Đồ gỗ: Nhìn từ Đức

NGUYễN VĂN VY (Chánh văn phòng HAWA)| 06/07/2009 03:41

Từ ngày 13 - 26/5/2009, Hợp phần Chế biến thương mại và Tiếp thị lâm sản (PTM) thuộc Chương trình Lâm nghiệp Việt Nam - CHLB Đức (GTZ) cùng Mạng lưới Kinh doanh lâm sản Việt Nam (VFTN) đã tổ chức chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm ngành chế biến gỗ của CHLB Đức.

Đồ gỗ: Nhìn từ Đức

Từ ngày 13 - 26/5/2009, Hợp phần Chế biến thương mại và Tiếp thị lâm sản (PTM) thuộc Chương trình Lâm nghiệp Việt Nam - CHLB Đức (GTZ) cùng Mạng lưới Kinh doanh lâm sản Việt Nam (VFTN) đã tổ chức chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm ngành chế biến gỗ của CHLB Đức. Đoàn khảo sát bao gồm đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và giám đốc các DN chế biến gỗ hội viên HAWA.

Đoàn đã đến thăm và làm việc với Công ty Lâm nghiệp huyện Lower Saxony, tỉnh Sellhorn, tìm hiểu kinh nghiệm quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ. Các thành viên được chứng kiến quy trình chế biến gỗ ngay tại khu rừng tự nhiên, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ xẻ gỗ có cấp kính nhỏ. Đoàn đã thảo luận về những thông tin cập nhật nhất liên quan đến vấn đề cấp chứng chỉ FSC - CoC, PEFC tại trụ sở chính của Công ty tư vấn GFA.

Nguyễn Văn Vy (thứ 3 từ trái sang)

Đoàn còn tham dự hội chợ quốc tế về phụ kiện đồ gỗ INTERZUM và hội chợ máy móc thiết bị đồ gỗ LIGNA. Đây là hai trong những hội chợ lớn nhất thế giới về công nghệ chế biến đồ gỗ.

Theo đánh giá của nhiều DN trong đoàn, năng suất rất cao là điểm nổi bật nhất của các công ty đồ gỗ CHLB Đức, nhờ vào sự chuyên môn hóa trong các khâu sản xuất, đặc biệt là đội ngũ lao động được đào tạo bài bản và lành nghề. Thông thường, một công nhân hoặc một nhân viên kinh doanh làm việc ở một công ty chế biến gỗ phải được đào tạo ít nhất ba năm.

Ông Tạ Văn Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trường Thành cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ với năng suất của các công ty chế biến gỗ Đức, một số DN mà chúng tôi đến thăm chỉ có khoảng 100 - 110 lao động nhưng doanh số họ đạt được lại bằng hoặc hơn doanh số của một số nhà máy VN với khoảng 3.000 - 4.000 công nhân, mặc dù máy móc thiết bị giữa hai bên không có khoảng cách đáng kể về mức độ hiện đại. Đây là điểm mà DN VN cần phải học hỏi”. Ông Lê Văn Lương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ gỗ Đại Thành tâm đắc: “Các DN ở Đức đã tạo được sự khác biệt mới. Ý tưởng thiết kế của họ là rất tốt. Chúng tôi nhận ra rằng khi đi thực tế như thế này mới thấy được DN VN còn thua kém người Đức rất xa, cả về trình độ quản lý lẫn công nghệ”.

Còn theo chuyên gia của HAWA, ông Eberhard Goetz thì sự thông hiểu giữa giám đốc và nhân viên tại các công ty Đức là rất tuyệt vời. Người chủ DN đây nắm bắt công việc gần như hoàn hảo, mỗi công nhân cũng tường tận chuỗi quy trình sản xuất và họ có thể nhìn thấy trước khả năng tắc nghẽn ở bất kỳ công đoạn nào để điều chỉnh kịp thời. Người Đức phát triển nguồn nguyên liệu gỗ với chiến lược dài hơi, từ 100 đến 300 năm, do đó, các khu rừng đang khai thác đã được thế hệ trước trồng cách đây một, hai thế kỷ.

Tại hội chợ Interzum, mọi người rất quan tâm các sản phẩm cao cấp tích hợp các phụ kiện đồ gỗ hiện đại do Hafele hay Blum sản xuất, nhất là loại cửa và ngăn kéo đóng mở nhẹ nhàng hoặc tự động đóng mở khi chỉ chạm khẽ vào. Đặc biệt, đối với sản phẩm nội thất, hội chợ trưng bày rất nhiều loại ván veneer và ván MDF được xử lý bề mặt bằng công nghệ cao. Ngoài ra, hội chợ cũng giới thiệu nhiều chủng loại nguyên liệu gỗ khác nhau ngoài gỗ cứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồ gỗ: Nhìn từ Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO