Luật cạnh tranh: Nhiều quy định khó đi vào thực tiễn

DUY KHUÊ| 18/11/2015 04:44

Lý do khiến Luật Cạnh tranh chưa được DN biết đến rộng rãi, cũng như hiểu tường tận cách ứng dụng Luật nhằm bảo vệ chính mình là do Luật vẫn còn nhiều hạn chế, chưa sát thực tiễn vào sản xuất, kinh doanh.

Luật cạnh tranh: Nhiều quy định khó đi vào thực tiễn

Đó là chia sẻ từ khối doanh nghiệp (DN) sau 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh. Theo ông Lê Quang Vy - Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Long Thăng, lý do khiến Luật Cạnh tranh chưa được DN biết đến rộng rãi, cũng như hiểu tường tận cách ứng dụng Luật nhằm bảo vệ chính mình là do Luật vẫn còn nhiều hạn chế, chưa sát thực tiễn vào sản xuất, kinh doanh.

Đọc E-paper

Theo một thống kê từ Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh, từ năm 2005 - 2014, Việt Nam có 78 vụ việc nộp đơn kiện vi phạm hành vi thỏa thuận và lạm dụng, trong đó tổ chức điều tra 8 vụ và có 70 DN bị điều tra, quyết định xử lý 5 vụ việc với tổng tiền phạt hơn 5,5 tỷ đồng.

Đối với hành vi tập trung kinh tế, có 54 vụ tham vấn và 23 vụ việc thông báo. Với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cơ quan quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận 300 đơn khiếu nại, quyết định điều tra 137 vụ, ra quyết định xử phạt 127 vụ.

Kết quả này cho thấy vẫn có quá ít DN tham gia vào Luật Cạnh tranh so với tình hình thực tế của DN.

Nói thêm về điều này, ông Lê Quan Vy nhận định, phần lớn nguyên nhân là do các quy định trong luật còn rối rắm khiến cho việc áp dụng không đơn giản.

Đơn cử như tại Mục 1, Chương II, Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh trong đó nói về xác định thị trường sản phẩm liên quan nhưng việc nhận dạng và xác định rất khó thực hiện.

Ông Trương Văn Toàn - Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam cho rằng, trong Điều 22 của Nghị đinh 116/2005/NĐ-CP đưa ra một loạt cơ sở xác định khả năng gây hạn chế cạnh tranh, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí xác định cho các căn cứ đó.

“Rồi nữa, về việc quy định giá bán hàng hóa tồn kho do chất lượng giảm, lạc hậu về hình thức, không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng không bị coi là hành vi bán hàng hóa dưới giá thành nhằm loại đối thủ cạnh tranh theo Nghị định 116/2005/NĐ-CP, nhưng Nghị định lại không đưa ra cơ sở để DN biết cách xác định các quy định ấy”, ông Toàn nói.

Theo các DN, Luật Cạnh tranh ra đời là rất hữu ích đối với DN, nhưng khi vận dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh thì còn rất nhiêu khê.

Viện dẫn điều này, một DN cho hay, việc xác định căn cứ để chứng minh khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của một DN trên thị trường liên quan là không khả thi trong điều kiện thị trường hiện nay.

Bởi lẽ, công tác thống kê số liệu, thông tin minh bạch và chính thống còn là điểm yếu của Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến việc xác định doanh thu, thị phần để kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh của DN.

Còn theo bà Phạm Thanh Hải - Giám đốc Pháp lý Tổng công ty CP Bảo Minh, Luật Cạnh tranh và các luật chuyên ngành đang có sự chồng chéo trong một số quy định.

Chẳng hạn, trường hợp các DN bảo hiểm thỏa thuận với nhau để thống nhất quy tắc, điều khoản phí bảo hiểm, cũng như một số nội dung trong kinh doanh, nếu theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, hành vi đó không bị cấm nhưng đối chiếu với Luật Cạnh tranh lại dễ bị quy kết vi phạm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Không chỉ vậy, nhiều khái niệm trong Luật Cạnh tranh chưa được quy định rõ ràng, vì vậy việc áp dụng trong thực tế không khả thi.

>Ai giúp doanh nghiệp hiểu luật?

>Kinh doanh tại Mỹ: Hiểu luật mới quyết định

>Tháo gỡ nhiều vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Đất đai

>HUBA áp dụng thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Luật cạnh tranh: Nhiều quy định khó đi vào thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO