"Tôi đặt Lolita vào kệ sách nhà"

BÍCH HỒNG| 11/10/2012 03:10

Sau rất nhiều dư luận ì xèo về chuyện thảm họa dịch thuật, mà ở đó những tâm huyết với lộ trình đưa văn chương thế giới đến với khán giả Việt cũng có, mà “đá bay cát chạy” vô tình làm oan uổng nhiều tên tuổi...

Sau rất nhiều dư luận ì xèo về chuyện thảm họa dịch thuật, mà ở đó những tâm huyết với lộ trình đưa văn chương thế giới đến với khán giả Việt cũng có, mà “đá bay cát chạy” vô tình làm oan uổng nhiều tên tuổi cũng có, thì sự kiện Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2012 công bố trao giải cho bản dịch Lolita của Dương Tường đã khẳng định bản lĩnh của một hội đồng nghệ thuật.

Đọc E-paper

Mỗi dịp gần cuối năm, các hội đồng nghệ thuật tỉnh - thành, từ trung ương đến địa phương đều phải làm công việc cầm cân nảy mực chọn những tác phẩm tốt nhất để trao thưởng.

Nhưng có mấy hội đồng nghệ thuật làm công việc ấy với tất cả trách nhiệm thẩm định một giá trị nghệ thuật để lại cho xã hội, vừa hướng dẫn cho đời sống văn học nghệ thuật theo những giá trị đúng, chưa kể họ còn bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ cá nhân chằng chịt.

Chính vì không nghiêm ngặt nên năm nào cũng có tranh luận, phản ứng về tác phẩm được giải, kể cả giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam; giải thưởng văn học, nghệ thuật Nhà nước.

Những tác phẩm không có dư luận thì... rơi tõm vào sự thờ ơ vì tác phẩm không đủ sức tạo “sóng”! Tình trạng này làm cho các giải thưởng mất uy tín trong đời sống văn hóa.

Tuy nhiên, đời sống văn hóa cả nước ghi nhận mỗi năm Hội Nhà văn Hà Nội thường làm cho không khí văn đàn nóng lên vì giải thưởng. Nhiều lần giải thưởng của Hội đã dũng cảm bước qua định kiến như trường hợp tập thơ Trần Dần (Giải thưởng Thành tựu năm 2008), rồi đến Gió đã thổi trên đất nước tôi của Lưu Quang Vũ (2010) và năm nay công chúng văn học rất hài lòng với hai tác phẩm đoạt giải như bản dịch Lolita của Dương Tường, Giải Thành tựu trao cho tập thơ Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung, một sự tôn vinh thơ đối với một số phận nhà thơ nhiều truân chuyên với lịch sử, với xã hội mà vẫn để lại những vần thơ tuyệt đẹp.

Một giải thưởng luôn tạo cầu nối đồng thuận giữa các nhà sáng tác, phê bình và độc giả không dễ dàng. Nhưng trong trường hợp cần lựa chọn, trao giải để giết chết sự sáng tạo trong tương lai hay là mở lối cho sáng tạo mới, thì Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nhà văn Hà Nội đã quyết tâm lựa chọn cái thứ hai.

Chính vì quyết tâm vậy, mà những dòng thơ cách tân của Trần Dần mới được tôn vinh, những tư tưởng đi trước thời đại của Lưu Quang Vũ mới được ghi nhận trong giới trẻ, và nay là Phùng Cung mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Đó là thơ đích thực”.

Giải thưởng nào cũng có tiêu chí riêng. Chỉ tiếc các giải thưởng văn học, nghệ thuật Việt chưa có tiêu chí về tác động của nó đối với độc giả.

Phải đưa các giải thưởng vào đời sống của công chúng, đó là điều các giải thưởng ít làm được. “Tôi đặt Lolita vào kệ sách gia đình”, một bạn sinh viên đã nói như vậy khi nghe Lolita đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.

Một cuốn sách có giá trị và một giải thưởng giá trị đã tạo nên một độc giả! Đó mới là ý nghĩa đích thực của văn học trong đời sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Tôi đặt Lolita vào kệ sách nhà"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO