Remember - Nỗi đau ký ức không bao giờ nguôi

Thu Trân| 31/05/2019 03:10

Phim Mỹ không phải phim nào cũng hay. Nhưng mà phải công nhận là có những phim rất hay. Trong đó có Remember. Người dịch, dịch tên phim là “Nhớ lại”. “Không quên” thì hay hơn. Phim hay xem không tiếc thời gian, xem xong dư vị còn đọng mãi, trăn trở mãi một thời người Do Thái bị Đức quốc xã diệt chủng tang thương với hơn 6 triệu người chết vì bị xử tử bằng hơi ngạt. Đây là điều không thể phủ nhận khi Hollywood làm phim lịch sử.

Remember - Nỗi đau ký ức không bao giờ nguôi

Ông già Zez (phải) được ông già A chỉ "đường đi nước bước" để tìm Otto

Cái ông già tên Zez gần chín mươi tuổi đi trả thù dân tộc. Cái dáng run run, cái lưng khòm khòm, những cơn nhớ quên luôn kết thúc bằng tên vợ. Ruth, Ruth, em đâu rồi. Đi mua súng. Bảo người bán súng ghi cách sử dụng súng vào một tờ giấy, về khách sạn mà thực hành. Những con tàu thiên lý vượt biên giới từ Mỹ sang Canada đưa ông đi tìm kẻ thù thanh toán. Kẻ thù Đức quốc xã.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua. Bênh vực Hitler hiển nhiên như một phần tự do ngôn luận. Cái ông đầu tiên mà Zez lầm tưởng là Otto - tên sĩ quan Đức quốc xã giết người hàng loạt ấy- đã thẳng thắn bảo rằng, mà ngày xưa Hitler đối đãi với người Do Thái như vậy cũng phải, bởi họ gây ra quá nhiều phiền hà cho nước Đức chúng tôi. Và đi. Người thứ hai, một Otto là người Do Thái nằm chờ chết trên giường bệnh. Biết tìm nhầm người, ôm khóc, lại đi. Người thứ ba, anh chàng cảnh sát Mỹ có cha là người Đức tên Otto đã phải nhận hai phát súng đầu tiên của ông già vì tội báng bổ người Do Thái.

Lại mang số tù người Do Thái trên tay đi tìm tên khát máu Otto để trả thù cho cả gia đình bị tàn sát. Nhân vật Otto lộ diện điềm tĩnh, sòng phẳng với tội ác của mình, không hề lú lẫn như ông già Zez lúc nhớ lúc quên. Trước mặt con cháu Otto, Zez muốn Otto thú nhận tội lỗi đã che giấu bao nhiêu năm qua. Ông già sĩ quan Đức quốc xã bảo, không, tôi không tên Otto, tên thật của tôi là B. Thế Otto là ai? Otto là ông đấy, ông cũng là sĩ quan cùng đơn vị với tôi, ngày chúng ta trốn chạy khi chiến bại. Ông không nhớ là ông đã khắc vào tay tôi và ông hai số tù Do Thái để lẫn trốn hay sao, này ông nhìn đi, chúng hơn kém nhau có một số và vết khắc như nhau. Zez run rẩy bảo, không, tôi không tin, còn điều gì ông khiến tôi tin không. Còn, chính ông đã chọn tên Zez cho mình, một loài sói biết cách lẫn tránh khôn ngoan. Đoàng đoàng, B gục xuống. Zez cũng tự xử mình bằng phát súng thứ năm. Khi người ta sống đến hết đời, thì người ta nghĩ ra nhiều điều hay ho như thế.

ZEZ-2-5387-1559283024.jpg

Bức tường (ở Bảo tàng Người Do Thái ở Frankfurt- Đức) gắn tên các nạn nhân là người Do Thái đã chết vì hơi ngạt dưới thời Thống chế Hitler

Điều khiển Zez, cho tiền Z đi tìm Otto để trả thù là ông già A người Do Thái cũng gần chín mươi tuổi ngồi điềm tĩnh trong xe lăn ở nhà dưỡng lão. Nhà dưỡng lão, nơi Zez và A gặp nhau, nơi A phát hiện Zez và B chính là hai tên sĩ quan Đức quốc xã đã giết cả nhà ông, mà Zez đang đội lốt người tù Do Thái có số má hẳn hoi. Dựa vào chuyện nhớ nhớ quên quên của Zez mà A hành động...

Khép lại quá khứ, có khép lại được không, khi mà người ta càng già càng chín, càng muốn đòi lại sự công minh rạch ròi với một dân tộc gần như bị tuyệt chủng dưới thời Thống chế Hitler? Chả thế mà bây giờ, các nhân viên ở Nhà bảo tàng Người Do Thái ở Frankfurt - Đức (Museum Judengasse) lúc nào cũng “hình sự” với khách đến xem, họ kiểm tra an ninh bằng cách "quét" khách như chụp MRI đến từng cái móng chân mới cho vào xem. Bởi biết đâu, lại có một ông già tên Zez từ một nhà dưỡng lão nào đó xuất hiện thì sao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Remember - Nỗi đau ký ức không bao giờ nguôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO