Đa sắc tản văn về Sài Gòn

BÍCH HỒNG| 04/06/2014 09:11

Thỉnh thoảng, những người Sài Gòn, kể cả Sài Gòn gốc (tức là sinh ra tại thành phố này) lẫn những người nhập cư vài ba chục năm, lại hoang mang tự hỏi: "Mình sống ở đây mà biết được bao nhiêu về thành phố này?".

Đa sắc tản văn về Sài Gòn

Thỉnh thoảng, những người Sài Gòn, kể cả Sài Gòn gốc (tức là sinh ra tại thành phố này) lẫn những người nhập cư vài ba chục năm, lại hoang mang tự hỏi: "Mình sống ở đây mà biết được bao nhiêu về thành phố này?".

Đọc E-paper

Một anh người Hà Nội cứ vài tháng lại vào TP.HCM, chẳng làm gì hết, chỉ đi tỉ tê trò chuyện bên mấy tủ sách cũ có tiếng tăm trong những căn nhà sở hữu tư nhân, thỉnh thoảng lượn ra khu bán sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai chụp vài cái ảnh mang tính "khảo sát". Hỏi để làm gì, anh ấy trả lời, sách là một phần thú vị của Sài Gòn xưa và nay, anh thích vào hít thở không khí sách, thế thôi!

Nghe khó tin, nhưng đúng vậy, Sài Gòn đọng lại trong tâm thức mỗi người ở vài khía cạnh. Nhưng nếu muốn hiểu rõ một Sài Gòn phong phú hơn thì hãy đến những tiệm sách vào dịp cuối tuần, bạn sẽ thấy một Sài Gòn đa diện trên quầy kệ, với muôn hình vạn trạng giọng văn khảo sát thành phố đã cưu mang mình. Đúng là gần đây, sách viết về thành phố Sài Gòn ra mắt liên tục, dưới mọi góc độ.

Trên các quầy sách, một Sài Gòn văn vật và bình dị vẫn hiện diện qua những lần tái bản sách khảo cứu của Nguyễn Đình Đầu và Vương Hồng Sển. Nhưng thú vị và phù hợp với không khí cuối tuần hơn vẫn là những cuốn thuộc dạng "tản văn Sài Gòn". Nhiều vô kể!

Chỉ riêng cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 này đã có hàng loạt tản văn mới. Bộ ba cuốn mang tên chung Sài Gòn Tạp văn bao gồm: Sài Gòn sau màn bụi, Ngon vì nhớ, Hẻm phố thông ra thế giới là những lát cắt văn chương và cuộc đời chốn đô thị của những cây bút gắn bó với Sài Gòn. Không chỉ là câu chuyện về món ăn, thức uống, một chỗ ngồi, một con phố, tên người..., tạp văn về Sài Gòn diễn dịch lại chính mình trong hình dung của thành phố bao dung. Thủ thỉ kể, thủ thỉ nghe, thủ thỉ cảm, thủ thỉ nghĩ.

Nhiều người là những cư dân thành phố hơn 40 năm, thế mà chậm rãi đọc từng tản văn vẫn "ngộ” ra những điều mình chưa biết, khám phá ra những góc nhìn, cảnh quan thú vị, nếp sống, nhịp thở thành phố mà lâu nay tưởng quen thuộc, rõ mười mươi, giờ lại thấy mới tinh khôi, đẹp lạ lùng! Mỗi cuốn với những tản văn của nhiều cây bút thành danh như: Huỳnh Như Phương, Lý Quý Chung, Trần Tiến Dũng, Huỳnh Ngọc Trảng, Quốc Bảo, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Võ Phi Hùng, Sue Hajdu, Dennis Coleman... đã tạo ra một dòng thời gian về Sài Gòn thật đặc sắc.

Những lối về ấu thơ

của Phạm Lữ Ân là tập tản văn đầy cảm xúc về một thời thơ trẻ đã không bao giờ trở lại nữa. Tuổi thơ ấy có hương vị Tết và những đòn bánh tét, có lũ trẻ xúm xít nhận lì xì, có ông bán bánh mì nơi cổng trường... Những lối về ấu thơ dẫn lối cho người đọc men theo con đường mòn nhỏ xíu lút giữa hai hàng cỏ để tìm về một miền quê nhập nhòe trong hồi ức, về một Sài Gòn cũ kỹ đã xa.

Chuyện nhỏ Sài Gòn của cây bút Đàm Hà Phú diễn tả tình cảm yêu thương mảnh đất này thật mơ hồ mà mãnh liệt đến ngạt thở. Những câu chuyện: Bánh mì Sài Gòn, Sài Gòn lạc xoong, Làm vài chai ở Sài Gòn, Tình thời ăn mắm chấm rau, Cá rô bông điên điển đều để nói rằng sống ở đây là phải theo quy luật, mà luật để sống ở Sài Gòn là tình người. Rồi còn nhiều lắm trên kệ sách những cây bút mới vẫn tiếp tục viết về thành phố, con người họ yêu thương.

Sài Gòn - Chuyện đời của phố của Phạm Công Luận gồm 36 bài viết về những câu chuyện gợi nhớ một Sài Gòn xưa: Con đường ký ức, Hồn đô thị, Nhà cổ ven đường, Tìm lại giấc mơ xưa, Nhiếp ảnh gia của nghệ sĩ Sài Gòn, Ban hợp ca Thăng Long, Một cuộc thi hoa hậu, Giai nhân một thuở... Với sự tò mò cố hữu và kinh nghiệm 30 năm làm báo, tác giả đã ghi lại được nhiều câu chuyện thú vị nhằm trả lời cho những câu hỏi mà chính bản thân anh cũng như không ít người sinh sống ở Sài Gòn nhiều năm từng thắc mắc: Người được đặt tên cho Ngã ba Ông Tạ là ai? Họa sĩ ký tên Duy Liêm trên những bìa nhạc tờ được yêu thích trước đây đã sống và làm việc như thế nào? Lịch sử một gia tộc đã và đang sống ở Sài Gòn suốt nhiều đời nay?... Câu trả lời được ghi lại qua những cuộc gặp gỡ và trao đổi với các nhân chứng cụ thể chứ không chỉ nhờ tra cứu sách, báo. Chính điều đó tạo nên giá trị về mặt tư liệu cho cuốn sách. 

>Một góc ký ức Sài Gòn
>Khoảng lặng giữa Sài Gòn
>
“Không ở đâu chấp nhận tôi là một người Việt dễ dàng như Sài Gòn”
>"Sài Gòn trên xứ sở chùa Tháp"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đa sắc tản văn về Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO