Hội Da Giày với "Giày Việt"

LÃO PHƯƠNG| 01/12/2011 03:18

Lập ra hội là để giúp hội viên làm ăn, hội viên tự nguyện đóng góp để hội có kinh phí hoạt động, cho nên có thành tích hay không là ở chỗ có làm cho hội viên gắn kết với hội hay không. Mà muốn hội viên gắn kết thì hội phải làm được những việc mà họ cần, họ yêu cầu.

Hội Da Giày với

DNSG mở chuyên mục Góc nhìn hội nhằm viết về các hội, câu lạc bộ là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng như hiệp hội, hội, câu lạc bộ (xin gọi tắt là hội) của các tỉnh - thành và trung ương. Những bài viết sẽ phản ảnh trung thực hoạt động của các hội, kể cả sự trì trệ và tính hình thức của không ít tổ chức hội. Tòa soạn rất mong nhận được sự phê bình, góp ý của quý hội và quý độc giả. 

Lập ra hội là để giúp hội viên làm ăn, hội viên tự nguyện đóng góp để hội có kinh phí hoạt động, cho nên có thành tích hay không là ở chỗ có làm cho hội viên gắn kết với hội hay không. Mà muốn hội viên gắn kết thì hội phải làm được những việc mà họ cần, họ yêu cầu.

Trong Trung tâm Giày Việt ở TP.HCM - Ảnh: Quý Hòa

Hội Da Giày TP.HCM (Hội) có một thuận lợi là có Tổ đình thờ ba vị sư tổ đã khai sáng nghề thuộc da, làm hài, hia, giày dép của nước ta (từ thời vua Lê Thánh Tông).

Hàng năm, cứ đến ngày 20/8 Âm lịch, Hội tổ chức giổ Tổ, cũng là ngày họp mặt đầy đủ hội viên để bàn bạc công việc của Hội. Chính trong ngày này, nhiều hội viên đã đóng góp ý kiến xây dựng Hội và Ban chấp hành Hội thông qua hội viên kế hoạch hoạt động của Hội trong ngắn hạn và dài hạn.

Khi được hỏi về thành tích, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội, nói rằng, lập ra Hội là để giúp hội viên làm ăn, hội viên tự nguyện đóng góp để Hội có kinh phí hoạt động, cho nên có thành tích hay không là ở chỗ có làm cho hội viên gắn kết với Hội hay không. Mà muốn hội viên gắn kết thì Hội phải làm được những việc mà họ cần, họ yêu cầu.

Những năm qua, Hội đã làm được một số việc mà theo ông Khánh là rất được hội viên ủng hộ. Chẳng hạn, trong các năm “thịnh vượng” nhất của ngành da giày Việt Nam, tức trước ngày 5/10/2006, khi chưa bị Ủy ban Châu Âu (EC) đánh thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam, thường trực Hội đã đến các tỉnh tuyển được cả ngàn lao động cho các công ty, xí nghiệp hội viên mà không thu lệ phí.

Không những tuyển người mà những năm 1999-2003, hằng năm, Hội tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho khoảng 1.000 lao động ngành giày theo yêu cầu của doanh nghiệp hội viên, như Công ty Giày Gia Định, Công ty Giày Vinh Thông...

Một số báo giấy và báo mạng đưa tin Hội đang thực hiện hai dự án lớn, đó là dự án thành lập Làng nghề giày thủ công TP.HCM và đào tạo công nhân lành nghề, dự án thành lập Trung tâm Nguyên phụ liệu ngành da giày.

Tuy nhiên, trước thông tin này, ông Khánh không vui, bảo, đề án thì có nhưng không thể thực hiện được vì một mình Hội thì “bó tay” mà phải có sự “vào cuộc” của các cấp chính quyền.

Ngay như mới đây, có báo đưa tin và bài viết, thông qua Hội Da Giày TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Ý đã quyết định chọn 8 cơ sở da giày ở quận 4 để thực hiện dự án Phát triển cụm DN vừa và nhỏ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành da giày Việt Nam với tổng kinh phí khoảng 3 triệu EURO cũng là thông tin từ Hiệp hội Da Giày Việt Nam, thực tế đến nay thì chưa thấy gì.

Ông Khánh cũng cho biết, bây giờ DN Hội hầu như không tuyển được công nhân ngoài tỉnh vì tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, đó là chưa kể, có người đồng ý lên Sài Gòn làm việc, chưa chắc công an xã đã chứng nhận giấy tạm vắng.

Rồi nữa, sau hơn 5 năm thiếu việc làm do bị đánh thuế chống bán phá giá, số công nhân lành nghề trước đây không mặn mà lên thành phố vì sợ công việc bấp bênh.

Dù biết ngành da giày đang thiếu lao động trầm trọng, nhưng Hội cũng không làm sao giúp DN hội viên được, ngoài việc từ tháng 3/2011, Hội cùng Hội Da Giày quận 4 phối hợp với Trường Cao đẵng Công Thương TP.HCM tổ chức các lớp đào tạo thiết kế và nâng cao chuyên ngành da giày cho những người thợ đã biết nghề làm giày. Đến nay, những lớp học này vẫn được tổ chức đều đặn, thu hút khá nhiều học viên.

Ông Khánh phân tích: Hội tập trung vào khâu đào tạo người thiết kế giày vì đây là công đoạn quan trọng nhất. Năm ngoái, tiếng là xuất khẩu được 750 triệu đôi giày (TP.HCM chiếm 42%), mang về khoảng 5 tỷ USD, năm nay dự báo sẽ cao hơn số tiền ấy, tức xuất khẩu đạt kim ngạch thứ 3 sau ngành may mặc và dầu khí, lại đứng thứ 3 về sản xuất, thứ 4 về xuất khẩu giày so với các nước trên thế giới, nhưng chỉ gia công là chính, giá trị gia tăng không đáng kể.

Muốn có giày Việt xuất khẩu mang thương hiệu Việt, thì khâu đầu tiên là phải chủ động được nguyên phụ liệu và theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng, tức liên tục có mẫu mã mới. Và giày Việt cho người Việt cũng thế. Vì vậy, để góp phần khiêm tốn của mình vào khâu quan trọng nhất ấy, Hội sẽ tiếp tục đào tạo thợ giỏi, nhất là thợ thiết kế mẫu mã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội Da Giày với "Giày Việt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO