Điện ảnh Việt: Thông minh hay nước mắt, nụ cười?

KHẢI LY| 07/02/2015 06:39

Trong khi các phim hài Tết đang “đổ bộ truyền thông” thì có một dòng phim khác, cũng đang nương nhờ truyền thông và mạng xã hội để đến với khán giả.

Điện ảnh Việt: Thông minh hay nước mắt, nụ  cười?

Trong khi các phim hài Tết đang “đổ bộ truyền thông” thì có một dòng phim khác, cũng đang nương nhờ truyền thông và mạng xã hội để đến với khán giả.

“Đập cánh giữa không trung” sau khi đi một vòng các châu lục đã ra rạp tại Việt Nam. Phim mang bộ cánh “nghệ thuật” mà phải ra trước Tết, giữa những ngày người người còn mải lo kiếm tiền tiêu Tết đã là cái bất lợi. Ê kíp sản xuất lập hẳn một trang Facebook mang tên bộ phim, từ khi bắt đầu casting diễn viên và hoạt động đến tận bây giờ.

Từng vui buồn, khó khăn, cảm xúc của đạo diễn, nhân vật, diễn viên, từng buổi chiếu ở châu Âu - Mỹ... đều được cập nhật liên tục và chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người nổi tiếng như nhà thiết kế Li Lam, các nhà báo, các ca sĩ, các bloger có nhiều “fan” đã chia sẻ cảm xúc tốt về bộ phim.

Nhờ vậy, phim có được một nguồn khán giả chờ đợi. Điều đáng vui mừng là “Đập cánh giữa không trung” có khán giả trẻ, những người chịu tiêu tiền cho điện ảnh, đúng với mong muốn của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Tôi muốn sản xuất phim độc lập, nhưng bộ phim phải ra rạp có hiệu quả”.

Chọn khán giả là một lựa chọn đúng. Nhưng khán giả là “ẩn số” tạm chia phe “nước mắt, nụ cười” và “thông minh”. Vì khán giả “chia phe” rõ rệt vậy, nên các đạo diễn lúng túng đi hàng hai. Muốn có một bộ phim nghệ thuật, nhưng không dám đẩy thẩm mỹ, kịch tính cảm xúc tới đỉnh cao của sáng tạo có thể đạt tới, vì sợ đầu tư tốn kém quá mà khán giả lại... không “cảm” được, rồi sợ những rủi ro trên truyền thông, rủi ro đến từ kiểm duyệt trước giờ ra rạp. Nhưng cái rủi ro nhất mà đạo diễn và biên kịch ngán là đụng chạm đến một bộ phận người xem.

Đó là trường hợp của “Bi, đừng sợ” với đạo diễn Phan Đăng Di. Rất nhiều người có cảm giác gần như bị tổn thương khi xem phim của Phan Đăng Di, bởi dưới những mét phim tài năng của Phạm Quang Minh, cuộc sống hiện ra vừa quá đẹp, lại vừa quá đau đớn về tinh thần, nó như chất xúc tác bắt mỗi người phải cảm nhận đó chính là cuộc sống mà họ đối diện hằng ngày.

Hay như bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, chủ đề phim và cách tổ chức làm bộ phim tài liệu này cũng rất hay. Và đó là phim tài liệu dài lần đầu tiên đem ra rạp chiếu độc lập và bán vé. Sau khi kết thúc hành trình đưa “Chị Phụng” của Nguyễn Thị Thắm đến TP.HCM và Hà Nội, nghệ sĩ Hồng Ánh, bà bầu của việc chiếu phim tài liệu trong rạp thở phào kiểm đếm ngân sách có lãi 40 triệu đồng.

Thật ra, nếu tính ngay thẳng về kinh doanh, bộ phim đã được cả guồng máy bạn bè và tình nguyện viên làm “bà đỡ” để phim ra rạp. Thương cho con đường nghệ thuật đến quên mình của một nghệ sĩ như Nguyễn Thị Thắm, thì người ta vẫn lại tiếc, giá như điện ảnh Việt Nam và khán giả có nền tảng cao hơn, thì đạo diễn sẽ dạn dĩ đưa những bộ phim như vừa điểm lại ở trên đi tới được đỉnh cao hơn về nghệ thuật chứ không nhùng nhằng, giằng co giữa nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh như thế này.

Và bây giờ đành chờ đợi. Chờ đợi bộ phim “Cha và con và...” của đạo diễn Phan Đăng Di vừa vào danh sách 10 phim tranh giải Gấu Vàng của Liên hoan Phim Berlin 2015. Chờ xem bộ phim có giải thưởng không. Và chờ xem phim sẽ ra sao trong mắt khán giả Việt. 

>Đạo diễn Phan Đăng Di: “Chúng tôi bán đam mê"
>Sức bật điện ảnh của người Việt trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điện ảnh Việt: Thông minh hay nước mắt, nụ cười?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO