"Chuyện ngõ nghèo" và thông điệp về bản chất người

THÁI LAM/DNSGCT| 29/11/2016 06:29

Chuyện ngõ nghèo" không ngạc nhiên nếu được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Sau thành công của tiểu thuyết Đội gạo lên chùa năm 2012, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng trả lời phỏng vấn rằng, nếu trời còn cho sức khỏe, thời gian, ông còn muốn viết tiếp một cuốn tiểu thuyết về Hà Nội: "Nhưng năm nay 79 tuổi rồi, tôi cũng thấy "chán" mình lắm rồi".

Đọc E-paper

Nói là nói vậy, nay ở tuổi 83, lại có thêm một tác phẩm mới của ông ra mắt độc giả, và ngay lập tức, Chuyện ngõ nghèo nhận được sự đón nhận và quan tâm tích cực.

Nhưng Chuyện ngõ nghèo không phải là tác phẩm mới về Hà Nội mà nhà văn đã đề cập. Ông sáng tác tiểu thuyết này từ năm 1981, đến năm 1982 thì hoàn thành. Bìa 4 cuốn sách có ý kiến đánh giá: "Chuyện ngõ nghèo không ngạc nhiên nếu được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh".

Bản thân ông cũng xem đây là tác phẩm thành công nhất của mình: "Tôi quan niệm tiểu thuyết hiện thực là hpari cân đối giữa màu hồng, màu xám. Nếu viết một cuốn sách mà không đúng liều lượng các màu sắc thì người đọc rất tinh sẽ nhận ra ngay. Toàn màu hồng người ta thấy ngay giả dối, toàn màu xám cũng không được. Tôi muốn cân bằng, để người đọc cảm nhận thực về đời sống. Nếu thực hơn thực thì càng tốt. Còn không được, thì phải ở mức người đọc chấp nhận được".

Lấy bối cảnh Hà Nội thời bao cấp với hiện tượng toàn dân nuôi lợn, tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh đặt ra vấn đề bản chất người khi để người và lợn sống chung.

Thông điệp được nhà văn nêu rất rõ ngay khi ông trích dẫn câu của nhà thần học, triết học Pháp Pascal tại trang đầu tiên của tiểu thuyết: "Con người chẳng thiên thần cũng không thú vật. Khốn thay ai đó muốn làm thiên thần thì lại ra thú vật".

Với quan điểm nhà văn phải nói lên những khát khao ẩn ngầm của thời đại, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng phải "vật lộn" với Chuyện ngõ nghèo trong hơn 30 năm qua, khi bản thảo đầu tiên có tên là Trư cuồng, trải qua nhiều lần chỉnh sửa, đổi tên, thời gian chờ đợi biên tập và câu trả lời từ các nhà xuất bản: "Sách in xong tôi thấy vui lắm, vì đây là cuốn tiểu thuyết tôi viết về Hà Nội, nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình".

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài Toán, học Đại học Y Hà Nội 2 năm đến năm 1952 thì vào quân đội. Trước khi nghỉ hưu ông làm ở tạp chí Văn nghệ Quân đội và phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong. Năm 1958, ông dự trại viết quân đội, bước vào nghề văn bằng viết truyện ngắn. Rừng sâu là tập truyện ngắn do Nhà xuất bản văn học ấn hành năm 1962.

Nhưng sự nghiệp của Nguyễn Xuân Khánh phải kể đến tiểu thuyết. Tiểu thuyết đầu tiên là Làng nghèo, viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của làng kháng chiến. Con đường văn chương của ông phải ngừng gần 30 năm vì một biến cố.

Đến năm 1990 đổi mới, Nguyễn Xuân Khánh trở lại văn đàn. Nhiều tiểu thuyết của ông được giới thiệu: Miền hoang tưởng, Hồ Quý Ly, Mưa quê, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa...

Bộ ba tiểu thuyết đồ sộ: Hồ Quý Ly 804 trang (năm 2000), Mẫu thượng ngàn 808 trang (năm 2006) và Đội gạo lên chùa 868 trang (năm 2011) gây chú ý mạnh. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly nhận giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn VN 1998-2000, giải thưởng Thăng Long của UBND TP. Hà Nội 2002, giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội 2001.

Tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn nhận giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội 2006. Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa đã giành vị trí cao nhất giải thưởng Hội nhà văn 2011.

Ông được giới phê bình bình chọn là nhà văn lớn tuổi nhất viết dài nhất và được coi là một trong những cây bút tiểu thuyết hàng đầu hiện nay.

>Phim Việt: Lương duyên giữa văn học và điện ảnh

>"Độc hành" trên Con đường tơ lụa

>Châu Á "ở lưng chừng tương lai"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Chuyện ngõ nghèo" và thông điệp về bản chất người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO