Sẽ không thông qua những giải pháp chung chung

PHAN LÊ - ĐỖ HẢI| 06/07/2012 09:35

Lần đầu tiên hơn 30 doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực cơ khí, bao bì, bảo hiểm, dịch vụ... đã có dịp kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh với Thường trực HĐND Thành phố.

Sẽ không thông qua những giải pháp chung chung

Lần đầu tiên hơn 30 doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực cơ khí, bao bì, bảo hiểm, dịch vụ... đã có dịp kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh với Thường trực HĐND Thành phố.

Đọc E-paper

DN đang rất cần vốn để ổn định sản xuất - Ảnh: Quý Hòa

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), bổ sung một số điều của Thông tư 14/2012/TT-NHNN ngày 4/5/2012 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam còn 13%, nhưng thực tế các DN đang vay với lãi suất từ 15-17%/năm.

Ngoài việc chưa tiếp cận được nguồn vốn, nhiều DN cũng đang gặp nhiều trở ngại như: hàng tồn kho, nợ xấu, không có tài sản thế chấp... Vì vậy, nên cho DN đảo nợ, đồng thời bỏ trần lãi suất huy động và nên khống chế lãi suất đầu ra, tái cấu trúc ngân hàng theo hướng tập trung quy mô và chuyên ngành.

Tuy nhiên, trên phương diện DN, ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), cho rằng, gói hỗ trợ đã phần nào giúp DN có niềm tin.

Dù nói là giảm lãi suất nhưng nhiều DN hiện nay đang chịu lỗ nên không tiến hành sản xuất hay hoạt động kinh doanh, cũng như không đẩy mạnh đầu tư và không quay vòng vốn kinh doanh. Trước thời hạn 5 tháng còn lại, nếu không có sự chuẩn bị thì tình hình DN cũng sẽ không có gì khá hơn trong tương lai.

Theo đó, nhiều DN còn kiến nghị Chính phủ nên có sự hỗ trợ dành cho DN làm ăn thực sự, bởi hiện tại, nguồn vốn vay trung hạn đang phải chịu lãi suất cao thì DN không dám vay để đầu tư.

Ngoài ra, đối với việc giảm thuế VAT, DN trong ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm được giãn, trong khi DN nhiều DN phải nhập khẩu nguyên liệu... để phục vụ sản xuất lại không được hưởng chính sách này, điều này gây khó cho không ít DN.

Vấn đề đặt ra tại hội nghị đại biểu HĐND Thành phố tiếp xúc cử tri là làm sao để DN có thể được đảo nợ vay ngân hàng, giải quyết vấn đề trước mắt. Vì thế, đề nghị Ngân hàng Nhà nước, thay vì thành lập công ty mua bán nợ nên xem xét cho các DN được vay đảo nợ với mức lãi suất hiện hành, giúp DN giảm số lãi phải trả hằng tháng, tập trung sản xuất kinh doanh tốt hơn.

Hoặc cho DN cơ cất lại các khoản vay cũ và tiếp cận khoản vay mới. Đồng thời, các NHTM cần có chính sách công khai về điều kiện cho vay và mức lãi suất cho vay, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN về việc thế chấp (có thể thế chấp bằng L/C, nguồn thu và hàng tồn kho) và các thủ tục vay vốn. Bỏ hoàn toàn trần lãi suất huy động và quy định trần lãi suất đầu ra 13-15%/năm.

Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin, cho rằng, hiện nay có hai nhóm giải pháp dành cho DN, gồm: tức thời và dài hạn. Cụ thể, với giải pháp mang tính tức thời, cần tập trung vào hai việc, trước hết là giảm chi phí (điện, xăng dầu, lãi suất, giảm, giãn thuế cho DN lẫn cá nhân...); thứ hai là cố gắng duy trì một số ngành mà ở đó tỷ lệ sử dụng lao động nhiều.

Đồng thời, cần đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ bản, vì đây là ngành đòn bẩy kéo theo sự phát triển của các ngành khác. Chính phủ cần xem xét có tổ chức tín dụng riêng cho loại hình DN nhỏ và vừa và phải cho cơ chế riêng.

Nhóm giải pháp lâu dài và mang tính chất căn cơ là chính từ phía các DN, tức phải tạo ra hệ thống quản trị tốt hơn, làm cho DN có phương pháp quản trị hiệu quả (quản lý chất lượng, chi phí và năng suất).

Trong khi đó, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí TP.HCM, cho rằng, hiện nay, TP có Quyết định 33/QĐ-UBND về việc thực hiện hỗ trợ lãi vay cho DN nhưng vẫn chưa ai đứng ra “cầm trịch”. Thành phố cũng nên hình thành cụm công nghiệp cơ khí để DN giảm thiểu chi phí mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tạo nhiều điều kiện đầu ra cho các DN cơ khí, chẳng hạn như với dự án các tuyến Metro thì phải quy định tỷ lệ nội địa hóa để các nhà thầu tìm DN cung ứng trong nước, tạo cơ hội cho các DN cơ khí tiếp cận quỹ đất với giá phù hợp.

Miễn thuế VAT đối với tài sản cố định mà DN nhập về (đóng thuế trước, khấu trừ sau thì hơi khó cho DN). Giảm thuế TNDN cho các DN cơ khí khi DN này dùng lợi nhuận để tái đầu tư.

Trước những giải pháp, kiến nghị nêu trên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết, việc tiếp xúc với cử tri là DN lần này nhằm lắng nghe và tập hợp những khó khăn, kiến nghị của DN trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, đây cũng là một phần nội dung quan trọng tại kỳ họp HĐND TP.HCM (giữa kỳ) khóa VIII sắp diễn ra.

Vì vậy, “chúng tôi sẽ lắng nghe giải pháp gỡ khó cho DN từ Thường trực UBND Thành phố, trên cơ sở các giải pháp cụ thể, HĐND sẽ xem xét để biểu quyết thông qua, HĐND sẽ không thông qua các giải pháp chung chung”, bà Tâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sẽ không thông qua những giải pháp chung chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO