Nguyễn Thị Thu Huệ trở lại

KHẢI LY| 05/07/2012 07:28

Sau 5 năm vắng bóng trên văn đàn, Nguyễn Thị Thu Huệ đột nhiên trở lại với Thành phố đi vắng, tập truyện ngắn gồm mười bốn truyện, vừa vặn với sự kiên nhẫn có hạn của người đọc khi chưa đạt số lượng 300 trang.

Nguyễn Thị Thu Huệ trở lại

Sau 5 năm vắng bóng trên văn đàn, Nguyễn Thị Thu Huệ đột nhiên trở lại với Thành phố đi vắng, tập truyện ngắn gồm mười bốn truyện, vừa vặn với sự kiên nhẫn có hạn của người đọc khi chưa đạt số lượng 300 trang.

Đọc E-paper

Thông thường, một nhà văn chuyên nghiệp không thể cho phép mình “đi vắng” quá lâu, cứ hai, ba năm phải ra mắt sách mới, biến mất quá lâu sẽ dễ bị bạn đọc quên. Nữ nhà văn trở lại, lấp đầy khoảng trống thời gian là cảm giác về một cây bút chín muồi, già dặn nhưng rất mới với chính phong cách đã định hình chục năm về trước.

Không quá luyến tiếc những đoạn văn tinh tế nữ tính, hoặc lối viết lấy cái mạnh mẽ của chi tiết để áp đảo độc giả của những tập truyện ra mắt cách đây một thập kỷ, Thành phố đi vắng được khắc họa bằng lối kể chuyện mang tính giả tưởng, một lối kể đan xen thật, giả và mở, không khí lạnh lùng như một cuộc mổ xẻ của nhà pháp y trên con chữ.

Những câu truyện dẫu có lạnh lùng lý trí nhưng vẫn biết bao thảng thốt, xót xa về một đời sống đang tạo lập ra những giá trị mới bằng con đường phá bỏ, chà đạp cái cũ và đắp điếm nó bằng sự giả dối.

Những gia đình chơi đồ cổ hàng trăm năm tự hào về cái kho tàng tinh túy của văn hóa thiên hạ trong tay mình phút chốc chỉ rước về một người con gái đã phải chịu cảnh chuốc lấy một thế giới giả bằng cuộc lén lút mua bán đồ thật lấy đồ giả. Sự sụp đổ của một kho cổ vật giống như sự sụp đổ một truyền thống văn hóa mà người đọc có thể thấy nữ nhà văn soi rọi rất giỏi trong tập sách này.

Ai đó sẽ bảo, truyện ngắn đô thị bây giờ toàn những chuyện đại loại như thế. Và người khác lại bảo, tại sao các nhà văn chỉ tỏ ra nhạy cảm và viết thật hay về cái xấu trong đời sống? Thu Huệ từng tâm sự, chị được đi nhiều nước Tây Âu, cảm nhận được lối sống nhân văn của con người trong xã hội, và chị thèm muốn biết bao cái văn minh đó.

Thế là quyết định không ngồi thèm muốn suông, mà phải tỏ rõ thái độ công dân của người cầm bút chống lại cái tiến trình xã hội buông thả những giá trị tốt đẹp đổi lấy sự hào nhoáng dối gian, đánh tráo các giá trị để mọi người lạc lối trong phân biệt giữa thật và giả.

Đây đó vẫn nhận ra một Nguyễn Thị Thu Huệ đầy nữ tính trong các truyện ngắn: Xmen có mùi trường đua, Của cha, của con và những cành vạn niên thanh hết sức ưu ái những người con gái bán thân lấy tiền.

Khi đọc những truyện ngắn ấy, độc giả thấy rõ nhà văn vẫn làm chủ được cảm xúc của mình khi đối diện với những thân phận chìm nổi, với nền tảng xã hội bị xốc lên, xáo xuống, cố gạn đục khơi trong những tâm hồn trong trắng, những người cố giữ lấy cái đẹp.

Và đọng lại sự thích thú khi thấy Nguyễn Thị Thu Huệ không chút bi quan mà tràn đầy niềm tin về một thế hệ trẻ sinh ra vào những năm của thập niên 1970, 1980 sẽ biết tìm đường vượt qua cái ác tràn ngập vào bến bờ hạnh phúc.

Nhiều thủ pháp mới, nhiều cách tân về ngôn ngữ, trường đoạn, Nguyễn Thị Thu Huệ trở lại văn đàn với niềm tin văn học vẫn có tiếng nói mang giá trị riêng của nó trong muôn vàn cái nhiễu loạn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguyễn Thị Thu Huệ trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO