Vai trò của hội ngành nghề đối với DN: Mờ nhạt so với kỳ vọng?

DUY KHUÊ| 05/01/2016 09:51

Thực tế, "tiếng nói" đại diện cho doanh nghiệp, có mạnh như kỳ vọng?

Vai trò của hội ngành nghề đối với DN: Mờ nhạt so với kỳ vọng?

Gần đây, trong các cuộc hội nghị, hội thảo, vai trò của hội ngành nghề được đánh giá rất cao trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) và Chính phủ trong quá trình thực thi các FTA, AEC và sắp tới là TPP. Song thực tế, "tiếng nói" đại diện cho DN có mạnh như kỳ vọng? 

Đọc E-paper

Thời gian qua, sự chủ động tham gia của nhiều hiệp hội, hội ngành nghề, câu lạc bộ DN (gọi tắt là hội) trong việc thu thập ý kiến DN, đóng góp, góp ý vào các chính sách liên quan đến sự phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hội nhập đã tạo được ảnh hưởng nhất định, như tiết giảm được thời gian trong các thủ tục hành chánh về kê khai và nộp thuế, hải quan...

Ra đời với vai trò là "cầu nối" giữa DN và chính quyền các cấp, hoạt động hội đa phần được phân thành các nhóm công việc, gồm nhóm đại diện cho quyền lợi DN, nhóm dịch vụ hỗ trợ DN như tổ chức huấn luyện, đào tạo, tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị chuyên đề, mở rộng quan hệ kinh doanh, thu thập và cung cấp thông tin về những vấn đề có tác động đến hội viên và nhóm công tác xã hội - từ thiện.

Song, chỉ có những hội lớn mới duy trì được những công việc ấy, còn lại số đông chỉ hoạt động cầm chừng, hội họp khoảng vài ba lần một năm.

Được đánh giá là hội mạnh với nhiều hoạt động đồng hành cùng DN, đặc biệt là trong các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến tôm, cá tra tại thị trường một số nước, đặc biệt là tại Mỹ trong nhiều năm qua, song khi chia sẻ về vai trò của hội, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lại cho rằng, dù rất muốn hỗ trợ DN hội viên, song cái khó của nhiều hội là hạn chế về mặt tài chính, nhân sự, những yếu tố quyết định năng lực của một tổ chức.

Vì vậy, đây được xem là hạn chế của tổ chức hội ở Việt Nam trong việc thực hiện nhiều chức năng so với các hội doanh nghiệp ở các nước.

Trong một lần chia sẻ về cập nhật thông tin hội nhập của các hội, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận xét, việc tổ chức xúc tiến thương mại hoặc phổ biến về những nội dung DN cần lưu ý trong các FTA, TPP hay về các luật liên quan đến kinh doanh được DN rất hưởng ứng.

Tuy nhiên, nhiều hội chỉ mới thực hiện được thông tin thương mại nội bộ mà ít cập nhật thông tin hội nhập.

Điều ấy không khó để kiểm định, bởi hiện nay, phần đông các hội đã có website, song mức độ cập nhật thông tin vẫn còn quá chậm.

Thậm chí có những trang web của hội chỉ mới cập nhật thông tin đến... năm 2013! Đáng buồn hơn, hoạt động hội đang phân ra làm hai nhánh. Nhánh các hội nhỏ, hội địa phương thường không có cán bộ chuyên trách.

Lãnh đạo hội là doanh nhân có quá ít thời gian để gắn bó với công việc của hội. Ngược lại, ở nhánh hội lớn thường gắn với các tổng công ty chứ chưa thực sự tách bạch trong hoạt động.

Do vậy, trong nhiều cuộc hội thảo diễn ra thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, phía các cơ quan nhà nước chưa thực sự chú ý đúng mức tới vai trò của hội.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn chung, so với kỳ vọng về vai trò và hiệu quả của các hội ở Việt Nam trong việc hỗ trợ DN hội nhập cũng như làm cầu nối giữa Nhà nước với DN thì những gì đã đạt được còn rất hạn chế.

Ông Tuấn cho rằng, hiện nay, hoạt động hỗ trợ mà các hội cung cấp cho hội viên chủ yếu là xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin, tư vấn đầu tư, phản biện chính sách, hỗ trợ các vấn đề về pháp lý.

Nhưng riêng tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, một kết quả khảo sát do VCCI thực hiện vừa qua lại cho thấy, đây là mảng hoạt động ít thường xuyên nhất của các hội.

Theo đó, có đến 76% hội không có bộ phận chuyên môn về chính sách, pháp luật, còn việc duy trì liên kết với các tổ chức, đơn vị tư vấn pháp lý khá lỏng lẻo. Vì vậy, rất khó để tạo nên tiếng nói mạnh mẽ trong hỗ trợ, bảo vệ DN.

>Hiệp hội DN nước ngoài hỗ trợ DN FDI đầu tư vào Việt Nam

>Hiệp hội len Australia muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt

> Tham gia thị trường chung: Hiệp hội DN cũng cần đoàn kết

>Chuẩn bị bộ công cụ tự đánh giá năng lực hiệp hội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vai trò của hội ngành nghề đối với DN: Mờ nhạt so với kỳ vọng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO