Kỳ vọng cho phim giả tưởng Việt

NHƯ THỦY| 11/08/2016 06:13

Liệu sự ra mắt của Tấm Cám - Chuyện chưa kể vào trung tuần tháng 8 này có trở thành "cú hích" để dòng phim giả tưởng "made in Vietnam" khởi sắc?

Kỳ vọng cho phim giả tưởng Việt

Liệu sự ra mắt của Tấm Cám - Chuyện chưa kể vào trung tuần tháng 8 này có trở thành "cú hích" để dòng phim giả tưởng "made in Vietnam" khởi sắc?

Đọc E-paper

Những viên gạch xây nền móng

Thể loại Sci-fi hay Fantasy (khoa học viễn tưởng, kỳ ảo, hay còn gọi chung là giả tưởng) bắt đầu xuất hiện trên thế giới từ thập niên 1930 với bộ phim The wizard of Oz (Phù thủy xứ Oz), rồi đạt đến đỉnh cao với Lord of the rings (2001) và Avatar (2009).

Do đây là thể loại khó, đòi hỏi kinh phí rất cao và bắt buộc phải áp dụng kỹ thuật, kỹ xảo (hiện nay là công nghệ CGI, viết tắt của Computer Generated Imagery, tạm dịch là công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) nên "đặt viên gạch" đầu tiên cho thể loại này ở Việt Nam là bộ phim Trò đùa của thiên lôi ra mắt năm 2003 với 15 cảnh kỹ xảo xuất hiện khoảng 3 phút trên màn ảnh.

Có vô số lời chê, nhưng Trò đùa của thiên lôi gần như là phim đầu tiên được xử lý kỹ xảo ở trong nước, do chính người Việt Nam thực hiện, vì trước đó khi cần đến kỹ xảo (chủ yếu là phim đề tài chiến tranh) đều phải làm ở nước ngoài.

Mãi đến năm 2008, Nụ hôn thần chết mới được xem là phim "đúng chất giả tưởng" đầu tiên của Việt Nam. Với những yếu tố siêu thực, những cảnh quay kỳ ảo, Nụ hôn thần chết có kinh phí 5 tỷ đồng đã thu về 16 tỷ đồng - doanh thu cao nhất thời điểm đó của phim Việt Nam. Năm sau, Giải cứu thần chết làm tốt hơn phần kỹ xảo, mang tới những cảnh hành động, quăng bóng rổ, trình diễn phép thuật khá đẹp mắt.

Tiếp đến là Bóng ma học đường (2011) - phim 3D đầu tiên của Việt Nam, Lời nguyền huyết ngải, phim kinh dị - giả tưởng (2012) lần lượt ra mắt khi trình độ làm kỹ xảo của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Năm 2013, Lửa Phật từng được kỳ vọng là phim giả tưởng "bom tấn" của Việt Nam khi được sản xuất với kinh phí 20 tỷ đồng (khoảng 1 triệu USD). Và bộ phim Cuộc chiến với chằn tinh cũng trầy trật mãi mới được ra rạp (Tết 2014). Tuy vậy, nhờ Lửa Phật mà thể loại phim giả tưởng của điện ảnh Việt Nam mới bắt đầu gây được sự chú ý với khán giả.

Đầu năm 2015, bộ phim Siêu nhân XNgày nảy ngày nay tiếp tục ra mắt. Ngày nảy ngày nay có gần 80 cảnh kỹ xảo và là bộ phim Việt Nam sở hữu cảnh kỹ xảo nhiều nhất. Sau 18 ngày công chiếu, Ngày nảy ngày nay (kinh phí 12 tỷ đồng) đã thu về 44 tỷ đồng tiền bán vé.

Thành quả này chính là động lực để nhà sản xuất Ngô Thanh Vân mạnh dạn đầu tư cho Tấm Cám - Chuyện chưa kể dựa trên truyện cổ tích Tấm Cám. Với kinh phí hơn 20 tỷ đồng, trang phục và đạo cụ đẹp mắt, kỹ xảo CGI công phu, hoành tráng, đây hứa hẹn sẽ là bộ phim điện ảnh Việt Nam được trông đợi nhất của năm nay.

Có đi mới thành đường

Trung bình đối với một bộ phim tâm lý xã hội, nhà sản xuất chỉ cần 3 - 7 tháng để quay, thực hiện hậu kỳ, quảng bá, nhưng Tấm Cám - Chuyện chưa kể đã mất hơn 18 tháng từ ngày lên ý tưởng đến khi công chiếu. Trong đó, việc thực hiện kỹ xảo CGI chiếm nhiều thời gian nhất, tới 70% cảnh quay của phim. Mặc dù biết phim giả tưởng tại Việt Nam khó có "đất sống" vì kinh phí làm phim quá cao, nhiều rủi ro và đầy khó khăn, trong khi phim hài và tâm lý xã hội vừa tốn ít kinh phí, vừa "an toàn" về doanh thu nhưng Ngô Thanh Vân vẫn chấp nhận mất thời gian, công sức và tiền bạc để học, trải nghiệm, góp phần xây dựng dòng phim này.

Trước khi quyết định theo đuổi dòng phim này, Ngô Thanh Vân đã tham gia một số lớp học về làm phim ở Mỹ. Bên cạnh đó, cô may mắn quen biết, được làm việc với một số nhà sản xuất, đạo diễn nổi tiếng của Hollywood như Jordan Vogt-Robert (đạo diễn phim Kong: Skull Island), D.O.P Larry Fong - nhà sản xuất Harvey Weinstein và họ đã cho cô khá nhiều góp ý, lời khuyên trong quá trình thực hiện phim.

Về kỹ xảo thì hiện nay ở trong nước có một số công ty như Cyclo (từng làm VFX và full CG cho các phim như Thiên mệnh anh hùng, Đoạt hồn, Ngày nảy ngày nay, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh), hay Badclay Studio (từng thực hiện dịch vụ kỹ xảo cho một số phim giả tưởng Hollywood như X-men: Days of future past, 300: Rise of an Empire) có thể làm được những kỹ xảo như Hollywood đã làm.

Khi giao cho Cyclo làm kỹ xảo, Ngô Thanh Vân cũng hy vọng Tấm Cám - Chuyện chưa kể sẽ bắc nhịp cầu đầu tiên cho những người khác mạnh dạn tham gia làm dòng phim này.

Khi được hỏi có tự tin với sản phẩm của mình, Ngô Thanh Vân cho biết cô sẵn sàng đón nghe những ý kiến khen chê: "Sai sẽ sửa và cứ bước tiếp, khó khăn nhiều nhưng tôi chấp nhận vì muốn làm một bộ phim thuần Việt được dùng công nghệ tiên tiến. Không nên chỉ ngồi ao ước mà phải bắt tay thực hiện". Tất nhiên, kết quả ra sao sẽ được chứng minh khi phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể ra mắt vào ngày 19/8 tới.

Đạo diễn Victor Vũ (làm phim điện ảnh Thiên mệnh anh hùng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) trong năm nay sẽ thực hiện phim Trên 1.000 like tôi sẽchết thuộc thể loại hình sự điều tra - giả tưởng về đề tài mạng xã hội...

Một phim khác là Sơn Tinh - Thủy Tinh thực hiện bằng công nghệ kỹ xảo đồ họa CGI vừa được BlueR Production công bố tại Triển lãm Telefilm 2016. BlueR Production từng là đối tác gia công về mặt kỹ xảo cho một số bộ phim Hollywood như Sin city, The Lord of the rings...

Bên cạnh đó, có một số công ty ở Việt Nam dù đã và sắp gia công kỹ xảo CGI cho nước ngoài nhưng để đầu tư làm hẳn một bộ phim thì vấn đề kinh phí quá cao và doanh thu hiện nay khiến họ chưa đủ tự tin. Bởi vậy, thể loại phim giả tưởng - "mảnh đất màu mỡ" của thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn đang chờ những nhà đầu tư khai thác.

>Cái chết sớm của dòng phim tiểu sử

>James Wan “mát tay” với dòng phim kinh dị

>Làm phim hài: Đất cho sáng tạo trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ vọng cho phim giả tưởng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO