Phim truyền hình mất vị trí vàng?

PHẠM LÊ/DNSGCT| 30/05/2016 06:42

Đâu là giải pháp thích nghi của phim truyền hình trong thời đại của phim Việt chiếu rạp và các chương trình truyền hình thực tế?

Phim truyền hình mất vị trí vàng?

Trong dòng “thủy triều” của nhu cầu giải trí của khán giả, phim truyền hình cũng có giai đoạn “thoái trào” nhường sân cho sự lựa chọn mang tính trào lưu. Đây có thể xem là thời điểm “ăn chắc mặc bền” của phim truyền hình khi lượng phim vẫn được sản xuất đều đặn, khung giờ chiếu ổn định nhưng sức nóng, và tính ưu tiên trên sóng đã không còn.

Đọc E-paper

Đâu là giải pháp thích nghi của phim truyền hình trong thời đại của phim Việt chiếu rạp và các chương trình truyền hình thực tế?

Phim chiếu rạp và truyền hình thực tế "ép sóng"

Hiện nay, các nhà sản xuất phim dưới nhiều mô hình khác nhau đã và đang lao vào “cuộc chiến” giành thị phần của khán giả đến rạp. Chưa bao giờ phim Việt có con số được sản xuất trong năm cao đến vậy, trung bình mỗi tháng có đến 3 phim được trình chiếu, vào lúc cao điểm thì con số đó là 5 hoặc 6 phim. Một con số ấn tượng cho sức cạnh tranh của phim Việt trên màn ảnh rộng.

Sức hút của phim điện ảnh gần như chiếm lĩnh, các giải thưởng dành cho phim như Liên hoan phim Việt Nam, Cánh diều vàng… ít nhiều cũng phản ánh điều này, khi mà các hạng mục dành cho phim điện ảnh luôn được công chúng quan tâm nhiều hơn.

Đương nhiên không thể so sánh đâu là thị phần lớn hơn giữa phim truyền hình và phim chiếu rạp, một bên là phim dài tập và một bên là phim một tập. Tuy nhiên, với thị trường thay đổi liên tục như Việt Nam, yếu tố sống còn trong “dư luận” cũng phản ánh phần nào sức cạnh tranh của dòng phim trong đời sống thực tại của nó.

Phim truyền hình hiện nay đã có được vị trí ổn định trên sóng, khán giả có thể tìm xem rất dễ dàng vào các khung giờ hằng ngày, với lịch chiếu phong phú và đa dạng. Tuy vậy, trong thực tế, phim truyền hình đang chịu sức ép rất lớn từ các chương trình truyền hình thực tế cũng như game show.

Lựa chọn khung giờ cho phim truyền hình hiện nay thường là khung giờ “xem được”, tạm gọi là hướng đến lượng khán giả nhất định, như những bà nội trợ, hay khán giả có số lượng ổn định chứ không hoàn toàn nhắm đến lượng khán giả lớn như trước đây. Đặc biệt, khi hằng tuần phim điện ảnh vẫn luôn có phim từ trong nước và ngoài nước ra rạp, thì sự chia sẻ khán giả không thể tránh khỏi, hơn nữa những ngày cuối tuần, mức độ giải trí của một lượng lớn khán giả trẻ tiềm năng lại được hướng cho các chương trình truyền hình thực tế trong đó 2 mảng lớn là âm nhạc và chương trình hài gần như “độc chiếm”.

Vì vậy, phim truyền hình Việt đang tìm cho mình những hướng đi vào lượng khán giả ổn định hơn từ cách xây dựng đề tài cũng như tìm cho mình nguồn diễn viên mới để “tái tạo” giá trị cho dòng phim này.

Tìm đề tài và diễn viên mới

Không phải đến thời điểm này phim truyền hình mới đi tìm cho mình những hướng đi mới từ kịch bản đến khâu chọn lựa diễn viên, đã có thời điểm dù được phát sóng ngay khung giờ vàng nhưng phim truyền hình vẫn luôn bị cho là quá cũ kỹ, đi sau những đòi hỏi của thực tế thị hiếu khán giả, có khi lệch ra khỏi những vấn đề xã hội đang quan tâm.

Dù bị sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều nội dung giải trí mới trên sóng truyền hình, nhưng thời gian qua cùng với nỗ lực của nhiều nhà sản xuất, phim truyền hình Việt cũng tạo được sức sống mới qua nhiều hình thức thể hiện có sự cải tiến, hợp xu hướng và có tính hướng ngoại nhiều hơn.

Nhiều dự án hợp tác sản xuất phim truyền hình của đài VTV với Nhật, Hàn Quốc… đã minh chứng cho sự thành công về lựa chọn này, và Tuổi thanh xuân phần hai cũng sẽ sớm ra mắt khán giả yêu phim truyền hình trong thời gian tới.

Phim Trận đồ bát quái

Gần đây, việc đi tìm những ekip viết kịch bản mới cũng được các nhà sản xuất quan tâm để làm sao phim truyền hình không còn là nơi “nhại đi nhại lại” những câu chuyện quá cũ. Đặc biệt, việc chọn lựa những tác phẩm văn học để chuyển thể thành các kịch bản phim truyền hình cũng được thực hiện có phần công phu hơn.

Mạnh dạn chọn các cách thể hiện khó hơn, phim truyền hình không đơn thuần một thể loại, có sự pha trộn giữa dòng phim tâm lý – xã hội với hình sự – điều tra đã được kết hợp lại với nhau tạo nên sức hấp dẫn cho phim truyền hình Việt.

Trong thời gian qua, có thể kể đến vài bộ phim lên sóng đã tạo được nhiều sự quan tâm bởi cách khai thác nhiều đề tài được mọi người quan tâm hiện nay. Bộ phim Trận đồ bát quái có nội dung đề cập đến những vấn đề thời sự “nóng hổi” của giới tài chính ngân hàng và vòng xoáy của tình – tiền – tù – tội mà nhiều người dấn thân vào. Hay những phim chọn bối cảnh là cuộc sống tại vùng quê thanh bình, như một cách “giảm nhiệt” cho cuộc sống đô thị hóa chóng mặt. Một số phim truyền hình cũng được yêu thích hơn bởi sự lựa chọn này, ví như bộ phim Con anh, con em, con người ta cũng là một bộ phim có hướng đi tương tự như vậy. Phim dựa theo tác phẩm Đường đời vất vả của nhà văn Trần Văn Tuấn kể về những ông bố bà mẹ “rổ rá cạp lại” để tìm hạnh phúc và một mái ấm trọn vẹn cho các đứa con và bản thân mình.

Từ những thay đổi rất thực tế trong nhu cầu giải trí và nội dung giải trí hiện nay, phim truyền hình đứng trước rất nhiều sự cạnh tranh, trước tiên là sự thay đổi thực tại trong chính những nhà sản xuất phim truyền hình đi khai thác nhiều hơn những nội dung mới, cách thể hiện mới và nguồn diễn viên có sự tái tạo bên cạnh nhiều tên tuổi gạo cội, có sức hút tạo ra nhiều gương mặt mới cũng là sự lựa chọn giúp cho phim truyền hình tìm được vị trí xứng đáng trên sóng hiện nay.

>Ca sĩ “mất giá” thời truyền hình thực tế?

>"Vẽ" lại thị trường truyền hình Việt Nam

>Nghịch lý phim Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim truyền hình mất vị trí vàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO