3 phim truyền hình kinh phí thấp vẫn "làm nên chuyện"

VI ANH| 04/09/2016 06:46

Giám đốc Sáng tạo của bộ phim truyền hình "Misfits" là Petra Fried từng nói: "Nguồn tiền hạn hẹp không ngăn trở các ý tưởng, trái lại nó giúp ý tưởng đâm chồi mạnh mẽ và vươn cao hơn...".

3 phim truyền hình kinh phí thấp vẫn

Giám đốc Sáng tạo của bộ phim truyền hình Misfits là Petra Fried từng nói: "Nguồn tiền hạn hẹp không ngăn trở các ý tưởng, trái lại nó giúp ý tưởng đâm chồi mạnh mẽ và vươn cao hơn...".

Đọc E-paper

Ở nhiều ngành nghề khác, kinh phí 1 triệu USD là lớn nhưng với phim ảnh, nhất là các thể loại phim hành động, khoa học, viễn tưởng, kinh dị thì không thấm tháp gì. Thời truyền hình đại chúng nhưng đắt đỏ hiện nay, ngày càng có nhiều phim dài tập của Mỹ, Anh... được đầu tư mạnh tay không thua gì phim "bom tấn" của màn ảnh rộng.

Chẳng hạn, phim Lost (tên tiếng Việt Mất tích, dài 121 tập, phát sóng từ năm 2004 - 2010) tốn hết trung bình 4 triệu USD/tập, Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) phát sóng từ năm 2011 đến nay, đầu tư trung bình hơn 6 triệu USD/tập, riêng tập 9 của mùa thứ 6 (2016) có tên Battle of the Bastards đã chi hơn 10 triệu USD cho riêng trường đoạn trận chiến với quy mô hoành tráng ngang phân cảnh chiến trận trong "bom tấn" màn ảnh rộng The lord of the rings.

Không kể hoành tráng như 2 bộ phim trên, kinh phí cho một tập phim truyền hình hiện nay từ 1,5 - 3 triệu USD và tiếp tục tăng. Tuy nhiên, không phải cứ chi bộn tiền là thành công, không hiếm phim "bom tấn" bị xếp xó ngay sau tập đầu tiên lên sóng.

Trong lịch sử sản xuất phim truyền hình thế giới vẫn có những phim rất nổi tiếng lại từng phải chịu cảnh thiếu trước hụt sau về kinh phí. Ba bộ phim như thế dưới đây đã chứng minh rằng, chất lượng phim không hoàn toàn bị chi phối bởi kinh phí.

Bác sĩ vô danh

Doctor who là phim khoa học viễn tưởng do Đài BBC của Anh sản xuất, được phát sóng từ năm 1963 và kết thúc với tập 798 vào năm 1989. Nhưng vào năm 2006, phim được tái khởi động, tổng cộng đến nay đã có 826 tập và vẫn đang tiếp tục phát sóng.

Ngay sau khi ra mắt, câu chuyện về một chủng tộc Time Lord thần bí có khả năng du hành xuyên không gian, thời gian, về một vị bác sĩ kỳ lạ phải đối mặt với vô số kẻ thù để bảo vệ nền văn minh vũ trụ đã nhanh chóng được tôn vinh là một kiệt tác có tầm vóc nhất lịch sử truyền hình.

Đến nay, Doctor who vẫn chiếm kỷ lục trong loạt phim truyền hình dài nhất thế giới và phim khoa học viễn tưởng thành công nhất mọi thời đại. Riêng ở nước Anh, Doctor who nhận được giải thưởng BAFTA (The British Academy of Film and Television Arts - Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh Quốc) cho Phim truyền hình hay nhất năm 2006, và 5 lần liên tiếp nhận giải này tại Giải thưởng Hoàng gia Anh từ năm 2005.

Song đáng kể hơn, nếu đề nghị đưa vào Guinness thì Doctor who sẽ nhận được kỷ lục "phim rẻ tiền ăn khách nhất". Bởi ở phần đầu tiên, kinh phí chỉ là 2.000 bảng/tập (khoảng 50 ngàn USD hiện nay).

Do kinh phí hạn chế nên những nhân vật phản diện như tộc Dalek được tạo hình bằng hộp trứng và pít tông, phục trang, đạo cụ thì dùng tới dùng lui đến hư hỏng, sờn rách. Rồi bối cảnh không gian, các hành tinh... nhờ xếp đặt góc máy quay khéo léo nên cũng không đến nỗi nào khi lên hình. Bù lại, đạo diễn đã tập trung khai thác triệt để mọi khúc quanh lắt léo trong câu chuyện, diễn biến tâm lý nhân vật, mối nguy hiểm đến từ thiên hà nên nhà sản xuất cứ kéo dài phim ra mà không mấy khi nghĩ đến việc tăng kinh phí.

Hiện nay, Doctor who được đầu tư 1,5 triệu USD/tập, vẫn quá khiêm tốn so với những gì phim đã làm được.

Lạc giữa không gian

Được sản xuất bởi 20th Century Fox Television, Lost in space có 3 mùa với 83 tập phim, phát sóng từ năm 1965 - 1968 và đã trở thành bộ phim truyền hình thể loại khoa học viễn tưởng nổi tiếng nhất từ trước đến nay.

Phim kể câu chuyện của gia đình Robinson - nhà thám hiểm bị mắc kẹt trong không gian xa ngôi nhà của họ. Mùa thứ nhất, phim được quay đen trắng với kinh phí chỉ hơn 130 ngàn USD/tập phim (khoảng 1 triệu USD hiện nay), mùa thứ hai và thứ ba kinh phí nhích lên được 164 ngàn USD/tập và phim được quay màu.

Đạo cụ đắt đỏ nhất của phim là hai con robot trị giá 75 ngàn USD/con, được dùng xuyên suốt 83 tập phim trong 4 năm. Đa phần các sinh vật dị thường khác đều do người đóng với tạo hình đơn giản để tiện việc trùm lên những bộ trang phục lông lá.

Do mùa đầu tiên quay đen trắng nên 2 mùa sau thoải mái tái sử dụng đủ loại đồ vật, thiết bị, chỉ cần sơn phết chút màu sắc là hoàn toàn khác. Thế nhưng phim vẫn được công chúng đón nhận nhiệt tình, trở thành cái cớ không đi ra khỏi nhà vào giờ phát sóng của khán giả Mỹ và xếp thứ 3 trong những chương trình truyền hình được yêu thích nhất của năm 1965 - 1966.

Sau khi ngừng sản xuất, 83 tập phim vẫn liên tục được bán bản quyền ở rất nhiều quốc gia. Năm 2015, đánh dấu 50 năm ra đời, 83 tập phim đã được phát hành trọn bộ trên đĩa Blu-Ray. Và Lost in space đã được dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix mua quyền làm lại, dự kiến phát hành vào năm 2018.

Cảnh trong phim Lost in space

Những kẻ lạc loài

Misfits nói về một nhóm thanh niên trẻ phải lao động công ích vì vi phạm pháp luật. Sau một cơn bão kỳ lạ, nhóm lao động công ích này bị sét đánh, và khi thức dậy, họ đều có các năng lực đặc biệt như tàng hình hay đọc được tâm tư của người khác.

Phát sóng từ năm 2009 - 2013 với tổng cộng 37 tập, Misfits đã đạt được "rating" khá cao (mùa đầu tiên là 707.500 người xem/tập, mùa thứ hai là 1.462.000 người xem/tập, mùa thứ ba là 1.515.125 người xem/tập)..., và nhận được 28 đề cử tại các giải thưởng trong và ngoài nước, trong đó đã thắng 10 giải, như Thiết kế mỹ thuật xuất sắc, Nữ diễn viên phụ xuất sắc, Phim truyền hình hay nhất của BAFTA 2012, Âm nhạc hay nhất, Hiệu ứng kỹ thuật số tốt nhất của Giải thưởng Hoàng gia Anh.

Ngân sách làm phim Misfits chỉ trên dưới 400 ngàn USD/tập, tuy nhiên, nguồn tiền hạn hẹp không ngăn trở được các ý tưởng mà trái lại giúp chúng đâm chồi mạnh mẽ và vươn cao hơn, như lời Giám đốc Sáng tạo Petra Fried từng nói.

Đạo diễn và Giám đốc Sáng tạo đã xây dựng bối cảnh theo hướng tối giản, tạo bầu không khí đơn điệu, u ám, lạc lõng... Khi chuyển qua các phân đoạn hài, hoàn cảnh thiếu hụt buộc đội ngũ biên kịch phải nghĩ ra những tình huống với lời thoại đắt giá, bởi dàn diễn viên không có nhiều đạo cụ hỗ trợ.

Vì thế, có thể nói Misfits đang sở hữu một trong những kịch bản truyền hình hay nhất, chi tiết nhất từ đầu thế kỷ XXI đến nay. 

Cảnh trong phim Misfits

>Khán giả truyền hình Anh Quốc đã "mắc bẫy" thế nào?

>Phim truyền hình Ấn Độ: Món mới có trụ được lâu?

>“Mùa tuyết tan” - Phim truyền hình hay nhất Nhật Bản chiếu tại VN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 phim truyền hình kinh phí thấp vẫn "làm nên chuyện"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO