Phân loại phim: Cần khách quan và công bằng

NHƯ THỦY| 18/02/2017 06:29

Tháng 1/2017, Bảng tiêu chí phân loại phim của Cục Điện ảnh Việt Nam mới chính thức được áp dụng rộng rãi.

Phân loại phim: Cần khách quan và công bằng

Nhiều nước trên thế giới đã phân loại phim từ lâu, và ở Việt Nam từ 10 năm trước đã có phim được dán nhãn, nhưng mãi đến tháng 1/2017, Bảng tiêu chí phân loại phim của Cục Điện ảnh Việt Nam mới chính thức được áp dụng rộng rãi.

Đọc E-paper

Quy chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 nêu rõ có 4 loại phim, bao gồm: P (được phổ biến rộng rãi đến mọi khán giả); C13, C16, C18 (cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13, 16 và 18).

Việc phân loại phim là cần thiết và hợp với chuẩn chung của thế giới về phát hành và phổ biến phim hiện nay, nhất là khi quy định này sẽ giúp các nhà sản xuất có định hướng, kế hoạch làm phim hiệu quả cao hơn. Bởi vậy, các nhà sản xuất, phát hành đều hồ hởi đón nhận.

Thế nhưng, việc áp dụng phân loại phim lại đang gây "hoang mang" cho các nhà làm phim lẫn khán giả. Đơn cử như việc lần đầu tiên có một phim hài hước là Ba vợ cưới vợ ba (khởi chiếu ngày 26/12/2016) được dán nhãn C16. Chạy đi rồi tính có đề tài hướng đến đối tượng gia đình và dành cho cả trẻ em cũng được dán nhãn C16 ngay gần sát ngày công chiếu (30/12/2016)...

Giới làm phim càng "hoang mang" hơn khi các phim Việt là Rừng xanh kỳ lạ truyện (hài - giả tưởng), Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh Kung fu (hài - hành động) bị dán nhãn C13, Nàng tiên có 5 nhà (tâm lý - hài) dán nhãn C16 khi chiếu trong mùa Tết Đinh Dậu.

Trong khi đó, cũng chiếu vào dịp Tết Đinh Dậu, phim ngoại Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 lại được xếp hạng P, nhưng khi xem, rất nhiều khán giả đã "ngạc nhiên" vì có nhiều pha hành động bạo lực, cưỡng hiếp, khêu gợi, lời thoại thô thiển...

Đây thực sự là "cú sốc" lớn với các nhà làm phim Tết. Bởi, nhiều năm qua, các nhà sản xuất phim Tết đều biết rõ đối tượng chính của rạp chiếu ngày Tết là đại gia đình. Vì thế, các phim Tết thường được làm theo phong cách hài hước, tình cảm nhẹ nhàng, không có cảnh bạo lực, khỏa thân, hoặc kinh dị gây sợ hãi cho trẻ em, không liên quan đến chính trị, tôn giáo, không có lời thoại dung tục... để ai xem cũng được và hợp với không khí gia đình sum họp, vui vẻ đầu năm.

Các phim chiếu Tết Đinh Dậu 2017

Phim chiếu rạp Việt Nam dần hồi sinh ở đầu những năm 2000, với mỗi năm có vài sản phẩm thuộc thể loại hài hước, tình cảm nhẹ nhàng, chủ yếu chiếu vào dịp Tết, như: Gái nhảy (2003), Những cô gái chân dài (2004), Nữ tướng cướp, Khi đàn ông có bầu, Lấy vợ Sài Gòn (2005), Hồn Trương Ba da hàng thịt, Hai trong một (2006)...

Do chưa có bảng phân loại nên các phim đều được phổ biến rộng rãi, với biện pháp hạn chế vi phạm về thuần phong mỹ tục, bạo lực, cảnh "nóng"... là việc kiểm duyệt của Hội đồng Duyệt phim quốc gia. Nhưng có không ít phim như Đẻ mướn, Chuông reo là bắn, Trai nhảy... đã bị cắt nhưng vẫn lọt cảnh "nóng" quá mức.

Từ năm 2006 bắt đầu ra đời các cụm rạp tiêu chuẩn quốc tế thuộc MegaStar (nay là CGV), Galaxy, Lotte Cinema..., giúp số lượng phim Việt và ngoại nhập tăng cũng như đa dạng thể loại hơn. Đến năm 2007, Việt Nam bắt đầu có phân loại phim với 2 mức: được phổ biến rộng rãi (không dán nhãn) và NC16 (cấm trẻ em dưới 16 tuổi).

Theo đó, Nhiệm vụ bất khả thi (Shootem up) là phim ngoại đầu tiên (chiếu tháng 10) và Mười (chiếu tháng 12) là phim Việt đầu tiên dán nhãn NC16. Tuy nhiên, việc phân loại phim này cho đến cuối năm 2016 vẫn bị đánh giá là không có hiệu quả khi rạp chiếu và khán giả không có thói quen kiểm tra, xác định độ tuổi.

Rõ ràng, phân loại phim vẫn là việc cần thiết đối với thị trường phim chiếu rạp đang phát triển khá "nóng" ở Việt Nam, cũng như kiểm soát tốt hơn nội dung các bộ phim (cả nội lẫn ngoại) trước khi đến với khán giả. Trước những "lùm xùm" về việc dán nhãn kể trên, giờ đây có lẽ các nhà làm phim Việt không sợ quy định khắt khe của Luật Điện ảnh, mà lo lắng về việc phân loại không rõ ràng, không công bằng.

"Phân loại phim là tốt nhưng cần phải đúng, công bằng, khách quan, có tiêu chí cụ thể, chi tiết và phải phù hợp với thực tế làm phim cũng như tâm lý, nhu cầu của khán giả Việt Nam. Bỏ ra từ 7 - 10 tỷ đồng làm phim, không nhà sản xuất nào muốn bị lỗ vốn, bị hạn chế khán giả mà ảnh hưởng đến doanh thu, khi phim Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với nhau và với rất nhiều phim "bom tấn" ngoại nhập. Hội đồng duyệt phim nên hướng dẫn nhà làm phim cần cắt cảnh nào, để cảnh nào, cắt như thế nào để họ sửa chữa cho phim được phổ biến rộng rãi. Và cũng nên tạo điều kiện cho những nhà làm phim Việt thoải mái sáng tạo ra những sản phẩm đúng theo tiêu chí phân loại, giúp thị trường có sự cạnh tranh công bằng", nhà sản xuất phim Rừng xanh kỳ lạ truyện chia sẻ.

>Đầu tư điện ảnh nhìn từ góc độ phổ biến phim Việt

>Lồng tiếng cho phim chiếu rạp: Thị phần hấp dẫn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phân loại phim: Cần khách quan và công bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO