Vượt qua khủng hoảng: Cách nào cho Việt Nam?

QUẾ DƯƠNG| 27/05/2009 06:15

Đây chính là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, doanh nhân… trông đợi nhất ở Giáo sư Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2008, trong lần đầu tiên ông tới VN, theo lời mời của Trường Doanh nhân PACE…

Vượt qua khủng hoảng: Cách nào cho Việt Nam?

Đây chính là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, doanh nhân… trông đợi nhất ở Giáo sư Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2008, trong lần đầu tiên ông tới VN, theo lời mời của Trường Doanh nhân PACE…

Trong buổi thuyết trình về chủ đề “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng” vừa qua, Giáo sư Paul Krugman đã nhiều lần nhắc đến nguy cơ giảm phát. Theo ông, lạm phát sẽ không xảy ra dù trong thời gian vừa qua Mỹ đã in khá nhiều tiền để giải cứu nền kinh tế.

Nói một cách cụ thể hơn là lượng cung tiền tăng nhưng không dẫn đến lạm phát vì ngân hàng không cho vay mà giữ lại. Thực tế cho thấy lãi suất giảm còn 0%, nhưng người dân cũng như doanh nghiệp vẫn không muốn vay và khó khăn mà kinh tế Mỹ cùng nhiều nước khác đang phải đối diện là có quá nhiều tiền mà lại không được chi tiêu.

Theo Giáo sư Paul Krugman, cho đến nay, khủng hoảng kinh tế có thể đã chạm đáy. Điều này thể hiện ở sản lượng công nghiệp tại Mỹ vẫn giảm nhưng với tốc độ chậm và xuất khẩu đang tăng nhẹ trở lại... Mặt khác, những gì cần sụp đổ thì cũng đã sụp đổ. Tuy nhiên, điều ông quan tâm hơn là “liệu khủng hoảng chạm đáy rồi sẽ bật lên hay lại ở yên đó”. Và để nền kinh tế thế giới phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng, theo ông thì cũng phải mất 5 năm nữa.

Để ngăn ngừa khủng hoảng kinh tế, Giáo sư Paul Krugman cho rằng phải thắt chặt chính sách tài chính. Vì xét cho cùng, sự lỏng lẻo, dễ dãi trong việc xây dựng chính sách và thực thi hoạt động tín dụng trong thời gian vừa qua là một trong những nguyên nhân gây nên khủng hoảng. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự trữ vốn cũng như việc xây dựng hệ thống kiểm soát hiệu quả. Ông cũng cảnh báo rằng các quốc gia không được đầu tư mở rộng và cho vay quá trớn.

Ảnh: Quý Hòa


Nói về mô hình thành công của châu Á trong những năm gần đây, Giáo sư Paul Krugman đã chọn Hàn Quốc (chứ không phải Trung Quốc). Ông phân tích rằng Hàn Quốc tuy chưa phải là một nền kinh tế lớn nhất, nhưng đất nước này đã hội tụ đầy đủ những yếu tố cơ bản của một nền kinh tế phát triển. Hàn Quốc bắt đầu đi lên từ nền sản xuất tiêu dùng và thâm dụng lao động cao - đây chính là bài học rất đáng để VN tham khảo.

Giáo sư Paul Krugman cho biết vì là lần đầu tiên tới VN nên ông không thể đưa ra nhận định cụ thể về sự phục hồi hoàn toàn của VN sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng với ông, VN là một nền kinh tế mới nổi có thể sẽ có mức tăng trưởng lạc quan. Vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, doanh nhân VN quan tâm nhất trong buổi đối thoại trực tiếp với Giáo sư Paul Krugman là làm thế nào để vượt qua khủng hoảng trong giai đoạn hiện nay.

Giáo sư cho rằng, về cơ bản, xuất khẩu chính là biện pháp tốt nhất. Đây là cách mà Nhật Bản đã ứng dụng thành công trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Trong quá khứ, Nhật đã vượt qua khủng hoảng bằng việc giảm giá đồng yên để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng với VN thì sao? Liệu Việt Nam có thể lấy xuất khẩu làm đòn bẩy để vượt qua khủng hoảng?

Theo Giáo sư Paul Krugman, do việc xuất khẩu của VN chủ yếu dựa vào hàng gia công (dệt may, da giày...) nên cách tốt nhất là phải có chính sách cân bằng giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Muốn thành công, các quốc gia phải dựa vào cơ chế kinh tế thị trường - kinh tế mở. Theo ông, hệ thống tự do thương mại hiện nay sẽ tạo điều kiện cho những quốc gia đang phát triển như VN bứt phá, nhưng đó là chuyện lâu dài.

Với những đặc thù riêng, Giáo sư Paul Krugman lưu ý, VN vẫn có thể dựa vào xuất khẩu để vượt qua khủng hoảng, nhưng phải với một hướng đi khác. Cụ thể, VN có thể đi theo cách mà Hàn Quốc đã làm trước đây: Chuyển dần từ xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động sang các mặt hàng thâm dụng chất xám, có giá trị gia tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vượt qua khủng hoảng: Cách nào cho Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO