"Làm chuồng chưa muộn"

BÍCH LOAN| 23/08/2010 03:29

Thời gian vừa qua, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã gặp không ít khó khăn khi đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại của nước ngoài. Hệ thống thông tin cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện đối với những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao ngày càng trở nên cần thiết hơn.

Thời gian vừa qua, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã gặp không ít khó khăn khi đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại của nước ngoài. Hệ thống thông tin cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện đối với những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao ngày càng trở nên cần thiết hơn.

Việt Nam là một trong những nước bị kiện bán phá giá nhiều nhất thế giới, với tỷ lệ thua kiện hơn 70%. Tính từ 1/4/1994 - 30/6/2010, số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại liên quan đến Việt Nam đã lên đến con số 42.

Thủy sản Việt Nam là đối tượng của nhiều vụ kiện chống bán phá giá - Ảnh Quý Hòa

Theo thống kê từ Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, có đến 34 vụ kiện chống bán phá giá trên thị trường các nước EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canađa, Peru, Argentina, Hàn Quốc, Ba Lan, Colombia và Ai Cập. Trong đó, thị trường EU chiếm tỷ lệ cao nhất, 10/34 vụ; kế đến là Thổ Nhĩ Kỳ, 5/34 vụ; sau đó là Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Các vụ kiện tăng mạnh thời gian gần đây, kéo theo nhiều thiệt hại liên tiếp cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam về lao động, tài chính, cơ hội...

Chẳng hạn, gần đây kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng giày mũ da của Công ty An Giang sang thị trường EU giảm mạnh sau các vụ kiện chống bán phá giá, giảm từ 4,5 triệu USD xuống còn 706.000USD (ước tính sụt giảm kim ngạch xuất khẩu đến 84,3%).

Trong năm năm áp thuế chống bán phá giá, hàng loạt DN sản xuất xe đạp Việt Nam bị phá sản, buộc phải chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh...

Nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại trên một phần là do sự hiểu biết và nguồn cập nhật thông tin thị trường đối tác về mặt pháp lý chưa cao, mặt khác là các DN trong lĩnh vực xuất khẩu vẫn còn hoạt động khá đơn lẻ, chưa thể hiện được tính cộng đồng.

Đứng trước thực trạng này, Bộ Công Thương đưa ra giải pháp xây dựng một website (www.canhbaosom.vn và www.earlywarning.vn) để cảnh báo nguy cơ bị kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, website sẽ cập nhật thông tin trên cơ sở tổng hợp những dữ liệu về quy mô kim ngạch, tốc độ gia tăng của các mặt hàng tại nước nhập khẩu; cập nhật diễn biến về giá bán, những biến động làm giá sản phẩm rẻ hay những nguồn tin từ thương vụ tại các nước để đưa ra những mức cảnh báo khác nhau, giúp DN có đầy đủ thông tin làm căn cứ đối phó với các nguy cơ rủi ro có thể bị kiện.

Tuy nhiên, thông tin này trước mắt chỉ tập trung vào những ngành có kim ngạch lớn. Dự kiến, đến tháng 9/2010 website mới bắt đầu hoàn thành giai đoạn I, tiếp sau đó giai đoạn II sẽ vận hành vào đầu năm 2011.

- Theo thống kê trong 34 vụ kiện chống bán phá giá mà Việt Nam gặp phải từ trước tới nay, có 21 vụ nhằm vào top 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực và 27/34 vụ nhằm vào nhóm 20 thị trường chủ lực, riêng EU và Mỹ bị kiện tới 14 vụ.

- Theo quy định của WTO, mặt hàng nhập khẩu có thể bị kiện chống bán phá giá nếu chiếm tỷ trọng trên 3% tổng hàng hóa nhập khẩu tương tự vào nước nhập khẩu. Và, các nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện phải có sản lượng sản phẩm tương tự chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự của toàn bộ ngành sản xuất trong nước.

Số lượng ngành hàng và thị trường sẽ được điều chỉnh tăng dần. Cụ thể, giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng hệ thống cho 10 ngành hàng khác xuất khẩu sang năm thị trường trên thế giới, sau đó là 20 ngành hàng tại 10 thị trường trên thế giới.

Theo ông Hoàng Thái Sơn, Phó chủ tịch phụ trách phía Nam, Hiệp hội Công nghiệp điện Việt Nam, đây là nguồn thông tin sẽ hỗ trợ được rất nhiều cho DN.

Tuy nhiên, Cục Quản lý cạnh tranh nên có hệ thống cảnh báo cụ thể cho từng ngành, từng mặt hàng riêng biệt, đừng nên cảnh báo theo các giai đoạn đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng, vì thực chất website cũng chỉ mang tính cảnh báo.

Đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cũng lo ngại và yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh nên công bố mức độ cảnh báo một cách rõ ràng, và dựa trên một tiêu chí cụ thể, không nên đánh giá nguy cơ bị kiện một cách chung chung.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Mừng cũng cho biết, mặc dù có những biện pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ, nhưng thực chất DN không nên ỷ lại và đặt hết niềm tin là sẽ được cảnh báo nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Bên cạnh đó, một số DN cho rằng, trước khi đưa ra mức cảnh báo đỏ (mức cảnh báo nguy cơ cao bị kiện) công khai trên trang web,

Cục Quản lý cạnh tranh nên tham khảo ý kiến và thông tin của các hiệp hội, vì một số DN nước ngoài có thể lợi dụng báo động đỏ để làm chứng cứ khởi kiện hoặc ép giá.

Vì vậy, trước hết DN phải hết sức thận trọng về hồ sơ, hợp đồng, chứng từ kế toán; kiểm toán phải thật sự minh bạch, chặt chẽ, đồng thời kết hợp với những cảnh báo sớm từ phía Cục Quản lý cạnh tranh để luôn ở thế chủ động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Làm chuồng chưa muộn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO