Tạo "bản quyền" cho doanh nghiệp: Hội không thể làm thay

DUY KHUÊ| 27/07/2016 01:11

Dù doanh nghiệp đang nóng lòng trông chờ vào hội ngành nghề, hội doanh nghiệp giúp họ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, nhưng theo các hội, tổ chức này không thể làm thay DN.

Tạo

Dù doanh nghiệp (DN) đang nóng lòng trông chờ vào hội ngành nghề, hội doanh nghiệp (sau đây gọi chung là hội) giúp họ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, nhưng theo các hội, tổ chức này không thể làm thay DN.  

Đọc E-paper

Phân tích vấn đề này, LS. Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, sở hữu trí tuệ là vấn đề lớn đối với DN, vì liên quan đến hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp... từ hữu hình đến vô hình. Tuy nhiên, hội chỉ có thể tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp những tài liệu liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ để DN hiểu về tầm quan trọng của việc đăng ký bản quyền. 

Theo ông Hưng, thời gian qua, HUBA và các hội khác đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên về quyền sở hữu trí tuệ. "Hiệu ứng chương trình được ghi nhận tích cực, khi vài năm gần đây, các DN Việt Nam đã chú ý đến vấn đề này. Nhưng điều đáng buồn là việc nhận thức chỉ mới lan tỏa đến các DN lớn, có thương hiệu lâu năm, trong khi các DN nhỏ thì vẫn chưa chú ý lắm đến bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ” - ông Hưng nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận - đại diện CLB Kết nối Doanh nhân Sài Gòn - ASEAN (SABC) thuộc Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam thì đăng ký sở hữu trí tuệ đến nay vẫn là việc của nội bộ DN, hầu hết đều do DN tự làm. Nhưng nhìn chung, các DN Việt Nam vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ.

Các hội khi ra đời, ngoài việc tạo cầu nối giữa DN và chính quyền, còn giúp DN chuẩn bị về kiến thức hội nhập, đồng thời hỗ trợ DN nâng cao kỹ năng quản trị. Vậy tại sao SABC nói riêng và các hội nói chung vẫn chưa đồng hành cùng DN trong vấn đề đăng ký bản quyền, theo LS. Phạm Ngọc Hưng là nằm ngoài chức năng của hội. "DN phải đến các tổ chức đăng ký quyền sở hữu trí tuệ hoặc các công ty luật, vì chỉ có các đơn vị này mới có chức năng giúp DN đăng ký bản quyền", ông Hưng chia sẻ.

Theo tài liệu hướng dẫn "Những điều chưa biết về sở hữu trí tuệ” do Trung tâm Thương mại Quốc tế và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO thực hiện), DN nhỏ và vừa muốn xuất khẩu, dù trực tiếp, thông qua trung gian, liên doanh hay thông qua nhượng quyền cho bên thứ ba, hoặc qua thương mại điện tử đều phải đảm bảo không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Do vậy, DN nhỏ và vừa phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp hợp lý nhằm bảo hộ đầy đủ tài sản của mình tại các thị trường mục tiêu vào thời điểm thích hợp và bằng cách thức tiết kiệm nhất, để đảm bảo sản phẩm và dịch vụ không bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

"Nếu không lưu ý đến những vấn đề vừa nêu thì các DN nhỏ và vừa có thể làm phát sinh các chi phí và rủi ro có thể gây tổn hại đến kinh doanh, thậm chí là yếu tố sống còn của DN, mà lẽ ra có thể tránh được trong kinh doanh" - tài liệu này khuyến cáo.

Việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề rất quan trọng trong hội nhập, nhưng xem ra các DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ vẫn còn thờ ơ, thậm chí mù mờ trong việc tiếp cận thủ tục đăng ký.

Nhìn nhận thực tế ấy, ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch HĐQT Tri Tri Corporation cảnh báo, khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh, tranh thủ thời cơ của DN Việt Nam còn yếu, rõ nhất là đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh. Hiện nay các DN Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Indonesia khi xâm nhập vào thị trường nào thì đều ghi ngôn ngữ bản địa lên sản phẩm, song hành với ngôn ngữ nước họ cùng tiếng Anh, trong khi DN Việt Nam vẫn loay hoay với quy trình, quy định in ấn tỷ lệ ngôn ngữ Anh, Việt... trên bao bì. Điều này báo động nguy cơ mất thị trường, không chỉ thị trường trong nước mà còn ở thị trường xuất khẩu.

Rất nhiều mặt hàng thuộc diện "sản phẩm địa phương" của Việt Nam như nước mắm, cà phê, trà... đang có nguy cơ bị "đồng hóa" về xuất xứ. Cụ thể, với nhãn hàng nước mắm, vừa qua tại Hội chợ Thaifex 2016 - World of food Asia (WOFA), Rayong Fish Sauce Industry Co.,Ltd - đơn vị chuyên sản xuất các loại nước mắm, nước sốt đã trưng bày khá nhiều loại nước mắm với nhãn mác hoàn toàn bằng tiếng Việt. Tại website bán hàng online của Rayong, ngôn ngữ giới thiệu sản phẩm đều có nhiều thứ tiếng chứ không chỉ gói gọn với tiếng Thái và tiếng Anh.

Ở góc độ hội, LS. Hưng cho hay, trong Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có một chương nói về quyền sở hữu trí tuệ với nhiều điều khoản quy định về nhãn hiệu.

"Khi tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu, nơi tập trung rất nhiều đối thủ cạnh tranh, việc DN phải tạo được thương hiệu và có được sở bảo hộ là điều cần thiết. Để làm được điều này, DN buộc phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở những thị trường xuất khẩu. Có như vậy, khi gặp vấn đề tranh chấp về hàng nhái, hàng giả mới có cơ sở để khởi kiện", ông nói.

>Vi phạm sở hữu trí tuệ: Thiệt đơn, thiệt kép

>Bảo hộ sở hữu trí tuệ theo TPP có gì khác?

> Luật Sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp vẫn thờ ơ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tạo "bản quyền" cho doanh nghiệp: Hội không thể làm thay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO