Gia tăng nguy cơ đối mặt với kiện tụng

PHAN LÊ| 25/11/2011 00:05

Không chỉ có Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ, các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Brazil... cũng đang ráo riết áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với Việt Nam, đặc biệt là với các ngành có thế mạnh xuất khẩu như: dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ...

Gia tăng nguy cơ đối mặt với kiện tụng

Không chỉ có Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ, các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Brasil... cũng đang ráo riết áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với Việt Nam, đặc biệt là với các ngành có thế mạnh xuất khẩu như: dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ...

Thép của Việt Nam đang là mặt hàng bị chống bán phá giá - Ảnh: Quý Hòa

Mới đây nhất là vụ việc của ngành thép: ngày 15/11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm ống thép carcbon nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Oman và Các Tiểu vương quốc Ả rập.

Tính từ vụ mặt hàng túi nhựa PE (năm 2010), thì đây là vụ kiện chống trợ cấp thứ hai Mỹ kiện Việt Nam, mở ra vấn đề gây tranh cãi mới do kiện chống trợ cấp đồng thời với chống bán phá giá.

Theo thống kê từ Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong quý II/2011, bình quân mỗi tháng có một vụ kiện chống bán phá giá liên quan tới Việt Nam, trải đều ở các ngành thủy sản (vụ giải quyết tranh chấp đầu tiên của Việt Nam tại WTO là sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh), thép (Indonesia khởi xướng điều tra đối với sản phẩm thép cuộn nguội và DOC với sản phẩm ống thép), sợi và giày dép (Brazil khởi xướng).

Đó là còn chưa kể đến thị trường EU đối với các sản phẩm chủ lực như: giày mũ da, may mặc, chế biến gỗ... Mặc dù đã được gỡ bỏ, nhưng chưa có cơ sở chắc chắn các vụ kiện sẽ không tái diễn.

Trên thực tế, doanh nghiệp (DN) Việt Nam nếu bị kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá sẽ gặp rất nhiều bất lợi do việc kiện tụng thường tốn nhiều thời gian, tiền của và khả năng bị áp thuế cũng tương đối cao.

Hơn nữa, trong cam kết gia nhập WTO, Việt Nam phải chấp nhận bị xem là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm kể từ ngày gia nhập (tức đến năm 2018), ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết.

Chính vì vậy, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề (hiệp hội) cũng như các DN cần có sự phối hợp và tiếng nói chung trong chiến lược xuất khẩu, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban pháp chế - VCCI, nhận định.

Theo Hội đồng Tư vấn Phòng vệ thương mại (TRC), bảy tháng đầu năm 2011 đã có 40 vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ trên toàn thế giới. Trong đó, EU và Mỹ đứng đầu danh sách các quốc gia áp dụng nhiều biện pháp này nhất, với lần lượt là 13 và 10 vụ.

Theo ông Huỳnh, các vụ kiện có thể sẽ không chỉ diễn ra ở các mặt hàng truyền thống, ở những thị trường truyền thống, mà còn diễn ra trên nhiều thị trường khác.

Do vậy, DN không nên quá chú trọng sản xuất và xuất khẩu hàng giá rẻ vì đó chính là những nguyên nhân rất dễ dẫn đến các vụ kiện chống trợ cấp và chống bán phá giá.

Tuy nhiên, nếu thấy có nguy cơ bị kiện, DN cần phải chuẩn bị sẵn các điều kiện như: hồ sơ, sổ sách kế toán, cơ sở pháp lý cũng như có sự phối hợp chặt chẽ giữa các DN cùng ngành nghề để chuẩn bị theo kiện.

Có thể nói, đây là giai đoạn cần sự hỗ trợ của các hiệp hội nhiều nhất. Thế nên, phía hiệp hội cũng cần phải chủ động hướng dẫn DN chi tiết hơn về các điều kiện pháp lý cũng như kêu gọi, tập hợp các DN để đưa ra biện pháp phòng vệ tích cực.

Và vai trò của hiệp hội hơn lúc nào hết cần được thể hiện rõ trong trường hợp có khiếu kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Tất nhiên, để làm được điều này, Hiệp hội cần phải có đội ngũ đồng hành và luôn sát cánh cùng DN.

“Ngày hội thông tin về xuất khẩu vào thị trường EU” do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức vào đầu tháng 11 là hoạt động nằm trong dự án “Tăng cường năng lực về chính sách thương mại cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam” thuộc khuôn khổ của Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên Việt Nam - EU giai đoạn III (MUTRAP III).

Tại đây, ông Albert Franceskinj, luật sư điều hành Công ty Luật Fidal Franceskinj Chazard và Partners, cũng cho biết, với mong muốn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nên EU có nhiều quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu.

Vì vậy, DN không nên hoạt động riêng lẻ, mà cần liên kết theo nhóm, ngành hoặc tham gia các hiệp hội ngành nghề để được cung cấp thông tin, nhu cầu thị trường và có được sự hỗ trợ từ các phương tiện nhằm tìm hiểu thêm về các đối tác.

Theo Tổng cục Thống kê, mười tháng đầu năm 2011, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù theo nhận định của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế quý IV/2011 và năm 2012 có xu hướng giảm, trong đó EU là khu vực bất lợi cho xuất khẩu do tăng trưởng giảm sâu.

Nhưng với sự gia tăng về tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa trong ba quý đầu năm 2011, EU vẫn được đánh giá là thị trường quan trọng đối với các ngành da giày, may mặc, thủy sản, cà phê, đồ gỗ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gia tăng nguy cơ đối mặt với kiện tụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO