HUBA kiến nghị 9 nút cần gỡ cho doanh nghiệp

PHAN LÊ| 15/05/2013 07:28

Trước nhu cầu cần hiểu rõ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) từ phía Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 20/5 - 25/6 tới đây, đại diện các hội ngành nghề đã có dịp bày tỏ thẳng thắn những vướng mắc đang gặp phải.

HUBA kiến nghị 9 nút cần gỡ cho doanh nghiệp

Trước nhu cầu cần hiểu rõ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) từ phía Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 20/5 - 25/6 tới đây, đại diện các hội ngành nghề đã có dịp bày tỏ thẳng thắn những vướng mắc đang gặp phải.

Đọc E-paper

Dây chuyền sản xuất giày của Công ty Đông Hưng

Bức xúc cũ trong hoàn cảnh mới

Nếu như trước đây, không ít những phản ánh về thực trạng khó khăn của DN chỉ "nói cho nhau nghe" nên DN không còn quan tâm chia sẻ về vấn đề này, thì tại khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của DN ngày 7/5 vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cam kết sẽ phản ánh những ý kiến của DN và các hội ngành nghề tại kỳ họp Quốc hội tới đây và sẽ phản hồi lại với DN ngay khi Đoàn trở lại TP.HCM.

Với những cam kết mạnh mẽ như vậy, những vấn đề về lãi suất, chi phí tăng, sức mua giảm, nguồn vốn và chính sách... lần lượt được đại diện các hội và DN mạnh dạn nêu rõ.

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), trong quý II, DN không có triển vọng phát triển, dù lãi suất ngân hàng có giảm. Thực trạng thì các DN nước ngoài đang đầu tư và chen mua DN Việt Nam đang diễn ra khá quyết liệt dẫn đến nguy cơ mất các DN trong nước cũng như nguy cơ tái nghèo do đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng bởi khó khăn kinh tế.

Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, cho biết:

"Nhiều DN như đang quay lại thời những năm 1996 khi phải sử dụng những máy móc cũ, thu hẹp sản xuất. Hạn chế sử dụng lao động, tận dụng người thân trong gia đình, chỉ làm ra những sản phẩm dễ tiêu thụ nên thiếu đi hàm lượng chất xám. Những năm trước hầu như năm nào các DN trong ngành cũng đổi mới, cải tiến công nghệ, thế nhưng hiện nay họ lại đang đi lùi, hoặc nếu có cũng chỉ là cải tiến bằng máy móc Trung Quốc".

Trên thực tế, thời gian qua không ít đại diện các hội ngành nghề, các DN đầu ngành đã nêu rõ nguyên nhân của vấn đề, trong đó, lãi vay được xem là một trong những yếu tố đã khiến nhiều DN rơi vào hoàn cảnh thà chấp nhận không đổi mới công nghệ để tồn tại. Theo ông Anh, với mức lãi vay từ 10 - 12%/năm như hiện nay là tốt, nhưng lãi vay trung, dài hạn vẫn còn cao.

Trong khi đó, dù được xem là đơn vị đang "ăn nên làm ra" với mức tăng trưởng từ 25-30%/năm, nhưng ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thái Bình (Thai Binh Shoes), Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (Lefaso), cũng cho rằng, mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đang quá lớn, Ngân hàng Nhà nước nên kéo khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay xuống khoảng 2,5 - 3% thì sẽ tốt hơn cho DN.

Ngoài vấn đề lãi suất, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho rằng, các DN ngành thực phẩm đang ở trong tình thế vô cùng khó khăn, nỗi lo chi phí tăng lên từng ngày.

Ông Mười dẫn chứng: "Trong vòng 26 tháng qua, nhiều DN không dám tăng giá bán sản phẩm do sức mua yếu, nhưng cũng trong khoảng thời gian ấy giá xăng tăng 8 lần, giảm 7 lần. Thoạt nghe có vẻ khá phù hợp, nhưng nếu tính toán kỹ thì 8 lần tăng giá xăng khoảng 8.200 đồng, nhưng 7 lần giảm chỉ hơn 5.000 đồng. Đó là chưa kể DN luôn hồi hộp với việc tăng giá điện và những chi phí khác".

Và vấn đề ổn định chính sách kinh tế

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN sản xuất hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu cho rằng, Chính phủ nên hạn chế dùng những từ như "hỗ trợ", "giảm"... như trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đặc biệt là đối với các DN xuất khẩu.

Bởi đó có thể là cơ sở để các nước nhập khẩu đưa DN Việt Nam vào diện được bảo hộ, bảo trợ từ nhà nước... Chẳng hạn, trong trường hợp thấy giá thuê đất quá cao với DN, Nhà nước nên điều chỉnh cho phù hợp chứ không nên dùng thuật ngữ "giảm 50% giá thuê”.

Đồng thời, các DN cũng cho rằng, việc triển khai nghị quyết này phải được làm nhanh, mạnh và quyết liệt hơn nữa. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị quyết này, đồng nghĩa với việc Nghị quyết 02/NQ-CP nói trên vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho rằng, thành phố nên mở rộng chức năng của Quỹ Bảo lãnh tín dụng để DN nhỏ và vừa có điều kiện tiếp cận vốn vay. Đồng thời, không nên thay đổi chính sách quá nhiều.

Ông Huỳnh Văn Minh nêu rõ, kiến nghị đầu tiên của các DN chính là mong chính sách kinh tế không thay đổi thường xuyên khiến DN trở tay không kịp. Cần tháo gỡ ngay nhiều cơ chế chính sách không phù hợp để tạo niềm tin cho DN. Hãy để nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, đừng áp đặt theo cơ chế, hành chính.

"Nếu đánh đồng số lượng DN tạm ngưng hoạt động tương đương với số thành lập mới sẽ giúp ổn định là không đúng, mà cần phải rạch ròi giữa lượng DN phá sản và mới thành lập. Vì những DN mới phải mất vài năm, vài chục năm mới có thể phát triển mạnh và có đóng góp như những DN cũ. Chỉ có như vậy mới có thể tạo được cái nhìn rõ nét về sự phá sản của các DN, kịp thời đưa ra những chính sách hỗ trợ cho DN", ông Minh nhấn mạnh. 

9 kiến nghị của HUBA

1, Kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hàng hóa tồn kho để giúp doanh nghiệp giảm giá bán, thu hồi vốn để tái sản xuất; Giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp xuống 20% đối với tất cả các ngành nghề (thời gian áp dụng từ ngày 01/07/2013) ngoài mục đích hỗ trợ doanh nghiệp còn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

2, Kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện đầu tư và có chính sách hỗ trợ chi phí xúc tiến thương mại và quảng cáo đối với các doanh nghiệp nhằm giúp giải quyết lượng hàng tồn kho và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

3, Doanh nghiệp rất cần cơ chế chính sách ổn định lâu dài thông thoáng an toàn cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động, đây là mong muốn hàng đầu, mong muốn cao nhất của cộng đồng doanh nghiệp...;

4, Đối với Ngân hàng, đề nghị cho phép các doanh nghiệp được đảo nợ thay cho mua bán nợ. Có chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay xuống 8% đến 10%/năm, đồng thời giảm bớt thủ tục không cần thiết; cho phép các doanh nghiệp thế chấp hàng hóa hoặc các dự án có tính khả thi...;

5, Đất, vàng, USD là những loại hàng hóa đặc biệt, nhạy cảm. Vì vậy, khi Nhà nước muốn thay đổi chủ trương chính sách cần đưa ra tham khảo ý kiến với các đối tương chịu tác động trước khi ra quyết định để tạo sự đồng thuận cao, đưa chủ trương vào cuộc sống;

6, Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan ban ngành sớm triển khai Nghị Quyết 02/NQ-CP một cách rõ ràng và đồng bộ, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, cứu nền kinh tế. Nghị quyết 02/NQ-CP chỉ giải quyết tạm thời kiến nghị Chính phủ có chính sách ổn định trong thời gian dài, tránh tình trạng doanh nghiệp đang hoạt động từ lãi chuyển thành lỗ do thay đổi chính sách như thời gian qua (thay đổi tỷ giá USD, cách tính thuế, biểu thuế đất...);

7, Nhanh chóng và kiên quyết cho điều chỉnh những chủ trương, chính sách không còn phù hợp, không đi vào cuộc sống được như Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Nghị định 71/2010/NĐ-CP...;

8, Tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn, nhân lực, cơ chế chính sách) nhằm tạo điều kiện cho họ vượt qua được giai đoạn cực kỳ khó khăn này;

9, Hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp: Trong năm 2013, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khả năng phục hồi và tái cấu trúc DN mà rộng hơn là bảo đảm dòng di chuyển vốn, nhân lực, công nghệ cũng như sự vận hành ổn định toàn bộ thị trường để gia tăng giá trị mới. Vấn đề là cần có định hướng cơ bản để huy động hiệu quả nguồn lực, đẩy nhanh quá trình phục hồi và tái cấu trúc doanh nghiệp để vừa vượt qua khó khăn vừa đạt mục tiêu bao trùm của cả giai đoạn - đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
HUBA kiến nghị 9 nút cần gỡ cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO