mình đã làm gì sai. Điều này sẽ dẫn đến tâm lý suy sụp, thậm chí suy sụp nặng nề.

Ai cũng có lúc gặp điều tốt lẫn điều xấu. Nhưng điểm làm nên khác biệt chính là cách bạn xử lý những nguyên liệu thô mình có được trong cuộc sống.

Những phụ nữ tiếp cận hoàn cảnh mới mẻ để phát triển khả năng khi được đề nghị một công việc mới trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, họ nhảy vào ngay, tin rằng mình có thể học hỏi và phát triển.

Sức mạnh của tính lạc quan

Những phụ nữ thành công chúng tôi từng gặp đều có một điểm chung – đó là tính lạc quan cao độ. Ngoài điểm này ra, họ rất khác nhau.
Khi hiểu rõ nguồn gốc của tính lạc quan, bạn có thể học cách tránh sa sút tâm trạng và lo nghĩ vẩn vơ vốn dễ xảy ra ở những người bi quan.

Theo các nhà khoa học, về bản chất, bi quan chính là phản ứng bẩm sinh của ta đối với căng thẳng trong cuộc sống, vốn bắt nguồn từ cơ chế tự vệ của bộ não con người thời tiền sử.

Nhai đi nhai lại những chuyện trong quá khứ không chỉ mang đến cảm giác khó chịu, mà nó còn nguy hiểm. Ở mức tối thiểu, khi bạn bỏ ra hàng giờ, hàng ngày ngẫm nghĩ về những điều không như ý, thì cũng trong thời gian ấy, bạn đã chần chừ, thậm chí gạt bỏ những việc làm ý nghĩa. Bạn có thể ngăn vòng xoáy đó cuốn bạn xuống đáy của nó.

Hãy bắt đầu bằng hai kỹ thuật: tranh luận (đáp trả giọng nói trong đầu bạn) và tìm cách lý giải thay thế.

Tranh luận đòi hỏi bạn phải xem xét lại tình huống và tách bạch giữa những cảm xúc mà bạn có được từ trải nghiệm vừa qua với những điều diễn ra trên thực tế. Tìm cách lý giải thay thế là cách tiếp cận thứ hai. Đơn giản là bạn đi tìm những nguyên nhân khác để hiểu tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy.

Đôi khi, chuyển hóa ý nghĩa cũng không thể giúp bạn giải quyết vấn đề. Nhiều chuyện ập đến một lúc như một thảm họa. Bạn không lảng tránh được thực tế. Thậm chí, người lạc quan nhất cũng không thể đưa ra cho bạn một giải pháp cụ thể nào. Bạn chỉ còn biết chúi mũi vào và nỗ lực hết mình để giải quyết.

Trong quá trình đương đầu nghịch cảnh, đầu óc và cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi. Bạn có thể tìm đến nhiều cách giúp thư giãn đầu óc. Hoạt động thể chất là tuyệt nhất, thậm chí đi bộ một vòng cũng có tác dụng. Bạn có thể giải thoát mình khỏi cuộc chiến bằng những hành động giúp bạn chuyển sự chú ý sang chủ đề khác.

Chuyển hóa ý nghĩa – định hướng tích cực là việc phải luyện tập. Bắt đầu bằng cách nhận ra khi nào mình đang sa vào vòng xoáy cảm xúc, và tìm cách hành động để thoát ra ngay. Hít một hơi thật sâu và mỉm cười.

Khi người nào đó nóng tính cư xử với bạn theo kiểu tiêu cực, hãy dừng lại một chút trước khi phản ứng. Dù phản ứng tự nhiên là đáp lại cơn giận bằng một cơn giận khác, nhưng như thế chỉ khiến bạn bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc. Thay vì vậy, hãy tha thứ. Chính hành động tha thứ sẽ giải tỏa cảm giác tức giận cho bạn và mang đến những cảm xúc tích cực. Nghe có vẻ trái tự nhiên, nhưng rất đáng để bạn thử. Bạn sẽ thấy mình bình an hơn, làm việc hiệu quả hơn.

Nhiều nữ lãnh đạo tự xem mình là người lạc quan – nhưng đồng thời vẫn rất thực tế. Chính sự pha trộn tính cách độc đáo này đã giúp họ cân bằng. Họ rất chú ý đến các dữ kiện. Vì thế khi họ phạm sai lầm, đi sai hướng hoặc hứng chịu thất bại, họ đặc biệt tài giỏi trong việc đón nhận phản hồi, góp ý và dựa vào đó để tiếp tục bước tới.

Bạn có thể học kỹ năng này khi phải đối diện với nghịch cảnh, hoặc có thể chuẩn bị tinh thần bằng cách giả lập trải nghiệm đó. Chẳng hạn, dự đoán ba hậu quả do thái độ làm việc không tốt của mình gây nên: bị đuổi việc, bỏ việc vì phẫn nộ, hoặc chấp nhận những lời góp ý và tìm cách giải quyết vấn đề.

Nếu bạn biết trước mình sẽ căng thẳng, hãy chuẩn bị tinh thần từ trước. Hãy chắc chắn rằng bạn thật sự bình tĩnh và nghỉ ngơi đầy đủ. Sẽ rất khó để cởi mở và linh động nếu bạn bị thiếu ngủ.

Sẵn sàng thay đổi

Hoàn cảnh thay đổi. Đó là lúc nhà lãnh đạo nhận ra thời điểm phải thuận theo tình huống. Đó là điều khó khăn nhất cho tất cả mọi người: Bạn phải hết sức tập trung vào kế hoạch làm việc, nhưng đồng thời phải sẵn sàng dẹp bỏ nó nếu giải pháp này không còn phù hợp.

Phụ nữ vốn bẩm sinh đã có kỹ năng thích ứng. Nếu bạn là một người mẹ, hẳn bạn sẽ quen với những thay đổi bất ngờ của những đứa con. Nếu không phải là một người mẹ, bạn sẽ thích nghi theo cách khác, vì được nuôi dạy để trở thành một người luôn phải cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc.

Vì vậy, bạn không phải lo lắng về khả năng này của mình, và đừng bỏ quên lợi thế này.

Khi tình thế thay đổi, không nhất thiết bạn phải hy sinh giấc ngủ để sắp đặt mọi thứ. Bạn không cần phải tìm kiếm những thỏa hiệp khả dĩ để làm vừa lòng tất cả mọi người. Cắm đầu làm mãi một việc là cách tồi tệ nhất. Những gì bạn cần là tìm giải pháp thay thế. Đó chính là khả năng thích ứng. Hãy nghĩ về những hướng đi khác nhau, ngay cả khi hướng đi có thể là dừng lại và suy ngẫm.

Thành lập doanh nghiệp mới, tiếp cận thị trường mới, hay cải tiến bất kỳ hoạt động gì đều là những thách thức đòi hỏi sự thích nghi – và đều khá đáng sợ. Bạn sẽ phải làm quen với những gì mập mờ, không chắc chắn.

Nhiều tình huống, không chỉ là những thay đổi to lớn, đều có thể kích thích cảm xúc tương tự. Chẳng hạn, bạn phải đương đầu với một đối thủ khó nuốt; đội ngũ nhân viên thà chết chứ không đi theo đường hướng mới như bạn mong muốn; quản lý cấp cao chỉ trích bản kế hoạch của bạn; khách hàng khiến bạn thất vọng…

Sau đây là vài ý tưởng để bạn lấy lại cân bằng:

Trước tiên, hãy hít thở sâu và đếm đến mười – vừa đủ thời gian để khởi động lại từ đầu. Hãy cho mình một khoảng cách nhất định để nhìn toàn cục vấn đề. Đặt mình vào vị trí một người nào đó, thậm chí là đối phương, để có cái nhìn hoàn toàn khác. Ngừng nói và chú ý lắng nghe, cố gắng hiểu hàm ý đằng sau những nhận xét của người khác. Bằng cách bình tĩnh suy xét, bạn có thể nhìn nhận tình huống khác đi.

Nếu thử thách không buộc bạn phải thích nghi ngay lập tức, hãy tìm đến những người có nhiều kinh nghiệm để xin những nhận xét khách quan hơn.

Nhìn sự việc từ nhiều góc độ sẽ vô cùng hữu ích, đặc biệt là khi môi trường thay đổi đột ngột hoặc rõ rệt.

Hãy nhớ rằng, những thăng trầm trong cuộc hành trình đến vị trí lãnh đạo của bạn là điều chắc chắn xảy ra. Nếu không biết thích nghi trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân, chúng ta sẽ mất đi khả năng xét đoán vấn đề, ta sẽ trở nên cứng nhắc, phó mặc cuộc đời mình và để cho cảm xúc chi phối.

PHẦN BA: KẾT NỐI

Tìm đến những mối quan hệ khắng khít

Các số liệu cho thấy, những ai có mạng lưới các mối quan hệ vững bền và được nhiều người chỉ bảo dẫn dắt sẽ có cơ hội thăng tiến nhiều hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, và hài lòng với công việc hơn.

Vì vậy, xây dựng các mối quan hệ là một phần trong công việc hằng ngày của bạn. Không phải chỉ vì mục đích tiến thân, mà còn nhằm duy trì cuộc sống tốt đẹp cho bạn và đội ngũ nhân viên của bạn.

Bởi phụ nữ cần thời gian để xây dựng mối quan hệ, nên đa số chúng ta có xu hướng duy trì một vài mối quan hệ gần gũi với những cá nhân có tính cách giống mình. Chính điều này khiến phụ nữ nơi công sở gặp nhiều bất lợi.

Muốn trở thành một nhà lãnh đạo tài giỏi, bạn thật sự cần một mạng lưới quan hệ trong kinh doanh và kỹ năng kết nối. Bạn phải thật sự đầu tư cho nó, vì các mối quan hệ không tự nhiên tìm đến.

Yếu tố then chốt của mạng lưới quan hệ: Người đỡ đầu.

Bạn cũng có thể vươn lên vị trí dẫn đầu mà không cần một người đỡ đầu. Nhưng cuộc hành trình của bạn sẽ dễ dàng hơn, và chắc chắn sẽ dễ chịu hơn, khi có ai đó giúp đỡ, ủng hộ bạn.

Những người đỡ đầu còn hơn cả những người thầy, mặc dù bạn cần cả hai đối tượng này trong mạng lưới của mình. Người đỡ đầu sẵn sàng can thiệp để tạo cho bạn cơ hội và dang tay bảo vệ bạn khi mọi thứ không suôn sẻ. Họ không giúp đỡ bạn chỉ vì đó là một phần công việc của họ, mà bạn cũng góp phần vào sự thành công của chính họ.

Công ty là một đại gia đình

Khi các nữ lãnh đạo thể hiện sự quan tâm đến các thành viên trong đội ngũ, họ sẽ nhận thấy nhân viên của mình sẵn sàng làm những điều tuyệt vời nhất trong khả năng của họ. Và khi một đội ngũ thành công, thành công ấy sẽ mở rộng tính kết nối đến những đội ngũ khác, mang lại nhiều thành công hơn nữa cho tổ chức.

Bằng cách đi theo tiếng gọi của nhu cầu chăm sóc người khác và kết thân, bạn sẽ thật sự có một “đại gia đình”.

Các mối quan hệ song phương

Với khuynh hướng tìm kiếm các mối quan hệ sâu sắc, nhiều phụ nữ không cảm thấy thoải mái khi nhìn thấy các ông cứ tụm lại với nhau là có vẻ thân thiết ngay lập tức. Quý ông thì cho rằng chẳng qua cũng chỉ là “anh gãi lưng cho tôi thì tôi sẽ gãi lưng cho anh”.

Ý tưởng kết thân với một ai đó chỉ vì mục đích để họ mang lại lợi lộc cho mình trong tương lai hẳn khiến bạn thấy không ổn. Nữ giới đưa ra rất nhiều lý do khiến họ ngần ngại, không chủ động thiết lập một mối quan hệ: liệu có táo bạo quá không, người kia lúc nào cũng bận rộn cả, mình sẽ bị từ chối, thật là thương mại quá mức, vân vân.

Đây là lúc bạn chuyển hóa ý nghĩa sự việc. Hãy nhớ rằng, có qua có lại là yếu tố cơ bản nhất của Quy tắc Vàng - “Hãy đối xử với người khác theo cách bạn muốn họ đối xử với mình”.

Những người giao thiệp giỏi biết rằng các mối quan hệ sẽ hình thành khi bạn chủ động giúp đỡ người khác, trước khi bạn cần tới sự giúp đỡ của họ. Nhưng nếu bạn không biết mình có thể giúp được gì cho một đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm hơn hoặc cấp trên thì sao? Bạn cần dành thời gian tìm hiểu.

Khi người ta nhận được một điều gì đó, họ cảm thấy có trách nhiệm phải đền đáp lại. Điều này đúng với bất kỳ nền văn hóa hay đất nước nào, bởi nhu cầu muốn đền đáp đã ăn sâu vào cung cách cư xử của con người.

Bạn có thể tận dụng yếu tố này vì một mục đích tốt đẹp hơn – để khởi đầu mối quan hệ với những người bạn chưa quen hoặc chưa biết rõ. Trong trường hợp này, trao đổi thông tin có thể là một cuộc trao đổi sòng phẳng.

Nếu bạn vẫn thấy ý tưởng cho đi nhận lại còn quá xa lạ thì hãy bắt đầu từng chút một. Thử gửi một bài viết cho một đồng nghiệp mà bạn nghĩ họ sẽ thích. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy đa số mọi người đều vui vẻ khi nhận được tin từ bạn. Và hãy chú ý – thường người ta sẽ phản hồi lại, nhờ đó mà mối quan hệ song phương dễ dàng thiết lập hơn. Họ sẽ nói về những gì họ cần, và có thể đó là những gì bạn có thể giúp họ. Hãy bắt đầu bằng việc khám phá về người bạn nhắm đến.

Đừng nghĩ về mối quan hệ song phương một cách máy móc: giúp đỡ một ai đó, ngồi chờ, được người ta đền đáp, rồi lặp lại. Hãy nhớ rằng bạn đang trau dồi kỹ năng. Khoảng thời gian giữa cho đi và nhận lại có thể lên đến nhiều năm, vì thế thiết lập mối quan hệ song phương nên trở thành thói quen. Và hãy bắt đầu ngay từ bây giờ.

Cuối cùng, đừng cân đong đo đếm. Không phải ai cũng đáp lại đúng những gì bạn mong đợi. Đôi khi bạn không bao giờ biết được họ sẽ đáp lại tấm thịnh tình của bạn bằng cách nào. Có những người chỉ biết nhận mà không biết cho. Nếu gặp một người như thế, hãy bỏ qua và đi tiếp. Đối với những người khác, bạn sẽ tận hưởng cảm giác tốt đẹp khi bạn dang tay giúp đỡ họ. Đó cũng là một món quà giá trị.

Mạng lưới mối quan hệ không cần đến những “mưu ma chước quỷ”. Bạn chỉ cần ra ngoài, thể hiện sự quan tâm của mình đối với người khác, đề nghị được giúp đỡ họ. Đó cũng là cách để bạn phát triển bản thân lẫn sự nghiệp.

Hãy nhớ, tương tự những sinh vật sống khác, mạng lưới các mối quan hệ cũng sa sút dần theo thời gian nếu không được chăm sóc.

PHẦN BỐN: THỰC HIỆN

Vượt qua rào cản

Thực hiện là khi bạn lựa chọn chuyển từ góc độ đứng nhìn mọi chuyện diễn ra thành người khiến cho mọi thứ xảy ra. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm. Bạn phải không ngại tranh đấu vì những gì mình muốn, thậm chí bạn có thể phải chống lại tính ì và nỗi sợ hãi của bản thân. Khi đã bắt tay vào thực hiện, bạn sẽ không thể quay lại.

Muốn lãnh đạo, bạn phải được lắng nghe. Bạn phải cho người khác thấy sự hiện diện của mình. Bạn phải thể hiện bản thân, để người ta thấy cách bạn suy nghĩ, cách bạn tương tác dưới áp lực.

Một nữ lãnh đạo lâu năm trong ngành đầu tư từng chia sẻ: “Mỗi thứ hai, chúng tôi có cuộc họp ban điều hành. Lúc đầu tôi chỉ biết ngồi nghe. Tôi học hỏi từ những nam đồng nghiệp bởi tất cả đều có mặt trong buổi họp đó. Một thời gian sau tôi bắt đầu phát biểu. Bạn không muốn nói điều gì ngu xuẩn, nhưng bạn đã hoàn thành công việc, và bạn phải nói về điều đó”. Bí quyết của bà là gì? Luyện tập. Bà bắt đầu bằng cách kể ra những phân tích mình đã thực hiện. Bà quan sát những người mình chọn làm hình mẫu rồi mô phỏng theo. Dần dần mọi người quay sang chờ đợi bà đưa ra ý kiến.

Bạn cũng có thể học cách nêu lên chính kiến của mình. Bạn phải biết mình muốn gì. Chỉ vì sợ người khác chê bai mà nhiều người không dám hỏi. Đôi khi ta lại sợ mình chưa sẵn sàng.

Đi tìm tiếng nói riêng không chỉ đơn thuần là nói. Học cách bày tỏ chính kiến và chuyển tải thông điệp của mình là một hình thức giải quyết vấn đề, và cũng như các hành động giải quyết vấn đề khác, bạn cần chuẩn bị kỹ càng.

Hãy dành thời gian tìm hiểu thông tin và cân nhắc những gì bạn muốn truyền tải. Hãy rõ ràng, cụ thể. Bạn sẽ dễ dàng thành công hơn khi bạn suy nghĩ thấu đáo hết mọi tình huống, hình dung ra những gì có thể xảy ra trong cuộc thảo luận, và lên kế hoạch vượt qua rào cản.

Bắt tay vào thực hiện chính là đón nhận rủi ro và cả nỗi lo sợ thường lẩn khuất bên trong. Nếu bạn cảm thấy sự thay đổi mà bạn nhắm đến ẩn chứa rủi ro quá lớn, hãy tự hỏi mình xem điều xấu nhất có thể xảy ra là gì. Sau đó tưởng tượng mình gặp thất bại, rồi suy nghĩ xem mình sẽ giải quyết nó bằng cách nào.

Còn nhiều lý do khiến bạn chưa dám dấn thân. Nhưng chọn cách không bắt tay vào thực hiện chẳng khác nào để tảng đá lớn chắn ngang con đường bạn đi.

Hãy đứng lên và nói thẳng

Nhiều nữ lãnh đạo sinh ra đã dám dứng lên tự bảo vệ mình, nhưng một số đáng kể khác phải tự rèn giũa kỹ năng này.

Có thể sự ngần ngại không nói ấy đang che đậy một nỗi sợ hãi sâu kín. Nhưng nếu bạn cứ để cho những nỗi sợ ấy kiểm soát, chúng sẽ khiến bạn tổn thương.

Vấn đề còn phức tạp hơn ở chỗ “nói cũng không được mà không nói cũng không xong”. Bởi thường người phụ nữ nào dám lên tiếng cũng là người phải hứng chịu nhiều thứ. Họ có thể bị cho là nóng nảy, khó khăn, tự đánh bóng bản thân hoặc tệ hơn. Nhưng trong khi bạn ngồi chờ thì phái nam đã thương lượng cho những điều họ muốn và tự mình thăng tiến.

Bạn có thể phải học cách nói ra những gì cần nói: Trong lần họp sắp tới, hãy viết ra tên của tất cả những ai có mặt. Tiếp theo, kín đáo đánh giá ý kiến phát biểu của từng người, bạn sẽ thấy điều kiện để lên tiếng phát biểu không khắt khe như bạn tưởng, vì cũng có những ý kiến khá nhảm nhí.

Bài tập thứ hai có thể giúp bạn là luyện tập khả năng phát biểu: Chọn một chủ đề khó, viết ra những gì muốn nói bằng cách gạch đầu dòng, tìm người đóng vai đối thoại để nghe mình nói, sau đó đổi vai để hiểu cảm giác của người tiếp nhận. Nhờ đó bạn sẽ học được cách chuyển tải thông điệp hiệu quả hơn.

Cách bạn bày tỏ điều mình muốn nói cũng quan trọng không kém nội dung mà nó chứa đựng. Khi bạn có thể tách bạch được dữ kiện ra khỏi cảm xúc, đồng thời học cách thật sự lắng nghe và đồng cảm, bạn sẽ nhận ra người đối diện cũng bớt chống cự lại bạn hơn.

Hãy thử những kỹ năng mới này tại nhà, với những khách hàng khó tính nhất của bạn – những đứa con.

Đôi khi cách phản hồi tốt nhất với một ai đó là nói không. Nhưng bạn lo lắng lời từ chối của mình sẽ hủy hoại một mối giao hảo. Và không may là có quá nhiều phụ nữ làm nhiều thứ để tránh phải nói không. Chuyên gia thương lượng William Ury hướng dẫn ta một cách làm hiệu quả: Bắt đầu bằng việc thể hiện sự quan tâm thật sự đến người đặt yêu cầu, sau đó nói không một cách rõ ràng và tôn trọng, tìm ra cách giải quyết khác phù hợp với cả hai.

Tự mình tạo nên vận may

Bài học cốt lõi trong quá trình dấn thân thực hiện là chịu trách nhiệm và tự mình làm cho mọi thứ diễn ra.

Những người biết chịu trách nhiệm cảm thấy họ làm nên vận mệnh của chính mình. Họ thấy mình kiểm soát được mọi thứ, và điều đó mang lại cho họ sự tự tin, lòng quyết tâm để theo đuổi những gì họ khao khát, dù cho xác suất thắng cuộc không cao.

Hành động

Khả năng đón nhận những rủi ro hợp lý là kỹ năng vô cùng cần thiết mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng phải có.

Tránh né rủi ro không phải là một lựa chọn, vì chẳng bao lâu sau bạn cũng sẽ gặp phải rủi ro. Học cách đối diện với nỗi sợ hãi thật sự là yếu tố quan trọng nhất để đón nhận cơ hội.

Đa số chúng ta đánh giá rủi ro bằng cách liệt kê ra những tình thế bất ổn. Hãy làm ngược lại.

Trước tiên bạn hãy tưởng tượng về điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra. Hãy viết ra và làm cho nó trở nên cụ thể hơn. Hãy trò chuyện với 5 người biết về cơ hội ấy, và nhờ họ tưởng tượng kết quả tốt đẹp nhất có thể đạt được. Hãy nghĩ xem một người bạn ngưỡng mộ sẽ đón nhận cơ hội ấy ra sao.

Chỉ khi nào bạn thật sự nghĩ ra được mọi khía cạnh tốt đẹp mà cơ hội mang lại, bạn mới có thể quyết định xem liệu phần tiếp theo có xứng đáng với nó hay không.

Rủi ro và nỗi sợ hãi là những người bạn đồng hành không thể thiếu của cơ hội. Hãy xác định nỗi sợ hãi của bạn và viết nó ra. Những nỗi sợ hãi này giúp bạn lên kế hoạch, làm việc chăm chỉ và trách mặt tiêu cực. Nhưng bạn càng chống lại chúng thì bạn càng khiến chúng mạnh mẽ hơn. Thay vào đó, hãy làm quen với chúng, tìm hiểu xem chúng là nguồn cơn của những hành vi nào, và hậu quả của những hành vi đó.

Giờ bạn đã kiểm soát được mọi thứ.

PHẦN NĂM: NGUỒN NĂNG LƯỢNG TRONG TAY BẠN

Ý nghĩa, định hướng, kết nối và thực hiện – tất cả giờ đã trở thành công cụ trong tay bạn, sẵn sàng để bạn mang ra sử dụng trong suốt hành trình làm lãnh đạo.

Nhưng bạn sẽ chẳng đi đến đâu nếu bạn không còn sức lực để bước tới. Sự nghiệp lãnh đạo đòi hỏi nơi bạn sự nỗ lực lâu bền, dù lĩnh vực bạn chọn là gì đi nữa.

Chúng ta không thể biến cát thành vàng, cũng không thể đào thêm giờ thứ 25 trong ngày. Nhưng chúng tôi có thể giúp bạn điều chỉnh lại thời gian biểu.

Tất cả xuất phát từ quan điểm hiệu quả hơn về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đa số phụ nữ có xu hướng cho rằng mất cân bằng là nguyên nhân của mọi vấn đề về năng lượng, bởi trước nay người đời thường nói ở nhà là tái tạo năng lượng, đến sở làm là tiêu hao nó.

Trên thực tế, mọi chuyện không rạch ròi đến vậy. Một công việc phù hợp có thể mang lại cảm giác hào hứng. Và cách phân bổ thời gian bất hợp lý ở nhà có thể khiến bạn suy giảm năng lượng.

Cân bằng là chuyện hoang đường. Không ai cân bằng cả. Vấn đề là giữ thăng bằng khi bạn bị chao đảo quá mức.

Các nữ lãnh đạo mà chúng tôi tiếp xúc không hy sinh giờ ngủ, cũng không từ bỏ cuộc sống gia đình để dành trọn thời gian cho công việc, và họ còn đi nghỉ mát nữa.

Hãy quên đi ý nghĩ rằng bạn chỉ ổn định khi kiểm soát được mọi thứ. Thay lối tư duy đó bằng việc quản lý dòng chảy năng lượng thật sự của mình – trong phạm vi những gì thật sự quan trọng đối với bạn.

Nghiên cứu của Edy Greenblatt chỉ ra bốn loại năng lực mà bạn có thể sử dụng:

Thể chất: Khả năng chịu đựng và nguồn động lực cơ bản của bạn. Bạn có luyện tập thể thao không? Chế độ ăn uống của bạn có lành mạnh và điều độ không? Bạn có ý thức chăm sóc bản thân mình không? Nhiều phụ nữ cảm thấy tội lỗi khi thỏa mãn các nhu cầu của chính mình – và đó là lối suy nghĩ sai lầm.

Nhận thức: Các hoạt động trí óc của bạn. Bạn có dễ tập trung không? Hoạt động nào khiến bạn thích nhất?

Tâm lý: Tâm trạng của bạn. Điều gì khiến bạn lo lắng, sợ hãi hoặc căng thẳng, và điều gì khiến bạn nhảy cẫng lên vui sướng?

Xã hội: Mối quan hệ của bạn với những người khác, các giá trị cốt lõi của bạn. Các hoạt động đội nhóm cho bạn thêm năng lượng hay vắt kiệt sức của bạn? Bạn có sống vì ước mơ của mình?

Các nghiên cứu cho thấy nếu ngủ không đủ giấc, bạn có thể tăng khả năng tập trung bằng cách đi bộ một quãng ngắn hoặc tập thể thao.

Chuẩn bị cho bài thuyết trình có thể khiến bạn thấy mệt mỏi về mặt cảm xúc, nhưng bạn sẽ cảm thấy một nguồn năng lượng dâng trào khi kết nối với khán thính giả.

Giấc ngủ ngon buổi tối là món ăn bồi bổ trí não và cơ thể tốt nhất cho tất cả mọi người. Ngủ bao nhiêu là đủ? Lời khuyên tốt nhất là hãy lắng nghe nhu cầu của bản thân.

Nhịp sinh học là những chu trình của cảm giác sảng khoái và mệt nhọc. Theo đó phần lớn mọi người có thể hoạt động liên tục trong khoảng 90 phút, rồi một chu trình kết thúc, vài phút nghỉ giải lao ngắn sẽ giúp bạn tỉnh táo. Đây là lý do tại sao nghỉ ngơi lại tốt cho cơ thể bạn, và ngồi lâu một chỗ vắt kiệt sức bạn.

Bạn có thể thêm năng lượng cho một ngày bằng những phương pháp không đỏi hỏi quá nhiều thời gian:

Học yoga và thêm một hoặc hai bài tập đơn giản vào danh sách những việc cần làm trong ngày.

Đi bộ xuống sảnh tại nơi bạn làm việc hoặc bước ra ngoài đi dạo vài lần trong ngày

Nghe loại nhạc mình yêu thích.

Mang hoa tươi vào phòng làm việc.

Làm điều tốt cho người khác.

Hoặc bạn hãy tạo ra một danh sách các việc nên làm cho riêng mình.

Tối giản những việc khiến bạn kiệt sức

Phương pháp quan trọng nhất để duy trì nguồn năng lượng mà các nữ lãnh đạo chia sẻ là lập danh sách những điều bạn ưu tiên và làm đúng những gì bạn đã định.

Dĩ nhiên sẽ có những lúc bạn phải có ngoại lệ, phá vỡ quy định để xử lý những tình huống khẩn cấp và những trường hợp bất ngờ. Từ khóa ở đây là lựa chọn và ngoại lệ. Nếu bạn đảm bảo những trường hợp ngoại lệ này đúng là ngoại lệ và vẫn bám sát kế hoạch sau đó, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình tiết kiệm được biết bao nhiêu năng lượng.

Một trong những nguy cơ đe dọa kế hoạch bảo toàn năng lượng là dạng công việc 24/7, tiếp tay cho nó là chiếc điện thoại di động.
Trái hẳn với ý định của bạn là chu toàn mọi thứ, các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng làm nhiều việc một lúc hại nhiều hơn lợi. Khi bạn bỏ dở việc đang làm để trả lời email hoặc điện thoại, bạn phải chịu chi phí “đánh đổi” – các nhà khoa học cho biết mất 20 phút bạn mới quay lại được mức độ tập trung ban đầu.

Để hồi phục nhanh chóng

Hồi phục sau một việc không ngờ xảy đến là một trong những thử thách lớn nhất trong việc điều phối nguồn năng lượng.

Sức khỏe thể chất là nền tảng của sự kiên cường.

Các yếu tố giúp bạn hồi phục:

Ngủ đủ giấc và biết quan tâm đến sức khỏe của mình.

Mạng lưới các mối quan hệ vững mạnh nhờ có gia đình, bạn bè tin tưởng.

Đưa ra những nhận xét đúng đắn về những gì đang thật sự diễn ra.

Một kế hoạch hành động nhằm lấy lại những gì đã từng khiến bạn hào hứng thực hiện.

Sự hiện diện của những người có sức ảnh hưởng với bạn.

Hãy sẵn sàng đón nhận những trở ngại sắp đến bằng cách chuẩn bị sẵn những “trợ tá đắc lực” trên.

Bạn còn phải biết tự hồi phục sức lực trong quá trình thực hiện những công việc hằng ngày.

Vài gợi ý về cách rèn luyện:

Nuôi dưỡng và mở rộng mạng lưới hỗ trợ từ bạn bè và người thân trong gia đình.

Thường xuyên luyện tập thể thao.

Đảm bảo ngủ đủ giấc.

Đảm bảo dành thời gian trong tuần cho việc sáng tạo.

Đi nghỉ mát.

Thử hát hò một chút.

Tham gia hội nhóm.

Sống vui vẻ mỗi ngày.

Hành trình lảnh đạo là một cuộc chạy đua đường trường. Hãy tận hưởng cuộc hành trình, bao gồm các thế mạnh và sự bền chí của bản thân.

Trải nghiệm cảm giác hưng phấn

Cảm hứng không chỉ là cảm giác hào hứng về mặt trí óc, cảm xúc hay tinh thần, nó còn là thứ thuốc bồi bổ sức khỏe.

Bạn tìm nguồn cảm hứng của mình ở đâu? Hãy bắt đầu bằng việc nghỉ xem điều gì trong công việc bạn cảm thấy hài lòng nhất. Nếu bạn thấy công việc đang làm không phù hợp với mình, vậy công việc phù hợp là gì? Hãy nhớ lại trải nghiệm hào hứng nhất mà bạn từng có, rồi phân tích xem vì sao nó lại như thế. Có cách nào tạo điều kiện cho trải nghiệm tương tự xảy ra không?

Khi đã tràn trề cảm hứng, công việc mới vui làm sao!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách người phụ nữ xuất chúng lãnh đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO