Nghề “tay trái” của nguyên thủ quốc gia

QUÝ AN| 23/09/2010 05:44

Mùa Thu này, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush tung ra quyển Decision Points (tạm dịch: “Những thời điểm quyết định”). Người ta nói, ông đang muốn gia nhập một “câu lạc bộ sành điệu” hình thành bởi hai yếu tố: tổng thống Mỹ và sách bán chạy (best-seller).

Nghề “tay trái” của nguyên thủ quốc gia

Mùa Thu này, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush tung ra quyển Decision Points (tạm dịch: “Những thời điểm quyết định”). Người ta nói, ông đang muốn gia nhập một “câu lạc bộ sành điệu” hình thành bởi hai yếu tố: tổng thống Mỹ và sách bán chạy (best-seller).

Tổng thống và sách best-seller

Kể từ khi tờ New York Times danh tiếng bắt đầu bình chọn sách bán chạy hằng tuần vào năm 1942, có 13 ông chủ Nhà Trắng lọt được vào danh sách này, trong đó có 6 vị viết văn xuôi.

Đáng chú ý là không ông nào lập được thành tích này trong thời gian đương nhiệm. Hai trong số đó, Dwight D. Eisenhower và Barack Obama, trở thành tác giả sách best-seller trước khi đặt chân vào Nhà Trắng. Hai người khác, Jimmy Carter và Bill Clinton, thành công sau khi trở về cuộc sống bình thường. John F. Kennedy và Ronald Reagan còn đặc biệt hơn vì có sách best-seller sau khi qua đời.

Hai lần có sách best-seller, Jimmy Carter tỏ ra là tác giả “có nghề”. Đào sâu vào thời thơ ấu của bản thân, quyển An hour before daylight: Memories of a rural boyhood (tạm dịch: “Một tiếng trước bình minh: Hồi ức của một cậu bé nông thôn”) “ngự” ngôi đầu bảng năm tuần trong năm 2001 và giúp ông giành giải Pulitzer danh giá cho hạng mục sách tự thuật.

Thừa thắng xông lên, năm 2005, ông cho ra đời quyển Our endangered values: America's moral crisis (tạm dịch: “Những giá trị nguy hiểm: Cuộc khủng hoảng đạo đức của nước Mỹ”), cũng dẫn đầu sách best-seller trong bốn tuần.

Dĩ nhiên, không phải những ông tổng thống khác không thử viết lách. Cần mẫn nhất phải kể tới Richard M. Nixon với 12 tác phẩm, gần một nửa trong số đó ra đời sau khi ông rời khỏi cương vị người đứng đầu nước Mỹ. Harry Truman, Lyndon B. Johnson, Gerald R. Ford và George H.W. Bush (Bush cha) cũng trở thành tác giả, nhưng chưa bao giờ nếm trải niềm sung sướng có sách best-seller.

“Ăn theo” hồi ký

Hồi ức của tổng thống luôn là “món hời” của các nhà xuất bản, bởi nó giúp tiêu thụ một lượng sách khổng lồ. Dĩ nhiên, chính các tác giả - tổng thống cũng hưởng lợi.

Bốn năm trước khi đắc cử vào năm 1952, cựu Tổng thống Eisenhower đã viết quyển hồi ký chiến tranh mang tên Viễn chinh châu Âu, dẫn đầu danh sách sách best-seller trong 11 tuần liền và bán được trên 1 triệu bản. Nhờ có nó, cả cuộc đời binh nghiệp của ông được đảm bảo về mặt tài chính. Chỉ tính riêng tiền bản quyền ông đã bỏ túi 635.000USD (hơn 6 triệu USD theo thời giá hiện nay).

Cuốn hồi ký đình đám nhất có lẽ là cuốn My life (tạm dịch: “Cuộc đời tôi”) của cựu Tổng thống Bill Clinton, ra mắt năm 2004 và dày đến 1.000 trang.

Câu chuyện về cậu bé nghèo ở vùng Arkansas lớn lên trở thành Tổng thống Mỹ, rồi suýt rơi xuống vực sâu vì vụ tai tiếng tình ái với thực tập sinh đã trở thành bệ phóng đưa quyển sách dẫn đầu danh sách sách best-seller trong sáu tuần. Ba năm sau, năm 2007, ông Clinton tiếp tục chinh phục độc giả với quyển Giving: How each of us can change the world (tạm dịch: “Cho đi: Cách mà mỗi chúng ta thay đổi thế giới”).

Cũng như Eisenhower và Kennedy, đương kim Tổng thống Barack Obama cũng có sách lọt vào danh sách sách best-seller trước khi đắc cử hai năm, đó là quyển The audacity of hope (tạm dịch: “Hy vọng táo bạo”), dẫn đầu 16 tuần liền vào năm 2006. Khi tái bản vào năm 2007, quyển Dreams from my father (tạm dịch: “Giấc mơ của cha tôi”) cũng trở thách sách best-seller. 6,6 triệu bản là lượng tiêu thụ của hai quyển sách này.

Người ta đoan chắc ông Obama sẽ nối bước ông George W. Bush (Bush con) và nhiều vị tiền nhiệm khác để viết về thời cầm quyền của mình. Mùa Thu này, cựu Tổng thống George W. Bush sẽ tung ra quyển Decision Points. Ông Bush khẳng định, đây không phải là tự truyện nhưng những thời điểm then chốt trong cuộc đời ông đều được phân tích đầy đủ trong sách, từ chuyện riêng tư như bỏ rượu đến quyết định xâm lược Iraq.

Dù vậy, thể loại hồi ký của tổng thống không được lòng các nhà phê bình cho lắm. Văn phong chán ngắt và luôn bào chữa cho những sai lầm của bản thân là những nhận định thường thấy dành cho các tác phẩm loại này.

“Thay vì biểu lộ nội tâm độc đáo, những hồi ức này dường như chỉ nhằm bảo vệ danh tiếng và gây quỹ cho các thư viện của tổng thống. Một khi đã phơi bày ra công luận, hồi ức cũng đánh mất tính riêng tư và xác thực của nó”, Douglas Brinkley, giáo sư dạy môn lịch sử của Đại học Rice và là tác giả cuốn sách best-seller The wilderness warrior: Theodore Roosevelt and the crusade for America (tạm dịch: “Chiến binh hoang dã: Theodore Roosevelt và cuộc viễn chinh cho nước Mỹ”), nhận định.

Không chỉ là hồi ký

Tuy màu mỡ nhưng hồi ký không phải là mảnh đất duy nhất mà các tổng thống canh tác. Cố Tổng thống John F. Kennedy từng viết quyển Profiles in courage (tạm dịch: “Những gương mặt can đảm”) được đánh giá rất cao về tính văn chương lẫn lịch sử.

Quyển sách nói về hàng loạt chính trị gia, giành được giải Pulitzer và trở nên ăn khách với 2,8 triệu bản bán ra. Nhưng phải đợi đến sau ngày tác giả của nó bị ám sát (22/11/1963), quyển sách mới vượt lên ngôi đầu và ở lại đó trong 12 tuần.

Đề tài thiếu nhi cũng rất được các tổng thống Mỹ ưa chuộng. Vào tháng 11 tới đây, ông Obama sẽ xuất bản quyển Of thee I sing: A letter to my daughters (tạm dịch: “Lá thư cho các con gái của tôi”).

Quyển sách là lời tri ân 13 giá trị nền tảng của nước Mỹ, từ vị tổng thống đầu tiên George Washington đến cầu thủ bóng chày vĩ đại Jackie Robinson và nghệ sĩ Georgia O'Keeffe. Mười nhân vật còn lại được nhà xuất bản giữ kín cho đến ngày phát hành sách.

Trước ông Obama, Tổng thống Jimmy Carter cũng viết sách cho giới trẻ. Năm 1995, hơn một thập kỷ sau khi rời Nhà Trắng, ông cho ra mắt cuốn The little baby Snoogle-Fleejer (tạm dịch: “Đứa bé “Snoogle-Fleejer”).

Trước đó đúng 100 năm, năm 1895, quyển Hero tales from American history (tạm dịch: “Những thiên anh hùng ca trong lịch sử Hoa Kỳ”) do Tổng thống Theodore Roosevelt cùng chấp bút đã ra đời.

Xét ở góc độ kinh doanh, chỉ riêng những cái tên tổng thống đã đủ thu hút lượng người đọc không chỉ trong nước, mà còn mở rộng ra quốc tế. Lý do này khiến các nhà xuất bản đã chạy đua với nhau để có được hợp đồng xuất bản.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không thể phủ nhận, ngoài tiền bạc thì tên tuổi của những chính trị gia viết sách này cũng liên tục được củng cố nhờ ảnh hưởng từ các tác phẩm của họ. Sự cộng hưởng của nguồn lợi từ hai phía như thế khiến người đọc có thể tin rằng, trào lưu tổng thống viết sách sẽ còn thịnh hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghề “tay trái” của nguyên thủ quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO