“Zigzac” đàm phán

NGUYỄN KIM| 13/05/2009 05:55

Một trong những kỹ năng không thể thiếu của doanh nhân và nhà quản lý là khả năng đàm phán. Sự thành công của một cuộc đàm phán phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm cả việc thiết lập một không gian giao tiếp phù hợp cũng như thái độ thẳng thắn, tự tin trên nguyên tắc biết người biết ta. Qua kinh nghiệm thực tế, thành viên CLB DNSG chia sẻ một vài suy nghĩ...

“Zigzac” đàm phán

Một trong những kỹ năng không thể thiếu của doanh nhân và nhà quản lý là khả năng đàm phán. Sự thành công của một cuộc đàm phán phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm cả việc thiết lập một không gian giao tiếp phù hợp cũng như thái độ thẳng thắn, tự tin trên nguyên tắc biết người biết ta. Qua kinh nghiệm thực tế, thành viên CLB DNSG chia sẻ một vài suy nghĩ...

Ảnh minh họa

Người xưa có câu “người đẹp nhờ lụa”. Cách phục trang phù hợp, lịch thiệp cùng sự tự tin chính là một trong những công cụ hữu hiệu giúp doanh nhân xây dựng hình ảnh cá nhân trước khách hàng, đối tác trong những cuộc đàm phán kinh doanh.

Trong một lần chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hình ảnh cá nhân cho doanh nhân, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã nhấn mạnh đến tư thế, cử chỉ trong giao tiếp nói chung cũng như trong các cuộc đàm phán kinh doanh nói riêng. Theo anh Sĩ Hoàng, trong các cuộc đàm phán, người ta có thể vận dụng cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể để thể hiện dụng ý của mình, nhưng cần tránh sự thái quá. Để đạt được hiệu quả trong đàm phán kinh doanh, điều quan trọng là mọi thứ phải rõ ràng. Việc nêu rõ quan điểm, yêu cầu của mình trước đối tác sẽ giúp doanh nhân tiết kiệm được thời gian, chứng tỏ được thiện chí của mình. Bên cạnh đó, biết lắng nghe đối phương, tạo cơ hội để đối phương nói rõ ý kiến, suy nghĩ của mình cũng là một trong những cách tốt nhất để thiết lập sợi dây liên kết giữa đôi bên.

Thạc sĩ Phạm Huy Tân - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Trung Nhật cho rằng, cùng với sự chuẩn bị kỹ càng cho một cuộc đàm phán, hiểu rõ giá trị của từng vấn đề sẽ trực tiếp trao đổi, việc làm chủ hành vi trong suốt quá trình đàm phán sẽ giúp doanh nhân nắm được quyền chủ động. Khi vấp phải những vấn đề nan giải, khó tìm được tiếng nói chung, thay vì chấp nhận yêu sách của đối phương, cách tốt nhất là đặt ra những câu hỏi phù hợp để đối phương tiếp tục bày tỏ quan điểm của họ.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày nay, việc mở rộng giao thương với các đối tác nước ngoài chính là giải pháp ngắn nhất để các doanh nhân Việt có thể đi xa. Chính vì vậy, việc am hiểu sự khác biệt của các nền văn hóa đóng một vai trò không nhỏ trong sự thành công của một cuộc đàm phán kinh doanh quốc tế. Thực tế cho thấy, để thu hẹp khoảng cách về sự khác biệt văn hóa, không gì hơn là mỗi doanh nhân phải tự trang bị kiến thức cho mình và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.

Sự bất đồng ý kiến trong các cuộc đàm phán là điều không thể tránh. Và đây chính là lúc để doanh nhân thể hiện bản lĩnh cùng khả năng thư-ơng thuyết của mình. Cái khó ló cái khôn, sự bình tĩnh, sáng suốt, linh hoạt trong quá trình đàm phán sẽ giúp những người trong cuộc tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Vì xét cho cùng thì không có mâu thuẫn nào là không thể giải quyết, nếu hai bên đều có thiện chí và biết cách nhường nhịn lẫn nhau. Cũng theo kinh nghiệm của thạc sĩ Phạm Huy Tân, nếu thấy tình hình có vẻ căng thẳng thì người khôn ngoan nên chủ động lái vấn đề sang hướng khác. Việc đưa ra giải pháp thay thế lúc này không phải là sự nhượng bộ đối phương mà chính là tìm con đường khác để có thể đến đích.

Để thiết lập không gian giao tiếp phù hợp trong cuộc đàm phán kinh doanh, có thể dựa vào thói quen, sở thích của đối tượng đàm phán. Việc chọn nơi nào làm địa điểm đàm phán: phòng hội nghị của công ty hay nhà hàng, quán cà phê... là không quan trọng, quan trọng là sự chủ động để tạo ra một không khí thân tình, thoải mái. Trước khi đi vào vấn đề chính, có thể trò chuyện bên lề để tạo sự cởi mở. Còn khi đã đi vào mục đích của cuộc đàm phán thì phải chú trọng triển khai đề tài chính. Trong trường hợp đối phương lỡ “lạc đề” thì nên khéo léo đặt những câu hỏi mang tính trực diện để họ “quay về thực tại”...

Không có công thức chung cho một cuộc đàm phán thành công, song sự chủ động và thái độ của những người trong cuộc luôn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của cuộc đàm phán. Nếu cả hai bên đều có thiện chí và cách ứng xử phù hợp thì sẽ không khó để thiết lập một không khí đàm phán hòa hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Zigzac” đàm phán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO