TPP: Doanh nghiệp dệt may hợp lực tạo chuỗi cung ứng

LÊ LOAN| 05/04/2016 01:07

Việt Nam sản xuất được nguyên liệu dệt may, nhưng chủ yếu là dệt kim, công nghệ đơn giản, còn về dệt thoi, các DN phải nhập khẩu từ 70 - 80% nguyên liệu.

TPP: Doanh nghiệp dệt may hợp lực tạo chuỗi cung ứng

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, tới đây Vitas sẽ chủ động hợp lực cùng các doanh nghiệp (DN) trong ngành nhằm đảm bảo quy tắc xuất xứ nguyên liệu theo quy định trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như đảm bảo tính cạnh tranh về giá bán. 

Đọc E-paper

Theo Vitas, động lực để liên kết chuỗi giá trị gia tăng cho ngành dệt may hiện nay gồm hoa hồng, giảm giá và thu mua lại, môi trường bình đẳng. Song, để làm được điều này, ông Nguyễn Đình Trường - Tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến cho rằng, các DN dệt may cần phải nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, nếu không ngành dệt may Việt Nam sẽ mãi mãi gia công cho DN nước ngoài.

Con số thống kê về ngành dệt may Việt Nam năm 2015 từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may như sợi, vải mành, vải kỹ thuật, xơ, hàng dệt may đạt 27,2 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Nhưng về nhập khẩu, ngành dệt may phải chi khoảng 16,6 tỷ USD để nhập nguyên phụ liệu, gồm bông (1,6 tỷ USD), xơ sợi các loại (1,5 tỷ USD), nguyên phụ liệu (3,2 tỷ USD), vải (10,2 tỷ USD).

Theo đánh giá của các DN trong ngành, Việt Nam sản xuất được nguyên liệu dệt may, nhưng chủ yếu là dệt kim, công nghệ đơn giản, còn về dệt thoi, các DN phải nhập khẩu từ 70 - 80% nguyên liệu, vì vậy, đến nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khoảng 60% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Phân tích về sự phụ thuộc này, ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty 28, cho biết, đa phần DN dệt may Việt Nam trước nay chủ yếu là gia công hoặc sản xuất theo chỉ định của các DN nước ngoài, do vậy họ không thể quyết định phần nguyên liệu. Một phần nhỏ DN tự chủ động nguyên liệu thì mẫu mã nghèo nàn, dẫn đến sản phẩm khó cạnh tranh.

Phát biểu tại hội thảo "Tìm các giải pháp tăng cường chuỗi cung ứng dệt may giữa các DN sản xuất nguyên phụ liệu và sản xuất, kinh doanh hàng dệt may khi gia nhập TPP" do Vitas, Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM (Agtek) phối hợp tổ chức ngày 30/3 tại TP.HCM, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas nhấn mạnh, trong điều kiện Việt Nam tham gia TPP và các FTA, tới đây sẽ có nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với DN dệt may.

Vì vậy, các DN cần bắt tay nhau, phối hợp chặt chẽ, có như vậy ngành dệt may Việt Nam mới có thể tận dụng được các lợi thế mà những hiệp định vừa nêu mang lại.

Gian hàng của Nhà Bè tại Triển lãm

Theo ông Cẩm, dù ngành dệt may Việt Nam còn phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng việc sản xuất nguyên liệu không phải quá yếu kém. Đối với các loại sợi, Việt Nam sản xuất được 1,2 triệu tấn/năm, trong đó, xuất khẩu từ 700 - 800 ngàn tấn/năm.

Thống kê trung bình mỗi năm, các DN trong nước sản xuất được khoảng 1 tỷ mét vải. Song vấn đề đáng bàn là để mở rộng đầu tư một nhà máy dệt - nhuộm cần phải có hàng chục triệu USD, vượt quá khả năng của các DN vừa và nhỏ.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Điền - Phó chủ tịch Agtek, Tổng giám đốc Công ty An Phước, cho hay, bên cạnh việc mua thương hiệu Pierre Cardin, Công ty còn xây dựng thương hiệu An Phước để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam với mức giá bằng một nửa so với sản phẩm mang thương hiệu Pierre Cardin.

Hiện 40% doanh thu của An Phước đến từ thị trường xuất khẩu. Điều này cho thấy, việc thành công trong triển khai thương hiệu nội địa sẽ giúp DN tăng sức cạnh tranh.

Có thể thấy, đây là sự chủ động của DN, nhưng các trường hợp như An Phước trong ngành dệt may không nhiều, nên ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng công ty 28, cho rằng, DN dệt may phải đồng lòng, liên kết chặt chẽ cũng như tham gia các tọa đàm do Vista tổ chức để cập nhật thông tin cũng như cơ hội hợp tác với các DN trong ngành.

Theo ông Hùng, đa phần DN ngành dệt may Việt Nam là vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, khâu phát triển mẫu mã còn kém, giá bán cao, nên dù cơ hội đến từ TPP, nhưng để chen chân vào chuỗi cung ứng của các DN FDI là không dễ.

Do vậy, hơn ai hết, DN phải chủ động củng cố nội lực, hợp tác với DN trong ngành để cộng hưởng về năng lực cạnh tranh với DN các nước.

Đại diện cho Vitas, ông Nguyễn Đình Trường chia sẻ, tới đây Hiệp hội và các DN dệt may sẽ tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm, đi sâu vào từng ngành hàng cụ thể, cùng hợp lực tạo sức mạnh cạnh tranh để hội nhập thành công.

>TPP: Ngành dệt may, da giày cần tận dụng lợi thế từ công trình xanh

>TPP tác động ra sao đến ngành dệt may Việt Nam?

> Ngành dệt may: Đầu tư ODM là chưa đủ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP: Doanh nghiệp dệt may hợp lực tạo chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO