Nhiều hội ngành nghề kiến nghị sửa đổi Luật Thương mại 2005

DUY KHUÊ| 03/11/2015 04:09

Sau hai tuần triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp (DN), các chuyên gia, các hội, các tổ chức luật sau 10 năm thi hành Luật Thương mại năm 2005 đã phản ánh rõ nét việc sửa đổi Luật Thương mại là rất cần thiết.

Nhiều hội ngành nghề kiến nghị sửa đổi Luật Thương mại 2005

Theo Bộ Công Thương, Luật Thương mại 2005 sẽ bắt đầu sửa đổi vào năm 2017 và hoàn thiện vào năm 2018. Với sự công bố này, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ các tổ chức luật, các hội nghành nghề (gọi tắt là hội) tại TP.HCM và Hà Nội. Theo đó, kết quả sau hai tuần triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp (DN), các chuyên gia, các hội, các tổ chức luật sau 10 năm thi hành Luật Thương mại năm 2005 đã phản ánh rõ nét việc sửa đổi Luật Thương mại là rất cần thiết. 

Đọc E-paper

Tại hội thảo "Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại năm 2005" do Bộ Công Thương và Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, sửa đổi Luật Thương mại 2005 sẽ giúp DN, các tổ chức kinh tế... hạn chế được những rủi ro thương mại, tạo sự minh bạch, ổn định cho môi trường kinh doanh, hướng nền kinh tế thị trường vận hành hiệu quả hơn.

Cũng trong một hội thảo về Luật Thương mại 2005 tại Hà Nội, ông Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, đưa ra 21 vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Thương mại 2005.

Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC), đề nghị bãi bỏ hàng loạt nội dung và thậm chí là bỏ hẳn Luật Thương mại 2005, với lý do nhiều nội dung trùng với Bộ Luật Dân sự. 

Theo ông Huỳnh, quy định hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong Luật Thương mại trùng tới 80% nội dung trong Bộ Luật Dân sự.

Thậm chí, Bộ Luật Dân sự còn quy định chi tiết hơn bằng việc dành riêng một chương với 111 điều để nói về điều này Đại diện cho các hội, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: Quy định về quản lý cá nhân hoạt động thương mại tại Khoản 1, 8, 9 Điều 8 Nghị định 39/2007/NĐ-CP còn bất cập và dễ bị lạm dụng.

Trên thực tế, số lượng cá nhân hoạt động thương mại luôn biến động, thay đổi, cơ quan quản lý cấp trên không thể kiểm tra liên tục, nên đã có nhiều kẽ hở cho một số cán bộ tham nhũng, gây thất thu thuế của Nhà nước.

Ông Nguyễn Tương - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cũng cho rằng, định nghĩa về dịch vụ logistics trong Luật Thương mại 2005 đã không còn phù hợp với sự phát triển của ngành logistics.

Điều kiện kinh doanh trong Nghị định 140/2007/NĐ-CP cũng đang dần lạc hậu sau 7 năm Việt Nam gia nhập WTO.

Hiện nay đang có một số cam kết của Việt Nam trong WTO liên quan đến dịch vụ logistics thiếu minh bạch, không rõ ràng, dẫn đến những cách hiểu khác nhau giữa các bộ, ngành có liên quan trong việc giải thích cho DN, gây khó khăn trong kinh doanh dịch vụ logistics.

Vì vậy, các hội ghi nhận Luật Thương mại 2005 đã tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, DN hoạt động hiệu quả trong quá trình hội nhập WTO thời gian qua, song một khi Luật không còn phù hợp với thực tại thì cần sớm được điều chỉnh, sửa đổi.

>Ấn Độ chấp nhận sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam

>WB: Sửa đổi Luật Đất đai để thúc đẩy phát triển bền vững ở VN

>Chính sách thuế: Sửa đổi để phù hợp bối cảnh hội nhập

>Sửa đổi Quyết định phân loại DNNN: Tăng tốc cổ phần hóa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều hội ngành nghề kiến nghị sửa đổi Luật Thương mại 2005
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO