Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc

P.N| 24/11/2015 06:18

Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc" là bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế và chính trị đằng sau sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc trong kỷ nguyên Park Chung Hee.

Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc

Kỷ nguyên Park Chung Heevà quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc là bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế và chính trị đằng sau sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc trong kỷ nguyên Park Chung Hee.

Park Chung Hee (1917 – 1979) là Tổng thống thứ ba của Đại Hàn Dân Quốc, tại nhiệm trong bốn nhiệm kỳ: từ tháng 12/1963 đến khi ông bị ám sát vào ngày 26/10/1979. Tên tuổi ông gắn liền với công cuộc hiện đại hóa Hàn Quốc nhờ đường lối phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo.

Dưới sự lãnh đạo Tổng thống Park Chung Hee, Hàn Quốc không còn là một đất nước nghèo nàn như những thế kỷ trước nữa, mà vươn lên trở thành một nền kinh tế công nghiệp mạnh mẽ, một trong những "con hổ" của châu Á.

Một phần tư thế kỷ sau khi bị ám sát, Park Chung Hee - Tổng thống Hàn Quốc trong những năm từ 1961 đến 1979, vẫn là nhân vật gây tranh cãi nhất ở nước này. Bên cạnh những thành tựu phi thường về kinh tế thì những chính sách và hành động của ông về chính trị và quân sự cũng gây ra nhiều chống đối.

Về mặt quân sự, ông thực hiện chính sách liên minh với Mỹ, và phái quân sĩ sang chiến đấu tại chiến trường Miền Nam Việt Nam. Mặt khác, trong 18 năm cầm quyền, ông đã thực hiện nhiều chính sách độc tài, vi phạm nhân quyền, trấn áp những người theo đường lối Cộng sản và cả những người bất đồng chính kiến, cho gián điệp theo dõi các trường học...

Park từng là giáo viên và tham gia quân đội Nhật tại Mãn Châu, nhà nước bù nhìn của Nhật ở phía đông bắc Trung Quốc từ năm 1932 đến 1945. Sau khi Triều Tiên được giải phóng, Park tham gia quân đội Hàn Quốc và giữ chức thiếu tướng khi lên nắm quyền bằng cuộc đảo chính năm 1961.

Không một chính trị gia Hàn Quốc nào thu được sự trung thành cũng như tạo ra sự sợ hãi nhiều như Park. Mặc dù độc tài, Park được nhiều người Hàn Quốc yêu mến. Park được đánh giá là bộc trực nhưng cứng rắn, mang nặng tính truyền thống nhưng có tầm nhìn xa trông rộng. Park đã tập trung vào phát triển kinh tế và huy động người dân Hàn Quốc để đạt được mục tiêu đó và không chấp nhận bất kỳ sự xao lãng nào.

Lịch sử Hàn Quốc đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên của Park - khởi đầu vào tháng 5/1961 từ một cuộc đảo chính quân sự. Bản năng lãnh đạo; các đảng phái chính trị; bộ máy quan liêu; các lực lượng vũ trang; mối quan hệ giữa công nhân, nông dân và chính phủ, các tập đoàn công nghiệp chaebol, chính sách ngoại giao - tất cả đều đã chuyển mình.

Trong khi đó, về phương diện kinh tế,  Hàn Quốc đã vươn ra khỏi đói nghèo để trở thành một cường quốc công nghiệp chỉ trong vòng một thế hệ dù phải gánh chịu những thiệt hại chính trị, xã hội và kinh tế nặng nề. Và khi kỷ nguyên đó đột ngột chấm dứt vào năm 1979, những phản ứng tiếp sau đó đã lại biến đổi dân tộc này thêm một lần nữa.

Kỷ nguyên Park Chung Heevà quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc bao gồm 5 phần, trong đó phần 1 có tên “Sinh ra trong khủng hoảng” nói về cuộc đảo chính và chính quyền quân sự của Park Chung Hee. Phần 2 có tên “Chính trị” tập trung vào những ý tưởng của Park Chung Hee và nền tảng chính trị của ông.

Phần 3 của cuốn sách có tên "Kinh tế và Xã hội" phân tích sự phát triển về kinh tế, xã hội nông thôn, và các Chaeya (Trí thức chống đối). Phần 4, "Quan hệ quốc tế"thảo luận về quan hệ Mỹ-Hàn trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh Việt Nam với “vụ tai tiếng Koreagate”, chương trình hạt nhân, và Bình thường hoá quan hệ Hàn-Nhật.

Cuối cùng, phần 5 có tên “So sánh toàn cảnh" tập trung vào việc so sánh Park Chung Hee và thành quả của ông với ba nhà lãnh đạo khác Kemal Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) ở Singapore, và Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc. Các tác giả coi họ là những Nation Builders - Những nhà kiến thiết quốc gia - mang lại sự phát triển mạnh mẽ và lớn lao cho quốc gia của họ.

Bên cạnh đó, 4 chương kết luận trong phần cuối cùng của cuốn sách cũng tập trung phân tích Hàn Quốc trong một góc nhìn so sánh rộng với các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực xung quanh như: Philippines, Argentina, Brazil, Chile, Mexico, Nhật Bản, Đài Loan trong cùng giai đoạn.

Cuốn sách Kỷ nguyên Park Chung Hee sẽ giúp chúng ta hiểu rõ cách thức mà Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế mạnh mẽ với một nền dân chủ sôi động dưới chế độ độc tài của Park Chung Hee.

Michael J. Seth tác giả The Historian đã viết: “Park xuất hiện trong các bài tiểu luận như một chính trị gia vô cùng khéo léo, và hầu hết các chính sách kinh tế ông đưa ra đều được tính toán kỹ lưỡng về mặt chính trị... Tập hợp các bài luận xuất sắc này cho thấy một cách thuyết phục rằng bất kỳ nghiên cứu nào về trường hợp của Hàn Quốc như một mẫu hình về cách một nước nghèo có thể vươn lên thoát nghèo đều cần tính đến yếu tố nhân cách của Park Chung Hee cũng như tình hình chính trị trong nước và quốc tế thời gian đó”.

Và của tác giả cuốn sách Choice, J. M. Peek: “Cuốn sách này cung cấp một hiểu biết sâu sắc về các mục tiêu chính trị và kinh tế của Park Chung Hee (giàu về kinh tế, mạnh mẽ về quân sự) và các cách thức mạnh mẽ mà ông sẵn sàng sử dụng để đạt được các mục tiêu đó”.   

Cuốn sách do Nhà xuất bản Đại học Harvard xuất bản lần đầu tiên vào tháng 4/2011. Bản dịch tiếng Việt do Nhà xuất bản Thế giới và Công ty cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) phát hành.

>Bà Park Geun-hye nhậm chức Tổng thống

>Sử thi về cuộc lột xác của châu Á

>Quyền lực gia đình: Phủ bóng từ Đông sang Tây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO